Mất tết vì cướp biển

HOÀNG TRÍ DŨNG 01/02/2004 03:01 GMT+7

TTCN - Cuối cùng 13/17 ngư phủ trên hai chuyến tàu đánh cá cuối năm trên vùng biển Kiên Giang cũng đã trở về, dù rằng đó là cuộc trở về trong nước mắt, cuộc trở về trong khủng khiếp. Nhiều người trong số họ đã xuống tóc thề bỏ nghề, bỏ biển...

 
 Hai thuyền trưởng Lê Muốn và Nguyễn Ngọc Dũng

 2g15 rạng sáng 20-1-2004 (tức 29 Tết Giáp Thân), 13 ngư phủ sống sót sau vụ bị cướp biển tấn công cướp tàu (vào lúc 16g ngày 15-1-2004 tại tọa độ 7 độ vĩ Bắc 103 kinh độ Đông) thuộc vùng biển giáp ranh Kiên Giang và Cà Mau đã được đưa về Rạch Giá trên chiếc tàu cứu hộ.

Dù đã kiệt sức sau nhiều giờ trôi dạt trên biển và hơn hai ngày nằm trên tàu cứu hộ nhưng thuyền trưởng (tàu KG - 9125 TS) Lê Muốn, 30 tuổi, vẫn ráng tiếp chuyện chúng tôi. 

Theo lời kể của anh Muốn, khoảng 14g30 ngày 15-1-2004 khi hai chiếc tàu nhà đang cặp gần nhau để ngư phủ gỡ lưới, một chiếc tàu lạ cặp vào gần, trên tàu có năm người, một tên râu ria bặm trợn, tóc dài, to khỏe đứng đằng mũi tàu nói lớn bằng tiếng Thái và ra hiệu xin thuốc hút.

Anh Muốn vội chạy vào cabin lấy một cây Capstan đưa cho Sáu (ngư phủ của tàu) đem đưa chúng, nhưng Sáu vừa ra đến mũi tàu thì lãnh đạn ngã quị. Ba tên khác tay lăm lăm súng nhảy sang tàu và thêm một ngư phủ tên Thiện bị bắn vào bụng.

Lúc này ngư phủ trên tàu của anh Muốn quá sợ hãi, chạy tán loạn; kẻ thì trốn vào cabin, người chui vào hầm máy. Phát hiện bốn ngư phủ đang trốn vào hầm máy, bọn hải tặc dùng báng súng đánh vào đầu, vào người họ. Sáu đã bị trúng đạn, cố lết vào cabin tàu nhưng không may bị một tên trong nhóm cướp biển nhả thêm một viên đạn nữa rồi quẳng xác anh xuống biển...

Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Dũng (tàu KG-9126TS) chưa hết nỗi kinh hoàng trong mắt khi kể lại: “Bọn cướp tàn bạo quá! Sau khi giam toàn bộ 16 ngư phủ vào hầm đá, chúng lái hai chiếc tàu chạy về hướng Thái Lan. 

Bị nhốt trong hầm đá lạnh cóng gần hai giờ, tụi tôi mới được chúng mở hầm máy cho ra ngoài nhưng buộc chúng tôi phải lần lượt nhảy xuống biển. 

Đông là người nhảy đầu tiên và tôi là người thứ 11, đáng thương nhất là anh Thiện, do bị trúng đạn máu chảy khá nhiều không đủ sức chui lên khỏi hầm đá nên chúng buộc anh em chúng tôi kéo anh lên và tống anh xuống biển, anh đã mãi mãi không còn nữa.

Giữa đêm lạnh cóng, biển nước mênh mông lại không hề có phao, không ai trong chúng tôi có thể nghĩ mình sẽ sống sót trở về với gia đình. 

Sau gần 3 giờ vật lộn trên biển đen hung dữ, 13 anh em chúng tôi được một chiếc tàu của ngư dân Cà Mau cứu sống, còn hai anh Sáu và Thiện chắc chắn đã chết vì bị trúng đạn, hai ngư phủ còn lại là Trung và Tuấn (quê ở Rạch Giá và Quảng Ngãi) cũng rất ít có cơ may còn sống vì họ là mới vào nghề, bơi lội không giỏi...”.

Trong mấy ngày qua căn nhà của ngư dân Lê Lộc (số 42 Đinh Tiên Hoàng, phường Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, Kiên Giang) rất đông thân nhân và bạn nghề đến thăm viếng và chia buồn. Ông Lộc phải vào bệnh viện vì không chỉ mất hai con tàu trị giá hơn 2 tỉ đồng mà còn mất đi các ngư phủ từng gắn bó với gia đình ông.

Dù vậy, ngay trong chiều 29 tết vợ chồng ông đã tìm đến nhà anh Sáu ở xã Mỹ Lâm để lập bàn thờ phúng điếu. Nhà nghèo, Sáu vào nghề đi biển chừng năm năm, cuộc sống của cả gia đình gần như trông chờ vào sức lao động của Sáu. Còn cha của Tuấn bị mù hai mắt, mẹ cũng mất sức lao động. 

Căn nhà nhỏ hiu quạnh của gia đình anh Tuấn nằm khuất sâu trong con hẻm thuộc khu phố Nguyễn Trãi, phường Vĩnh Thanh. Chị Hạnh, vợ anh Tuấn, khóc nức nở kể: “Hôm đi chuyến biển cuối năm ảnh bảo: đi chuyến này nữa chắc cũng được vài triệu đồng, mẹ con em đừng mua sắm tết gì cả, đợi anh về. Vậy mà...”. 

Từ Quảng Ngãi và Thái Bình, nghe tin con mình gặp nạn gia đình của hai ngư phủ Thiện và Trung đã nhảy xe đò vào Rạch Giá tìm xác con.

Đời ngư phủ làm quần quật quanh năm trong khi hiểm nguy luôn rình rập, hết bão tố đến nạn cướp biển. Rất nhiều ngư dân đã có hàng chục năm gắn bó với biển Tây đã không giấu được nỗi lo. Vay tiền ngân hàng cả tỉ bạc sắm tàu, đánh bắt xa bờ nhưng những chuyến đi biển xa từ nay tràn ngập âu lo bị cướp bóc, mất tàu, bỏ mạng như chơi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận