Libya 12 năm sau mùa xuân Ả Rập

SÁNG ÁNH 24/05/2023 10:35 GMT+7

TTCT - 12 năm sau khi Hoa Kỳ dùng NATO làm công cụ để can thiệp vào nội bộ Libya và lật đổ chính quyền Gaddafi, giờ mọi chuyện đang nát như tương và nơi đó không có một ngày yên ổn bình thường.

Ta còn nhớ bà Hillary Clinton lúc đó (2011) là ngoại trưởng Mỹ đã cười thích thú: "Chúng tôi đã đến, chúng tôi đã thấy và hắn ta (Gaddafi) đã chết!". 

Câu này nhại câu nổi tiếng của Julius Caesar sau khi ông thắng trận tại Tiểu Á và trở về La Mã. Khi Viện Nguyên lão La Mã hỏi phúc trình về chiến dịch, Caesar đáp ngắn gọn "Veni, Vidi, Vici", nghĩa là "Tôi đã tới, tôi đã thấy, và tôi đã thắng".

Libya hiện đang chia năm xẻ bảy giữa các nhóm vũ trang khác nhau.  Ảnh: The Diplomatic Affairs

Libya hiện đang chia năm xẻ bảy giữa các nhóm vũ trang khác nhau. Ảnh: The Diplomatic Affairs

Máu chảy thành sông

Bà Clinton khúc khích nhắc lại ông Caesar và khiêm tốn thay "tôi" bằng "chúng tôi", hay là bà nghĩ là tự nói về mình phải dùng số nhiều, thì không biết. Nhưng ta biết bà không phải là Caesar. 

Năm 2012, Lãnh sự quán Mỹ và trụ sở CIA tại thành phố Benghazi bị hai nhóm biểu tình tự phát tấn công, giết chết đại sứ Mỹ. Chuyện này khiến một thứ trưởng ngoại giao Mỹ phải từ chức và còn đeo đuổi bà Clinton mãi đến khi bà ra ứng cử tổng thống như một thất bại của ngoại giao Hoa Kỳ. Ngụ ngôn của việc này là cười thì hở 10 cái răng.

Đáng tiếc thay, không phải chỉ có ông Gaddafi và một đại sứ Mỹ chết trong chuyện này, mà là vô số người trong 12 năm qua. Con số không biết này bao gồm bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu người bị hại, bao nhiêu người mất của cháy nhà, mất việc kiếm sống và ra đi tị nạn.

Điều ta biết là Libya hiện có hai chính phủ kiểm soát được ít nhiều hai khu vực lớn và vài tá vệ binh địa phương kiểm soát phố này hay làng nọ, quốc lộ này đến cây số xx hay hương lộ kia đến khúc quẹo có cây dừa. 

Hoa Kỳ là siêu cường thế giới và NATO là tổ chức quân sự lớn nhất thế giới cũng chẳng làm gì được, dù có thêm Phần Lan hay Thụy Điển gia nhập thì số phận Libya vẫn rứa.

Tháng 2-2011 khi bắt đầu có biến, cậu thứ Saif al Islam Gaddafi lên truyền hình quốc gia phát biểu: 

"Nếu chúng ta không ngồi lại với nhau được thì thay vì để tang 84 người (biểu tình chống đối bị quân đội giết), chúng ta sẽ để tang hàng ngàn cái chết và máu sẽ thành sông… Dầu hỏa sẽ ngưng chảy… Con các bạn ngày mai sẽ không còn đến trường nữa, các bạn sẽ không có lúa mì để ăn, ngân hàng sẽ không còn tiền và tiết kiệm của các bạn sẽ tan biến… Nếu ta chọn phân giải bằng vũ khí thì Libya sẽ lâm vào nội chiến và hỗn mang hoàn toàn". 

Lời ông 12 năm sau đã thành lời tiên tri.

Ảnh: Al Jazeera

Ảnh: Al Jazeera

Những năm xa xưa

Năm 1969, chế độ quân chủ của vua Idris tại Libya bế tắc và Tây phương ủng hộ một cuộc đảo chánh của quân đội. Nhóm sĩ quan trẻ của trung úy Gaddafi vội ra tay trước. Họ thuộc thành phần trung lưu nông thôn không có ai tốt nghiệp đại học nhưng tiến thân bằng nghiệp lính: võ bị quốc gia, các khóa huấn luyện chuyên môn tại Anh…

Gaddafi trở thành chủ tịch nước năm 27 tuổi và tự phong đại tá, trung úy Jalloud được phong thiếu tá và trở thành thủ tướng. 

Ủy ban của họ họp kín từ 1964 và theo chiều hướng đả thực bài phong, quốc gia chủ nghĩa Ả Rập kiểu Tổng thống Ai cập Nasser, gạt sang một bên giới tinh hoa thành thị thân Tây phương đang nhấp nháy thay thế nền quân chủ cổ truyền. Gaddafi trở thành lãnh tụ tại chức dai dẳng nhất nhì thế giới.

Trong 42 năm đó, nhờ tài nguyên dầu hỏa, ông can thiệp vào chính trị Phi châu, trước hết là các nước láng giềng phía nam của vòng đai sa mạc. 

Mộng của ông này là đủ ảnh hưởng thống trị châu Phi, vì sức của Libya bé tí trong cộng đồng các quốc gia Ả Rập. Gaddafi xuất hiện trong các cuộc họp thượng đỉnh châu Phi nghênh ngang và trong thượng đỉnh Ả Rập thì ông khinh khỉnh.

Đối với Tây phương thì ông vẫn giữ thái độ của người nô lệ nổi loạn, nên không được họ ưa. Có thể ông thành thực lấy châu Phi làm căn cước, nên còn đổ tiền vào các nước láng giềng nghèo khó và không có tài nguyên. Trong nước, ông bày ra "cách mạng xanh" dựa trên bình đẳng Hồi giáo và dư tiền nên nghĩ ra kế hoạch thủy lợi khổng lồ trong sa mạc.

Trong khi đó, các con ông thả rong ngoài nước thì ăn chơi động trời. Có cậu mở party mời Mariah Carey đến hát giúp vui trả tiền triệu đô. Có cậu ở Thụy Sĩ đánh đập người giúp việc. Có cậu say rượu lái siêu xe ngược chiều trên đại lộ Champs Elysées ở Paris. Một cậu chỉ ham bóng đá và cũng là cầu thủ hạng khá. 

Lại một cậu ăn học đàng hoàng và là tiến sĩ trường London School of Economics. Cậu này, Saif al Islam, là người mở cửa Libya về hướng Tây phương và vui vẻ bắt tay họ, nhưng nào có ngờ là cười với nó thì nó cũng chẳng tha.

Khi "Mùa xuân Ả Rập" đến Libya thì đời sống của người dân ở đây cao cấp nhất châu Phi với chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức hàng đầu. Giáo dục từ tiểu học đến đại học hoàn toàn miễn phí, và nếu không có môn đó giảng dạy trong nước thì nhà nước đài thọ cho sinh viên Libya du học nước ngoài. 

Hệ thống y tế cũng hoàn toàn miễn phí, nếu trong nước không điều trị được thì nhà nước gửi con bệnh ra nước ngoài. Thực phẩm căn bản như bột mì, bánh mì, dầu ăn… được trợ cấp gần như miễn phí và được tuồn ra các nước Phi châu lân cận. Tại các nước láng giềng này thường có cái gọi là "chợ Libya " bán hàng lậu giá rất rẻ được buôn lén từ Libya thừa mứa sang.

Tripoli năm 2006. Ảnh: Wikipedia

Tripoli năm 2006. Ảnh: Wikipedia

Muốn về lại vạch xuất phát cũng khó

Khi biểu tình vào tháng 2-2011 ồn ào và bị quân đội đàn áp đẫm máu, Gaddafi vội xúc tiến cổ phần hóa công ty dầu hỏa quốc gia để chia cho mỗi người dân già trẻ lớn bé 21.000 USD tiền cổ phần, tức người dân Libya sẽ sở hữu và kiểm soát trực tiếp tài nguyên của quốc gia. 

Nhưng đã quá trễ khi số thường dân bị giết hại lên đến vài trăm. 42 năm liên tục cầm quyền của Gaddafi đè nặng lên xã hội với vấn đề ô dù bè phái, cha chú gia đình trị, sụp đổ.

Hình ảnh Gaddafi trong quần chúng từ một lãnh tụ trẻ trung năng nổ giờ trở thành kẻ gia trưởng độc đoán, thậm chí hơi điên loạn và khó chiều. Trong 4 thập niên, dầu hỏa và Gaddafi đã đoàn kết được 142 bộ tộc Libya và hai phần đông - tây của đất nước. 

Như đại đa số quốc gia Phi châu, Libya hiện hữu với biên giới ngày nay là do đổi chác giữa các thế lực thực dân châu Âu. Ý đến chậm trong trò chơi cướp giật này được lãnh Libya nhờ Anh ở phía đông (Ai Cập, Sudan) gờm Pháp ở phía tây (Tunisia, Chad) cần một trái độn. 

Như các quốc gia châu Phi khác, Libya là một thực thể vá víu và cưỡng ép chỉ đợi rách bươm ra thành từng mảnh rã rời.

Khác với các lãnh tụ bị lật đổ khác ở đây kia, Gaddafi không bỏ chạy ra nước ngoài dù có đủ thời gian và cơ hội. Ông về thành Sirte do con ông là Khamis trấn đóng với vài trăm tay súng còn lại, rồi bị thương, bị bắt và bị quân nổi loạn hành hình sau khi đoàn xe của ông bị phi cơ NATO và máy bay không người lái Mỹ đánh tan tành. 

Gaddafi không có duyên với phi pháo Mỹ. Năm 1986 tổng thống Reagan đã đánh tư dinh Gaddafi và giết con gái nuôi của ông. Năm 2011, phi pháo NATO lại đánh một tư dinh của ông và giết chết cậu con trai út cùng 3 đứa cháu nội.

Tuy nhiên, Gaddafi từng là tường thành ngăn ngừa Hồi giáo cực đoan hữu hiệu và các thành phần này từng tổ chức ám sát ông. Cái chết của ông không đưa đến dân chủ tự do hay phát triển kinh tế, an ninh xã hội, mà ngược lại. 

Mức sống người dân sa sút và an ninh biến mất. Các lãnh chúa và sứ quân biến Libya trở thành nơi hỗn loạn kinh hoàng không ai kiểm soát nổi. Các thế lực Tây phương và khu vực ủng hộ các thành phần khác nhau trong nội chiến, có khi ủng hộ cả hai phe một lúc, như nước Pháp. 

Các tổ chức cực đoan như Al Qaeda hay ISIS không ai ngăn cản và mặc sức tung hoành. Tình thế bất ổn khiến Libya trở thành nơi buôn nô lệ và đầu cầu xuất thuyền nhân tị nạn sang châu Âu. Tây phương không bảo đảm được một ngày yên ổn sau khi lật đổ chế độ.

Tripoli năm 2022. Ảnh: AP

Tripoli năm 2022. Ảnh: AP

Phải mất 7 năm, bầu cử tổng thống được quyết định vào cuối năm 2018. Nhưng tình thế không cho phép nên phải dời lại đến cuối năm 2021. Bây giờ là tháng 5-2023, ông Gaddafi không sống dậy, nhưng cũng đã chẳng có bầu cử. 

Tháng 12-2021, cậu con ông là Saif al Islam đã nói ở trên tái xuất và ghi tên tranh cử. Trong 19 ứng viên đăng ký, thăm dò cho thấy ở vòng đầu Saif al Islam sẽ về nhì sau thủ tướng của chính phủ lâm thời Dbeibeh và trước tướng Haftar, con bài Mỹ nuôi tốn chà là từ 1990. 

Nhưng tới giờ, bầu cử vẫn chưa diễn ra và tương lai gần xa không ai biết. Điều chắc chắn là sau 12 năm rối ren và đen tối, họ nhà Gaddafi có hy vọng trở lại cầm quyền bằng lá phiếu hẳn hoi nếu quả có một cuộc bầu cử công bằng và tự do!

Thực tế đó phản ánh tâm trạng bất mãn và tuyệt vọng của người dân Libya sau 12 năm chia tay bạo chúa của họ. Điều an ủi có lẽ duy nhất và rất nhỏ bé cho họ là người đại diện cho chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, một bà Hillary Clinton nào đó, "đã đến, đã thấy, và đã bỏ đi mất". ■

Phi châu, như đã nói, là giấc mơ của Gaddafi. Ông toan tính lập Quỹ Tiền tệ châu Phi để thay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) của Tây phương, dùng một đơn vị tiền tệ mới cho cả châu lục là đồng dinar dựa trên giá vàng. Chuyện này có lẽ là tham vọng ngoài tầm và khả năng của Libya, nhưng dù sao thì quỹ 30 tỉ USD để thực hiện việc này cũng bị chính quyền Obama siết mất vào giai đoạn đầu loạn "mùa xuân".
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận