TTCT - Sau những ồn ào “thiết bị ghi âm, ghi hình” là một kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có hàng chục thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi và một báo cáo vô cùng vắn tắt: “Những vi phạm quy chế thi đã được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm túc”. Đây liệu có phải là vĩ thanh mờ nhạt của một “chiến dịch hai không” rầm rộ ngày nào của ngành giáo dục? Phóng to Thí sinh vào phòng thi môn toán tại hội đồng thi Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM sáng 4-6 - Ảnh: Như Hùng Thuở phát động phong trào “hai không”, người đứng đầu Bộ GD-ĐT hồi ấy kỳ vọng chỉ dăm năm là giải quyết xong mớ ngổn ngang tiêu cực trong thi cử. Nhưng đến giờ mớ ngổn ngang ấy vẫn ngày càng chình ình chướng mắt dù Bộ GD-ĐT loay hoay đủ phương kế. Có người ví “hai không” như một cuốn sách mà Bộ GD-ĐT trót mở ra nhưng giờ đây không biết làm thế nào để gập lại. Thời “vàng son” chớp nhoáng của thanh tra ủy quyền Chưa bao giờ ngành GD-ĐT bước vào một mùa thi đầy dũng khí như năm 2007. Trước đó suốt cả năm học, toàn ngành hào hứng hưởng ứng cuộc vận động “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) mà bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phát động từ mùa hè năm 2006. Để chấn chỉnh tình trạng tiêu cực trong thi cử, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đó trầm trọng đến mức hiện tượng giải bài tập thể khá phổ biến ở nhiều địa phương), Bộ GD-ĐT đưa ra một loạt giải pháp, trong đó có sự ra đời của lực lượng thanh tra ủy quyền mà thành viên là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ. Lực lượng thanh tra ủy quyền vốn có từ nhiều năm trước đây, là lực lượng giúp Bộ GD-ĐT giám sát kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương, với thành viên là cán bộ, giáo viên các sở GD-ĐT được bộ ủy quyền đi thanh tra ở các tỉnh thành bạn. Cùng với sự tha hóa của kỳ thi, đi làm thanh tra ủy quyền đồng nghĩa với đi giao lưu, tham quan ở tỉnh bạn của cán bộ, giáo viên ngành giáo dục. Từ năm 2007, tất cả thanh tra ủy quyền đều do các trường ĐH, CĐ điều động theo yêu cầu của bộ, có tới 64 đoàn thanh tra ủy quyền cắm chốt tại tất cả hội đồng thi của 64 tỉnh thành (khi ấy vẫn còn tỉnh Hà Tây) với tổng số lên tới khoảng 6.500 người. Không chỉ “thay máu” thành phần thanh tra ủy quyền, Bộ GD-ĐT còn đưa ra những quy định ngặt nghèo với thanh tra, chẳng hạn như phải tự chi trả việc ăn ở, không được để địa phương nơi mình đến thanh tra thi “bao”. Ngay năm đầu tiên ra quân, lực lượng thanh tra ủy quyền này đã mang về “chiến công” vang dội: bắt quả tang một vụ tổ chức giải bài tập thể tại hội đồng thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lương Tài (Bắc Ninh). Nhìn từ góc độ chống tiêu cực, kỳ thi tốt nghiệp năm 2007 được xem là “thành công bước đầu” khi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở nhiều địa phương đã phản ánh được phần nào chất lượng mặt bằng giáo dục phổ thông. Những nơi vốn nổi tiếng là đất học như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tây có tỉ lệ đỗ rất thấp: từ khoảng 45% đến chưa đầy 60% (tính kết quả thi lần 1). Các tỉnh miền núi phía Bắc (Tuyên Quang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng...) tỉ lệ đỗ chỉ trên dưới 20%. Bình quân cả nước đỗ 66,64% - thấp hơn 25,44% mức đỗ bình quân giai đoạn 2002-2006. Thừa thắng xông lên, năm 2008 Bộ GD-ĐT cử khoảng 8.500 thanh tra ủy quyền cắm chốt tại 2.720 hội đồng thi trên cả nước, bên cạnh lực lượng thanh tra riêng của từng địa phương với tổng chi phí cho lực lượng thanh tra ủy quyền được dự kiến khoảng 2,8 tỉ đồng (đợt thi 1). Nhưng năm ấy không thêm một “vụ Lương Tài” nào được phát hiện, trong khi số thí sinh vi phạm kỷ luật thấp một cách đáng ngờ và đặc biệt kết quả thi tốt nghiệp được “cải thiện” so với năm 2007 ngoài sức tưởng tượng của dư luận xã hội. Hết “mới” lại về “cũ” Năm 2009, Bộ GD-ĐT quyết tâm thể hiện ý chí hoàn thành bài toán chống tiêu cực trong thi cử. Ngoài việc vẫn duy trì lực lượng thanh tra ủy quyền với khoảng 9.000 thanh tra viên, Bộ GD-ĐT đưa ra hai giải pháp mới là bắt buộc các địa phương phải tổ chức thi theo cụm và chấm chéo tỉnh các bài thi tự luận. Theo đó, hầu hết các hội đồng thi phải có số thí sinh đến từ tối thiểu ba trường (được gọi là cụm thi). Còn chấm chéo tỉnh nghĩa là tỉnh A chấm bài cho tỉnh B, tỉnh B chấm cho tỉnh C... (chỉ áp dụng với các môn thi tự luận). Quy định chấm chéo này là nguồn cơn cho những chỉ trích về sau liên quan cách đánh giá (đặc biệt với môn văn): barem chấm thi của bộ chi tiết đến 1/4 điểm. Nhưng mức độ nghiêm túc của kỳ thi năm đó cũng không được dư luận đánh giá cao, nhiều nghi vấn ào lên khi bắt đầu có kết quả tốt nghiệp. Sự nghi ngờ càng mãnh liệt khi mà có kết quả toàn quốc cả tuần rồi nhưng bộ vẫn chần chừ không ra thông báo. Khi có thông báo rồi, đến lượt toàn dân “bất ngờ”: mới trước đó hai năm, một tỉnh như Tuyên Quang đỗ chưa được 15% thì nay đã đỗ hơn 81%, Nghệ An từ 46% lên hơn 87%... Năm 2010, vai trò của thanh tra ủy quyền đến hồi cáo chung khi đang từ 8.500 người, bộ rút xuống chỉ còn 600 người. Thi theo cụm trường, chấm chéo tỉnh tiếp tục được duy trì đến năm 2011 cho đến khi chính bộ cũng như dư luận không chịu nổi thì bỏ. Trong quá trình đó là những xìcăngđan chấm thi (năm trước là điểm thi thấp bất thường của môn văn, năm sau lại là cú “bắt tay” điều chỉnh barem để nâng điểm), là những phản biện nảy lửa trên nhiều diễn đàn. Năm 2012, tất cả lại trở về “như xưa”: thanh tra ủy quyền tồn tại cho có, bỏ quy định thi theo cụm, bỏ quy định chấm chéo tỉnh. Kỳ thi năm ấy tưởng kết thúc trong hoan hỉ khi mà trong mọi báo cáo Bộ GD-ĐT đều khẳng định kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, nhưng đùng một cái lại xuất hiện “quả bom” Đồi Ngô! Mâu thuẫn giải pháp camera Có người ví “hai không” như một cuốn sách mà Bộ GD-ĐT trót mở ra nhưng giờ đây không biết làm thế nào để gập lại. Lấy cớ “phân cấp”, Bộ GD-ĐT coi “Đồi Ngô” là vấn đề của Bắc Giang, còn bộ chỉ là cơ quan liên quan vì chỉ quản lý nhà nước về mặt chuyên môn. Để bày tỏ tinh thần tích cực của mình trên tư cách ấy, ngay sau sự kiện Đồi Ngô, Bộ GD-ĐT đã bổ sung vào quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng không có chức năng hiển thị và truyền, phát thông tin vào phòng thi để các em... phát huy vai trò chống tiêu cực thi cử. Khỏi phải nói, quy định này khiến các trường ĐH, CĐ bối rối thế nào. Rốt cục quy định cứ quy định, thực tế triển khai là việc của các trường. Năm nay bộ tiếp tục đưa quy định này vào quy chế thi tốt nghiệp THPT. Trong hội nghị thi và tuyển sinh hồi đầu năm, khi các địa phương bày tỏ sự hồ nghi về tính khả thi của quy định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng ngành GD-ĐT “phải thích ứng với thời đại khoa học công nghệ phát triển”. Ông tuyên bố: “Nếu có em nào không bằng lòng với tiêu cực thì có thể chung tay chống tiêu cực. Các em có quyền đó với tư cách là một chủ thể trong nhà trường. Quy định này như một tấm lưới giăng lên đầu chúng ta. Nó như là một sự kiểm soát vô hình để có một kỳ thi nghiêm túc”. Nhưng bày tỏ này cũng không nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ dư luận xã hội cũng như từ các địa phương. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng với quy định cho phép thí sinh mang camera vào để quay phim vi phạm của giám thị (nếu có), Bộ GD-ĐT đã chuyển gánh nặng trách nhiệm giám sát lên vai thí sinh, trong khi trách nhiệm đó phải thuộc về bộ. Dư luận còn hồ nghi mong muốn thật sự của bộ trưởng, mà cơ sở cho sự nghi ngờ này là việc Bộ GD-ĐT đã ra một quy định trái luật, buộc người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải gửi bằng chứng cho ban chỉ đạo thi hoặc thanh tra giáo dục trong vòng bảy ngày kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng và không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào. Trước những phản ứng mạnh mẽ từ nhiều phía, bộ lại bỏ quy định này. Nhưng ngay cả cái “quyền” mà bộ trưởng trao cho thí sinh cũng không được cấp địa phương nhìn nhận tích cực. Trao đổi với báo giới, lãnh đạo các sở GD-ĐT thường nhấn mạnh đến điều 21 của quy chế - trách nhiệm của thí sinh trong phòng thi mà ít vị đề cập vấn đề làm thế nào để đảm bảo không có tiêu cực trong phòng thi! Nếu những năm trước đây hội nghị bàn về công tác tổ chức thi tốt nghiệp của các địa phương thường “mở” cho các phóng viên thì năm nay trở thành cuộc họp “kín” ở nhiều nơi. Nhiều nơi còn yêu cầu thí sinh muốn mang các thiết bị mà các em được phép mang vào phòng thi phải đăng ký trước, hay chỉ những thiết bị theo dõi tiêu cực đã được cơ quan công an dán tem mới được xem là hợp lệ. Trong cuộc gặp mặt với báo giới trước thềm kỳ thi ngay tại Bộ GD-ĐT, một thành viên ban chỉ đạo thi nhận xét: “Nhiều nơi rất sáng kiến. Học sinh mang thiết bị đến phải đăng ký chủng loại thiết bị và cam kết thiết bị này không truyền thông tin ra ngoài. Tôi nghĩ cái này cũng rất tốt cho hậu kiểm. Hoặc khi chúng tôi đi kiểm tra thực tế thấy có địa phương báo cáo UBND tỉnh có cuộc họp chuyên đề riêng về việc này, sau đó thông báo tới học sinh để các em đăng ký trước, mang máy đến cho cơ quan chức năng kiểm tra, sau đó dán trên máy một cái tem. Giám thị chỉ cần nhìn thấy trên thiết bị có cái tem đó là đồng ý cho mang vào”. Một lần nữa, những quy định được cho là “sáng kiến” ấy lại được bỏ. Bộ GD-ĐT lại ban hành công văn hướng dẫn việc kiểm tra các loại máy ghi âm, ghi hình mà thí sinh được phép mang vào phòng thi, trong đó yêu cầu “các hội đồng thi không yêu cầu thí sinh phải đăng ký khi mang các thiết bị nói trên vào phòng thi”. Tất cả những tiến lùi cũ mới trên cho thấy một nỗi lo âu, rối bời rất cũ của bộ để giải quyết dứt điểm câu chuyện tiêu cực thi cử. Chiều 2-6, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT về hai môn thi ngữ văn và hóa học đã không công bố số liệu cụ thể thí sinh, giám thị bị xử lý kỷ luật và số thí sinh bỏ thi. Dư luận lại tiếp tục băn khoăn. Tags: Thí sinhHọc sinhThi tốt nghiệpTHƯ HIÊNTiêu cựcTiêu điểmTiêu cực thi cử
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.