Lịch sử lại tiếp tục

H.MINH - NHẬT ĐĂNG 15/08/2022 06:06 GMT+7

TTCT - Cuộc chiến Ukraine và cuộc khủng hoảng Đài Loan là hai sự kiện cụ thể báo hiệu một trật tự thế giới mới nguy hiểm hơn đang hình thành.


Lịch sử lại tiếp tục - Ảnh 1.

Ảnh: The New Yorker

Mỗi khi súng nổ hoặc nguy cơ đụng độ quân sự gia tăng, cái tên Francis Fukuyama lại được nhắc tới làm ví dụ về sự lạc quan thái quá của những ai quá tin tưởng vào một mô hình quản trị xã hội tưởng như sẽ trở thành phổ quát cho cả thế giới.

Năm 1989, nhà khoa học chính trị người Mỹ thu hút sự chú ý sau bài viết trên tạp chí National Interest tựa đề "Sự kết thúc của lịch sử?". Fukuyama cho rằng thế giới đang chứng kiến "điểm kết thúc trong quá trình tiến hóa ý thức hệ loài người, và sự phổ biến của nền dân chủ tự do phương Tây là hình thức cai trị cuối cùng của con người".

Tuyên bố có phần ngạo mạn trên được củng cố bằng những cột mốc như sự sụp đổ của bức tường Berlin và việc Liên Xô tan rã. Năm 1992, Fukuyama phát triển ý tưởng trên thành cuốn The End of History and the Last Man (Kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng). Theo đó, điểm kết thúc của lịch sử sẽ là chiến thắng tuyệt đối của nền dân chủ tự do.

Kết thúc của Pax Americana

Nhưng với sự vươn lên của Trung Quốc hiện giờ và cuộc chiến ở Ukraine, tình trạng đơn cực hậu chiến tranh lạnh coi như đã chính thức kết thúc. Câu hỏi đặt ra là những kịch bản tương lai sẽ thế nào? 

Những động thái mạnh mẽ của Trung Quốc ở khu vực Đài Loan là một lời khẳng định nữa cho tuyên bố đã được Nga nêu ra bằng xe tăng và tên lửa trước đó ở Ukraine: Nền hòa bình kiểu Mỹ - một Pax Americana - đã kết thúc, còn lịch sử vẫn sẽ tiếp tục.

Sau chiến thắng của phương Tây trong chiến tranh lạnh, nước Mỹ nhanh chóng tuyên bố một thế giới đơn cực mới. Trong thế giới đó, những ai vi phạm luật chơi dân chủ - tự do sẽ bị trừng phạt bởi tay cảnh sát của cả thế giới. 

Những người ủng hộ nói đó sẽ là một tiến trình phát tán dân chủ và bảo đảm nhân quyền cho toàn cầu. Những ai chỉ trích nhìn thấy môtip đế quốc cũ nấp đằng sau bình phong lý tưởng để can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia khác tùy thích. Những gì đang diễn ra ở cả Ukraine và Đài Loan không nằm ngoài cuộc tranh luận đó.

Giờ thì phương Tây có vẻ đang mắc kẹt trong nhiều cuộc khủng hoảng đồng loạt, sự hợp tác toàn cầu có nguy cơ tê liệt vì mối kình địch giữa các hệ thống khác nhau. 

Từ các cuộc chiến ở Gruzia tới Ukraine, những động thái lấn lướt ở Biển Đông hay các cuộc tập trận ở Đài Loan, có vẻ như đòi hỏi về sự phân chia vùng ảnh hưởng theo những toan tính thực dụng đang trở lại trên sân chơi chính trị quốc tế.

Trong thập kỷ sắp tới, mối kình địch giữa các siêu cường nhiều khả năng sẽ là phông nền chính cho quan hệ quốc tế - thời kỳ Mỹ thống trị đã chấm dứt, thời kỳ hòa hoãn và hợp tác sẽ không thể tiếp tục, thế giới có nguy cơ đi trở lại con đường đã cũ của cạnh tranh nhiều hơn hợp tác.

Có nhiều kịch bản cho tương lai đó. Sự cân bằng đa cực, dù mong manh nhưng hòa bình, giống thế kỷ 19 với nhóm các cường quốc thực dân phương Tây, là một khả năng - và có lẽ là kịch bản đỡ tồi tệ nhất. 

Một cuộc chiến tranh lạnh mới cũng có thể diễn ra, với các hệ thống khu biệt vận hành riêng ở mỗi góc của quả địa cầu, nhưng vẫn có hợp tác hạn chế ở những lĩnh vực lợi ích chung (như biến đổi khí hậu). 

Tồi tệ nhất sẽ là một cuộc thế chiến nữa, để phân lại tấm bản đồ ảnh hưởng. Nhưng với sức mạnh của vũ khí hiện đại, đó rất có thể cũng sẽ là cuộc thế chiến cuối cùng - lịch sử sẽ thật sự kết thúc, nhưng không phải như ý Fukuyama!

Những rao giảng dân chủ - tự do, dù đầy lý tưởng, cho tới giờ đã không được hiện thực hóa là bao. Sau khi Kabul thất thủ, ngay cả những nhân vật ủng hộ chủ nghĩa tự do cuồng nhiệt như Joe Biden và Emmanuel Macron cũng phải tuyên bố thời đại của chủ nghĩa can thiệp đã chấm dứt.

Ở các thủ đô phương Tây có thể vẫn còn nhiều người nhiệt tình với sự lan tỏa của mô hình tự do - dân chủ và không ngần ngại tìm kiếm một cuộc đối đầu hệ thống với Trung Quốc và Nga. 

Tuy nhiên, phản ứng trên toàn cầu với cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraine cho thấy phần còn lại của thế giới không mấy mặn mà với một cuộc đối đầu mới nữa. 

Họ không hẳn ủng hộ hành động quân sự của Nga, hay những động thái mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, họ chỉ đơn giản đã quá mệt mỏi và thất vọng với nền hòa bình kiểu Mỹ, nhất là ở thế giới đang phát triển Nam bán cầu.

Phương Tây vỡ mộng

Cách ứng xử của cả Nga và Trung Quốc - cũng là những nền kinh tế "mới nổi" - phản ánh phần nào nỗi thất vọng đó. Do họ có sức mạnh lớn hơn nhiều so với các nước Nam bán cầu khác, về quân sự hoặc kinh tế, nên phản ứng đó gây ra va chạm.

Giống như cuộc tranh luận về các hệ thống chính trị, trong quan hệ quốc tế, đó là cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa tự do lớn mạnh sau Thế chiến II với xu hướng hợp tác và sự nổi lên của những tổ chức quốc tế. 

Chiến tranh lạnh kết thúc càng thúc đẩy xu hướng đấy. Hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa tưởng như trở thành nghiễm nhiên qua thương mại xuyên biên giới và giao lưu văn hóa, với ít mối lo hơn về tình trạng cạnh tranh, chạy đua vũ trang và nguy cơ chiến tranh giữa các siêu cường truyền thống và cường quốc mới nổi.

Sự lạc quan này là một trong những cơ sở chính khiến những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, với điểm nhấn là sự kiện Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2001. 

Họ tin tưởng rằng sự giàu có của Trung Quốc (được thúc đẩy bằng lợi ích từ việc gia nhập hệ thống thương mại tự do) sẽ dẫn tới thay đổi trong xã hội, từ đó giúp Trung Quốc cởi mở hơn và chia sẻ những giá trị dân chủ tự do của phương Tây.

Niềm tin này được vun đắp qua nhiều công trình nghiên cứu, trong đó khẳng định mối tương quan tích cực giữa tự do hóa kinh tế và mức độ "cạnh tranh chính trị" - một yếu tố có thể dẫn tới tái phân bổ quyền lực và kết cục (mong muốn) là thúc đẩy dân chủ. 

Một trong những nghiên cứu có ảnh hưởng nhất thuộc về Seymour Martin Lipset (năm 1959), khi ông cho rằng phát triển kinh tế cung cấp nền tảng quan trọng cho dân chủ.

Đối với những người tin vào lý thuyết "hòa bình nhờ dân chủ", việc "dân chủ hóa" các nước cũng là một cách thêm bạn, bớt thù. Nhiều nghiên cứu ở phương Tây cũng được thực hiện nhằm chứng minh các quốc gia "dân chủ" thường ít chiến tranh với nhau. 

Tuy nhiên, Trung Quốc dù đã giàu lên nhưng vẫn không đi theo quỹ đạo phương Tây mong muốn. Những cáo buộc về nhân quyền, sở hữu trí tuệ, hay thương mại không công bằng rốt cuộc đã dẫn tới căng thẳng Trung - Mỹ trên nhiều phương diện, lên tới đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng Đài Loan vừa rồi.

Lịch sử, cụ thể ở đây là lịch sử như một cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ, dữ dội, và vô cùng nguy hiểm, giữa các cường quốc, các hệ thống chính trị khác biệt, và cả các nền văn minh, vẫn còn lâu mới kết thúc.■

"Chúng ta đang đi đến hồi kết của sự thống trị về kinh tế và chính trị phương Tây. Thế giới đang ít nhất hai cực và có khả năng là đa cực"

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận