TTCT - Trước thềm năm 2015 khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành và ba năm sau đó thời điểm thuế nhập khẩu ôtô trong khu vực còn 0%, các nước ASEAN đang chộn rộn với những kế hoạch cạnh tranh để tồn tại. Lựa chọn nào cho ôtô Việt Nam?: Cơ hội làm lạiNgười tiêu dùng trước, doanh nghiệp sau Mở cửa thị trường ôtô trong khu vực sẽ đem lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng - Ảnh: Thanh Đạm Indonesia đuổi theo Thái Lan Theo tạp chí Automotive Logistics (Anh), tăng trưởng trung bình hằng năm về sản xuất ôtô ở khu vực này dự báo vào khoảng 8% trong năm năm tới. Thái Lan hiện đang có ít nhất 16 liên doanh sản xuất ôtô trong khi Indonesia có tới 20. Thái Lan hiện đang dẫn đầu khu vực với hơn 2,4 triệu ôtô cá nhân và ôtô thương mại xuất xưởng hằng năm. Ở Indonesia, con số này là 1,2 triệu trong năm ngoái. Malaysia dự tính sẽ đạt con số bán ra là hơn 660.000 chiếc trong khi sản xuất ôtô con có thể đạt 600.000 chiếc. Thái Lan hiện cũng được coi là đầu mối xuất khẩu ôtô quan trọng. Giới chuyên gia dự báo Indonesia sẽ áp sát Thái Lan về mặt doanh số, một phần do tầng lớp trung lưu ở quốc đảo này đang tăng lên. Nhiều nhà máy ở Indonesia cũng sắp xuất hiện, trong đó có Geely vào năm 2015 và Volkswagen cùng Mitsubishi vào năm 2017. Các nhà sản xuất khác ở Indonesia cũng đang gia tăng quy mô. Honda hồi tháng 2 đã mở nhà máy chế tạo ôtô thứ hai ở Indonesia. Datsun, thương hiệu giá rẻ của Nissan vừa được giới thiệu, cũng sẽ mở thêm nhà máy trong tháng 4 này. Toyota cũng đang tính chuyện mở rộng sản xuất tại Indonesia. Theo Straits Times, Indonesia không giấu giếm ý định cạnh tranh với Thái Lan trong việc giành miếng bánh lớn trong lĩnh vực sản xuất ôtô khu vực. Tổng giám đốc phụ trách các ngành công nghiệp cao ưu tiên thuộc Bộ Công nghiệp Indonesia, ông Budi Darmadi tự tin nói: “Chúng tôi đang cải thiện cơ sở hạ tầng và chúng tôi có mức tăng trưởng kinh tế tốt với nền chính trị ổn định”. Quan chức này cũng khẳng định Indonesia đã sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư mới với chính sách khuyến khích thuế được đưa ra gần đây, cộng với tăng trưởng của ngành công nghiệp linh kiện ôtô và một điểm đầu mối thứ hai ở bắc Jakarta dành cho việc vận chuyển ôtô và xuất khẩu sắp đi vào hoạt động trong năm nay. Đến năm 2018, dự đoán Indonesia sẽ bán ra 2 triệu xe/năm. Chính dự báo này khiến các công ty chuyển sang sản xuất ở Indonesia bất chấp việc cơ sở hạ tầng còn thiếu. Malaysia sẽ giảm giá, Philippines là điềm báo Mặc dù Malaysia là nơi đặt tới 11 nhà lắp ráp ôtô nhưng ngành công nghiệp này được bảo hộ khá chặt chẽ với hai thương hiệu trong nước là Produa và Proton chiếm 30,1% và 22,5% thị phần. Theo Automotive Logistic, Malaysia đã bỏ hầu hết thuế đối với các nước ASEAN nhưng thuế hàng hóa và thuế đánh vào ôtô cũng như linh kiện đã cản trở nhiều nhà sản xuất nước ngoài. Tiến sĩ Javad Feizabadi thuộc Viện Cải cách chuỗi cung ứng Malaysia cho rằng: “Chủ nghĩa bảo hộ làm giảm sức cạnh tranh của Malaysia về lâu dài”. Ông Feizabadi nói Malaysia dự tính sẽ mở rộng vai trò là đầu mối xuất khẩu để phục vụ các nước láng giềng như Trung Quốc và Indonesia. Thị trường nhập khẩu cũng sẽ tăng trưởng khi Malaysia muốn đưa ngành này ngang bằng với các đối tác ở ASEAN, nhưng nước này sẽ chật vật trong việc duy trì một số biện pháp bảo hộ. Trong khi đó, theo chính sách quốc gia về ôtô năm 2014 của Malaysia được công bố hồi tháng 1, nước này tiến đến mục tiêu giảm giá ôtô 20-30% vào cuối năm 2018. Bộ trưởng công nghiệp và ngoại thương Malaysia Datuk Seri Mustapa Mohamed cho biết bộ đã phát triển một lộ trình giảm giá ôtô để mở cửa thị trường ôtô ở Malaysia. Kế hoạch của Malaysia, theo The Edge Malaysia, có nhiều biện pháp để tăng sự cạnh tranh trong ngành ôtô, đặc biệt là ôtô tiết kiệm năng lượng (EEV). Chính sách này, theo ông Mustapa, là để biến Malaysia thành đầu mối ôtô của khu vực đối với EEV. Chính phủ Malaysia sẽ dùng nguồn ngân quỹ 2,07 tỉ MYR (khoảng 640 triệu USD) trong vòng bảy năm để hỗ trợ việc thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực EEV. Ông Mustapa nói bằng cách không áp đặt các giới hạn về hình thức đầu tư, Malaysia có thể tự đứng tách biệt khỏi Thái Lan và Indonesia, các nước cũng có chính sách để thu hút đầu tư vào EEV. Báo Nikkei của Nhật Bản hồi đầu tháng 4 cho hay doanh số bán xe mới ở Philippines đã tăng 15%, lên mức kỷ lục 212.000 chiếc hồi năm ngoái. Trong đó, số lượng xe nhập khẩu chiếm hơn 60% tổng số. Nhập khẩu ôtô của nước này đã tăng 10 lần trong vòng năm năm qua. Honda cũng đã ngưng lắp ráp xe Civic ở Philippines từ năm 2012, chuyển sang việc nhập khẩu xe từ Thái Lan. Ford cũng đã quyết định rút khỏi Philippines. Giới quan sát nhận định VN sẽ coi tình trạng của ngành sản xuất ôtô Philippines ngày nay là một điềm báo khắc nghiệt cho tương lai của mình. Tags: ASEAN
Một lịch sử sơ lược địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi tỉnh? PHẠM HOÀNG QUÂN 31/03/2025 2641 từ
Tin tức sáng 4-4: Novaland có thể lỗ 688 tỉ đồng năm nay; Cổ phiếu nào tăng giá hàng trăm phần trăm? BÌNH KHÁNH 04/04/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Công bố logo kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; TP.HCM thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân; Xử phạt FLC vì 'ém' nhiều báo cáo quan trọng...
Việt Nam để quốc tang nguyên Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone trong 2 ngày THANH HIỀN 03/04/2025 Ngày 3-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone.
Giá vàng lao dốc, giá USD ngân hàng lần đầu chạm mốc 26.000 đồng ÁNH HỒNG 03/04/2025 Sau khi tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại, giá vàng quay đầu giảm mạnh, trong khi đó giá USD ngân hàng vọt lên 26.000 đồng/USD.
Vì sao tiền rác mỗi nơi mỗi giá, cách đóng tiền cũng khác nhau? NGỌC KHẢI 04/04/2025 Nhiều bạn đọc phản ánh đến Tuổi Trẻ hiện nay tiền rác mỗi địa phương thu mức giá khác nhau, cách thu tiền cũng khác nhau. Vì sao có sự khác biệt này?