Lịch sử kỳ thú của con “Chuột” máy tính

MINH KHÔI 27/01/2020 19:01 GMT+7

TTCT - Con chuột máy tính giờ có ở mọi nhà và cơ quan công sở mà chẳng ai sợ hãi hay bực bội vì nó như với những “ông Tý” thật. Ngày xuân năm chuột, thử nhìn lại quá trình “tiến hóa” cũng đã trên 30 năm của loài “chuột” gắn liền với máy tính và công nghệ này.

Chuột máy tính do Douglas Engelbart
Chuột máy tính do Douglas Engelbart "sinh thành", được Xerox PARC phát triển và thương mại hóa nhờ Apple. Ảnh: The New Yorker

Kỹ sư người Mỹ Douglas Engelbart (1925 - 2013) vẫn được cho là cha đẻ của chuột máy tính mà ta biết ngày nay. Năm 1968, Engelbart, khi đó hãy còn là một nhà nghiên cứu ít tiếng tăm ở Viện nghiên cứu Stanford (SRI), đã giới thiệu “đứa con” đầy tự hào trước hơn 1.000 nhà khoa học máy tính tại hội thảo Fall Joint Computer ở San Francisco, Mỹ.

“Thủy tổ” của chuột máy tính, như thiết kế được Mỹ cấp bằng sáng chế năm 1970 của Engelbart, to gấp đôi thiết bị ta quen thuộc ngày nay vì được đặt trong một hộp gỗ cao cấp, với 3 nút bấm trên đầu, di chuyển bằng hai bánh xe ở mặt dưới thay vì “hòn bi” (trackball) của chuột bi hay đèn điốt phát quang như chuột quang bây giờ.

Dù bằng cách nào thì nguyên lý cũng giống nhau, chuyển động của chuột được ghi lại bằng mã nhị phân và hiển thị lại trên màn hình dưới dạng con trỏ (cursor).

Tên cúng cơm trên giấy tờ của thiết bị Engelbart khai sinh ra chẳng có chút mỹ miều nào mà đầy tính kỹ thuật - “thiết bị định hướng vị trí X-Y trên màn hình”, còn “chuột” chỉ là biệt danh. Cuối cùng thì chính biệt danh lại thông dụng hơn tên chính thức.

Khi chuột máy tính trở nên phổ biến, mọi người hỏi Engelbart về nguồn gốc của nó, ông trả lời không biết tại sao lại gọi nó là chuột, “mọi người bắt đầu gọi như vậy và cứ dùng như thế chứ không thay đổi”.

Trong một cuộc phỏng vấn khác, Engelbart lại hồn nhiên cho rằng con chuột được gọi là con chuột vì nó... giống con chuột, với phần dây gắn phía sau đuôi. Tuy rằng sau này phần dây đã được chuyển lên phía đầu cho tiện dụng hơn.

“Tiến hóa”

Vào năm 1973, Trung tâm nghiên cứu Xerox tại Palo Alto (Xerox PARC) đã phát triển một bản nâng cấp cho chuột, đó là loại chuột mới dùng trackball và có 3 nút bấm, hỗ trợ trên máy tính đầu tiên sử dụng giao diện đồ họa người dùng (GUI). Xerox cũng là công ty đầu tiên bán ra một hệ thống máy tính đi kèm với con chuột dùng trackball mang tên 8010 Star Information System vào năm 1981.

Vào năm 1984, chuột máy tính trở thành tiêu chuẩn của hệ thống máy tính Apple Macintosh. Nhờ cú hích mà máy Macintosh tạo ra ở thung lũng Silicon, chuột máy tính cũng “thơm lây”, trở thành “sao hạng A” trên thị trường công nghệ.

Cùng với sự phát triển của hệ điều hành Windows của Microsoft và giao diện người dùng, chuột trở nên phổ biến và là tiêu chuẩn không thể thiếu của bất cứ chiếc máy tính nào.

Chuột bi, vốn hoạt động theo nguyên lý ghi nhận và truyền chuyển động của viên bi vào các trục ở bên trong rồi truyền dữ liệu cho máy xử lý, lại có nhược điểm là nặng nề, độ nhạy kém. Những năm cuối của thế kỷ 20, chuột quang ra đời với độ chính xác cao hơn.

Song phải đến khi Microsoft ra mắt sản phẩm chuột quang IntelliMouse Explorer tại triển lãm COMDEX (Las Vegas, Mỹ) vào tháng 4-1999 thì cách chúng ta sử dụng chuột mới thay đổi. Viên bi bên dưới đã được thay bằng đèn LED và một hệ thống quang học ghi nhận chuyển động con chuột.

Chuột quang thế hệ đầu vướng phải nhược điểm là kén bề mặt (không hoạt động trên mặt kính), trước khi hạn chế này được khắc phục nhờ công nghệ laser. Khi chuột quang đã có thể dùng được trên tất cả các bề mặt, từ mặt bàn kính cho tới trên đùi người sử dụng, cũng là lúc hồi cáo chung cho chuột dùng trackball đã điểm.

Từng bị đoán “chết sớm”

Năm 2008, nhà phân tích Steve Prentice của hãng nghiên cứu thị trường Gartner tuy thừa nhận chuột đã “trở thành một phần không thể thiếu trong giao diện đồ họa người dùng”, song lại ra lời “sấm truyền” rằng nó sẽ sớm bị thời đại bỏ quên và tương lai của công nghệ sẽ không là chuột máy tính.

Prentice dự đoán chuột máy tính sẽ thành món “đồ cổ” trong vòng 3 đến 5 năm tính từ thời điểm đó, khi kỷ nguyên hậu máy tính để bàn (desktop) cận kề, mọi người sẽ chuyển sang dùng máy tính xách tay (laptop) với trackpad, và xa hơn nữa là triển vọng màn hình cảm ứng, công nghệ nhận diện giọng nói và nhận diện gương mặt sẽ giúp con người thao tác trên thiết bị mà không cần click chuột.

“Chuột máy tính hoạt động tốt trong môi trường desktop nhưng để giải trí hoặc làm việc trên laptop thì chuột hết thời rồi” - Đài BBC dẫn lời Prentice vào năm 2008.

Nhà phân tích của Gartner thậm chí lấy ví dụ của những công nghệ đang được các tập đoàn phát triển như công nghệ ra hiệu cho tivi bằng cử chỉ tay thay vì điều khiển từ xa, rồi thì các hãng máy ảnh cũng sử dụng công nghệ quét gương mặt để nhận diện mặt và cảm xúc của người dùng theo thời gian thực để củng cố lập luận rằng thời của chuột máy tính sẽ sớm quá vãng.

Prentice còn dự báo tương lai chúng ta điều khiển thiết bị điện tử bằng ý nghĩ (công nghệ sóng não) thay vì dùng thiết bị vật lý như con chuột hay điều khiển từ xa.

Giờ đây, hơn 10 năm sau những tuyên bố này của Prentice, một khoảng thời gian đủ dài để nhìn lại và đánh giá các dự đoán về công nghệ, dễ thấy lời của nhà phân tích này... trật lất.

Năm 2018, nhân kỷ niệm 50 năm chuột của Engelbalt ra đời, tờ Spiegel (Đức) nhận định sau nửa thế kỷ, không có thiết bị nào thành công trong việc hạ bệ ngai vàng của chuột máy tính, kể cả màn hình cảm ứng. Chuột máy tính vẫn thống trị môi trường công sở.

Và ngay cả những lĩnh vực chuyên nghiệp cũng không thể rời xa con chuột. Trong các trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất và game chiến thuật, chuột vẫn là lựa chọn hàng đầu và đánh bại mọi tay cầm chơi game cho tới nay nhờ ưu điểm dễ điều khiển và nhạy bén. Chưa kể, chuột ngày nay nhỏ gọn, có nút cuộn và đã “đứt đuôi” khi chuột không dây ngày càng rẻ và phổ biến.

Báo cáo phân tích thị trường chuột không dây giai đoạn 2019 - 2025 công bố tháng 8 năm ngoái của Hãng Grand View Research cho thấy quy mô thị trường chuột không dây toàn cầu được định giá 1,38 tỉ USD vào năm 2018 và sẽ mở rộng hơn nữa với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,7%.

Tiếng click còn mãi

Có nhiều lý do cho thấy chuột máy tính sẽ luôn tồn tại. Yếu tố đầu tiên chính là độ tiện dụng. Đây cũng chính là yếu tố giúp chuột góp phần đưa máy tính trở thành thiết bị phổ biến như ngày nay.

Chuột giúp thao tác trên máy tính trở nên đơn giản tới mức trackpad của laptop chưa thể so sánh, dù là làm việc như thiết kế hay là chơi game giải trí. Và trong bối cảnh thiết bị điện tử ngày càng đề cao tính dễ dùng như hiện nay thì chuột, nhất là chuột không dây lại càng quan trọng.

Độ tiện dụng mang lại yếu tố đáng giá thứ hai của chuột máy tính: độ thông dụng. Kể từ khi chuột máy tính trở nên phổ biến vào năm 1984, từ đó tới nay ở đâu có máy tính ở đó có chuột, đặc biệt là tại môi trường công sở, nơi vẫn sử dụng máy tính để bàn.

Góp phần vào việc phổ biến chuột máy tính là mức giá vô cùng dễ chịu. Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn là đã có một con chuột xài ổn định trong thời gian dài. Chuột cao cấp hơn có giá vài triệu, vẫn không mắc nếu so với giá thành của máy tính hay những linh kiện riêng lẻ.

Không thể không nhắc đến thể thao điện tử (esport). Bạn đã thấy ai thi đấu Liên minh huyền thoại hay Counter Strike bằng trackpad của laptop? Tất cả đều dùng máy tính để bàn và tất nhiên, dùng chuột. Những con chuột dùng trong thể thao điện tử đương nhiên là chuột cao cấp, nhưng dùng dây để đảm bảo tín hiệu tốt hơn chuột không dây.

Không phải ngẫu nhiên mà tiếng click của nó đã trở thành một phần quen thuộc đối với người dùng máy tính. Trong thời đại công nghệ ngày càng hiện đại như ngày nay, chuột máy tính vẫn còn “đất dụng võ”, còn phát huy được giá trị tốt đẹp của mình từ những ngày mới ra đời. Giả sử không có chuột, Windows, máy Mac nói riêng và máy tính nói chung chưa chắc đã phổ biến như ngày nay.■

Chuột bao nhiêu nút cho vừa?

Ngày nay chúng ta quen với con chuột gồm 2 nút trái - phải và nút cuộn ở giữa, song Engelbart từng muốn chuột phải có 10 nút mới vừa lòng, vì ông tin rằng chừng ấy nút mới thực hiện hết chức năng của chuột.

Trái lại, khi bắt đầu trang bị chuột cho máy tính Apple Lisa, CEO Apple khi đó là Steve Jobs cho rằng chuột chỉ cần 1 nút là đủ, vì càng đơn giản thì càng tránh được thao tác sai. Nhưng rốt cuộc thì magic mouse đi kèm các máy tính của Apple không có tách nút riêng biệt mà chỉ có 1 bề mặt liền khối kết hợp các thao tác vuốt mà thôi.

Microsoft đã thừa nhận họ tạo ra các trò chơi như Solitaire (phát hành năm 1990) và Minesweeper (1992) để người chơi tưởng đang chơi game nhưng thật ra là “vô thức” làm quen với tính năng “kéo và thả” của chuột, cũng như hình thành thói quen nhấp chuột.

Theo tạp chí Mental Floss, các trò chơi dù sơ khai nói trên thành công đến nỗi khi Microsoft cố gắng loại bỏ chúng trên hệ điều hành mới, quyết định đã vấp phải sự phản đối từ người dùng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận