TTCT - “Ở VN, chưa tỉnh nào đạt tới giới hạn cải cách. Họ vẫn còn khả năng cải cách hơn nữa”. PGS.TS Edmund Malesky (Đại học Duke, Mỹ), trưởng nhóm điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trao đổi với TTCT về những điều mà ông cho rằng cần quan tâm hơn cả trong bộ chỉ số này ngay sau khi PCI năm 2012 vừa được công bố. Phóng to PGS.TS Edmund Malesky - Ảnh: Việt Dũng PGS.TS Edmund Malesky cho biết báo cáo PCI 2012 phản ánh tình hình doanh nghiệp (DN) và đánh giá của họ sau một thời gian dài khó khăn. Đây cũng là năm đầu tiên PCI có những nghiên cứu về DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vẽ một bức tranh tổng thể với nhiều điểm trái ngược nhau: nhiều tỉnh bỏ nhiều công sức thu hút FDI và muốn biết có thể làm gì tốt hơn, ngược lại có tỉnh như Hải Dương và Đồng Nai bối rối vì làm phật lòng các nhà đầu tư nội vì quá nỗ lực thu hút FDI. Mới cải thiện những điều dễ * Ông nghĩ thế nào khi năm nay, những tỉnh “ngôi sao” như Đà Nẵng lại đồng loạt tụt hạng? - Tôi nghĩ một số tỉnh đã quên tại sao họ từng là ngôi sao. Lúc trước họ đã rất nỗ lực cải tiến, nhưng giờ họ ngừng gắng sức hơn nữa. Thứ hai, một số tỉnh muốn đẩy mạnh cải cách nhưng họ vấp phải các vấn đề cải cách khó hơn. Ví dụ, cải thiện đăng ký kinh doanh không khó, giảm thanh tra kiểm tra cũng vậy. Cái khó là tạo ra những thể chế để giảm chi phí không chính thức, để giới kinh doanh cảm thấy an tâm với sở hữu trí tuệ... Tuy nhiên, tôi cho rằng việc các tỉnh không tiếp tục cải cách một phần do chính sách từ trung ương. Việc chính quyền trung ương chưa thể tiếp tục cải cách cũng tạo ra những nút thắt nhất định. Nếu chính quyền trung ương tạo ra những tín hiệu phù hợp cho thấy họ sẵn sàng tiến tới thì các tỉnh cũng sẽ có thêm động lực đi tiếp. * Liệu có phải các tỉnh đã đạt tới giới hạn cải cách? Tại sao cải cách lại bị chững lại? - Tôi cho rằng ở VN, chưa tỉnh nào đạt tới giới hạn cải cách. Họ vẫn còn khả năng cải cách hơn nữa. Tôi nghĩ có một vài cách lý giải tại sao tốc độ cải thiện lại bị chậm lại: trong vài trường hợp, một số người nắm quyết định cải cách vẫn được lợi từ tình hình hiện tại, hoặc nếu bản thân họ không có lợi thì còn những quan chức khác vẫn có lợi và họ phải đánh đổi với nhau. Thứ hai là vấn đề mới cần cải cách phức tạp hơn: ở giai đoạn thứ nhất chỉ đơn giản là rút bớt sự tham gia của Nhà nước, việc này dễ hơn tạo ra các thể chế mới. Bản thân tôi không coi trọng con số thứ hạng của từng tỉnh. Điều thật sự đáng quan tâm là những chỉ số thành phần của PCI nói lên điều gì: bao nhiêu phần trăm DN đang phải chi tiền lót tay, bao nhiêu cho rằng họ có thể tin tưởng vào phán quyết của tòa án... Các tỉnh nên phân tích kỹ từng thành tố đó sẽ biết mình cần cải thiện ở đâu, cần làm gì. Tham nhũng đe dọa doanh nghiệp * Theo báo cáo PCI 2012, khoảng 41% DN đưa hối lộ để giành hợp đồng với cơ quan nhà nước. Theo ông, tỉ lệ này có phải là cao? - Đương nhiên con số này là cao. Nhưng chỉ trích duy nhất mà tôi nghe được từ các nhà nghiên cứu VN là con số này... quá thấp so với thực tế. Có thể có lý do kỹ thuật khiến chỉ số này phản ánh chưa đúng mức. Nhiều DN thuê các công ty khác để đấu thầu nên đôi khi họ vẫn đưa hối lộ mà không trực tiếp làm việc đó. Chúng tôi chỉ tính được các công ty trực tiếp đưa hối lộ chứ không tính hết được số DN đưa hối lộ gián tiếp. Tất nhiên, số liệu này chưa thể khẳng định hối lộ là tăng hay giảm. Muốn làm được vậy thì chúng ta phải theo dõi một số DN nhất định. Nhưng có thể nói chắc chắn là tham nhũng vẫn tồn tại trước mắt các bạn. * Một số liệu khác từ PCI cho thấy hơn 50% DN nói chi phí lót tay là phổ biến và chiếm tới 6,5% doanh thu - một con số quá lớn, mỗi năm đến cả tỉ USD. Nó ảnh hưởng ra sao đến sự vươn lên của DN? - Con số này đã giảm nhiều so với các năm trước nhưng vẫn là con số quá lớn. Rõ ràng đây là chi phí mà lẽ ra các DN không cần trả, nó làm giảm lợi nhuận và khiến việc kinh doanh rủi ro hơn. Tôi thực hiện khảo sát tương tự ở một vài nước khác và thấy có điều đặc biệt ở VN là khoản lót tay này... có thể dự tính được. Đấy cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN phải duy trì hai hệ thống sổ sách kế toán. Có điều, khi một DN ở VN đưa hối lộ thì thường họ sẽ nhận được dịch vụ cần có, chẳng hạn khi hối lộ để có giấy phép thì sẽ có giấy phép. Ở đây, chỉ trích các cán bộ nhà nước là không đủ. Một số DN đưa hối lộ vì hệ thống quan liêu quá phiền hà nhưng cũng có người hối lộ để kiếm tiền, như trường hợp cạnh tranh giành giấy phép trước đối thủ. Nếu anh kiếm được quyền độc quyền trong một ngành công nghiệp được bảo hộ thì cũng đáng hối lộ! Phóng to Hoạt động đăng ký kinh doanh được đánh giá là nhiều cải thiện tốt (ảnh chụp tại phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM) - Ảnh: Thanh Đạm Doanh nghiệp thất vọng * Nhiều tỉnh thất vọng vì họ đã cải cách nhiều nhưng cứ tụt hạng. Ông có cho rằng chỉ số PCI năm nay cho thấy sự thất vọng của DN? - PCI chỉ phản ánh những gì giới DN cảm nhận, tức là cộng đồng DN vốn đã thất vọng rồi, PCI chỉ làm nhiệm vụ nắm bắt được sự thất vọng đó. Tôi cho rằng PCI năm nay cho VN thấy rằng DN - những người làm ra của cải - đang thấy cải cách đi xuống và họ cần sự cải cách tốt hơn để vươn lên. Tôi cũng chia sẻ với sự thất vọng về vị trí trong bảng xếp hạng của nhiều tỉnh. Báo cáo PCI công nhận tình hình kinh tế khó khăn mấy năm qua đã tô đậm thêm gam màu ảm đạm trong cảm nhận của DN. Nhưng có một lý do khác là khi một tỉnh bắt đầu chính sách mới, cải cách mới... thường mọi người đều hân hoan. Nhưng khi những thay đổi đó không đem lại hiệu quả như kỳ vọng thì dẫn tới sự thất vọng là đương nhiên. * So với các nước mà ông có nghiên cứu, ông nhận định thế nào về tiến độ cải cách của VN? - Nếu câu hỏi này đặt ra năm năm trước, tôi sẽ nói VN rất tuyệt, cải cách diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, Chính phủ dường như biết mình đang làm gì... Nhưng cải cách có vẻ chững lại một chỗ vài năm gần đây. Tôi lo là các nước khác như Philippines, Myanmar tiến hành cải cách nhanh hơn. Nên cải cách tốt hơn để thu hút FDI * Theo ông, có kết quả nào khi khảo sát DN FDI mà VN nên chú ý? - Có tới 36% DN FDI khẳng định bất ổn vĩ mô là rủi ro lớn nhất họ gặp ở VN, tiếp theo là rủi ro hợp đồng, rủi ro chính sách và rủi ro lao động... Các biện pháp đối phó rủi ro của DN là liên doanh với DN địa phương, liên kết để vận động chính sách; tác động chính quyền địa phương để thay đổi cách thực hiện. Nhiều DN chỉ giải ngân một phần vốn, chờ đến khi thật sự tin tưởng mới làm tiếp, thậm chí sản xuất bộ phận chính của sản phẩm ở nước ngoài... Với kết quả điều tra này, nhóm nghiên cứu PCI kiến nghị VN cần giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nếu muốn thu hút vốn vào khu vực sản xuất cao cấp. * FDI năm 2012 vào VN giảm trong khi vẫn tăng ở những nước như Indonesia, Malaysia. Ông có lời khuyên gì cho VN? - Một trong những lý do kinh tế VN đang vật lộn là vì các bạn chỉ có thể thu hút loại FDI cần chi phí lao động thấp nên sau này khi lương tăng, nhà đầu tư sẽ đi tìm nơi khác. Loại FDI mà VN đang muốn là có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, dịch vụ phức tạp... Nhưng cần thấy những cái các bạn cải cách chưa đủ để các nhà đầu tư đó vào. Các nhà đầu tư này cần con người chất lượng cao, bảo vệ sở hữu trí tuệ, không chấp nhận tệ quan liêu, chi phí không chính thức... Đó lại là những lĩnh vực nhiều năm qua VN ít cải thiện. Nếu cải cách của VN tiếp tục đi ngang thì các nhà đầu tư dùng nhân công rẻ sẽ chuyển đi còn các nhà đầu tư giá trị cao thì chưa tới. Đó là điều đáng lo ngại nhưng không phải là không có giải pháp nếu lãnh đạo VN thật sự quyết tâm. Cần quyết tâm làm việc khó Qua chỉ số PCI, cải thiện lớn nhất thời gian qua là đăng ký kinh doanh, để đăng ký kinh doanh trung bình chỉ cần bảy ngày. Và chỉ khoảng 2% DN phải đợi hơn ba tháng để thực hiện bước này. Khâu này gần như không còn không gian để cải thiện hơn. Lĩnh vực thứ hai VN làm tốt là thanh tra, kiểm tra. Khi tôi mới nghiên cứu về VN, các DN thường bị cơ quan quản lý nhà nước tới kiểm tra 3-4 lần mỗi tháng, mỗi cơ quan lại yêu cầu giấy tờ khác nhau và đều đòi những khoản chi phí không chính thức, hoặc ra những quyết định phạt kỳ cục. Số lần trung bình hiện nay là 1 lần/năm. Nhưng tôi xin nhắc lại đó mới là phần dễ của công việc. Những việc cải cách yếu nhất chính là những việc khó hơn bao gồm: quyền tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức... Chúng đang là thách thức với quyết tâm cải cách ở đất nước các bạn. Tags: Doanh nghiệpCải cáchTham nhũngFDICầm Văn KìnhHương GiangEdmund Malesky
Quốc vương Campuchia: Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em, bạn bè lâu đời DUY LINH 28/11/2024 Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni nhấn mạnh Campuchia có quyết tâm cao để tiếp tục vun đắp mối quan hệ này.
Nga nói sẽ 'tất tay' nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 28/11/2024 Tổng thống Vladimir Putin hôm nay cho biết Nga sẽ sử dụng mọi vũ khí có trong tay để đánh Ukraine nếu Kiev sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng mong hai tân bộ trưởng cùng 'đồng cam cộng khổ' với Chính phủ NGỌC AN 28/11/2024 Thủ tướng mong muốn các bộ trưởng cùng 'đồng cam cộng khổ' với tập thể Chính phủ, kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của Chính phủ qua các thời kỳ.
Ô tô lao qua làn đường ngược lại, húc văng 3 xe máy ở Thủ Đức MINH HÒA 28/11/2024 Ô tô 7 chỗ chạy trên đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bất ngờ lao qua làn đường ngược lại, ủi văng 3 xe máy khiến 2 người bị thương nặng.