TTCT - Lướt qua nhiều trang báo lớn và website của các tổ chức tài chính hay hãng thăm dò dư luận, dễ thấy một sự đồng thuận cho rằng lạm phát toàn cầu đã chạm đỉnh, nên sẽ bắt đầu đi xuống. Một phụ nữ rảo bước qua mặt trước của một cửa hàng treo biển giảm giá tới 70% tại Birmingham, Vương quốc Anh, ngày 23-11-2022. Ảnh: Getty ImagesNhưng vấn đề là lạm phát sẽ xuống đến đâu và quá trình ấy diễn ra bao lâu thì chưa có câu trả lời xác quyết. Nhận định chung của nhiều chuyên gia, tổ chức là dù giảm, lạm phát sẽ không về tới mức kỳ vọng của các ngân hàng trung ương lớn, tức khoảng 2%.Áp lực giá đã giảmCuối tuần qua, những hãng tin lớn chuyên về kinh tế tài chính như Financial Times, Bloomberg hay The Economist đều cho rằng việc các chỉ số chính yếu như giá hàng xuất xưởng, cước vận tải, giá hàng hóa và dự báo lạm phát đều đã giảm so với các mức kỷ lục vừa thiết lập gần đây cho thấy có lẽ lạm phát toàn cầu đã chạm đỉnh và sẽ hạ dần trong những tháng tới.Theo các nhà kinh tế học, những chỉ số chủ chốt nói trên cho thấy áp lực giá cả với các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được "xả" bớt. Đây thực sự là tin tốt lành cho các ngân hàng trung ương lớn sau khi phải liên tục nâng lãi suất cơ bản để kiềm lạm phát, chấp nhận cả rủi ro có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái."Lạm phát chắc chắn đã lên tới đỉnh rồi" - ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Moody’s Analytics, nhận định với Financial Times cuối tháng 11. Chuyên gia này cũng cho rằng việc nới bớt sức ép giá cả và tình trạng "thắt cổ chai" của chuỗi cung ứng là tín hiệu báo trước về mức độ ổn định hơn sắp tới của giá cả tiêu dùng. Theo ước tính của Moody’s, trong tháng 10-2022, lạm phát toàn cầu đã leo lên mức kỷ lục 12,1%.Còn theo Công ty Capital Economics có trụ sở tại London, Anh, lạm phát đã chạm đỉnh ở khắp các thị trường mới nổi khi giá tiêu dùng giảm tại Brazil, Thái Lan hay Chile. Dữ liệu gần đây cho thấy sức ép giá cả cũng giảm ở các nước phát triển. Tại Đức chẳng hạn, giá hàng xuất xưởng trong tháng 10 giảm 4,2% so với tháng trước, mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ năm 1948.Gần như tất cả các nước thành viên nhóm G20 công bố chỉ số giá sản xuất trong tháng 10 đều ghi nhận tốc độ tăng so với cùng kỳ năm ngoái chậm hơn tháng trước. Chỉ số giá sản xuất này (viết tắt là PPI) phản ánh những thay đổi bình quân trong giá mọi hàng hóa và dịch vụ của người sản xuất ở tất cả các khâu của quá trình chế tạo.Tuy nhiên với các nhà hoạch định chính sách, theo nhà kinh tế trưởng Tom Orlik của Bloomberg, lạm phát đã chạm đỉnh "không có nghĩa điều tồi tệ nhất đã qua". "Ngay cả khi chỉ số giá tiêu dùng từ từ hạ xuống, chúng vẫn duy trì ở mức cao hơn so với vùng an toàn của các ngân hàng trung ương, từ đó vẫn cần phải siết chặt thêm dù khi nguy cơ suy thoái đã hiển hiện," ông Orlik nói.Ảnh: VoxLạm phát còn nhức nhối năm sau?Một số kinh tế gia thận trọng cho rằng việc giá năng lượng vẫn ở mức cao có thể khiến tốc độ giảm lạm phát chậm lại. Bà Susannah Streeter, chuyên gia cao cấp về đầu tư và thị trường tại Công ty tài chính Hargreaves Lansdown, nhận định: "Giá dầu chắc chắn vẫn rất nhạy cảm do hạn chế nguồn cung, và lệnh cấm của EU với dầu Nga tiếp tục là nhân tố làm tăng lạm phát ở Anh và khối đồng euro".Giá năng lượng và nhiều hàng hóa khác cũng có thể tăng trở lại nếu nền kinh tế Trung Quốc mở cửa và phục hồi mạnh mẽ, hoặc Nga cắt giảm thêm lượng xuất khẩu để trả đũa phương Tây vì đã áp giá trần với dầu và khí đốt của họ.Bloomberg nhận định dù đã có tín hiệu chạm đỉnh ở mức gần hai con số và đang đi xuống, tới năm 2023 lạm phát vẫn sẽ là vấn đề nhức nhối với các ngân hàng trung ương. Bloomberg ước tính lạm phát toàn cầu vào ba tháng cuối năm nay là 9,5% và tới cuối năm 2023 vẫn là 5,3%. "Đừng hy vọng lạm phát sẽ hạ xuống mức 2% nhanh chóng" - bà Katharine Neiss, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Âu của Công ty PGIM Fixed Income, nêu quan điểm. Bà Neiss cũng cảnh báo lạm phát cơ bản (lạm phát không tính một số mặt hàng dễ thay đổi giá như năng lượng và lương thực) sẽ tiếp tục tăng và chỉ chạm đỉnh trong một thời gian nữa tại nhiều nước.Về cảm nhận của người dân, thăm dò thực hiện tại 36 quốc gia do Ipsos công bố ngày 29-11 cho thấy tới 7/10 những người tham gia khảo sát tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm tới. Những lo lắng về suy thoái kinh tế cũng thể hiện phần nào qua thông tin mà The Economist trích dẫn: trong tháng 6-2022, số lượt tìm kiếm từ khóa "suy thoái" (recession) vọt lên gần mức cao kỷ lục. ■Lương thực: khủng hoảng nguồn cung hay khủng hoảng giá?Thời gian qua tại nhiều quốc gia, một số lượng lớn người dân phải sống cảnh giật gấu vá vai vì phần lớn thu nhập của họ phải chi cho đồ ăn thức uống trong bối cảnh giá thực phẩm tăng chóng mặt. Đơn cử tại Anh, theo số liệu của chuỗi siêu thị Asda, sau khi thanh toán các loại hóa đơn dịch vụ và nhu yếu phẩm, hơn một nửa hộ gia đình chỉ còn lại số tiền khoảng 2,66 bảng Anh (3,27 USD) mỗi tuần. Theo số liệu công bố ngày 25-10 vừa qua của Cơ quan Thống kê quốc gia Anh, giá thực phẩm cơ bản đã tăng 17% so với năm ngoái, cá biệt một số mặt hàng như mì ống (pasta) tăng đến 60%.Các nguyên nhân quen thuộc vẫn thường được nêu ra là cuộc chiến Ukraine, thời tiết cực đoan ảnh hưởng tới năng suất nông nghiệp, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động… Tuy nhiên trong bài viết đăng trên trang Conversation, bà Sophie van Huellen - giảng viên kinh tế phát triển, Đại học Manchester - chỉ ra một yếu tố quan trọng khác: nạn đầu cơ tài chính trong lĩnh vực thực phẩm.Theo bài báo, những nguyên nhân quen thuộc thường được nêu chưa thể giải thích thấu đáo các đợt tăng giá lương thực gần đây. Về nguồn cung, Trung Quốc và Mỹ đã có một mùa ngũ cốc bội thu các năm 2021 và 2022. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc cũng dự báo nguồn cung ngũ cốc dồi dào trong các năm 2022 và 2023. Tất cả nêu ra câu hỏi liệu giá lương thực tăng cao có phải chỉ vì thiếu hụt nguồn cung?Bà Van Huellen nhắc lại cuộc khủng hoảng lương thực lớn hồi năm 2008, khi đầu cơ tài chính với các sản phẩm phái sinh liên quan tới lương thực được coi là một nguyên nhân quan trọng. Nghiên cứu của bà về cuộc khủng hoảng lương thực 2008 cho thấy hiện giờ thế giới rất có thể đang trải qua một cuộc khủng hoảng tương tự: vấn đề là giá lương thực bị thao túng, chứ không phải nguồn cung.Khi giá lương thực tăng cao, xuất hiện đe dọa với an ninh lương thực toàn cầu, các công ty buôn bán thực phẩm lớn thu lợi nhuận khủng. Nhưng họ kiếm lời không chỉ từ giao dịch hàng hóa hữu hình (thu gom và bán hàng số lượng lớn), mà còn qua các khoản đầu tư sản phẩm chứng khoán hóa có nền tảng là các hợp đồng mua bán lương thực trên thị trường tài chính.Giá lương thực tăng cao gây rủi ro lớn với các nước lệ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, việc các nước giàu "tích cốc phòng cơ" cũng là tác nhân làm căng thẳng nguồn cung. Như thế giới đã chứng kiến trong các năm 2007-2008, tình trạng đầu cơ đã gây ra sự đứt kết nối giữa cung và cầu trên thực tế, gây ra những hậu quả thảm khốc với an ninh lương thực toàn cầu. Tags: Vương quốc AnhChuỗi cung ứngLạm phátTổ chức tài chínhKinh tế tài chínhThăm dò dư luậnGiá tiêu dùngKhủng hoảng lương thựcAn ninh lương thựcThị trường tài chínhChỉ số giá tiêu dùngSuy thoái kinh tếCông ty tài chínhGiá thực phẩm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.