TTCT - Chạy xe ôm, giao hàng - những công việc từng được xem là lao động không đòi hỏi kỹ năng cao và thu nhập bèo bọt - ngày nay lại trở nên “thời thượng” trong nền kinh tế chia sẻ. Nhưng vẻ bề ngoài “tự do” đó che giấu không ít bất công và đau khổ. Biểu tình phản đối Uber và Lyft ở thành phố New York. Ảnh: USA Today Những câu chuyện ghi nhận được từ các nền tảng phổ biến ở Mỹ và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tựu trung đều xoay quanh các vấn đề: người chạy xe ôm công nghệ hay giao đồ ăn qua app được xem là “tự làm chủ mình” hay là nhân viên của các hãng công nghệ? Người lao động trong nền kinh tế chia sẻ có nhận được đồng tiền xứng đáng với công sức bỏ ra? Những rủi ro nào họ phải đối mặt và có ai bảo vệ họ hay không? Giao đồ ăn không phải chuyện chân tay Andy Newman, cây bút của tờ The New York Times, đã nhập vai làm nhân viên giao hàng cho 3 app đặt đồ ăn qua mạng phổ biến ở Mỹ hiện nay là DoorDash, Uber Eats và Postmates trong tổng cộng 27 tiếng để tìm hiểu “công việc định nghĩa thời đại ta đang sống” thật sự là gì. Chọn làm việc cho cả 3 app cùng lúc cũng là chủ ý của tác giả vì với nhiều người tham gia nền kinh tế chia sẻ ngày nay, thu nhập từ một nền tảng thôi không đủ sống. Trong bài phóng sự sau khi kết thúc quá trình nhập vai đăng hồi tháng 8, Newman cho biết làm nhân viên giao đồ ăn không phải chỉ là việc cơ bắp và không cần dùng đến cái đầu: chạy xe đạp điện với túi đựng thức ăn trên lưng đến địa chỉ khách hàng; trái lại, nó đòi hỏi phải “tư duy nhanh như đấu cờ vua”, chưa kể còn đi kèm nhiều rủi ro. Sau 27 tiếng (không liên tục) chạy ngược chạy xuôi trên các con đường đông đúc ở thành phố New York giữa nhà hàng, quán ăn và các khu căn hộ để giao hàng, Newman nhận ra công việc vốn mang lại thu nhập chỉ cao hơn thu nhập tối thiểu một chút này “đòi hỏi sự gan lì về thể chất của một đấu sĩ đấu bò và tư duy phản xạ của một nhà buôn”. Khi cả 3 ứng dụng bạn đang chạy cùng có đơn hàng, bạn sẽ quyết định nhận của ai để được lợi nhất? Đó là bài toán về thời gian và tiền bạc. Đơn này đặt mua của tiệm ngay kế bên nhưng tiền thưởng thêm thấp, đơn kia thì đi xa một chút mà tiền công cao, cái còn lại thì vừa gần vừa nhanh nhưng tiền công không bằng. Và bạn phải quyết định ngay trước khi cơ hội vụt mất. Quá trình nhập vai đã mang đến cho nhà báo Mỹ muôn bậc cảm xúc mà người giao hàng nào cũng phải trải qua. Vui sướng khi được tiền bo hậu hĩ, rồi tức tối khi đạp một đoạn đường dài chỉ để giao hai cái bánh mì nhưng bị “bùng hàng”. Phải luôn căng mắt quan sát khi di chuyển trên đường và căng tai để không lỡ tiếng chuông báo có đơn hàng mới. Nhưng quan trọng hơn hết là chuyện tiền nong. Khi app giao đồ ăn bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế chia sẻ khoảng 3 năm trước, các công ty được các quỹ đầu tư bơm tiền nên đặt mức thù lao hào phóng cho người giao hàng và một người giao đồ ăn ở Mỹ có thể kiếm 2.000 USD/tuần. Nhưng rồi khi có nhiều app xuất hiện và nhiều tài xế nhảy vào, các nền tảng không còn hào phóng với “đối tác” của mình nữa. Newman kể chuyện của Rodney Chadwick, người từng được Postmates trả 10 USD một đơn hàng, còn một app khác là Blitz chi bạo đến 15-20 USD mỗi chuyến giao thành công hồi năm 2016. Sang năm 2017, Postmates chỉ trả 4-5 USD/đơn và mỗi tài xế giao được 2-3 chuyến một giờ. Thế thì chỉ còn trông đợi vào tiền tip (cho thêm) của khách. Vậy nhưng Newman cho biết trong 43 đơn hàng mình đã giao thành công, gần 2/3 không có tiền tip. “Quý vị có thể cho rằng phí giao hàng đã lo đủ cho tài xế, nhưng thực chất cơ chế trả tiền của các app đều buộc tài xế phải phụ thuộc vào tiền tip mới đủ sống” - Newman viết. Newman còn phát hiện DoorDash ăn chặn tiền tip của shipper. Trong quá trình nhập vai tác nghiệp, tác giả kiếm được trung bình 10 USD/giờ, dưới mức lương tối thiểu được quy định phải trả cho người lao động ở New York là 15 USD/giờ. “Nếu quý vị sẵn lòng tip 20% trị giá bữa ăn cho bồi bàn, vốn chỉ cần đi qua lại trong nhà hàng, thì tại sao lại không tip cho người phải đạp xe gần nửa khu phố để giao đồ ăn cho quý vị?” - Newman nêu lên nghịch lý. Cuối cùng là rủi ro tai nạn. Theo một thống kê năm 2018, 1/3 người giao hàng bằng xe đạp ở New York phải tạm nghỉ việc vì bị tai nạn khi đang làm việc và ít nhất 4 người giao đồ ăn đã thiệt mạng vì va chạm với xe hơi trong năm nay. Mike Cole, cựu shipper của Postmates, cho biết bị gãy cả hai tay khi đang giao hàng cho app này và chỉ “nhận được thiệp “chúc mau khỏe” của công ty qua email”. Chạy nhiều hơn, tiền ít hơn Đầu tháng 8-2019, hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ đã tập trung trước trụ sở Gojek, ứng dụng đặt xe của Indonesia ở quận Nam Jakarta, và đốt lốp xe nhằm phản đối chính sách thưởng mới được áp dụng, khiến tài xế phải chạy nhiều hơn mà mức thưởng lại ít hơn. Biểu tình phản đối Gojek ở Jakarta. Ảnh: Reuters Theo trang tin KrAsia, Gojek đã có nhiều thay đổi trong chính sách giá cước và mức thưởng cho tài xế nhằm giảm tỉ lệ “đốt tiền”. Cũng như người giao đồ ăn ở Mỹ trông chờ vào tiền tip, tài xế xe ôm công nghệ Gojek phụ thuộc rất nhiều vào chính sách thưởng của ứng dụng này. Theo Jakarta Post, Gojek và Grab đang cạnh tranh quyết liệt tại Jakarta, giúp tài xế kiếm được thu nhập tốt, vào khoảng 5 triệu rupiah (357 USD)/tháng, cao hơn mức lương cơ bản của vùng là 3,9 triệu rupiah (278 USD). Tuy nhiên, các tài xế phải làm việc đến 13 tiếng mỗi ngày, vượt xa mức quy định 8 giờ/ngày. Thu nhập đó chưa bao gồm chi phí xăng dầu, bảo trì xe cộ và tiền điện thoại, cước Internet di động, tất cả đều do tài xế tự chịu. Tài xế buộc phải chạy nhiều hơn để ổn định thu nhập, trong khi nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ cho rằng việc làm bao nhiêu giờ là chuyện tự nguyện của các “đối tác”. Theo Jakarta Post, Bộ Giao thông Indonesia vừa ra nghị định yêu cầu hai ứng dụng cạnh tranh này phải cố định giá cước, nhưng vẫn chưa bắt buộc việc bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội hay tai nạn cho tài xế. Trở lại nước Mỹ, hồi cuối tháng 3-2019, các tài xế Uber và Lyft cũng biểu tình, phản đối việc Uber giảm giá cước đến 25% (từ 80 xu đôla/dặm còn 60 xu đôla/dặm, tương đương 11.600 đồng/km xuống 8.700 đồng/km), khiến họ phải chạy nhiều hơn mới có được thu nhập bằng trước đây. Câu chuyện giống hệt Gojek. Một trong những người tham gia cuộc biểu tình ở Mỹ, Jesse, mỗi ngày lái xe khắp Los Angeles 12-14 tiếng nhưng cũng chỉ đủ tiền trang trải chi phí, theo Los Angeles Magazine. Với lịch làm việc như vậy, Jesse, người mẹ đơn thân, không còn thời gian ăn tối với các con, cũng không thể dắt bọn trẻ đi chơi vì tối về đến nhà là không còn sức lực. Nữ tài xế này từng kiếm được đến 1.400 USD/tuần nhờ lái Uber, nhưng giờ một tuần kiếm được 1.000 USD đã là may mắn. Jesse cùng với các tài xế công nghệ khác tham gia cuộc biểu tình kéo dài 25 tiếng, vì muốn “công chúng biết điều gì thật sự diễn ra trên ghế lái chiếc xe họ gọi qua app”. Theo Jesse, đó là việc các tài xế dành cả chục tiếng mỗi ngày cho công việc này, luôn di chuyển ngoài đường và chịu sự căng thẳng của việc lái xe. “Cơ thể chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, ai cũng đau lưng” - Jesse nói. Riêng cô còn mắc chứng rụng tóc vì lo lắng và căng thẳng. Nữ tài xế cảm thấy bị sỉ nhục khi Uber che giấu điều kiện làm việc kinh khủng của tài xế, mà chỉ chăm chăm nhấn mạnh vào “tự do”, “làm chủ chính mình”. “Tự do gì khi tôi phải làm từ 10 giờ sáng đến nửa đêm? Tôi không thấy mình là người làm việc độc lập, mà là một nô lệ” - Jesse nói. Jesse đã nhắc đến vấn đề mấu chốt khiến người lao động từ Mỹ đến châu Á ngày càng phản kháng mạnh mẽ các nền tảng kinh tế chia sẻ: họ là gì khi làm việc cho các công ty này - “nhân viên” hay “người làm việc với hợp đồng độc lập”? Nếu xem tài xế là người lao động, các hãng cung cấp nền tảng đặt xe sẽ phải trả lương cơ bản, tiền làm ngoài giờ, nghỉ bệnh và bảo hiểm, những nghĩa vụ mà họ không buộc phải gánh nếu gọi tài xế là đối tác hợp đồng. Cuộc biểu tình hồi cuối tháng 3 nhằm vào cả Lyft, dù mục đích chính là để phản đối chính sách giảm giá cước của Uber. Nguyên nhân là vì bản thân Lyft trước đó đã nhiều lần giảm cước, khiến tài xế ngày càng lao đao. Sinakhone Keodara, người lái Lyft bằng xe thuê của hãng ở Los Angeles, từng đầu tư vào việc phát triển ứng dụng di động riêng nhưng không thành công và phá sản, trở thành người vô gia cư. Hiện anh phải trả 25 USD mỗi tối để ngủ ở một spa cho phép khách trú qua đêm. Thu nhập từ Lyft không đủ để Keodara trả tiền cho chỗ ngủ cùng khoản tiền 240 USD để thuê xe và đổ xăng mỗi tuần. Những đêm không đủ tiền, Keodara ngủ luôn trên xe. Ai bảo vệ người lao động? Đặc trưng của nền kinh tế chia sẻ là những người lạ hoàn toàn sẽ tương tác với nhau. Một mặt, ta chờ một người không quen biết đến chở mình đi, mang thức ăn đến cho ta; mặt khác, ta mở toang cửa nhà mình ra cho người lạ bước vào dọn dẹp (dịch vụ do các app như TaskRabbit cung cấp), lưu trú (Airbnb), thậm chí nấu ăn (Kitchensurfing). Nói như thế không có nghĩa người dùng đối mặt với rủi ro, mà chính những người cung cấp dịch vụ có nguy cơ bị lạm dụng, quấy rối tình dục, thậm chí bị hành hung. Alexandrea J. Ravenelle - phó giáo sư xã hội học Đại học Mercer, Mỹ - đã tìm hiểu đời sống của những người tìm việc qua các nền tảng kể trên - tức những người trực tiếp vận hành nền kinh tế chia sẻ và kể lại góc khuất của họ trong cuốn Hustle and Gig: Struggling and Surviving the Sharing Economy (tạm dịch: Vội vã và tạm thời: Vật lộn và sống sót trong nền kinh tế chia sẻ). Nền kinh tế chia sẻ và phái sinh của nó - gig economy (kinh tế tạm thời) với các nền tảng giúp người dùng tìm và thuê người làm những công việc tạm, ngắn hạn, mang tính thời vụ - thực sự giúp những người thất nghiệp có cơ hội cải thiện cuộc sống, cũng như giúp những người sẵn có thu nhập, trình độ kiếm thêm. “Tuy nhiên, mặt trái của gig economy là nó không bảo vệ những người được thuê - Ravenelle nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài NPR của Mỹ hồi tháng 3 - Vì thế, những người kiếm việc qua các nền tảng này thường rơi vào các tình huống nguy hiểm”. Nhiều người làm việc cho TaskRabbits cho biết từng bị người thuê mình gạ tình, “điều mà bạn không bao giờ ngờ khi đến lau dọn nhà cửa cho người khác”, theo Ravenelle. Một câu chuyện khác, theo trích đoạn của quyển sách đăng trên WIRED, một phụ nữ 27 tuổi tên Roxanne tham gia mạng lưới “nấu ăn thuê” Kitchensurfing có lần được cặp vợ chồng thuê cô đến nấu ăn rủ làm “chuyện ba người” trên giường. Dù bối rối, Roxanne vẫn phải tìm cách tháo lui. Một lần khác, Roxanne được thuê chuẩn bị tiệc để một đại gia chiêu đãi bạn gái trên căn hộ tầng thượng. Cô gái cuối cùng không xuất hiện và đại gia này mời Roxanne ngồi xuống dùng bữa. “Tôi từ chối và nói rằng mình sắp phải đi” - Roxanne kể. Trong cả hai trường hợp, Roxanne hiểu rằng từ chối cũng phải biết cách, nếu không sẽ bị khách hàng chấm điểm thấp hoặc đánh giá kém lên hồ sơ của mình trên app. Với những người tham gia nền kinh tế chia sẻ, điểm trên app là bảo chứng cho uy tín và chất lượng làm việc, tức quyết định “nồi cơm” của họ. Những tình huống đó có thể xảy ra cho bất kỳ ai tham gia nền kinh tế chia sẻ, khi họ phải tương tác với khách hàng và không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ravenelle viết rằng những người tìm việc trong nền kinh tế tạm thời luôn phải cảnh giác để phát hiện các khách hàng có vấn đề và tìm cách đề phòng trước. Họ cũng thường rơi vào thế lưỡng nan - phải tỏ ra thân thiện, lịch sự với khách, nhưng làm vậy có thể gây hiểu lầm là họ mời mọc hay đồng tình trước ý đồ khiếm nhã, nếu có. Làm sao để không bị khách tấn công hay quấy rối mà không bị họ chấm điểm thấp hay để lại phàn nàn trong lời nhận xét chất lượng dịch vụ là bài toán quá khó. Chưa kể vì là “người làm việc với hợp đồng độc lập”, họ không có một công đoàn để bảo vệ hay chí ít là phòng nhân sự để khiếu nại mỗi khi có sự cố, theo Ravenelle.■ Trong 27 giờ ngắn ngủi thử tham gia nền kinh tế chia sẻ với vai trò nhân viên giao đồ ăn, Andy Newman của The New York Times cũng đã kịp nếm cảm giác bị khách hàng xem thường. “Khi đi giao hàng quanh thành phố, tôi ngộ ra rằng nhiều người có vẻ xem những kẻ liều mình xông pha trên phố để đem trà ô long hoa hồng phô mai đến cho họ chẳng đáng để nói lời chào” - Newman viết. Tác giả đã đến những căn hộ sang trọng để giao hàng và người đặt mua - những người ở độ tuổi 20 - chỉ hé cửa vừa đủ thò tay ra nhận lấy túi đồ ăn, hay vừa nói chuyện điện thoại vừa mấp máy môi từ “cảm ơn”. Người giao đồ ăn bị người khác nhìn bằng nửa con mắt - thậm chí không thèm nhìn. “Một phụ nữ ở một tiệm đồ nướng giữ nguyên tư thế xoay đầu một góc 90 độ so với tôi khi đưa túi đựng món ăn cho tôi, như thể cái gói đó, hoặc có thể là chính tôi, là cá ươn”. Tags: Rủi roKinh tế chia sẻTai nạn nghề nghiệpGiao đồ ănQuyền lao độngBiểu tình phản đối UberGoJek
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.