TTCT - Những làng nông chài ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) ngày nay may mắn vẫn còn những chứng tích kỳ thú về một dạng văn hóa vật chất truyền thống của người Việt trong lịch sử chống ngoại xâm... Trần đắp (hỗn hợp đất với cỏ đế) chống cháy - Ảnh tác giả cung cấpNgười ta kể rằng giặc Tàu Ô thường xuyên rình rập ở vùng biển bắc Quảng Ngãi, hằng năm vào kỳ đông xuân thường đổ bộ lên đảo Bé rồi từ đảo Bé sang đảo Lớn cướp của, giết người, xong lại quay về đảo Bé ẩn núp trong hang đá. Vì vậy người ta mới gọi đó là hang Kẻ Cướp, một địa danh còn lưu đến ngày nay.Đó không phải là lời truyền ngôn mơ hồ, vô căn cứ, mà trong nhiều sử sách đã thấy ghi điều đó. Bộ sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn không bỏ qua những vụ việc cướp biển và biện pháp phòng chống.Huyện đảo Lý Sơn nằm cách đất liền khoảng 25 hải lý, có ba xã gồm An Hải, An Vĩnh (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé). Từ đảo Lý Sơn có thể quan sát và khống chế cả vùng biển của miền Trung, đồng thời còn là chốt tiền tiêu nằm án ngữ một trong những con đường quan trọng vươn ra biển Đông từ cảng Dung Quất và Khu kinh tế mở Chu Lai.Vì vậy, trong chương trình phát triển kinh tế của Quảng Ngãi, Lý Sơn được xác định là một trong những trung tâm nghề cá lớn của tỉnh, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt đối với việc bảo vệ quyền lãnh hải của quốc gia.Là vùng đất kế thừa văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm từ những thế kỷ đầu Công nguyên, vết tích văn hóa vật chất của họ để lại qua các dấu tích chứa trong tầng văn hóa lớp trên của di chỉ Xóm Ốc và suối Chình. Vào khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, cư dân Việt đến khai khẩn, lập làng trên đảo. Họ là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh gồm 15 vị tiền hiền của 15 dòng họ lớn di cư ra đảo phân chia khu vực cư trú ở phía đông và phía tây đảo Lý Sơn.Chung nhất vẫn là vùng bờ biển Việt Nam từ Bắc đến Trung, nhưng rõ nét nhất là vùng đảo Lý Sơn. Trong bài viết có nhan đề “Hải tặc ở Quảng Ngãi dưới thời Nguyễn” đã được nhà nghiên cứu văn hóa địa phương Cao Chư trích dẫn khá chi tiết nguồn sử của nhà Nguyễn “Đại Nam thực lục chính biên” về giặc Tàu Ô hoạt động ở đảo Lý Sơn:“Năm 1843, thuyền giặc có đến 20 chiếc đến đóng ở cửa Đại Chiêm (Quảng Nam), bị đánh đuổi, thuyền giặc qua cửa biển Sa Kỳ cướp lấy binh khí, lại đốt cháy các nhà dân cư ở Lý Sơn, bị hải quân triều đình đánh đắm hai chiếc”. Năm 1867 ̛̛“thuyền giặc biển 22 chiếc vào cửa Sa Kỳ lên trên cạn (hơn 300 tên), quân tỉnh Quảng Ngãi vì có ít nên quân viện ở tỉnh Man hợp lại cùng đánh...”.Tác giả Cao Chư cũng cho biết thêm chi tiết về cái hang mà bọn cướp biển thường hay ẩn núp ở đảo Bé (An Bình) thuộc đảo Lý Sơn nên người dân địa phương gọi là hang Kẻ Cướp.Phần mái hiên rộng thoáng để ngư dân ngồi thư giãn hoặc đan lưới...- Ảnh tác giả cung cấpMái tranh ngày trước đã được thay bằng ngóiLàm nhà chống giặc đốtTrong những năm 2009, 2010, 2012, tôi đến đảo Lý Sơn nhiều lần để tìm hiểu kiến trúc cổ truyền là nhà ở dân gian trên đảo. Khi phỏng vấn các vị cao niên trong làng về kiến trúc xưa có lớp đất đắp ở bên trên mà người địa phương gọi là nhà đắp, hầu như các cụ đều bảo là để chống giặc Tàu Ô đốt cháy.So sánh với những lần đi tìm hiểu loại kiến trúc này ở đất liền tại Quảng Nam là vùng trung du huyện Tiên Phước hay các ngôi nhà ở tỉnh Bình Định thì thấy kỹ thuật làm nhà với hai lớp mái này khá giống nhau, chỉ tên gọi là khác như nhà mái xông, bỏ đất, nhà lá mái. Những kiến trúc này được chủ nhân ngày trước ưa chuộng vì mục đích chính vẫn là chống cháy. Tuy nhiên, kiểu nhà này ở vùng gần đồi núi thì chủ yếu do sợ sét đánh hoặc do bất cẩn của con người thỉnh thoảng mới xảy ra.Còn tại đảo Lý Sơn, sét đánh gây hỏa hoạn hầu như không có. Qua khảo sát hệ thống nhà cổ trên đảo Lý Sơn, chúng tôi thống kê được khoảng 19 ngôi nhà rường làm bằng gỗ to lớn, chắc chắn, còn giữ nguyên kết cấu kiến trúc cũ cùng các chi tiết chạm khắc gỗ.Kỹ thuật làm nhà chống cháy ở đảo Lý Sơn khá đặc biệt. Phần mái, do ở thời điểm cách đây khoảng 50 năm rất khó có ngói lợp nhà vì xa trung tâm sản xuất ngói, giao thông cách trở (vùng hải đảo), ngói lại là vật liệu dễ vỡ, đắt đỏ, nên người dân vùng này sử dụng tối đa các vật liệu sẵn có tại địa phương để dựng nhà.Tre từ đất liền chở về bằng thuyền, chẻ nhỏ đan thành từng tấm rồi ngâm nước biển có khi đến ba tháng. Các tấm tre này được lắp vào trần nhà, được đỡ bằng những đà gỗ hoặc tre (giữ nguyên thân) cũng được ngâm nước biển, kế tiếp là một lớp đất bazan ở xung quanh miệng núi lửa có độ dẻo được nhào trộn với cỏ đế (mọc hoang) đắp lên trên. Lớp hỗn hợp đất - cỏ này được nén chặt bằng chày, búa gỗ cho đến khi đạt được độ dày khoảng 8-10cm.Đa số những ngôi nhà lá mái ở đảo Lý Sơn có trần bằng những tấm ván gỗ dày 3cm ghép lại thay cho tre ngâm.Hiện nay hầu như không còn nhà lá mái nào ở huyện đảo Lý Sơn còn giữ được phần mái tranh, đa số được lợp bằng ngói mới hoặc tấm lợp fibrô ximăng. Qua tìm hiểu từ những chủ nhân lớn tuổi, ngày trước các mái nhà đều lợp tranh. Nguồn vật liệu này chủ yếu lấy từ đất liền, một phần nhỏ khai thác tại chỗ.Để đỡ lớp mái tranh (dày từ 15-20cm), người dân xứ đảo làm bộ khung tre đỡ mái có đầy đủ rui, mè, đòn tay, kèo. Bộ khung này được nâng lên cách mái đất từ 60-110cm (vị trí nóc) bằng nhiều đoạn gỗ, tre ngắn chống trực tiếp trên mái đất, vững vàng hơn là các đầu cột bên dưới được tính toán độ cao đủ vượt qua khỏi lớp đất và liên kết với các thanh dầm, kèo tre bên trên. Ở các vị trí này đều có đắp ụ đất để tránh xô lệch.Là loại nhà rường, hầu như toàn bộ khung nhà, mái đất, mái tranh đều chịu lực trên các cột gỗ kê trên đá tán. Vậy nên, phần thân/vách nhà nếu là kết cấu bằng đất cũng không hề gì. Có thành phần kết cấu như nhà vách đất thông dụng ở đất liền gồm thân cây săng (*) đặt đứng theo chiều cao nhà gọi là cây mầm, tre cũng được ngâm bùn chẻ nhỏ đặt ngang theo chiều dài nhà gọi là cây trĩ.Cây săng và tre được liên kết với nhau bằng dây đay (loại dây dùng để đan lưới đánh cá) tạo ô có kích thước 10x10cm (phần lõi được làm bằng đất trộn rơm). Tuy nhiên có nhà thêm phần bao đặc biệt, thay vì dùng những nguyên liệu phải lấy từ đất liền quá khó khăn, dân đảo khai thác nguồn nguyên vật liệu tại chỗ như đá san hô, đá núi lửa, sử dụng chất liên kết gồm vôi, nhựa cây bời lời, dây tơ hồng.Các kết cấu có nguyên liệu là mộc, thảo dễ cháy nhưng nhờ thổ là lớp đất cách ly nên khi mái lá trên cháy, mái đất bên dưới sẽ cách ly ngọn lửa. Cẩn thận hơn, các ngư dân cất giữ của cải ở bên dưới sàn gỗ (rầm hạ) trong nhà nên nếu giặc đến không cướp được gì, có tức giận đốt nhà thì vẫn còn nhà ở và của cải tích lũy để tiếp tục sinh sống.Nhà đắp (tên thông dụng là nhà lá mái) do vậy vừa là loại kiến trúc độc đáo có nguồn nguyên liệu tại chỗ với công năng chống hỏa hoạn nhất là do giặc đến từ biển gây nên, vừa là một kiến trúc vững chắc (chống bão nhờ lớp đất nặng ở trần mái), chống nóng hữu hiệu, đồng thời cũng là tác phẩm mỹ thuật với đặc trưng của nhà rường miền Trung.Vì vậy, rất cần sự chú ý nhiều hơn cho việc bảo tồn loại nhà này, như những minh chứng một giai đoạn lịch sử của ngư dân chống ngoại xâm song hành với những người đi tiên phong trong đội hùng binh Hoàng Sa ngày trước đi giữ chủ quyền.Danh sách nhà lá mái ở huyện đảo Lý Sơn đã khảo sát:- Nhà ông Lê Lý, thôn Tây An Hải- Nhà ông Dương Định, thôn Tây An Hải- Nhà ông Bùi Đồn, thôn Tây An Hải- Nhà bà Dương Thị Hường, thôn Tây An Hải- Nhà ông Nguyễn Hạp, thôn Đông An Hải- Nhà ông Trương Đạt, thôn Đông An Hải- Nhà ông Nguyễn Cứu, thôn Đông An Vĩnh- Nhà ông Võ Hiển Đạt, thôn Tây An Vĩnh- Nhà ông Dương Pháp, thôn Tây An Hải- Về niên đại: Những ngôi nhà lá mái ở đảo Lý Sơn sớm nhất là cuối thế kỷ 19, muộn nhất vào năm 1962.- Nguồn gốc (mua từ đất liền): Đức Phổ, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi); Tam Kỳ (Quảng Nam).(*): Loại cây thân gỗ, nhỏ được cột lại thành bó kẹp theo các mạn thuyền buôn bán đưa từ vùng biển phía Nam về. Tags: Lý SơnQuảng NgãiLàm nhà chống giặc Tàu Ô
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.