Lược sử Tarot, kể trên chính những lá bài

MAI MAI HƯƠNG 16/03/2023 09:05 GMT+7

TTCT - Ban đầu được dùng cho một trò chơi, vài trăm năm sau đó bài tarot mới được dùng để chiêm đoán. Sự thay đổi công năng của bộ bài và cả những thay đổi của thời cuộc đã được thể hiện trong chính những hình họa trên lá bài.

Những lá bài của bộ Tarot de Marseille bản in khắc gỗ phát hành vào năm 1751. Tư liệu của Bill Wolf

Những lá bài của bộ Tarot de Marseille bản in khắc gỗ phát hành vào năm 1751. Tư liệu của Bill Wolf

Những lá bài ngày nay không chỉ là một món đồ dùng cho một trò chơi, chúng đã trở thành một phương tiện sáng tác nghệ thuật, một loại hình nghệ thuật.

Từ trò rút thẻ đặt thơ

Những bộ bài Tây thực ra được đưa từ nơi khác đến châu Âu vào cuối thế kỷ 14 qua các hải cảng ở Ý. Nguồn gốc chính xác - ai, từ đâu đã đưa các bộ bài đến châu Âu, qua hải cảng nào - cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Những lá bài cổ nhất còn sót lại đến nay là từ những bộ bài do công tước thành Milan Filippo Maria Visconti và người kế vị là Francesco Sforza đặt nghệ nhân làm vào giữa thế kỷ 15. Chúng có hình các nhân vật được vẽ tay tỉ mỉ kiểu tiểu họa trên nền giấy có hoa văn dập nổi và thếp vàng. Thiết kế cầu kỳ và tinh xảo, những bộ bài này, cùng với các bộ bài khác đương thời, trở thành món đặc trưng của tầng lớp thượng lưu Ý.

Nhưng theo tác giả Hunter Oatman-Stanford trong một bài lược sử tarot trên tạp chí sưu tập cổ vật CollectorsWeekly, bộ bài Visconti-Sforza không được dùng để bói toán, mà đơn thuần để chơi một trò có tên là tarocchi, luật chơi đơn giản là rút thẻ, nhìn hình, rồi đặt vài câu có vần tả một bạn chơi trong bàn ứng với hình đó. Các tấm thẻ này được gọi là "sortes", nghĩa là định mệnh hay sự may rủi.

Các lá Trump của bộ Tarrocchini Bolognese do Giuseppe Maria Mitelli thiết kế, khoảng năm 1664.

Các lá Trump của bộ Tarrocchini Bolognese do Giuseppe Maria Mitelli thiết kế, khoảng năm 1664.

Trọn bộ bài tarocchi có đến 78 lá. Có bộ bài thếp vàng cầu kỳ như bộ Visconti-Sforza, nhưng cũng có bộ đơn giản hơn, như bộ Tarocchino Bolognese được họa sĩ Ý trường phái Baroque là Giuseppe Maria Mitelli (1634-1718) tạo ra vào khoảng năm 1660, giản lược chi tiết đến mức không ghi chú tên lá bài. Tuy nhiên, các tiểu họa chỉ gồm một nhân vật và một vật biểu trưng đã giúp người dùng nhận diện được từng lá.

Có những bộ bài khác từ thế kỷ 15 vẽ hình chim thú, cây cỏ và vì tarocchi thời đó được xem là trò chơi rèn kỹ năng, nên các sortes thường kèm thêm vài dòng chữ có nội dung là kiến thức ngắn gọn về nhiều lĩnh vực như địa lý, thực vật học, vũ trụ học… 

Bộ bài Geografia Tarocchi, xuất hiện vào khoảng năm 1725 trong thời kỳ Khai sáng (khoảng 1700-1800) tôn vinh hiểu biết khoa học, được nhà nghiên cứu tarot người Anh Caitlín Matthews cho là "gần giống như là một quyển bách khoa toàn thư nhỏ về thế giới" bởi phần hình tiêu biểu của lá bài chỉ được vẽ trong một dải nhỏ bên trên, phần dưới rộng hơn, cung cấp thông tin về nơi nào đó ở châu Phi, châu Á, châu Âu…, có thể vừa chơi vừa học.

Đến môn bói bài huyền bí

Ở nước Pháp, trò rút thẻ làm thơ được gọi là "tarot" và bộ bài phổ biến nhất xứ này là bộ Tarot de Marseille xuất hiện từ thế kỷ 17 với các lá bài không mang tiểu họa tả thực như thời trước mà thiên về minh họa cách điệu, được sản xuất bằng kỹ thuật in khắc gỗ và tô bằng khuôn giặm màu.

Với người chơi bài đương thời, hình họa trên bài tarot không có gì khó hiểu, vì theo nhà nghiên cứu Caitlín Matthews, chúng mô tả những sự kiện hay những câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc. Họa sĩ Mỹ Bill Wolf, người có những bộ bài tarot tự vẽ, tin rằng: "Ban đầu hình vẽ trên lá bài có ý nghĩa song hành với cơ chế của trò chơi. Các hình này được thiết kế nhằm phản ánh các mặt quan trọng của thế giới thực mà người chơi đang sống trong đó. Các biểu tượng Công giáo trong bộ bài cũng phản ánh thế giới Công giáo mà họ sống". Nhưng khi các thế kỷ cứ trôi qua, mà hình vẽ trên lá bài vẫn là về trăm năm trước, câu chuyện đặt ra xung quanh những ván bài bắt đầu có sự mơ hồ.

Bói bài tarot hình thành ở Ý vào giữa thế kỷ 18 rồi lan sang các nước khác. Trớ trêu là ngay giữa thời Khai sáng, các lá bài tarot lại dần dần phủ đầy sự huyền bí, khi các nhà huyền học Pháp liên hệ bộ bài này với các tư tưởng tâm linh của Ai Cập cổ đại. 

Bộ bài tarot Ai Cập của Alliette, một trong những bộ bài đầu tiên được thiết kế chuyên để chiêm đoán. Tư liệu của Tero Goldenhill

Bộ bài tarot Ai Cập của Alliette, một trong những bộ bài đầu tiên được thiết kế chuyên để chiêm đoán. Tư liệu của Tero Goldenhill

Giáo sĩ người Pháp Antoine Court de Gébelin (1725-1784), trong bộ sách lịch sử xuất bản năm 1781 Le Monde Primitif, analysé et comparé avec le monde moderne (Thế giới nguyên sơ, phân tích và so sánh với thế giới hiện đại), khẳng định bài tarot được tạo ra theo sách thánh của Ai Cập và được người Gypsy đưa từ châu Phi sang châu Âu. 

10 năm sau đó, nhà huyền học Jean-Baptiste Alliette (1738-1791), trong cuốn Etteilla, ou L'art de lire dans les cartes (Etteilla, hay nghệ thuật xem bói bài) phát hành năm 1791, nhấn mạnh rằng tarot bắt nguồn từ quyển Sách Thoth huyền thoại về thần trí khôn của Ai Cập. Theo Alliette, hình vẽ về những bộ bài tarot đầu tiên thực sự đã xuất hiện trong Sách Thoth, một quyển sách được các thầy tu khắc trên những tấm bảng bằng vàng.

Vẽ theo niềm tin này, Alliette đã cho ra bộ bài tarot của ông vào năm 1789. Nó là một trong những bộ bài đầu tiên được thiết kế chuyên để chiêm đoán và được gọi là bài tarot Ai Cập. 

Nhưng sự thật lịch sử không như những gì mà Gébelin và Alliette truyền bá: Cho dù người Gypsy xuất hiện ở châu Âu cùng thời gian với bài tarot, họ đến từ Nam Á chứ không phải châu Phi, còn các biểu tượng xuất hiện trên bài tarot từ thế kỷ 14 chẳng liên quan gì đến chữ tượng hình Ai Cập, vì chữ này chỉ được giải mã vào thế kỷ 19, nhờ bí mật trên tảng đá Rosetta được giải.

Sáng tạo vô biên trên vuông giấy nhỏ

Những năm 1900, nhà huyền học trứ danh Arthur Edward Waite (1857-1942) đặt nữ họa sĩ Pamela Colman Smith (1878-1951) thiết kế một bộ bài tarot mới sau này được đánh giá là mang tính cách mạng vì các lá pip (lá ghi số) cũng được vẽ tiểu họa với số biểu tượng lồng khéo léo thành chi tiết trong tranh. 

Chẳng hạn, lá bài 8 sao có hình một người thợ mộc đang ngồi đẽo ra 8 cái đĩa mang hình ngôi sao. Vì thị hiếu đương thời, hình ảnh Công giáo thường thấy trong các bộ bài trước đã được thay đổi trong bộ bài này. Chẳng hạn, lá Pope (Giáo hoàng) đổi thành lá Hierophant (Quan tư tế) và lá Papess (Nữ giáo hoàng) đổi thành lá High Priestess (Nữ thượng tế).

Phát hành lần đầu năm 1909 thông qua Nhà xuất bản William Rider, kèm với sách hướng dẫn The key to the Tarot (Chìa khóa cho bài Tarot) của Waite, bộ bài tarot trên thường được gọi là bộ Rider-Waite và là bộ bài phổ biến nhất thế kỷ 20, một phần vì có hình ảnh dễ hiểu, dễ nắm bắt. 

Trong khi đó, có những bộ bài lại chứa các hình vẽ rất khó giải, mà khét tiếng nhất là bộ tarot Thoth do nhà huyền học người Anh Aleister Crowley phát triển năm 1943. Được nữ họa sĩ Lady Frieda Harris vẽ với kỹ thuật phối màu chuyển sắc hiện đại, các lá bài Thoth trông bắt mắt, nhưng sự kết hợp giữa các biểu tượng khoa học và biểu tượng huyền bí khiến chúng rất trừu tượng và cực kỳ khó hiểu.

Những lá bài của bộ Rider-Waite, bản phát hành đầu tiên vào năm 1909. Tư liệu của World of Playing Cards

Những lá bài của bộ Rider-Waite, bản phát hành đầu tiên vào năm 1909. Tư liệu của World of Playing Cards

Qua 6 thế kỷ tồn tại, ngoài sự thay đổi về công năng, bài tarot đã có nhiều thay đổi về kỹ thuật chế tác, cách tạo hình, gọi tên và ý nghĩa của các lá bài. Đáng chú ý là những thay đổi này không chỉ được định hình bởi văn hóa thời đại và nhu cầu của cá nhân người dùng, mà còn được tạo ra từ sáng tạo của những họa sĩ, nhóm người quan tâm đặc biệt và thường xuyên đến bài tarot.

Các lá bài xét cho cùng là một đối tượng nghệ thuật và chính các họa sĩ đã tạo ra ý nghĩa cho lá bài, đặc biệt là những bộ bài xuất hiện từ thế kỷ 20. Họa sĩ Bill Wolf nhận xét: "Các hình họa (trên bài tarot) đã phát triển thành các tuyên ngôn nghệ thuật ngày càng mang tính cá nhân hơn, cả về nội dung và phong cách thực hiện". Vào đầu thập niên 1970, chính danh họa Salvador Dalí (1904-1989) cũng sáng tác một bộ bài như thế với lá The Magician (Ảo thuật gia) có hình ảnh của chính ông và lá Empress (Nữ hoàng) có hình ảnh vợ ông, bà Gala.

Các lá bài Thoth do nữ họa sĩ Lady Frieda Harris vẽ với kỹ thuật chuyển sắc hiện đại

Các lá bài Thoth do nữ họa sĩ Lady Frieda Harris vẽ với kỹ thuật chuyển sắc hiện đại

Giờ đây, một thế hệ các họa sĩ và nhà thiết kế mới đang hướng sự sáng tạo của họ vào việc tạo ra những bộ bài riêng, phản ánh thời đại hiện nay. Họa sĩ Courtney Alexander ở bang Indiana, Mỹ, vì băn khoăn về việc thiếu vắng những bộ bài tarot có các nhân vật da đen, đã làm ra bộ bài Dust II Onyx. 

Bộ bài này vẽ các bức tranh đa chất liệu, lấy cảm hứng từ lịch sử di cư và văn hóa bình dân của người da đen ở Mỹ với những cái tên cũng có phong cách văn hóa đó, chẳng hạn King of Swords, biểu tượng của trí tuệ, được gọi là Papa Blade, hay Queen of Cups, trị vì vương quốc tình cảm, được gọi là Mama Gourd.

Giữa những ngày bị cách ly vì đại dịch trong căn hộ ở Los Angeles, Mỹ hồi năm 2020, họa sĩ Isa Beniston đặt mua những thứ cần thiết trong một cửa hàng gần nhà để tạo ra màu bột và vẽ những lá bài đầy màu sắc tươi sáng mang hơi hướng của trường phái dã thú Fauvism có tên là Gentle Thrills Tarot (Tarot hồi hộp nhè nhẹ).

Bộ bài Gentle Thrills Tarot sáng tác trong đại dịch của họa sĩ Isa Beniston. Tư liệu của gentlethrills.com

Bộ bài Gentle Thrills Tarot sáng tác trong đại dịch của họa sĩ Isa Beniston. Tư liệu của gentlethrills.com

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận