TTCT - Những lễ hội âm nhạc có khả năng tạo ra một dạng năng lượng mạnh mẽ và khác thường cho những người tham dự. Nó cũng mang lại những lợi ích kinh tế, văn hóa đặc biệt cho các thành phố chủ trì. Đó là những gì mà công chúng TP.HCM vẫn thiếu và giờ đây đặt hi vọng với lễ hội âm nhạc quốc tế lần đầu, bắt đầu diễn ra từ tối thứ 6, ngày 13-12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Lễ hội âm nhạc Lollapalooza diễn ra tại Chicago, Mỹ năm 2019. Ảnh: royist.com Dường như có hai điều mà người ta nên làm khi đang 20 - độ tuổi đẹp nhất của đời người - là đi du lịch khám phá thế giới và tham dự một lễ hội âm nhạc. Trải nghiệm có một không hai Trong những lễ hội âm nhạc tồn tại một dạng năng lượng độc nhất vô nhị, như được làm từ một thứ ánh sáng phát ra từ chính những người tới tham dự. “Tín hiệu điện” đó dao động trong đám đông và tạo ra một cơn sốt, một cảm giác đê mê gây nghiện, kết nối tất cả trong một sự hòa hợp hoàn hảo. Nếu từng một lần tham dự một lễ hội âm nhạc, bạn sẽ thực sự hình dung được cơn sốt ấy. Bạn sẽ gặp những người chưa từng gặp, nghe những người bạn chưa từng nghe và ngay cả khi nghe lại những giai điệu đã quá đỗi thân thuộc với bạn ở một cung bậc khác, tất cả sẽ tạo thành những “kỷ niệm vàng” cho một thanh xuân của bạn. Một nghiên cứu của Đại học Groningen (Hà Lan) cho thấy âm nhạc ảnh hưởng rất lớn đến tâm trí và sức khỏe của người nghe. Nghiên cứu này cho biết những người nghe nhạc có tinh thần lạc quan hơn và có nhận thức về cuộc sống hạnh phúc hơn. Đây có thể là do những thay đổi về hóa học trong não khi bạn nghe nhạc. Âm nhạc giải phóng dopamine trong não (dopamine hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh, được xem là hóa chất chính của hạnh phúc) giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn mỗi khi một ca khúc bạn yêu thích được bật lên. Còn theo nghiên cứu của Discovery, con người không chỉ hạnh phúc hơn khi nghe nhạc mà còn trở nên vui sướng, kích thích hơn khi được nghe các giai điệu và giọng ca khác nhau cùng xuất hiện tại một địa điểm. Valorie Salimpoor, nhà thần kinh học tại Đại học McGill - Montreal, giải thích: “Khi bạn đang nghe những giai điệu được trình diễn trên sân khấu và dự đoán màn trình diễn tiếp theo, dù dự đoán của bạn đúng hay thực tế làm bạn kinh ngạc, tất cả những điều mang lại cho bạn cảm giác sung sướng tột độ, sự tưởng thưởng này chính là do dopamine mang lại”. Trong suốt thời gian tham dự lễ hội âm nhạc, bạn sẽ trải nghiệm việc được nghe một ban nhạc, một nghệ sĩ mà bạn yêu thích; bạn cũng có thể có cảm giác bị bỏ rơi khi nghe một thể loại nhạc hoặc một nghệ sĩ mà bạn cho rằng “chẳng có gì liên quan”; bạn sẽ đi lêu hêu trong một đám đông mà tất cả cũng lang thang như bạn, trong nhiều giờ sau đó. Rồi thình lình một tiếng trống từ xa choán lấy tâm trí bạn, lôi kéo bạn tới gần nó, một tiếng guitar điện ngọt ngào từ cách xa hàng trăm mét cuốn hút bạn và mọi người, đó là khi âm nhạc bất ngờ ập đến với bạn. Cả một đám đông vội vã đổ xô đến để xem một ban nhạc vừa bắt đầu biểu diễn. Đó không còn là thời điểm xuất thần của ban nhạc, mà là sự xuất thần của một đám đông. Cứ 5 người trẻ có 1 người tham dự Một nghiên cứu khác khảo sát xem những người tham dự lễ hội âm nhạc là do tình cờ hay có chủ ý, bao nhiêu trong số đó chuẩn bị cẩn thận và tận tụy, chẳng hạn bay đến hẳn một thành phố hay một đất nước xa xôi để có mặt trong lễ hội âm nhạc. Tờ NY Daily News cho biết cứ mỗi 5 người trẻ thuộc thế hệ Millennials thì có 1 người từng tham dự một lễ hội âm nhạc, và có 25% số sinh viên từng tham dự lễ hội âm nhạc khi đang trải qua những năm đại học. Khảo sát này cũng chỉ ra rằng hiện nay giới trẻ đặc biệt yêu thích việc phát “live” về lễ hội âm nhạc. Nghe một nghệ sĩ yêu thích từ bộ loa trong phòng khách ở nhà đã là một trải nghiệm dễ chịu, nhưng việc tự thu hình thần tượng bằng điện thoại của mình và phát live khi đứng trong một đám đông với trống ngực đập thình thịch là một trải nghiệm đặc biệt khác, đậm chất thời đại này. Những người phát “live” tại các lễ hội âm nhạc quan niệm rằng “hạnh phúc không phải là sở hữu nhiều tài sản hay thăng tiến trong sự nghiệp, mà sống một cuộc đời nhiều ý nghĩa và hạnh phúc chính là việc tạo ra, chia sẻ và lưu giữ những kỷ niệm thông qua những trải nghiệm có tính để đời”. “Lược sử thời gian” về lễ hội âm nhạc Thuật ngữ festival trong tiếng Anh bắt đầu từ giữa thế kỷ 16 bằng chữ feast của hội mùa, thường tập trung vào các vụ thu hoạch. Vào năm 1952, Lễ hội nhạc jazz Newport đã được tổ chức tại đảo Rhode, đánh dấu sự khởi đầu hình thức lễ hội văn hóa ở phương Tây. 13.000 người đã tham dự lễ hội này để nghe các buổi biểu diễn nhạc jazz, thánh ca, nhạc blues của các huyền thoại âm nhạc như Billie Holiday và Ella Fitzgerald. Newport Jazz Festival Newport Jazz Festival, với các hội nghị thượng đỉnh về giáo dục vào buổi sáng và các buổi biểu diễn âm nhạc vào buổi tối, luôn gắn liền với các phong trào văn hóa của thanh niên. Những người sinh sống tại Newport vào thời điểm đó không tin rằng giới trẻ ở thành phố của họ sẽ sẵn sàng ngủ qua đêm trong lều, hay ở các công viên công cộng khi tham dự lễ hội. Sự hoài nghi này tiếp diễn khi vào năm 1959, một lễ hội âm nhạc tương tự, lễ hội nhạc folk tại Newport, được tổ chức. Nhưng lễ hội này đã trở nên nổi tiếng khi Bob Dylan quyết định chơi nhạc điện tử - đó là khoảnh khắc đánh dấu sự thay đổi trong văn hóa nhạc pop và giới thiệu một cuộc cách mạng nhạc rock 'n' roll với khán giả âm nhạc truyền thống. Năm 1967, Lễ hội nhạc pop quốc tế Monterey được khai sinh tại California, đánh dấu lần đầu tiên tại Mỹ một lễ hội đem đến những trải nghiệm nhiều hơn cả âm nhạc. Có những bài viết nói rằng lễ hội âm nhạc này là nơi tiên phong đặt ra khái niệm “bạn phải có mặt ở đó” (you had to be there), để cổ vũ bầu không khí lễ hội âm nhạc mà bạn phải tự trải nghiệm để có được hình dung xác thực về nó. Lễ hội này được cho là có 25.000 - 90.000 người tham dự, kích hoạt bầu không khí hội hè “Summer of love” và củng cố một phong trào xã hội mạnh mẽ. Vào năm 1968, Summerfest (lễ hội mùa hè) Milwaukee đã ra đời và nắm kỷ lục về số người tham dự trong số các lễ hội âm nhạc tại Bắc Mỹ, thu hút tới 1 triệu người trong vòng hơn 11 ngày. 1968 cũng là năm của Lễ hội âm nhạc Woodstock, nơi đã làm thay đổi lịch sử khi các doanh nghiệp bắt đầu nhận ra tiềm năng kinh tế mà các lễ hội âm nhạc mang lại. Ca sĩ gạo cội John Sebastian trình diễn tại Woodstock Music Festival tháng 8-1969, Bethel, New York (Mỹ) (Ảnh: Reuters) Vào cuối những năm 1980, sự sụp đổ của bức tường Berlin đã mở ra một thế giới mới trong ngành công nghiệp âm nhạc điện tử, nhưng chính các xu hướng âm nhạc diễn ra tại Mỹ - nhạc house ở Chicago và New York, nhạc techno ở Detroit - đã ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa âm nhạc điện tử ở châu Âu. Sự kết hợp âm nhạc điện tử vào các lễ hội văn hóa đã có tiến bộ dài trong thập niên 1990. Năm 1990, Lễ hội Burning Man được tổ chức, như một biểu tượng về sự sáng tạo tự do của cộng đồng thể hiện qua âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, thử nghiệm xã hội và các sản phẩm thời trang. Đến khi bước vào những năm 2000 của thế hệ Millennials, âm nhạc điện tử đã được thương mại hóa và đưa vào trong khuôn khổ các lễ hội âm nhạc. Kết quả của nó chính là sự hình thành một kiểu lễ hội mới với khung cảnh, âm thanh, ánh sáng laser, sương mù nhân tạo, trang phục… mang đậm dấu ấn của thời đại công nghệ. Một nghiên cứu được tiến hành bởi Harris Poll và Eventbrite chỉ ra rằng thế hệ Millennials sẵn sàng chi 78% số chi phí cho trải nghiệm chứ không phải là cho hàng hóa, so với con số 59% của thế hệ sinh trong khoảng thời gian 1946-1964. Đầu những năm 2000, các lễ hội không dừng lại chỉ ở âm nhạc, mà bắt đầu tự định danh là “music & arts” (âm nhạc và nghệ thuật), tạo ra các hoạt động bên lề, các tiện ích kèm thêm như yoga, ẩm thực, nghệ thuật sắp đặt, giao lưu nghệ sĩ, diễn viên và các tiết mục đặc biệt riêng để làm nên sự khác biệt của lễ hội này so với lễ hội khác. Tạo nên thương hiệu các thành phố Các lễ hội âm nhạc đã làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội và tinh thần của những thành phố được chọn để tổ chức. Thành công về mặt kinh tế có thể nhận thấy rất rõ qua con số hàng trăm triệu đôla hằng năm mà các lễ hội âm nhạc mang về cho các quốc gia/thành phố đăng cai. Nhưng thành công về mặt tinh thần, nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương mới là tác động sâu sắc nhất mà các lễ hội âm nhạc mang lại. Các báo cáo chỉ ra rằng các lễ hội âm nhạc có thể thúc đẩy du lịch, nghệ thuật phát triển. Khi đầu tư vào các lễ hội âm nhạc, các thành phố thường có xu hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng (các địa điểm biểu diễn công cộng, công viên, nhà hát…) và đầu tư vào giáo dục âm nhạc. Âm nhạc mang lại sinh khí và các lợi ích kinh tế, văn hóa cho các đô thị, đặc biệt là cho giới trẻ. Các lợi ích xã hội mà các thành phố nhận được chính là sự thay đổi tích cực trong các chỉ số liên quan tới chất lượng quản lý sáng tạo, du lịch và các không gian công cộng dành cho người dân. Từ những lợi ích mà người dân được trải nghiệm và hưởng thụ, nhận thức của công chúng về các lễ hội âm nhạc, về sự biến đổi trong đời sống tinh thần được nâng cao. Khi các lễ hội âm nhạc trở thành sự kiện thường niên, đây sẽ là địa chỉ để khách du lịch lui tới định kỳ nếu lễ hội ở các thành phố đó thực sự có dấu ấn và có bản sắc. Các lễ hội như Coachella, Ultra Music, Electric Daisy Carnival (Mỹ), Sensation (Hà Lan), Fuji Rock (Nhật), Glastonbury (Anh), Java Jazz (Indonesia)… là những lễ hội hằng năm lôi kéo được hàng vạn người tham dự, làm nên thương hiệu không chỉ của các thành phố, mà của cả quốc gia. Cứ 3 trong 4 người trẻ tuổi ngày nay ở Mỹ tham dự ít nhất 1 lễ hội hằng năm, 25% số người được khảo sát tham dự tới 4 lễ hội trở lên mỗi năm và có hơn 1/3 số người được hỏi có đi du lịch ra nước ngoài để tham dự các lễ hội âm nhạc và nghệ thuật.■ Càng ngày các lễ hội âm nhạc càng đề cao tính trải nghiệm và mở rộng ra bên ngoài âm nhạc. Các nhà sản xuất, các đơn vị tổ chức lễ hội âm nhạc, sau khi trải qua thời kỳ đầu tư đầy khó khăn và đạt được những thành tựu kinh tế khổng lồ từ lễ hội âm nhạc, đã bắt đầu đầu tư nhiều hơn và quan tâm nhiều hơn tới trải nghiệm của người xem. Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, các lễ hội trở thành nơi trình diễn không chỉ âm nhạc mà còn có các công nghệ biểu diễn, kỹ xảo hình ảnh cũng như các bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, nghệ thuật sắp đặt, ẩm thực, sức khỏe… Đó còn là nơi thảo luận cả về những vấn đề toàn cầu, những câu chuyện có tính tiên phong, nơi mà những người có tầm ảnh hưởng, những “biểu tượng văn hóa”, những người dẫn đầu… sẽ có những cuộc trò chuyện sâu sắc với nhau và với công chúng trong một không gian thư giãn và sáng tạo. Tags: Văn hóaLễ hội âm nhạcLợi ích kinh tếÂm nhạc quốc tếWoodstock
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.