TTCT - Chưa bao giờ ASEAN, và cả thế giới, phải trải qua hai năm đại dịch “mút mùa” như bây giờ. Mỗi nước tự “bơi” là then chốt. Đối đế lắm mới phải cầu viện thiên hạ. Rồi Biển Đông không vì dịch mà không “có chuyện”. Các cuộc họp thượng đỉnh giữa ASEAN và các “ông lớn” tuần qua cho thấy đang có một vài thay đổi “đội hình” trong các đối tác của ASEAN. Tất nhiên, mỗi nước lớn đều có những ưu tiên riêng, những mục tiêu, cách tiếp cận, và thái độ khác nhau với ASEAN. Tất cả những điều này không bất biến mà thay đổi theo thời gian và tình hình thế giới. Ba tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, Ian Storey và Malcolm Cook thuộc Viện Nghiên cứu ISEAS của Singapore đặt câu hỏi: “Liệu Trump hay Biden sẽ là tốt hơn cho các nước ASEAN giữa cuộc đôi co Mỹ-Trung?” trên tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) 12-10-2020. Một năm sau, tình hình đã có nhiều biến chuyển.ASEAN và ông BidenCách đặt câu hỏi như trên có vẻ thiên kiến, nghiêng về Mỹ như chỗ dựa tất yếu, khi xét xem người này hay người kia sẽ là “tốt” với ASEAN. Ông Biden lần đầu chào sân ASEAN trong vai trò tổng thống Mỹ qua hội nghị trực tuyến. -Ảnh: Nikkei Asian Review Dễ hiểu thiên kiến đó do lẽ từ năm 1960 tới giờ, đã có đến 10 tổng thống Mỹ, bắt đầu là ông Dwight Eisenhower, 24 lần viếng thăm khu vực này, trừ hai ông John Kennedy và Jimmy Carter. Người gần đây bị trách lơ là ASEAN là ông Donald Trump cũng từng thăm Philippines và Việt Nam vào đầu nhiệm kỳ, dù có thể do không bỏ qua được một APEC rộng lớn hơn là do ASEAN.Bài báo nói trên của SCMP đăng vào thời điểm một hội thảo qua web quy tụ hàng chục nhà nghiên cứu ASEAN. Các phát biểu lúc đó nhìn chung cho thấy họ suy nghĩ gì về đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc: “Các đàm phán giữa ASEAN với Bắc Kinh hiện đang kém hơn bề ngoài” mà Bắc Kinh muốn biểu thị.Đây cũng là điều mà những người hiểu chuyện Biển Đông như Malcolm Cook, trong bài nghiên cứu về “những thách thức với nước Úc” đăng trên website của Viện Nghiên cứu chiến lược Lowy của Úc hôm 26-5-2021 nói tới. Cook nhận định: “Trung Quốc sẽ không đồng ý với COC phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông năm 2016”, và từ đó khuyến cáo Nhà nước Úc: “Do đó, bất kỳ COC nào mà Trung Quốc đồng ý với ASEAN sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Úc. Nếu các quốc gia thành viên ASEAN đồng ý với một COC như vậy, Úc không thể ủng hộ”.Trong bối cảnh đàm phán về COC “hợp lý” và “hợp pháp” đang bế tắc, việc các tác giả Storey và Cook, vào tháng 10-2020, mong đợi ông Biden lên làm tổng thống là điều dễ hiểu, phản ánh kỳ vọng vào vai trò lớn hơn của Mỹ ở khu vực. Tuy nhiên, những ai trông mong cũng phải đợi đến cuối tháng 10 vừa rồi, cùng Thượng đỉnh trực tuyến ASEAN-Mỹ, mới nhìn thấy ông Biden lần đầu tiên ra mắt ASEAN.9 tháng qua, ông còn lo giải quyết một số vấn đề mà theo ông là tối quan trọng, trong đó có việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, di sản từ người tiền nhiệm Trump. Để các đối tác chờ lâu quá cũng kỳ, ông cử bà phó Kamla Harris “thay mặt” sang thăm vài nước trước. Rồi chuyện hợp tác tay ba Mỹ, Anh, Úc ở Thái Bình Dương trong cái khung mới AUKUS cũng cho thấy ưu tiên của Mỹ. Thực tế mà nói, AUKUS 3 dễ đồng lòng, đồng sinh cộng tử (nếu cần), hơn là ASEAN 10+ “nửa mận, nửa đào”!Rồi mãi đến hôm 26-10, “việc nhà đã tạm thong dong”, ông Biden mới “hưởn” để nói chuyện với ASEAN trực tuyến. Ông mở đầu bằng một tuyên bố nền tảng: “Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương và trật tự khu vực dựa trên luật lệ”. Ông cho thấy cũng nhận thức rằng đã có một khoảng thời gian mà bản thân ông chưa tiếp xúc đủ với ASEAN khi nói: “Sự hợp tác tiếp tục của chúng ta chỉ ngày càng quan trọng hơn, chứ không phải ít đi”.Muốn hay không, phát biểu của ông Biden vẫn tạo ra cảm nhận ASEAN không phải là trung tâm trong các quan hệ của Hoa Kỳ, nên giờ đây ông phải khẳng định vớt vát “hợp tác tiếp tục” và an ủi “ngày càng quan trọng hơn”. Cảm nhận đó là không tránh khỏi sau 4 năm lạnh nhạt của ông Trump và cả trong 10 tháng đợi ông Biden xuất hiện... trên màn hình.Chủ tịch luân phiên ASEAN, Quốc vương Hassanal Bolkiah của Brunei, khéo léo bày tỏ cảm nhận “đối xứng”: “ASEAN hoan nghênh sự tham gia của ngài Joseph R. Biden, Jr., Tổng thống Hoa Kỳ, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ”. Ông Biden đã nói “tiếp tục”, thì Quốc vương Brunei nói quan hệ ASEAN-Mỹ chưa đủ “sâu sắc”.Ông Biden hẳn đã thấy thế là sâu sắc, nên ông tuyên bố: “Chúng tôi dự định khởi động một chương trình và sáng kiến mới để tăng cường hợp tác của chúng ta trong nhiều lĩnh vực với tổng trị giá hơn 100 triệu đôla”. Màn chào hỏi trực tuyến đi kèm một tấm ngân phiếu! Thấy ông Biden không nhớ chính xác số tiền sẽ chi là bao nhiêu, Quốc vương Brunei nói cho rõ luôn: “Chúng tôi hoan nghênh ý định của Hoa Kỳ cam kết 102 triệu USD cho các chương trình mới và hiện có nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ”.Vậy là hết chuyện, và ông Biden lên máy bay đi Rome yết kiến Giáo hoàng Francis, họp G-20 (vắng hai ông lớn Nga-Trung, nay còn 18), rồi qua họp biến đổi khí hậu ở Glasgow với đoàn xe hộ tống 85 chiếc khói nhẹ xen lẫn với màu xám trời mù mùa thu!100 triệu USD là ít hay nhiều? Tùy, nhưng không đến nỗi “có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, tiền không phải là tất cả, như có câu “của cho không bằng cách cho”. Được biết tại Thượng đỉnh ASEAN-Úc năm nay, phía Úc đã có những đóng góp mà Chủ tịch ASEAN đáp từ không kèm một cái móc “cù nèo” nào: “Chúng tôi hoan nghênh thông báo của Úc về Sáng kiến tương lai ASEAN, với đóng góp thêm 124 triệu AUD [92,2 triệu USD] vào hợp tác ASEAN-Úc nhằm giải quyết các thách thức phức tạp trong khu vực bao gồm y tế, an ninh, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, môi trường dương, hỗ trợ thực hiện một cách thiết thực các lĩnh vực ưu tiên hợp tác của ASEAN đã từng được nêu trong Triển vọng ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương (AOIP)”.Biển ĐôngTất nhiên, gạt chuyện lạnh nhạt hơn 4 năm qua sang một bên, vẫn còn nguyên một sự hiện diện hữu dụng của Hoa Kỳ: các cuộc tuần tra trên Biển Đông FONOP. Cho dù ông Trump có lơ là ASEAN tới đâu, thì hải quân và không quân Hoa Kỳ vẫn ráo riết tuần tra trên khu vực biển này. Đoạn 22 trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN ghi nhận: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trong và trên biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]”. Duy trì và thúc đẩy hòa bình trên Biển Đông bằng các sứ mạng FONOP là việc cần tiếp tục, bất chấp những phản bác của Trung Quốc hay Nga cho rằng các nước “bên ngoài” không những “miễn bàn” mà còn miễn “bước vô”!Thật ra, không chỉ Hoa Kỳ mới tuần tra trên biển Đông, mà còn nhiều nước khác. Từ năm 2015, Úc xác nhận đã thực hiện các chuyến bay FONOP “thường lệ” trên Biển Đông. Tháng 5-2017, Nhật Bản cử một tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo và hai tàu khu trục khác tới Biển Đông trong 3 tháng, cùng tập trận với một tàu ngầm lớp Oyashio. Tháng 4-2018, ba tàu Hải quân của Úc đi qua Biển Đông về phía Việt Nam, bị Hải quân Trung Quốc “xét giấy”. Hai tháng sau, tại Đối thoại Shangri-La tháng 6-2018, các bộ trưởng của Pháp và Anh cùng tuyên bố tàu của họ sẽ đi qua Biển Đông để tiếp tục duy trì quyền tự do hàng hải của tập thể.Tháng 8 cùng năm, Hải quân Hoàng gia Anh tiến hành hoạt động FONOP với chiếc HMS Albion, một ụ tàu đổ bộ 22.000 tấn, tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh phản đối kịch liệt, cho rằng tàu đó đã đi vào lãnh hải của họ mà không xin phép trước. Hải quân Hoàng gia Anh trả lời: “HMS Albion đã thực hiện quyền tự do hàng hải của mình, tuân thủ đầy đủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế”. Chuyến FONOP này báo trước khả năng Hải quân Hoàng gia Anh thường xuyên tuần tra trên Biển Đông hiện nay.Trong bối cảnh căng thẳng đó, và nhất là trong giai đoạn mà phía Trung Quốc muốn kết thúc sớm đàm phán COC, các ý sau trong đoạn 22 của Tuyên bố chủ tịch ASEAN rất ý nghĩa: “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy một môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán COC và do đó, hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra sự cố, hiểu lầm và tính toán sai lầm”. Tức không thể nói đàm phán COC mà không chấm dứt tình trạng khiêu khích, đe dọa, lấn át dễ tạo ra tình huống “hiểu lầm, tính toán sai” rồi động chân, động tay.Nhật Bản rất chia sẻ tinh thần này. Đoạn 31 trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Hội nghị ASEAN-Nhật Bản hôm 27-10 cho thấy Tokyo rất cương quyết: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế của các bên tranh chấp và tất cả các quốc gia khác trong việc tiến hành tất cả các hoạt động, bao gồm cả những hoạt động... có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng”.Đây cũng là cái nhìn của Úc trong thượng đỉnh với ASEAN. Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về hội nghị này ghi rõ: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy... tự do hàng hải trong và trên Biển Đông, việc theo đuổi giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, không dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”. Đặc biệt, hai bên “nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy một môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán COC”.Được biết, từ tháng 7-2018, ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý về một bản dự thảo duy nhất cho COC, song tới 26-10 vừa qua, hai bên mới chỉ “tiếp tục đọc lần thứ hai dự thảo” do kẹt đại dịch. Dẫu sao, Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 hôm 26-10 cho biết: “Chủ tịch ASEAN khen ngợi thỏa thuận tạm thời về phần Mở đầu cùng tiến trình đàm phán về phần các Mục tiêu trong các Điều khoản dự phòng [của COC]”.Đại dịch COVIDGần cuối năm thứ hai của đại dịch, sắp thành COVID-21 với những biến chủng mới, ASEAN vẫn chưa hết “thấm đòn”, từ y tế sức khỏe tới kinh tế xã hội. Hợp tác với các nước lớn trong lĩnh vực này là bắt buộc, điều thể hiện trong các thượng đỉnh vừa qua. Tình hình COVID-19 ở nhiều nước Đông Nam Á, như Singapore (ảnh), vẫn còn rất đáng lo ngại. Ảnh: Reuters Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN nhân kỷ niệm 30 năm đối thoại với Nga nêu bật hợp tác về vắc xin: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Nga trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nguồn cung cấp vắc xin Sputnik V trong khu vực và bắt đầu sản xuất ở những quốc gia thành viên ASEAN quan tâm”. Tuyên bố với Nga, cũng như với Trung Quốc, không cho biết tổng số vắc xin cho/bán là bao nhiêu.Tuyên bố cũng cho biết ASEAN đang tham khảo một sáng kiến của Nga về việc thiết lập cơ chế khu vực phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, và hợp tác giữa các cơ quan liên quan của các nước tham gia Thượng đỉnh Đông Á. Về cơ chế cảnh báo và phòng chống dịch tễ quốc tế này, Mỹ đã đi trước với CDC tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có CDC Đông Nam Á vừa khai trương tại Hà Nội nhân chuyến thăm của bà Harris hồi tháng 8.Do vị trí địa lý, Úc là một trong những nước đối tác hăng hái nhất trong hợp tác với ASEAN. Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Thuợng đỉnh với Úc nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá cao cam kết của Úc hỗ trợ tiếp cận công bằng vắc xin và an ninh y tế trong khu vực, thông qua Sáng kiến tiếp cận vắc xin và an ninh y tế trị giá 523,2 triệu AUD [389,2 triệu USD]”. Riêng khoản vắc xin, đóng góp của Úc là “4 triệu liều vắc xin cho các quốc gia thành viên ASEAN và mua hơn 20 triệu liều cho Đông Nam Á thông qua UNICEF, cũng như cam kết đóng góp thêm ít nhất 10 triệu liều từ nguồn cung trong nước từ cuối năm 2021 đến giữa năm 2022”. Úc cũng góp phần thiết lập một trung tâm xử lý dịch tễ như CDC của Mỹ với “cam kết 21 triệu AUD cho Trung tâm ASEAN các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và các bệnh mới nổi (ACPHEED), cùng 1 triệu AUD cho Quỹ ứng phó COVID-19 ASEAN”.Mỹ xa xôi, đâm ra Nhật Bản gần gũi hơn với gói tín dụng khổng lồ cùng sự hỗ trợ y tế. “Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến của Nhật Bản nhằm duy trì và phục hồi nền kinh tế của các nước ASEAN bằng cách mở rộng tổng giá trị tài chính 1,8 tỉ USD cho vay hỗ trợ khẩn cấp”, Chủ tịch ASEAN gửi lời cảm ơn, đồng thời “hoan nghênh sự đóng góp của Nhật Bản hơn 16 triệu liều vắc xin cho các nước ASEAN tính đến nay, cũng như hơn 320 triệu USD viện trợ không hoàn lại cung cấp vật tư và thiết bị y tế, và mở rộng hợp tác kỹ thuật phục vụ nhu cầu của các nước ASEAN”.Tinh thần tương trợ nội bộ ASEAN cũng được thể hiện khi Campuchia, ngay sau Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tối 26-10, đã loan báo gửi tặng Việt Nam 200.000 liều vắc xin, sau một triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang N95, 100 máy tạo oxy và 200.000 USD hồi tháng 7. Người Pháp có ngạn ngữ: “Một người cảnh giác đáng giá bằng hai người”.Nga tăng hiện diện ở ASEANRiêng với Nga, do năm nay kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Nga, nên có thêm “Tuyên bố chung của Thượng đỉnh lần thứ tư ASEAN-Nga: Xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và bền vững”. Có thể sau một số tuyên bố của Nga gần đây về vấn đề Biển Đông, trong đó nổi bật là “giải quyết tất cả các vấn đề gây tranh cãi phát sinh mà không cần sự can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực”, ASEAN cảm thấy cần phải cùng Nga nhắc lại một số điều kiện cơ bản: “Chúng tôi, ký tên dưới đây, thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và Nga dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau đối với độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc; tôn trọng luật quốc tế..., giải quyết hòa bình các tranh chấp; kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; và hợp tác hiệu quả”.Cũng có lẽ để “trao đổi”, hội nghị riêng giữa ASEAN với Nga có nói đến một số vấn đề nội bộ của Myanmar, một thành viên ASEAN, nên hai bên khẳng định thêm yêu cầu sau: “Tôn trọng quyền lãnh đạo sự tồn tại của quốc gia không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp từ bên ngoài, bị lật đổ hoặc ép buộc; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.Nga cũng đã đưa vào nghị trình với ASEAN các yếu tố thuộc quỹ đạo lợi ích sát sườn của họ, như Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), qua tuyên bố chung: “Tìm hiểu tiềm năng hợp tác thực tế về các vấn đề hai bên cùng quan tâm giữa ASEAN, EAEU, và SCO”. Tương tự ASEAN cùng Nga “thừa nhận tầm quan trọng của Nga với quan hệ đối tác xuyên quốc gia mạnh mẽ hơn trong khu vực Âu-Á”.Các động thái đó đều cho thấy Nga đang thực sự mong muốn mở rộng quan hệ hơn nữa với ASEAN. Điều là dễ hiểu khi chính Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov thừa nhận: “Hợp tác kinh tế của Nga với ASEAN... ngày nay không theo kịp tốc độ đối thoại chính trị của chúng ta”. Một nghiên cứu của Meghan Murphy của CSIS minh họa cho điều đó: “Năm 2019, trong khi thương mại song phương của Hoa Kỳ và Nhật Bản với ASEAN lần lượt lên tới 292 tỉ và 116 tỉ đôla, thương mại Nga-ASEAN chỉ là 18 tỉ đôla”. So với Trung Quốc thì còn xa nữa: Năm 2020, ASEAN và Trung Quốc lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau với tổng thương mại hàng hóa đạt 516,9 tỉ đôla. Tags: COVID-19FONOPBidenQuan hệ Mỹ và ASEANAsseanQuan hệ Mỹ Asean
Tin tức thế giới 13-11: Ông Trump chọn được lãnh đạo CIA; Mỹ: lính Triều Tiên đang cầm súng ở Kursk THANH HIỀN 13/11/2024 Mỹ lên tiếng: Lính Triều Tiên đã tham chiến cùng Nga; Ông Trump đề cử nhân vật bảo thủ, ủng hộ Israel làm đại sứ.
Cô gái quận 6 không còn cha mẹ, 18 năm ở trọ: 'Trường đại học đẹp quá, muốn ở đó mãi' PHẠM VŨ 13/11/2024 Linh chỉ còn bà ngoại để nương tựa, dằng dặc tháng năm ở trọ vì không có nhà. Lần đầu được đến trường đại học nằm trong khu phần mềm Quang Trung, cô gái choáng ngợp vì trường đẹp quá, mát quá, muốn được ở mãi trong trường.
Hám lợi rồi sa chân vào những chuyến 'hàng cấm', khóc cũng muộn rồi ĐOÀN CƯỜNG 13/11/2024 TAND cấp cao tại Đà Nẵng vừa xét xử vụ một thanh niên người dân tộc thiểu số vì nghe theo lời rủ rê của bạn mà chở "hàng cấm" với mức án nghiêm khắc.
Thời tiết hôm nay 13-11: Bão số 8 đi lên bắc Biển Đông, Thừa Thiên Huế đến Phú Yên mưa LÊ PHAN 13/11/2024 Hôm nay 13-11, thời tiết mưa to kết thúc tại miền Trung. Miền Bắc sáng có sương mù, còn miền Nam ngày nắng, chiều tối có mưa.