TTCT - Lao động thời vụ thường gắn liền hình ảnh một người có tay nghề thấp, không cần đào tạo. Giờ thì rất khác, những người lao động “tự do” có mặt ở mọi cấp độ năng lực, từ thấp đến cao. Thậm chí, các thống kê trên khắp thế giới đang cho thấy ngày càng nhiều người có chuyên môn cao, từ tốt nghiệp đại học trở lên, chọn phương thức làm việc này. Sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy), dựa trên các ứng dụng công nghệ, mạng Internet và điện thoại thông minh, là một biến chuyển kinh tế lớn. Ở thời điểm này, gần như tất cả mọi người đang sống trong các đô thị, nơi mà các điều kiện của kinh tế chia sẻ là khá đầy đủ, đều là một người mua hoặc là một người bán trong mô hình kinh tế đó. Những cái tên như Grab, Airbnb, gần đây là Go-Viet hay Now... được nhắc đến hằng ngày. Các tin tức xung quanh hoạt động của các dịch vụ này luôn được chú ý cao, bởi chúng phản ánh một xu hướng lớn và đang đặt ra rất nhiều câu hỏi thú vị. Ngồi nhà bán hàng cho toàn thế giới Ít ai có thể nghĩ là sẽ có một ngày mà bất cứ cá nhân nào, với năng lực phù hợp, cũng có thể kiếm sống mà không cần phải tìm việc làm theo nghĩa truyền thống, tức là phải trở thành nhân viên của một công ty/cơ quan nào đó. Trước đây, một cá nhân dường như không thể tự trang bị công cụ lao động để làm ra một sản phẩm hay dịch vụ trọn vẹn, chưa kể là anh ta cũng không có đủ điều kiện và công cụ để phân phối sản phẩm đến tay người sử dụng. Giờ đây mọi chuyện đã khác, với Internet và điện thoại thông minh, người ta có thể tham gia quá trình sản xuất từ bất cứ đâu. Thị trường cũng ở ngay trên Internet, một người ngồi ở nhà mình có thể bán hàng cho cả thế giới. Hơn thế, sự ra đời của các nền tảng công nghệ giúp kết nối cung - cầu đã thực sự mở ra cơ hội cho tất cả, miễn là họ có năng lực và tri thức phù hợp: biết thiết kế đồ họa, có một tài sản nào đó, chẳng hạn một căn phòng còn trống trong nhà, có thể phục vụ người khác, hoặc chia sẻ cho người khác sử dụng, để thu về một khoản tiền nhất định. Chẳng cần sáng xách ô đi tối xách về theo 8 tiếng làm việc bó buộc, họ kiếm được thu nhập một cách tự chủ và tự do hơn. Từ phía các công ty, việc duy trì một bộ máy nhân sự thường xuyên và ổn định ngày càng trở nên đắt đỏ, không có lợi về mặt chi phí. Trong một thế giới được kết nối tốt như hiện nay, việc tìm ra một người có thể tham gia vào một công đoạn nào đó của một công việc là rất dễ dàng, nên các công ty cũng có lựa chọn mới cho mình: không cần duy trì đội ngũ quá lớn, thay vào đó sẽ tìm người có năng lực và thuê anh ta làm việc ngay khi có nhu cầu phát sinh. Đội ngũ những người tham gia thị trường lao động theo cách như vậy đang ngày càng đông hơn. Hình thức lao động này từng được gọi là lao động thời vụ, tức là làm việc không thường xuyên liên tục, mà chỉ vào những lúc có việc, có yêu cầu. Nhưng lao động thời vụ (hay lao động phổ thông) thường gắn liền hình ảnh một người có tay nghề thấp, không cần đào tạo. Giờ thì rất khác, những người lao động “tự do” có mặt ở mọi cấp độ năng lực, từ thấp đến cao. Thậm chí, các thống kê trên khắp thế giới đang cho thấy ngày càng nhiều người có chuyên môn cao, từ tốt nghiệp đại học trở lên, chọn phương thức làm việc này. Lựa chọn mới, rủi ro mới Lĩnh vực nào đang thu hút nhiều người tham gia hình thức lao động mới này nhất? Dù chưa có thống kê chính thức nào, đặc biệt là ở thị trường Việt Nam, nhưng có thể thấy những công việc sau đây đang trong top: (1) Cung cấp dịch vụ đi lại sử dụng xe của chính người điều khiển; (2) Cho thuê chỗ ở ngắn hạn; (3) Bán hàng thủ công tự làm; (4) Bán đặc sản địa phương; (5) Cung cấp dịch vụ giao hàng hóa, giấy tờ; (6) Cho thuê xe và (7) Thực hiện các công việc chuyên môn như thiết kế đồ họa, khảo sát thị trường, tư vấn quản lý, giảng dạy chuyên môn hay lập trình. Các ưu điểm của phương thức lao động này là rõ ràng. Đầu tiên là sự chủ động trong lựa chọn công việc: người nhận việc có thể chọn công việc phù hợp thời gian cá nhân của mình; có thể chọn cả địa điểm để thực hiện công việc. Và sẽ chẳng cần văn phòng nào cả, người ta làm việc từ bất cứ đâu có kết nối Internet, và một người ngồi ở Việt Nam nhưng thực hiện công việc cho dự án ở Mỹ là chuyện hết sức bình thường. Nội dung công việc cũng là lựa chọn: giữa một loạt yêu cầu, có thể chọn yêu cầu nào mà mình thích nhất. Sự tự do này vốn không dễ có khi người ta làm việc trong một bộ máy nhân sự ổn định, đòi hỏi nhiều sự tuân thủ, đầu tiên phải là chấp nhận mọi phân công cho dù có muốn hay không, sau đó là chấp nhận các khuôn khổ khác: giờ giấc, địa điểm, kỷ luật, phép tắc... Các ưu điểm này mang đến lựa chọn mới nữa cho những người cần thêm một việc làm, bên cạnh công việc chính. Tuy nhiên, lao động “tự thân” có một loạt khuyết điểm mà người lao động rất cần biết, chúng đặt họ trước các rủi ro khác hẳn. Đầu tiên là sẽ không có công việc ổn định. Không giống như những người vẫn đi làm hằng ngày từ 8h-17h, người lao động “tự thân” không thể đảm bảo khối lượng công việc ổn định, có khi họ chẳng có việc gì để làm trong vài tháng, thế rồi sau đó cùng lúc lại có đến ba bốn yêu cầu đổ về khiến họ xoay xở không kịp. Họ chỉ có việc làm khi mà khách hàng cần. Vì lẽ đó nên tình trạng tài chính cá nhân của họ không ổn định. Để đảm bảo có công việc thường xuyên hơn, họ sẽ phải tìm ra một “kênh bán hàng”, không khác gì cách mà các công ty đang bán hàng: hoặc phải kết nối vào một nền tảng công nghệ nào đó, hoặc phải tự tiếp thị dịch vụ hay sản phẩm của mình qua các kênh mà mình có. Việc này tốn khá nhiều thời gian và trí lực, khác hẳn với khi đi làm cho ai đó tám tiếng mỗi ngày: anh ta chỉ tập trung vào chuyên môn của mình, các việc khác đã có cả bộ máy lo liệu. Cái giá phải trả cho tự do và chủ động còn nằm ở các điểm quan trọng khác; chẳng hạn, do không có gì là bắt buộc nên người lao động “tự thân” sẽ có xu hướng làm việc kiểu được chăng hay chớ, vui thì nhận việc làm, buồn thì nghỉ, khiến cho tình trạng tài chính cá nhân càng bấp bênh hơn. Ngoài ra, do tất cả đều là “tự thân vận động” nên họ sẽ làm việc khá đơn độc, không còn gắn bó với một môi trường làm việc thông thường nào, do đó cơ hội để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảm đi, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp cũng trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, sự tương tác, trao đổi thực với người xung quanh cũng giảm đi đáng kể. Những vấn đề này có thể đưa đến nhiều bất lợi, bao gồm cả những mất mát trong đời sống tinh thần. Mà đó vẫn chưa phải là những vấn đề lớn nhất. Người lao động chọn làm việc cho chính mình sẽ hoặc không có, hoặc phải tự xoay xở để có được một loạt quyền lợi cơ bản của người đi làm: bảo hiểm xã hội dành cho hưu bổng, bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau, bảo hiểm thất nghiệp khi không có việc làm, không có khoản lương tối thiểu để duy trì cuộc sống hằng ngày - vốn là những thứ được luật pháp quy định và bảo vệ thông qua yêu cầu giới chủ lao động thực thi... Bảo vệ họ như thế nào? Các yêu cầu của luật pháp cho đến hiện nay đều đặt mục tiêu điều chỉnh mối quan hệ trong đó hai vai trò được xác định rõ ràng: người lao động và người sử dụng lao động. Trong hoạt động kinh tế chia sẻ, việc xác định hai vai trò này là khá khó khăn. Nếu người lao động “tự do” không kết nối với một nền tảng công nghệ nào, mà tự tiếp thị dịch vụ hay sản phẩm của mình, việc của hệ thống luật pháp là làm thế nào để xác định được họ là ai, sau đó đặt ra cho họ các yêu cầu để giúp họ quản lý được các rủi ro của bản thân, như tham gia các hình thức bảo hiểm tự nguyện, hay bắt buộc họ thực hiện các nghĩa vụ xã hội, như là khai báo và nộp thuế. Chưa hết, còn có một biến chuyển khác: sự dịch chuyển các rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh từ phía công ty sang phía cá nhân. Nhiều nền tảng công nghệ không chịu bất cứ rủi ro nào, hoặc chỉ chịu một phần rất nhỏ. Trong quá trình giao dịch, người thực hiện dịch vụ, tức là đối tác của nền tảng công nghệ, phải chịu gần như mọi rủi ro: từ giao dịch bất thành, vi phạm các quy định của luật địa phương, cho đến các chi phí phát sinh do hao mòn hay hư hỏng tài sản đưa vào để cung cấp dịch vụ. Nhìn vào việc thiết lập các khuôn khổ nhằm điều chỉnh tốt các mối quan hệ lao động mới này từ mức độ tác động lên thị trường lao động, phải suy nghĩ về những gì cần điều chỉnh, phạm vi và mức độ cụ thể cần điều chỉnh. Các thay đổi và điều chỉnh của luật pháp phải bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người lao động “tự do”, trong khi không cản trở sự phát triển của các hình thức cung cấp dịch vụ mới - thực sự là một thách đố lớn dành cho các nhà lập pháp. Đơn giản nhất là việc yêu cầu người lao động “tự do” phải tham gia các hình thức bảo hiểm, yêu cầu các nền tảng công nghệ phải mua bảo hiểm cho đối tác của mình, có thể dẫn tới tình huống là họ chuyển hết các chi phí này vào giá bán dịch vụ, khiến chi phí giao dịch tăng lên, làm mất đi ưu điểm quan trọng nhất của hình thức giao dịch mới này. Rõ ràng là, mỗi khi các mối quan hệ mới, các hình thức giao dịch kinh tế mới hình thành, hệ thống pháp luật lại cần phải được thay đổi để điều chỉnh các quan hệ và hình thức mới đó, sao cho các rủi ro mà chúng đặt ra được quản lý tốt, không gây ra các tác động xấu cho xã hội trên diện rộng. Một cá nhân nào đó không có thu nhập ổn định, không nhận được lương tối thiểu hằng tháng thì luật pháp chưa cần quan tâm, nhưng nếu cả một lớp người tham gia thị trường lao động đều ở trong hoàn cảnh như vậy thì hệ thống luật pháp không thể bỏ mặc. Thực tế thì đây cũng là chủ đề nóng của các nhà lập pháp ở mọi quốc gia, từ các quốc gia phát triển đến các quốc gia đang phát triển.■ Cho đến nay, các nền tảng công nghệ vẫn cho rằng họ không tuyển dụng người lao động mà hoạt động theo mô hình hợp tác kinh doanh, trong đó vai trò của nền tảng là kết nối giữa bên mua và bên bán. Dịch vụ vận chuyển được thực hiện bởi các lái xe dùng ứng dụng Grab, nhưng Grab không tuyển dụng họ làm nhân viên, mà mời họ tham gia mô hình kinh doanh như là các đối tác: góp phương tiện, sức lao động. Hai bên kết nối và phân chia khoản tiền thu được. Không có người sử dụng lao động, không có người lao động, cho nên các điều chỉnh của luật hiện hành, như Luật lao động chẳng hạn, sẽ không có hiệu lực. Nói cho ngay, những người lao động “tự do” đang không được pháp luật bảo vệ. Tags: Lao động tự doTự làm chủChọn nghềLao động thời vụ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.