TTCT - Những cuốn phim tài liệu Olympic là nguồn tư liệu đặc sắc, giúp soi rọi bề dày lịch sử đầy phức tạp của sự kiện thể thao này. Poster chính thức một số phim tài liệu Olympic. Ảnh: IOCSo với các truyền thống lâu đời như nghi thức rước đuốc hay lễ khai mạc hoành tráng, những cuốn phim tài liệu Olympic có phần ít người biết hơn. Tuy nhiên, đây chính là nguồn tư liệu đặc sắc, giúp soi rọi bề dày lịch sử đầy phức tạp của sự kiện thể thao này.Thật ra, phim tài liệu Olympic có mặt từ rất sớm trong lịch sử của thế vận hội. Kể từ 1912, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) bắt đầu ủy nhiệm cho Ủy ban Olympic của nước đăng cai thực hiện phim tài liệu về sự kiện tại nước mình. Ủy ban của nước sở tại sẽ cân nhắc đề xuất của các đạo diễn trong nước, cũng như tư vấn từ các chuyên gia điện ảnh để chọn ra một người phù hợp nhất để thực hiện cuốn phim này. Từ năm 1924, các kỳ Thế vận hội Mùa đông cũng bắt đầu hưởng ứng cách làm này.Sau khi quay xong, những bộ phim này thường được công chiếu tại một số liên hoan phim (chẳng hạn như Cannes). Hiện nay, các phim này được lưu trữ tại Bảo tàng Olympic tại Lausanne (Thụy Sĩ), và phát trực tuyến trên website chính thức của IOC. Đặc biệt, vào năm 2012 Criterion Collection, một hãng phân phối phim nghệ thuật của Mỹ, đã phát hành bộ đĩa tổng hợp tất cả các phim tài liệu Olympic nhân dịp 100 năm tồn tại của truyền thống này. Thông qua những bộ phim này, IOC muốn xây dựng kho tư liệu về thế vận hội, đồng thời nối dài thông điệp về một thế giới hòa bình, thịnh vượng và nêu cao tinh thần thể thao.Hơn cả phim tài liệuVào thời điểm truyền hình chưa phổ biến, các bộ phim tài liệu Olympic giúp khán giả đại chúng được chứng kiến những gì diễn ra tại thế vận hội. Dần dần, dấu ấn nghệ thuật và chính trị của các phim Olympic ngày càng rõ nét, giúp chúng tiếp tục tồn tại ngay cả khi người xem đã có thể theo dõi trực tiếp đại hội thể thao qua truyền thanh, truyền hình và Internet.Bộ phim Olympic đầu tiên vượt khỏi khuôn khổ "phóng sự" thông thường lại chính là một trong những bộ phim gây tranh cãi nhất trong lịch sử truyền thống này. Bối cảnh của nó tất nhiên không đơn giản: Berlin 1936 diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi Đảng Quốc xã đang chực chờ bành trướng khắp châu Âu.Leni Riefenstahl, đạo diễn của nhiều phim tuyên truyền cho chính quyền Hitler, được giao nhiệm vụ làm phim về sự kiện. Năm 1938, nữ đạo diễn chính thức ra mắt công chúng bộ phim mang tên Olympia, được chia thành hai phần: Fest der Völker (Ngày hội các quốc gia) và Fest der Schönheit (Ngày hội của cái đẹp).Mở đầu phần một, máy quay lần qua bản đồ các nước châu Âu, truy theo chặng đường ngọn đuốc tiến về Berlin. Mỗi quốc gia được xướng tên sẽ kèm theo hình ảnh một công trình biểu tượng và lá cờ của nước đó tung bay trên nền. Cảnh này khép lại bằng hình ảnh lá cờ Đức Quốc xã tung bay, theo sau là đại cảnh sân vận động nơi diễn ra lễ khai mạc. Hitler tiến lên bục phát biểu trong khi toàn thể khán giả giơ cao cánh tay và hô to "Heil Hitler". Là đạo diễn hàng đầu bấy giờ, Riefenstahl không tránh khỏi những ràng buộc tư tưởng của Đảng Quốc xã.Poster phim Olympia Fest der VölkerNhững cảnh như thế trong Olympia khiến người xem không khỏi quan ngại. Bản thân IOC cũng từ chối công nhận bộ phim nằm trong kho phim chính thức của mình. Olympia đặt cho người xem câu hỏi về tính chính trị của sự kiện này. Tính khách quan của các cuốn phim này lại càng rõ nét khi chính Ủy ban Olympic nước đăng cai được quyền quyết định đạo diễn và nội dung của chúng. Mặt khác, Olympia là lần đầu tiên phim tài liệu thế vận hội vượt khỏi khuôn khổ của tường thuật sự kiện. Ngoài bóng đen chính trị, bộ phim là tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp của thể thao và con người. Phim vẫn có những khoảnh khắc khi giá trị nghệ thuật và lý tưởng của Olympic vượt lên những thiển cận chính trị.Chẳng hạn, Riefenstahl ghi lại trọn vẹn chiến thắng lịch sử của Jesse Owens, vận động viên da màu người Mỹ, ở bộ môn nhảy xa, đánh bại đại diện nước chủ nhà Luz Long. Theo Albert Speer - bộ trưởng Khí tài và Vũ trang của Đức Quốc xã trong giai đoạn 1942-1945, Hitler đã tức tối trước chiến thắng của Owen. Bên cạnh đó, những kỹ thuật làm phim của Riefenstahl vẫn được đánh giá cao đến tận ngày nay. Năm 2005, tạp chí Time chọn Olympia vào danh sách 100 phim xuất sắc nhất kể từ năm 1923.Đạo diễn Leni Riefenstahl quay phim tại sân vận động Olympic Berlin. Ảnh: akg-imagesThể thao và nghệ thuậtOlympia của Leni Riefenstahl mở đường cho các đạo diễn thể hiện giá trị thẩm mỹ nhiều hơn trong các phim tài liệu Olympic của mình. Nổi bật nhất trong số các phim vị nghệ thuật này là Tokyo Olympiad của đạo diễn Kon Ichikawa, khắc họa Thế vận hội Mùa hè năm 1964 tại Nhật Bản.Ichikawa xuất thân là đạo diễn điện ảnh, từng nổi danh qua các phim như Cây đàn Miến Điện (1956) và Lửa đốt đồng (1959). Tokyo Olympiad là lần đầu ông thử sức với thể loại phim tài liệu. Vì vậy, người xem không khó nhận ra những ảnh hưởng của Leni Riefenstahl lên cách làm phim của Ichikawa: Dùng ngôn ngữ điện ảnh để khắc họa vẻ đẹp của con người.Để làm được điều đó, Ichikawa tin tưởng vào tầm nhìn của bậc thầy quay phim Kazuo Miyagawa. Cả hai làm việc sâu sát nhằm tận dụng tối đa các kỹ thuật điện ảnh tối tân bấy giờ như ống kính tiêu cự dài (telephoto lens), chuyển cảnh đột ngột (jump cut), đóng băng khung hình (freeze frame) và quay chậm (slow motion). Những hình ảnh như làn khói từ đoàn người rước đuốc Olympic kéo dài dưới chân ngọn Phú Sĩ rực rỡ, hay khi quả tạ xích của vận động viên Đức Uwe Beyer xé toạc lớp cỏ có ướt nước mưa trong một cảnh trắng đen khiến người xem không khỏi choáng ngộp và xúc động.Cảnh trong Tokyo OlympiadĐiều khiến Tokyo Olympiad của Ishikawa khác Olympia của Riefenstahl là cách khắc họa con người gần gũi, dung dị mà vẫn rất đỗi phi thường. Không ít lần máy quay thu cận cảnh mái tóc, bàn tay, đôi chân của các vận động viên. Nhiều lúc cảnh phim rung lắc theo từng nhịp chạy của các vận động viên. Có khi chúng lại tĩnh tại khi máy quay dừng lại trên khuôn mặt say mê của những bé con trên hàng ghế khán giả. Ishikawa không chỉ ghi lại những người chiến thắng, ông còn dành không gian cho những người thua cuộc - một góc nhìn nhân văn hiếm hoi trong lịch sử phim tài liệu thể thao nói chung.Nói như vậy không có nghĩa là Tokyo Olympiad không có yếu tố chính trị. Bộ phim của Ichikawa mang đến thế giới một hình ảnh nước Nhật hậu chiến đầy tươi sáng - hiện đại, thân thiện và cấp tiến với hình ảnh người dân hiền hòa, nhà cao tầng, xe hơi và tàu shinkansen. Tuy nhiên, chất nghệ thuật quá mạnh mẽ của phim vẫn khiến những người ủy thác Ichikawa giận dữ, buộc ông phải cắt ngắn phim của mình vào thời điểm ra mắt. Phim tài liệu Visions of Eight (Tám góc nhìn) của Olympic Munich 1972 là một trường hợp đặc biệt. Đây là tập hợp tám bộ phim ngắn do các đạo diễn nổi tiếng từ nhiều quốc gia thực hiện.Trong số các tên tuổi này có Athur Penn (đạo diễn phim Bonnie and Clyde), Miloš Forman (One Flew Over the Cuckoo's Nest), Claude Lelouch (Un homme et une femme), John Schlesinger (Midnight Cowboy), cùng sự trở lại của Kon Ichikawa. Đặc biệt, phần phim của Schlesinger còn thẳng thắn đề cập đến sự kiện thảm sát 11 thành viên đoàn thể thao Israel phủ bóng đen lên toàn sự kiện. Thiếu vắng bối cảnh xã hộiBên cạnh những lời khen, các phim tài liệu về Olympic cũng gây ra nhiều tranh cãi và chỉ trích. Một mặt, những bộ phim dễ dàng bị thao túng về chính trị khi Ủy ban Olympic nước đăng cai chịu trách nhiệm chính trong quá trình chọn lựa đạo diễn và kiểm duyệt nội dung. Tiêu biểu cho xu hướng này không đâu khác chính là Olympia của Leni Riefenstahl.Mặt khác, hầu như cuốn phim nào của Olympic cũng quá lý tưởng. Từ diễn biến sự kiện, cảnh quan cho đến con người, mọi thứ trên phim đều quá tươi đẹp. Những vấn đề an sinh - xã hội nhức nhối gắn liền với công cuộc đăng cai của nước chủ nhà dường như không tồn tại trong khung hình.Trong cuốn Olympic Cities: City Agendas, Planning, and the World's Games, 1896-2020, tác giả John Gold nhận định: "Cuối những năm 1960, "sự hoành tráng" trở thành một gánh nặng đối với các thành phố đăng cai, đặc biệt là sự kiện Montreal 1976 khiến thành phố này gánh nợ suốt 30 năm".Không đâu xa, với London 2012, các dự án cư xá phục vụ Olympic đẩy giá cả nhà đất leo thang, khiến nhiều dân địa phương ở các khu vực còn khó khăn phải rời bỏ nhà cửa. Đơn cử, giá nhà ở Newham, một khu dân cư nghèo ở London, đã tăng 43% từ năm 2010 đến năm 2016. Theo tiến sĩ Penny Bernstock - tác giả quyển Olympic Housing: A Critical Review of London 2012's Legacy, tỉ lệ vô gia cư tại đây nhảy vọt 122% trong vòng ba năm sau khi diễn ra sự kiện.Những vấn đề dân sinh kể trên không hề xuất hiện trong các phim tài liệu chính thức của Olympic vào cả năm 1976 lẫn 2012. Cả hai bộ phim chỉ tập trung vào các vận động viên và diễn biến các trận đấu. Sự thiếu vắng bối cảnh xã hội của các phim tài liệu này chỉ ra một vấn đề lớn hơn của Olympic: Phải chăng IOC đang đặt lý tưởng thể thao của mình lên trên mọi vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội khác?Nhìn chung, cuộc tranh luận về cách tiếp cận của các bộ phim tài liệu Olympic sẽ chưa thể ngã ngũ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị - xã hội thế giới ngày càng phức tạp hôm nay, các phim tài liệu này cần có sự đổi mới cần thiết để tránh đi vào lối mòn tán tụng sáo rỗng, thậm chí trở thành công cụ tuyên truyền mà quên rằng mọi lý tưởng thể thao chỉ thực sự có ý nghĩa khi cả xã hội cùng được hưởng lợi từ đó. Dù chưa có thông tin chính thức, nhiều khả năng bộ phim của Paris 2024 có thể sẽ mang sứ mệnh tương tự như Tokyo Olympiad của Ichikawa: gửi đến thông điệp về một nước Pháp an toàn, mạnh mẽ. Điều này đặc biệt quan trọng khi trong vòng 20 năm qua, đất nước này liên tục hứng chịu nhiều sự kiện khủng bố cực đoan. Trong đó, nổi bật nhất là sự kiện ngày 13-11-2015, mà khởi đầu là hai vụ đánh bom liều chết bên ngoài Stade de France, nơi hai đội bóng đá Pháp và Đức đang thi đấu. Tags: Điện ảnhPhim tài liệuOlympicPhim olympic
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cảnh báo nội thành ngập lụt PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Bão số 3 vẫn còn rất mạnh, gió cấp 12, giật cấp 13 TUẤN PHÙNG 07/09/2024 Bão số 3 vẫn còn gió mạnh cấp 12, giật cấp 13 và đi sâu vào đất liền. Bão gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10 tại Hà Nội trong chiều và đêm 7-9, cơ quan khí tượng khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.