Mariah Carey không phải "Nữ hoàng Giáng sinh"

XUÂN TÙNG 03/12/2022 07:53 GMT+7

TTCT - Hay nói đúng hơn là diva người Mỹ, chủ nhân bản hit được bật nhiều đến mức ám ảnh mỗi mùa Giáng sinh All I Want For Christmas Is You, không thể độc quyền danh xưng này ở góc độ pháp lý, dù trong lòng người hâm mộ, cô chính là "nữ hoàng" của mùa vọng.

Mariah Carey không phải Nữ hoàng Giáng sinh - Ảnh 1.

Mariah Carey và All I want for Christmas is You.

Nhân trường hợp Mariah Carey

Khi nhắc đến "Queen of Christmas" (Nữ hoàng Giáng sinh), công chúng có lẽ đồng loạt nghĩ tới Mariah Carey - người kiếm sơ sơ 3 triệu USD từ bản quyền ca khúc All I Want For Christmas Is You và thù lao quảng cáo mỗi mùa Noel. 

Nhưng khi nữ ca sĩ 52 tuổi và các cộng sự đăng ký độc quyền nhãn hiệu "Queen of Christmas" cho một loạt sản phẩm, từ nước hoa, đồ trang trí cho đến cả dây dắt thú nuôi trong nhà, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã không đồng ý. Với quyết định này, Carey và công ty của mình sẽ vẫn được dùng danh hiệu trên nhưng sẽ không có quyền ngăn cấm các nhãn hàng khác sử dụng cụm từ tương tự.

Quyết định được USPTO đưa ra sau khi xem xét đơn phản đối hồi tháng 8 của Elizabeth Chan, một nữ ca sĩ Mỹ khác. Chan đã quảng bá bản thân dưới cái tên "Queen of Christmas" được hơn một thập niên; cái tên này cũng đã xuất hiện trên bìa album của cô cũng như một bài viết riêng về cô trên tạp chí New Yorker từ năm 2018. Trước đơn phản đối của Elizabeth Chan, phía Carey đã không đưa ra hồi đáp, do đó đơn đăng ký của họ tự động bị bác bỏ, USPTO cho biết.

"Tôi rất hạnh phúc, vì đây là công trình của cả cuộc đời tôi - Chan nói với tờ Variety - Tôi tin chắc rằng không một cá nhân nào có quyền sở hữu hoặc thiết lập độc quyền ngày Giáng sinh theo kiểu của Mariah".

Theo NPR, còn một "Nữ hoàng Giáng sinh" khác là ca sĩ Darlene Love - người cho rằng người dẫn chương trình David Letterman từng "phong" cho bà danh hiệu này từ 3 thập niên trước.

Mariah Carey không phải Nữ hoàng Giáng sinh - Ảnh 2.

Có 3 "Nữ hoàng Giáng sinh" trong bức ảnh này: Mariah Carey (giữa), Elizabeth Chan (ảnh nhỏ bên trái) và Darlene Love. Ảnh: Newsweek

"Ông vua, bà hoàng" âm nhạc: ai phong tặng?

Lần về lịch sử, có thể thấy việc người hâm mộ đặt danh xưng trang trọng cho ca sĩ, nghệ sĩ không phải chuyện hiếm. Từ thế kỷ 18, các nhà soạn nhạc đại tài như Mozart và Bach đã lần lượt được cộng đồng nghệ thuật châu Âu gọi với những cái tên mang màu sắc gia đình - lần lượt là "cha đẻ của âm nhạc hiện đại" và " cha đẻ của âm nhạc piano hiện đại".

Thế nhưng, phổ hiến hơn cả là những danh xưng hoàng gia và quý tộc (ông vua nhạc pop, công chúa nhạc đồng quê, nữ hoàng nhạc soul…) hay những cái tên phúng dụ gắn với hình ảnh của nghệ sĩ (rapper - nhà sản xuất huyền thoại MF Doom còn được biết đến với cái tên "Siêu phản diện của làng hiphop" tương ứng với hình tượng đeo mặt nạ trên sân khấu của mình).

Nguồn gốc của các hiện tượng này rất có thể bắt nguồn từ nước Mỹ - cái nôi của văn hóa đại chúng đương đại. Mặc dù là một quốc gia cộng hòa, nước Mỹ và nền giải trí của mình vẫn ưa thích sử dụng các ẩn dụ kiểu quân chủ để mô tả các nhân vật nổi trội trong một ngành để nhắc đến những người đi đầu khai phá - sử gia B.G.Rader thuộc Đại học Nebraska (Mỹ) cho biết.

Còn theo nhà nghiên cứu âm nhạc xứ Wales David Evans, sử dụng ẩn dụ hoàng gia cũng là cách để cộng đồng người Mỹ gốc Phi - cộng đồng bị bóc lột và lề hóa trong suốt lịch sử Mỹ - khẳng định vị thế của mình trong làng âm nhạc vốn bị thống trị bởi các ông chủ da trắng.

Theo một lẽ dễ hiểu, các danh xưng đại chúng sẽ không được công nhận bởi một cơ quan chính thức nào, mà chúng thường được bắt nguồn từ báo chí, truyền thông hoặc các nhân vật có ảnh hưởng trước khi được công chúng đồng thuận dùng để mô tả nghệ sĩ. 

Không có đơn từ, quy trình hay xét duyệt, nhưng vẫn có những cách rất thú vị để chính thức hóa danh xưng vương, chúa của một ca sĩ. Điển hình là danh ca Aretha Franklin, người được DJ nổi tiếng Pervis Spann phong tặng danh xưng "Nữ hoàng nhạc Soul" trong một nghi lễ đội vương miện trước sự chứng kiến của hàng nghìn khán giả vào năm 1968.

Các danh hiệu hoàng gia này cũng không thuộc về một nhân vật suốt đời. Trước khi về tay Michael Jackson, danh hiệu "ông vua nhạc pop" từng thuộc về Elvis, hay trước đó là Frank Sinatra. Đồng thời, một danh xưng cũng có thể được báo giới dùng cho nhiều nghệ sĩ khác nhau, dẫn đến những mối thâm thù giữa các nghệ sĩ và những cuộc khẩu chiến không hồi kết giữa các nhóm người hâm mộ để giành "ngai vàng" cho thần tượng.

Cũng như nhiều thực hành văn hóa của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, việc đặt danh xưng cũng dần được tiếp biến bởi các nhân vật da trắng có nhiều quyền lực tư bản hơn. Trong những năm 1930 - 1940, truyền thông Mỹ nhất loạt sử dụng hai danh xưng "ông vua nhạc jazz" và "ông vua nhạc swing" cho hai nhạc trưởng da trắng là Paul Whiteman và Benny Goodman, dù có hàng loạt nhân vật da màu cùng thời được coi là xứng đáng hơn.

Đến thời đại rock&roll , hiện tượng này lại một lần nữa diễn ra - dù là ca sĩ da trắng hiếm hoi hát rock&roll ở thời điểm những năm 1950 - 1960, Elvis Presley vẫn nhanh chóng trở thành hiện tượng và được coi là ông vua của thể loại này, vượt lên các nhân vật da màu đã góp nhiều công định hình dòng nhạc như Chuck Berry hay Little Richard.

"Đấu" nhau vì danh xưng

Theo William McGeveran, giáo sư luật tại Đại học Minnesota (Mỹ), nỗ lực đăng ký thương hiệu cho bản thân của Carey cũng như nhiều ngôi sao Hollywood khác có thể được gọi là "selfmark" - một xu hướng không thể tránh khỏi trong thời đại của nhãn hàng và mạng xã hội, khi các nhân vật có tầm ảnh hưởng cố gắng đăng ký nhiều nhãn hiệu xoay quanh tên mình nhất có thể. Với các đăng ký này, họ có thể chờ thời cơ để ra sản phẩm tương ứng, hoặc chỉ cần ngồi yên và thu phí sử dụng nhãn hiệu từ các công ty khác đã chậm chân trong cuộc đua nộp đơn bảo hộ.

Chính vì thế thỉnh thoảng lại xảy ra các cuộc tranh giành danh xưng của giới nghệ sĩ. Năm 2008, Aretha Franklin đã lên tiếng phản đối trên truyền thông sau khi đàn em Beyonce dùng danh xưng "Nữ hoàng nhạc Soul" cho người khác (cụ thể là Tina Turner, danh ca cùng thời với bà) trên sóng lễ trao giải Grammy. 

Tương tự, nữ ca sĩ Lizzo mới đây cũng đã chịu trận tứ phía khi gọi Justin Bieber là "Hoàng tử nhạc pop" (có người cho rằng Bruno Mars xứng đáng hơn), hay dành danh hiệu "Nữ hoàng nhạc pop" cho Janet Jackson (một người dùng Twitter trả lời: "Janet Jackson là Nữ hoàng nhạc pop ở vũ trụ nào, khi Madonna vẫn còn sờ sờ ở đây?").

Chưa hết, suốt hai thập niên nay, danh xưng "Nữ hoàng nhạc rap" vẫn bị tranh giành chưa có hồi kết trên không gian mạng: người thì cho rằng những gương mặt gạo cội như Lil’ Kim hay Missy Elliott là chủ nhân xứng đáng, người lại cho rằng thành công thương mại của các nghệ sĩ mới như Nicki Minaj hay Cardi B là không thể chối bỏ.

Có lẽ chừng nào văn hóa thần tượng còn tồn tại, những cuộc tranh giành danh hiệu trong làng âm nhạc vẫn sẽ nóng hổi. Tuy nhiên, giới nghệ sĩ cũng không nên quên rằng nghệ thuật không phải là một trò chơi vương quyền - một đỉnh cao có thể có nhiều hơn một người đứng, và quan trọng hơn hết, luôn luôn có những nấc thang cao hơn để người nghệ sĩ vươn tới trong cuộc đời sáng tạo của mình.■

Mariah Carey không phải Nữ hoàng Giáng sinh - Ảnh 4.

Đầu năm 2022, tạp chí Rolling Stone gọi Harry Styles (trái) là "Vua nhạc pop" mới, nhưng nhiều người, trong đó có cháu trai của Michael Jackson, cho rằng ca sĩ hậu bối không xứng đáng có danh hiệu đó. Ảnh: Popcrush

Trên lý thuyết, nghệ sĩ có thể đăng ký bao nhiêu nhãn hiệu tùy thích, nhưng điều này không có nghĩa là họ có thể vơ hết về mình: người nộp cần chứng minh được nguồn gốc của nhãn hiệu, hay nói cách khác là khả năng công chúng có thể nghĩ ngay đến bạn qua một cụm từ, hình ảnh, màu hay âm thanh mà bạn đề xuất trong đơn đăng ký. Dĩ nhiên, thuyết phục công chúng cũng là một hành trình tương đối dài.

Theo Bloomberg, vị thế thống trị ngày Giáng sinh của Mariah Carey không xuất hiện ngẫu nhiên - đây là thành quả của một chiến dịch truyền thông kéo dài suốt hàng thập niên. Ca khúc để đời All I Want For Christmas Is You của cô ra mắt năm 1994, nhưng cái tên đi kèm "Queen of Christmas" mãi đến hai thập niên sau mới được báo giới chú ý đến - tất cả là nhờ công của Cindi Berger - quản lý truyền thông của cô, người đã phát ngôn tên Mariah Carey cùng danh hiệu này trong một buổi phát sóng trực tiếp của danh ca trên kênh NBC (Mỹ) hồi năm 2013. Từ thời điểm đó, cụm từ nhanh chóng được báo giới học theo và đến nay đã có hơn 125 đầu báo công nhận danh xưng "Nữ hoàng Giáng sinh" của Carey.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận