TTCT - Những người phản đối các dự án lấn biển thần tốc cho rằng chính lợi nhuận chứ không phải những lo lắng về khí hậu, là động lực cho xu thế xây đảo rầm rộ ở nhiều nơi. Ảnh: RapplerMặc dù trong nhiều thế kỷ qua, nhân loại nói chung vẫn luôn phải tôn cao các nền đất so với mực nước biển để định cư và phòng chống thiên tai, một nghiên cứu cho rằng chính nhu cầu về các khu nhà ở/biệt thự hạng sang ven biển mới là "chất xúc tác" cho "quá trình chuyển đổi đô thị" mới đang "nở nồi" dọc theo các vùng duyên hải trên thế giới.Theo nghiên cứu "Sơ đồ hóa tình hình lấn biển toàn cầu trong thế kỷ 21" công bố hồi tháng 2 trên tạp chí Earth's Future, trong giai đoạn 2000-2020, diện tích đất ven biển trên Trái đất đã được mở rộng thêm tổng cộng khoảng 253.000ha từ các dự án lấn biển của 135 thành phố có dân số nhiều hơn 1 triệu người. Gần 80% (106/135) các thành phố này coi lấn biển là một "nguồn cung đất mới". Hoạt động lấn biển hiện nay đặc biệt phổ biến ở Đông Á, Trung Đông và Đông Nam Á, kế đó là Tây Âu và Tây Phi.Tranh cãi về đảo nhân tạo ở Đan MạchỞ gần cảng Copenhagen, Lynetteholm - một dự án đảo nhân tạo rộng khoảng 260ha - đang được xây dựng để làm lá chắn bảo vệ thủ đô Đan Mạch (vốn nằm trên nền đất thấp) khỏi nguy cơ ngập lụt vì nước biển dâng cao trong thời tiết mưa bão.Mặc dù được phê chuẩn từ năm 2021 với những hứa hẹn mang lại rất nhiều lợi ích - từ phòng vệ trước lũ lụt, mang lại không gian cư trú mới, cho tới tiền bạc để nâng cấp thành phố - Lynetteholm đang là một trong những dự án liên quan khí hậu gây tranh cãi nhiều nhất ở châu Âu. Từ giới khoa học đến cư dân thành phố đều cho rằng chính quyền đã phớt lờ những tổn thất mà dự án xây dựng lớn nhất cho tới nay này của Đan Mạch có thể gây ra với môi trường, cũng như tình trạng ô nhiễm carbon mà nó sẽ tạo ra. Ngoài ra, theo tạp chí Time, hồi đầu năm nay một nhóm các nhà khoa học độc lập cố vấn cho Chính phủ Đan Mạch đã cảnh báo Lynetteholm có thể sẽ khử mặn biển Baltic - vùng biển Đan Mạch chia sẻ với tám nước khác - và kéo theo những hậu quả khôn lường về hệ sinh thái. Nguyên nhân là do Lynetteholm được xây dựng trên Øresund - một eo biển tương đối hẹp kết nối Đại Tây Dương với biển Baltic thông qua biển Bắc. Việc xây dựng đảo nhân tạo đã chặn lại một trong ba rãnh đại dương (undersea trenche) mà nước biển mặn của Đại Tây Dương sẽ qua đó để đổ vào Baltic. Tháng 3-2023, một hiệp hội các nhóm chiến dịch vận động đã nộp đơn đề nghị tòa án ra phán quyết dừng triển khai Lynetteholm cho tới khi giải quyết được những lo ngại về vấn đề khử mặn nước biển.Toàn cảnh dự án đảo nhân tạo Lynetteholm gây tranh cãi ở Đan Mạch, ảnh chụp vào tháng 1-2023. Ảnh: By&HavnDĩ nhiên không phải ai cũng đồng thuận với quan điểm này. Một đánh giá của Viện Thủy lực Đan Mạch cho rằng ảnh hưởng của Lynetteholm với biển Baltic là nhỏ. Còn Công ty By&Havn - đơn vị xây dựng đảo nhân tạo - nói vấn đề này đã được giải quyết để làm hài lòng Thụy Điển, nước láng giềng sát vách với Đan Mạch.Tuy nhiên các nhà hoạt động khí hậu hy vọng vấn đề độ mặn của nước biển có thể ngăn cản dự án đảo nhân tạo. Hiệp hội Phong trào khí hậu Đan Mạch đã kiện Bộ Giao thông vận tải Đan Mạch, đơn vị có chung trách nhiệm với chính quyền thành phố Copenhagen trong quyết định phê chuẩn dự án Lynetteholm vào năm 2021. Hiệp hội cho rằng dự án này đã được thông qua vội vã mà không có những tính toán đầy đủ về tác động tới môi trường của nó cũng như các mục tiêu khí hậu của Đan Mạch.Lấn biển - hiện tượng toàn cầuỞ nhiều nơi trên thế giới, việc lấn biển ngày càng được ngợi ca như một giải pháp chống biến đổi khí hậu. Chính phủ Maldives đang bảo vệ cho một chiến dịch vận động xây đảo để thay cho phần diện tích đất đã bị mất vì nước biển dâng nhanh. Tại Nigeria, những bước hoàn thiện cuối cùng cũng đang diễn ra ở thành phố Eko Atlantic rộng 2.600ha xây trên diện tích đất "khai hoang" từ Đại Tây Dương và được cho là sẽ bảo vệ thành phố Lagos khỏi bị xói mòn.Theo nghiên cứu nhắc ở đầu bài, cách thức sử dụng phổ biến nhất với khoảng 253.000ha diện tích đất ven biển tăng thêm nhờ lấn biển từ2000-2020 là mở rộng cảng biển (hơn 70 thành phố làm vậy), xây dựng các khu nhà ở hoặc dành cho thương mại (30 thành phố) và phát triển công nghiệp (19 thành phố).Tuy nhiên các nhà khoa học cảnh báo những dự án lấn biển đang được thúc đẩy quá nhanh mà không đánh giá và cân nhắc kỹ lưỡng về nguy cơ tác động tới các hệ sinh thái ven biển dễ tổn thương. Những người dân sống gần các dự án đó đã chỉ ra các hậu quả nghiêm trọng ngoài dự tính, không chỉ với sinh vật biển - như nỗi lo ở Copenhagen - mà còn cả với sinh kế của ngư dân và các dạng thức xói mòn ven biển.Tòa nhà Burj Al Arab và khu dân cư Palm Jumeriah ở UAE. Ảnh: Robert Harding/Alamy Stock PhotoVề động lực cho xu thế lấn biển ở các nước, các nhà khoa học nhận thấy mặc dù những lý do như chống biến đổi khí hậu, thương mại toàn cầu gia tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng là đáng kể, song còn một động lực lớn khác đang nổi lên gần đây: khát vọng của nhiều đô thị muốn trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới, theo đó cần có thêm các không gian xanh, thu hút du khách. Nói cách khác, những người phản đối các dự án lấn biển thần tốc cho rằng chính lợi nhuận chứ không phải những lo lắng về khí hậu, là động lực cho xu thế xây đảo rầm rộ ở nhiều nơi. Trở lại với Lynetteholm, dự án này dự kiến được cấp phép xây dựng 35.000 ngôi nhà vào năm 2070. Những người phản đối nó cho rằng đó là cơ hội để người ta bán những mảnh đất giá cao đó cho các nhà thầu đã thuyết phục được giới chính trị gia ủng hộ việc xây đảo thay vì các biện pháp phòng chống ngập lụt ít tranh cãi hơn. Bà Sarah Moser, phó giáo sư khoa địa lý tại Đại học McGill, còn nói thẳng là dự án Lynetteholm "khá điển hình trong một thời đại mà các dự án lấn biển được hợp thức hóa như là những giải pháp khí hậu".Nguy cơ nào với đất lấn biển?Một lưu ý mang tính cảnh báo rất đáng chú ý của nghiên cứu trên Earth's Future là có tới 70% các dự án lấn biển gần đây nằm trên những khu vực vốn được xác định có nguy cơ cao sẽ đối mặt với tình trạng nước biển dâng cực đoan trong giai đoạn từ năm 2046 đến 2100. Điều này đặt ra một thách thức đáng kể cho vấn đề phát triển bền vững ở các khu vực ven biển.Bà Young Rae Choi - chuyên gia về quản lý bờ biển và sinh vật biển thuộc Đại học Quốc tế Florida (Mỹ) và là một trong các tác giả của nghiên cứu - cho rằng cho mãi tới gần đây, các dự án lấn biển vẫn còn chưa thực sự tính đến những nguy cơ từ nước biển dâng có liên quan tới biến đổi khí hậu. Mặc dù hiện nay các kỹ sư đã bắt đầu có những cân nhắc tới các dự án tương lai trong khi hoạch định những dự án mới, song bà Choi cho rằng về tổng thể, "nếu mọi người nghĩ về các khu đất mới được lấn thêm trong 20 năm qua, chúng hiện không thực sự được chuẩn bị để ứng phó với nước biển dâng".Chuyên gia này chỉ ra thực tế ngay tại thời điểm này "chúng ta đã chứng kiến một số khu đô thị mới xây bắt đầu bị ngập lụt". Bà lấy ví dụ về khu Marine City (ở Busan, Hàn Quốc), một khu dân cư chiếm phần lớn là các tòa nhà chọc trời, trong thập niên qua đã liên tục hứng chịu các cơn bão lớn, sóng biển đã tràn qua các dải đê kè và nhấn chìm những đường phố gần đó.Ảnh: mbt.mvCũng theo bà Choi, rất nhiều dự án lấn biển khổng lồ đang được triển khai mang danh nghĩa là những công trình phát triển thân thiện với môi trường, chủ yếu ở Trung Quốc như các dự án "eco-city" tại Thiên Tân, Đường Sơn, và các dự án khác ở châu Á và Trung Đông. Đúng là các dự án này có các yếu tố thân thiện môi trường, như các vùng đất ngập nước được cải tạo, hạ tầng tiết kiệm năng lượng hay các khu rừng đước được phục hồi…, song nghiên cứu trên Earth's Future chỉ ra chúng đã phá hủy nhiều khu đầm lầy và rừng ngập mặn ven biển. Theo ông Fredrick Leong - giám đốc điều hành phụ trách về môi trường và kế hoạch tại Công ty kỹ thuật và thiết kế Aurecon (Úc), lấn biển còn có thể gây ra một hậu quả nghiêm trọng nữa là cạn kiệt nguồn cát, góp phần hủy hoại môi trường sống và các khu vực sinh sản của nhiều loài sinh vật... Thời gian qua, sau khi nhiều nước (bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia và Việt Nam) cấm xuất khẩu cát dùng cho những dự án lấn biển, nhiều công ty xây dựng chuyển sang khai thác cát và bùn từ đáy biển, từ đó cũng phá hủy luôn hệ sinh thái ở khu vực này. Phản ứng của nướcMối quan hệ giữa việc thiết kế, xây dựng các dự án lấn biển và phản ứng của nước trong môi trường đại dương là rất phức tạp. Để bền vững, cần có mối quan hệ cộng sinh với các vùng nước đó và nếu tùy tiện áp đặt ý muốn lên đại dương, con người có thể phải hứng chịu những cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên. Có thể nói các vấn đề như: phản ứng của nước biển (bao gồm ngập do triều cường, mực nước biển dâng…), sự kết nối với những vùng đất ngập nước, sự đa dạng sinh học biển sẽ chất vấn sự thành công hay thất bại của các dự án lấn biển trong những bối cảnh xem xét khác nhau.Bất chấp những lợi ích mang lại cho các thành phố và cuộc cách mạng trong những phương pháp triển khai, các dự án lấn biển vẫn sẽ gây ra ảnh hưởng tất yếu tới cấu trúc cũng như sự phản ứng của đại dương. Các nghiên cứu đã chỉ ra việc lấn biển có thể làm thay đổi độ dốc bề mặt đáy đại dương, thay đổi những đặc tính của thủy triều như biên độ, dòng chảy… Khi các dòng chảy tự nhiên trên biển bị cản trở, nước sẽ "tự tìm lối đi riêng" bằng cách tăng áp lực dòng chảy và thủy triều, chuyển sang hướng khác một cách tự nhiên với cường độ dòng chảy mạnh hơn. Đây chính là phản ứng cơ bản của nước với các dự án lấn biển và nó sẽ quyết định sự thành công, mức độ ảnh hưởng tới môi trường cũng như sự bền vững của các dự án lấn biển. Tags: Lấn biểnMực nước biểnPhòng chống thiên taiĐảo nhân tạoNước biển dângTình trạng ô nhiễmKhí hậuBiến đổi khí hậu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cờ đỏ sao vàng, mũ cối và tình cảm dành cho Bác Hồ tại Cộng hòa Dominica DUY LINH 22/11/2024 Người dân Cộng hòa Dominica, với những chiếc mũ cối cùng cờ đỏ sao vàng, đã xuất hiện tại công viên Hồ Chí Minh để chào đón các vị khách quý ngày 21-11.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...