Live streaming - Vấn đề của công nghiệp 4.0

GS.TS NGUYỄN VÂN NAM 02/01/2019 05:01 GMT+7

TTCT - Đến nay, giới luật học quốc tế và cả Tòa án Liên minh châu Âu (EuGH) vẫn còn tranh luận sôi nổi, chưa đi đến thống nhất về nguyên tắc vận dụng cơ sở pháp lý như thế nào để xử lý một hiện tượng rất mới: Live streaming, mà ở VN vẫn còn được gọi một cách dễ gây nhầm lẫn là truyền thông trực tiếp.

Một streamer đang chơi game cho
Một streamer đang chơi game cho "cả thế giới" xem. Ảnh: T.Sơn (chụp qua màn hình)

Về cơ bản, đó là trả lời câu hỏi: (1) Việc xem tác phẩm được thực hiện bằng live streaming có hợp pháp không?; và (2) Liệu người tiêu dùng sau cùng (người xem chương trình truyền hình thực tế chẳng hạn) có phải chịu trách nhiệm với tác giả tác phẩm được live streaming hay không?

Quyền tác giả trong Streaming

Với hình thức xem từ nhà mạng: khi nhà mạng chào hàng và cho phép khách hàng tiếp cận với các tác phẩm được streaming, nhà mạng đã sử dụng quyền cho công chúng tiếp cận tác phẩm (truyền đạt tác phẩm đến công chúng theo Luật sở hữu trí tuệ) của tác giả. Nhà mạng đã trả tiền mua quyền sử dụng quyền truyền đạt tác phẩm này cho tác giả rồi. Đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà mạng - người chào bán dịch vụ streaming, không phải của khách hàng.

EuGH khẳng định: người sử dụng Internet sau cùng chỉ xem tác phẩm được bảo hộ trên màn hình là tự do, không cần sự cho phép nào nữa. Nhưng quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng và quyền nhân bản (VN gọi là quyền sao chép) là hai quyền độc lập thuộc quyền tác giả. Không phải cứ có quyền truyền đạt tác phẩm là đương nhiên cũng được sử dụng quyền nhân bản. Trong khi quyền nhân bản lại là quyền mang ý nghĩa quyết định đối với quá trình live streaming.

Vấn đề này sẽ trở nên phức tạp và cũng lý thú hơn, nhất là về mặt kỹ thuật của quá trình streaming. Với cái nhấn nút xác nhận (click) của khách hàng sử dụng Internet, tác phẩm được streaming được chia nhỏ thành muôn vàn dữ liệu trong một gói dữ liệu streaming dưới các định dạng thích hợp sẽ lập tức được chuyển từ server của người chào bán dịch vụ stream (nhà mạng) đến thiết bị (điện thoại thông minh, máy tính...) của khách hàng. Dữ liệu này được lưu giữ tạm thời trên bộ nhớ tạm (Cache) của thiết bị, thời gian kéo dài bao lâu tùy thuộc vào hình thức stream.

Dữ liệu tạm nhớ này có thể được xóa bỏ mỗi khi kết thúc (đóng) Internetbrowser. Cũng có thể cài đặt để Cache sẽ được tự động làm sạch (loại hết dữ liệu) khi đạt được một dung lượng nhớ xác định. Trường hợp này, gói dữ liệu streaming sẽ lưu giữ tại Cache lâu cho đến khi Cache tự động làm sạch hoặc bị khách hàng xóa bỏ. Dù hình thức nào, cách thức nào, gói dữ liệu streaming cũng được lưu giữ trên thiết bị của khách hàng.

Gói dữ liệu streaming được lưu giữ trên Cache là một hình thức vật thể hóa tác phẩm, giúp con người có thể cảm nhận được tác phẩm một cách gián tiếp. Đó là nhân bản tác phẩm. Do nó được nhân bản trên thiết bị của khách hàng, nên về nguyên tắc, khách hàng phải xin phép tác giả hoặc người sở hữu quyền nhân bản cho phép nhân bản. Tuy nhiên, việc lưu giữ gói dữ liệu streaming rõ ràng chỉ là lưu giữ tạm thời. Câu hỏi đặt ra là, liệu việc lưu giữ như vậy có hội đủ điều kiện của một sự nhân bản tạm thời được cho phép tự do nhân bản hay không?

Những vấn đề đặt ra

EuGH nhận định:

- Những quy định về nhân bản trong trường hợp streaming cũng áp dụng cho khách hàng chứ không chỉ cho nhà mạng, hay người chào bán dịch vụ qua Internet. Nguyên tắc, bất kỳ một hoạt động nào trên Internet cũng liên quan đến sự lưu giữ các thành tố để tái hiện tác phẩm trên Browser-Cache.

- Nhân bản tạm thời: Việc lưu giữ dữ liệu tái hiện tác phẩm trên bộ nhớ tạm thời trong đa số trường hợp sẽ được xóa bỏ chậm nhất vào lúc kết thúc quá trình streaming. Như vậy đã đáp ứng tiêu chí nhân bản tạm thời. Trường hợp dữ liệu được giữ lại sau khi kết thúc streaming để khách hàng có thể xem lại, sự nhân bản này có thể được xem như một giải pháp cần thiết xuất hiện và đi kèm quá trình kỹ thuật. Vì việc nhân bản này chỉ xuất hiện khi khách hàng nhấn nút xác nhận chứ không xuất hiện trước đó. Nhân bản như vậy cũng được phép như nhân bản tạm thời.

EuGH sau đó đã kiểm tra việc nhân bản tạm thời trong streaming có hội đủ các điều kiện luật định của EU để nó có thể được tự do nhân bản tạm thời hay không. Theo EuGH, các điều kiện đó đã hội đủ:

(1) Sự lưu giữ tạm thời trong quá trình streaming phải là một phần cơ bản của và chỉ xuất hiện trong streaming. Việc lưu giữ tạm thời này là cần thiết về mặt kỹ thuật để đảm bảo quá trình streaming hoạt động hiệu quả.

(2) Mục đích luật định: nhân bản tạm thời trong streaming tạo điều kiện để chuyển giao tác phẩm được streaming qua mạng đến khách hàng. Đây là mục đích chính đáng, cần thiết để khai thác, sử dụng tác phẩm.

(3) Không mang ý nghĩa kinh tế độc lập: Hoạt động nhân bản trong streaming phục vụ cho việc xem tác phẩm cũng không mang ý nghĩa kinh tế độc lập. Việc nhân bản tạm thời không làm xuất hiện một lợi ích nào vượt quá những lợi ích của việc chỉ tiếp nhận tác phẩm được chuyển tải bởi streaming. (Tuy nhiên, nhân bản tạm thời trong streaming có mang ý nghĩa kinh tế độc lập hay không là một chủ đề tranh cãi nảy lửa giữa các tòa án ở châu Âu với nhau và với giới luật học quốc tế).

Ngoài các điều kiện cho quá trình nhân bản tạm thời, để được tự do nhân bản tạm thời trong streaming, tác phẩm được nhân bản phải: a) Có được một cách hợp pháp; và b) Cho phép công chúng tiếp cận.

Như vậy, theo EuGH, khách hàng sử dụng Internet được quyền tự do xem streaming, trừ trường hợp tác phẩm streaming có được một cách bất hợp pháp hoặc chưa cho phép công chúng tiếp cận. Nhưng các phán quyết của EuGH vẫn chưa phải là câu trả lời đầy đủ cho thực tiễn.

Đối với tác phẩm được streaming, người chịu trách nhiệm trước hết là nhà mạng, người cung cấp dịch vụ streaming. Nhưng khách hàng sẽ chịu trách nhiệm gì và trong giới hạn đến đâu đối với các tác phẩm được nhà mạng chào hàng, nhưng không phải là tác phẩm hợp pháp và công chúng được tiếp cận? Vì thực tế khách hàng hầu như không có khả năng kiểm tra các điều kiện đó.

Đối với những cá nhân tự quay lại sự kiện: buổi hòa nhạc, hội thảo... và chuyển tải cho nhiều người khác cùng xem thông qua một trang mạng, họ trở thành người cung cấp streaming và chịu trách nhiệm về sự sử dụng hợp pháp tác phẩm mà họ đang streaming, cũng như phải được tác giả cho phép truyền đạt đến công chúng. Trừ trường hợp họ là tác giả, hoặc chỉ streaming trong bạn bè, không thuộc công chúng.

Luật sở hữu trí tuệ của VN hiện còn thiếu nhiều quy định cần thiết về quyền sao chép; hoàn toàn không có quy định về điều kiện để được tự do sao chép tạm thời; cũng không có quy định riêng về sao chép tạm thời trong streaming thông qua mạng Internet. Vì vậy, rất khó - nếu không muốn nói là không thể - xử lý được các trường hợp streaming làm tổn hại đến tác giả, thiệt hại cho nhà đài, hoặc gây dư luận xấu trong xã hội. Công nghiệp 4.0 đang và sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới cần phải xử lý ngay, mà livestream chỉ là một trong số đó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận