Lập luận của giới chủ

BẢO NGỌC 14/04/2022 04:00 GMT+7

TTCT - Các chủ doanh nghiệp muốn có thêm thời gian để phục hồi và hoãn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên ngày 12-4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2, thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1-7-2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nhiều ý kiến đề xuất nên tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần In số 7, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Thu nhập đã vượt xa lương tối thiểu vùng

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, việc tăng lương tối thiểu vùng tác động nhiều hơn tới doanh nghiệp FDI do khu vực này thường căn cứ vào lương tối thiểu vùng để xây dựng mức lương chi trả cho NLĐ. Còn với doanh nghiệp khu vực trong nước, hầu hết đều ký thỏa thuận lương với NLĐ để chi trả lương hàng tháng.

Và vì thế, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc chi trả thu nhập cho người lao động (NLĐ) trong thời gian tới, ông Dương nhận định.

 Thực tế chi trả thu nhập cho NLĐ của các doanh nghiệp hiện nay đã vượt xa lương tối thiểu vùng. Việc tăng lương tối thiểu vùng thời gian tới chủ yếu làm tăng chi phí bảo hiểm, công đoàn phí mà các doanh nghiệp phải nộp hàng tháng.

Hiện chi trả thu nhập cho NLĐ thấp nhất tại vùng 3, vùng 4, khu vực miền Trung là từ 6-7 triệu đồng/tháng. Những vùng mức sống cao hơn như miền Nam, miền Bắc thì mức thu nhập để công nhân chấp nhận làm việc khoảng 8-9 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Hợp Lực, cho biết hiện nay hầu như không còn doanh nghiệp nào trả lương cho NLĐ ở mức khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Và thực tế là NLĐ chỉ quan tâm tới tổng thu nhập một tháng họ nhận được là bao nhiêu, ít người để ý tới lương tối thiểu vùng. 

Những doanh chủ như thế cũng nhắc tới tính thời điểm của câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng: Đây là lúc Chính phủ đang tập trung giảm thuế phí, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch, bàn tới chuyện tăng lương tối thiểu vùng lúc này nghĩa là làm gia tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, và do vậy là không đúng lúc.

“Rất nhiều doanh nghiệp khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài. Hàng chục ngàn đơn vị “lăn ra chết”, cần cân nhắc thời điểm tăng lương tối thiểu vùng. Thực tế mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ hiện nay không ai ép ai được nữa, mọi thứ đều dựa trên thỏa thuận từ hai phía”, ông Đệ nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đề xuất tăng lương tối thiểu dự kiến trên 7% từ 1-7 tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong những ngành thâm dụng lao động như may mặc (đang có khoảng 3-4 triệu lao động). 

Đặc biệt, tăng lương trong bối cảnh xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp chịu thêm gánh nặng thì có thể chỉ thêm tai hại. Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Dương đề nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng sang năm 2023, đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ NLĐ khác như cải thiện đời sống cho NLĐ thông qua việc xây dựng nhà ở cho họ.

Nhiều ý kiến đề xuất nên tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022. Trong ảnh: Công nhân Công ty gạch Catalan (Yên Phong, Bắc Ninh) làm việc trong nhà máy. Ảnh: HÀ QUÂN

 

VCCI: Nên tăng lương từ đầu năm 2023

Dẫu cho rằng bàn việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng lúc này là phù hợp, nhưng trao đổi với TTCT, ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - muốn có thêm thời gian tính toán mức tăng phù hợp.

 Hiện Hội đồng Tiền lương quốc gia đang thăm dò để có thêm đánh giá tác động và những phân tích cụ thể hơn để họp bàn tiếp trong thời gian tới. Trước ý kiến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7 tới, VCCI phản đối và muốn lùi tới 1-1-2023.

 “Doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi được một chút, như người ốm dậy, nên cần điều trị cho khỏi hẳn rồi hãy nghĩ tới việc điều chỉnh tăng lương. VCCI sẽ họp với các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước để bàn thảo và đưa ra quan điểm chính thức. 

Mức tăng lương tối thiểu vùng bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện, năng lực chi trả của doanh nghiệp - ông Phòng nói và thêm - Thời gian qua, nhiều chủ sử dụng lao động rất quan tâm tới NLĐ, có chủ sử dụng lao động phải bán cả tài sản để có tiền hỗ trợ NLĐ. Các doanh nghiệp cũng rất khát lao động nên có nhiều biện pháp giữ chân lao động khác nhau”.

Thống kê của VCCI nói rằng, trong khoảng 56 triệu lao động trên cả nước, có khoảng 10 triệu lao động (khoảng 17%) chịu tác động của lương tối thiểu vùng. Nhưng đây là lao động trong khu vực doanh nghiệp, không tính tới lao động trong các khu vực không chính thức và khu vực khác. 

Và theo ông Phòng, số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều của tăng lương tối thiểu vùng là những khu vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy hải sản, lắp ráp điện tử.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng tác động của việc tăng lương thối thiểu vùng rất lớn nên cần tính toán kỹ, nhận định rằng khi tăng lương tối thiểu vùng thì giá cả sẽ tăng theo, và như thế, mức sống của NLĐ có thể bị hạ xuống chứ chưa chắc đã tăng lên như kỳ vọng. 

Một yếu tố khác về thời điểm cũng được đặt ra: nếu tăng từ ngày 1-7 thì không phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp (thường vào thời điểm đầu năm). Nếu lương tối thiểu chỉ là lương tối thiểu thì các doanh nghiệp hiện nay có thể điều chỉnh tăng từ 15 - 20%.

Vấn đề là bên cạnh lương tối thiểu còn có nhiều vấn đề kèm theo, tất cả sẽ khiến các doanh nghiệp phát sinh chi phí và sự phục hồi sản xuất kinh doanh của họ thêm khó khăn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận