TTCT - Đọc Trò chuyện triết học (*), người ta có cảm tưởng đang bước lên những bậc thang ngày càng cao của “tháp ngà triết học”, không phải để tách rời khỏi xã hội mà để nhìn qua các cửa sổ thấy được thế giới nhiều hơn, xa hơn và để trở lại hiểu xã hội nhiều hơn. Phóng to 1. Triết học đã ngự trị trong văn minh phương Tây hơn 2.000 năm. Nguồn gốc của nó là sự tò mò, đặt vấn đề với một nỗi ưu tư nhất định về sự tồn tại của con người và thế giới, với lòng yêu minh triết: "Sự ngạc nhiên là thái độ của một con người yêu mến minh triết đích thực, vâng, không có khởi nguồn nào khác của triết học hơn là sự khởi nguồn bằng sự ngạc nhiên này" (Platon, Theaitetos). Hay: "Sự ngạc nhiên khiến trước tiên con người đi đến triết lý" (Aristote, Metaphysik). Lúc đó triết học xuất hiện. Tò mò để rồi vươn lên nhận thức và ý tưởng, và mỗi nhận thức triết học là một bước sự giải phóng con người khỏi hang động vô minh, như Platon nói. Einstein có lẽ là một thí dụ điển hình là tiếng vọng của sự ngạc nhiên nguyên thủy và tinh anh vốn là bản chất của con người mà Platon và Aristote vừa nói. Ông có sức ngạc nhiên phi thường trước cái bí ẩn, vẻ đẹp của tạo hóa, và cho rằng nếu ai "không còn khả năng ngạc nhiên, sửng sốt trước nó, thì người đó coi như đã chết, ánh mắt đã tắt lịm đi" (xem Einstein, Nguyễn Xuân Xanh, NXB Thành phố). Chính sự ngạc nhiên và ưu tư đã dẫn ông đến những khám phá kỳ diệu của thế kỷ. Đọc Trò chuyện triết học, người ta có cảm tưởng đang bước lên những bậc thang ngày càng cao của “tháp ngà triết học”, không phải để tách rời khỏi xã hội, mà để nhìn qua các cửa sổ thấy được thế giới nhiều hơn, xa hơn và để trở lại hiểu xã hội nhiều hơn. Quyển sách có tính học thuật cao mà lại bình dị, xen lẫn với những vần thơ Việt Nam tươi mát.2. Triết học dính gì với cuộc đời? Dính nhiều thứ chứ. Nó phục vụ cho "đa mục đích" của xã hội. Triết học có tham vọng là khoa học toàn cục. Wilhelm von Humboldt cũng cho rằng khoa học phải là cái thống nhất, bao trùm, tức là triết học. Con người không bao giờ hài lòng với những tri thức bị phân mảnh, hay với những tri thức đang có. Lý thuyết dây, hay cuộc truy tìm hạt Higgs hiện tại cũng xuất phát từ sự tò mò vô hạn của con người về cái toàn thể. Einstein được xem là nhà triết học tự nhiên nổi bật trong các nhà khoa học của thế kỷ 20. Ông không phải chỉ biết làm toán bằng các công cụ toán học, mà bằng con mắt triết học trước tiên. Einstein nhìn triết học: Triết học giống như một bà mẹ đã sinh ra và trang bị tất cả các ngành khoa học còn lại. Người ta vì thế không nên đánh giá thấp bà mẹ ấy trong sự nghèo khổ và trần truồng, mà phải hi vọng rằng cũng vẫn còn chút lý tưởng Don-Quichote hiện thân trong lũ con của bà để chúng không trở thành những kẻ nhỏ nhen (sđd). 3. Triết học phương Tây bao hàm một môn học rất quan trọng, đó là tranh luận (disputation) và logic vốn thấm nhuần trong các chương trình học. Thuật hùng biện là một trong bảy môn học căn bản của giáo dục phương Tây. Chân lý phải được luôn luôn thử thách. Và thực tế mọi chân lý trong xã hội phương Tây đều phải trải qua những cuộc thử thách của xã hội. Humboldt diễn tả điều này khi nói: "Chân lý là cái mãi mãi phải đi tìm". Những điều này thiếu vắng ở văn hóa phương Đông. Cái học phương Đông nặng về học tư liệu (documentary learning). Nhà khai sáng Nhật Bản Fukuzawa Yukichi khi tiếp xúc văn minh phương Tây mới ngạc nhiên thấy trong xã hội Nhật Bản không có chữ tranh luận, một thiếu sót lớn cho sự phát triển xã hội. Rồi ông tổ chức cho sinh viên tập tranh luận công khai. Cũng có lúc triết học cũng phải bất lực, chẳng hạn đối với những vấn đề vật lý hóc búa của nửa đầu thế kỷ 20 như thuyết tương đối hay vật lý lượng tử. Ở đây Einstein cho rằng "Nhà vật lý không thể đơn giản giao phó sự trăn trở về những vấn đề nền tảng có tính cách lý thuyết cho nhà triết học; bởi vì anh ta (nhà vật lý) biết tốt nhất và cảm thấy rõ nhất chiếc giày bó đâu ở dưới chân". Dĩ nhiên khoa học và triết học bổ sung nhau. Những nhà vật lý thế kỷ 20 trong chừng mực nào đó thực tế đã hóa thân thành những nhà triết học: Einstein, Planck, Bohr, Heisenberg, Schrödinger. Khi nghe những lời than phiền tại sao thế hệ chúng ta không có những nhà triết học lớn thì Adolf Harnack - một nhà thần học, giáo sư tại Đại học Berlin và là chủ tịch đầu tiên Trung tâm nghiên cứu Kaiser Wilhelm (sau này là Max Planck) - bấy giờ trả lời: Có chứ, họ bây giờ không ngồi trong phân khoa triết nữa mà ngồi trong phân khoa vật lý với những tên như Planck, Einstein (sđd). 4. Với sự tích lũy tám năm qua và một chuỗi công bố những tác phẩm kinh điển của triết học cổ điển Đức, với những cố gắng và năng lực phi thường, bắt đầu từ quyển kinh điển Phê phán lý tính thuần túy của Immanual Kant năm 2004, tác phẩm triết học thế giới đầu tiên ở Việt Nam đã đem lại cho Bùi Văn Nam Sơn giải Phan Châu Trinh rất xứng đáng. Trò chuyện triết học bốn trăm trang được viết cho đại chúng của tác giả có thể nói đánh dấu một sự kiện có ý nghĩa trong sinh hoạt trí thức của thành phố: như một làn gió mát thổi qua. Quyển sách không chỉ là "bữa tiệc triết học" hoành tráng để thưởng lãm, mà quan trọng hơn nó có tác dụng như một thứ hoạt chất kích thích tư duy nói chung, trong bối cảnh đình trệ tư duy và tinh thần bế tắc của xã hội. Tư duy là điều kiện tiên quyết để có xã hội tri thức. Một xã hội không tư duy triết học là nghèo nàn, như con thuyền thiếu bánh lái. Muốn làm toán phải học toán, thì cũng thế, ở đây muốn triết lý thì phải học triết học là điều căn bản. Plutarch, sống trong thế kỷ đầu sau Công nguyên, nói rằng thuốc men và thể dục phục vụ sức khỏe con người khi đau ốm hoặc làm cho nó khỏe thêm. Nhưng khi tâm hồn yếu đuối hay phiền não thì triết học là liều thuốc duy nhất cần phải được kê toa. Cho nên, theo ông, cần phải đặt triết học lên hàng đầu của mọi nền văn hóa. Một xã hội có nhiều "yếu đuối" và "phiền não" lại cần triết học hơn. NGUYỄN XUÂN XANH __________ (*): Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn, NXB Tri Thức và Công ty sách Thời Ðại phát hành tháng 6-2012. Tags: Triết họcĐọc sách cùng bạn
Tái hiện thời khắc Hà Nội rợp cờ hoa đón đoàn quân giải phóng 70 năm trước PHẠM TUẤN 06/10/2024 Điểm nhấn ấn tượng là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của thủ đô và đất nước ngày 10-10-1954.
Khách xếp hàng dài chờ vào lễ hội Vietnam Phở Festival tại Seoul NHƯ BÌNH 06/10/2024 Vietnam Phở Festival tại Seoul bước sang ngày thứ 2 tiếp tục thu hút đông đảo thực khách ở Hàn Quốc.
Bỏ quy định công an phải công khai kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm giao thông HỒNG QUANG 06/10/2024 Theo Bộ Công an, việc công khai kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm hành chính đang bị lợi dụng gây khó khăn cho CSGT làm công tác trên đường.
GDP 9 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 6,82% BẢO NGỌC 06/10/2024 Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2024 tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng trưởng GDP quý 3 đạt 7,4%.