TTCT - Thật ra Lọ Lem hay nàng tiên cá Ariel có da màu gì? Dù các bản truyện gốc không có một dòng mô tả rõ ràng về nước da Lọ Lem hay nàng tiên cá Ariel, cách lựa chọn diễn viên và tạo hình hai nhân vật này trong các phiên bản người đóng (live-action) vẫn tranh cãi vì không "tôn trọng nguyên tác".Bản thân câu chuyện Nàng tiên cá hay Lọ Lem đều mang thông điệp phổ quát về hành trình tìm kiếm "thế giới thuộc về mình" của nhân vật chính, nên việc thay đổi màu da của nhân vật không tạo bất kỳ sự khác biệt đáng kể và không đáng nhận sự chỉ trích.Từ Lọ Lem da đen 1997Năm 1997, khi các bé gái hầu như chỉ biết đến những công chúa da trắng, một ê kíp từ Hãng truyền hình ABC (thuộc Disney) đã dũng cảm "phá cách" với Cendrillon - một phim truyền hình về Lọ Lem mà tất cả vai chính, từ công chúa, hoàng tử đến bà tiên đỡ đầu, đều là người da màu.Whitney Houston vào vai bà tiên và còn "đỡ đầu" luôn cho cả bộ phim về âm nhạc và tài chính. Ban đầu Houston được ê kíp tuyển chọn cho vai diễn Cinderella nhờ vào sức ảnh hưởng lớn của cô trong làng giải trí, nhưng chính cô đã nhường cơ hội cho Brandy Norwood (khi ấy mới 18 tuổi).Sự ngây thơ, hồn nhiên của Norwood cùng nét duyên dáng của Houston đã khiến Cinderella 1997 trở nên đặc biệt. Khi họ cùng cất lên ca khúc Impossible ngay phân cảnh nàng Lọ Lem mong muốn dự dạ hội, khoảnh khắc thực sự còn nhiệm mầu hơn cả Bibbidi-Bobbidi-Boo của bản hoạt hình Disney.Bộ phim do đạo diễn Robert Iscove và biên kịch Robert Freedman thực hiện, dựa theo bản truyện Cendrillon của tác giả người Pháp Charles Perrault (1628 - 1703) và bản nhạc kịch 1957 của bộ đôi Rodgers - Hammerstein.Whitney Houston (trái) và Brandy Norwood trong Cinderella (1997). Ảnh: IMDBTrong một bài phỏng vấn năm 2017, Freedman nói nhờ nghe lời khuyên của vợ mình về ảnh hưởng của các nhân vật nữ trên màn ảnh đến sự trưởng thành của bé gái mà ông chọn kể câu chuyện thần tiên không theo mô típ "cô gái trông chờ bạch mã hoàng tử đến rước mình". Nhà sản xuất Neil Meron thì kể rằng ê kíp từng sợ phía Rodgers và Hammerstein sẽ phớt lờ ý tưởng về một câu chuyện nàng Lọ Lem với dàn diễn viên đa dạng sắc tộc (vai hoàng tử do diễn viên người Mỹ gốc Philippines Paolo Montalban đóng). Nhưng nhờ tiếng tăm của Whitney Houston, dự án đã được duyệt.Craig Zadan, một nhà sản xuất khác, tiết lộ một chuyên viên giấu tên của Disney đã đề nghị thay Norwood bằng một ca sĩ da trắng, cho rằng "làm vậy vẫn giữ được tính đa văn hóa của câu chuyện" (vì đã có bà tiên da đen), nhưng ê kíp từ chối vì ý tưởng nàng công chúa da đen đã là chủ đích của đoàn làm phim.Theo Zadan, chính Norwood cũng lo không biết phim có thực tế với nước Mỹ không vì không phải ai cũng cởi mở đón nhận. Nhưng may mắn thay, bộ phim nhận được phản hồi tích cực ngay trong buổi công chiếu với những tràng vỗ tay dài của khán giả. Nhiều bé gái da đen vây quanh Norwood cảm ơn cô đã truyền cảm hứng để các em trở thành công chúa, kể cả khi các em có kiểu tóc bện thừng (dreadlock).Bộ phim bán được 1 triệu băng video trong một tuần, con số trong mơ với bất kỳ hãng phim nào, trở thành phim truyền hình đạt doanh thu cao nhất cuối năm ấy của Hãng Disney. Ở thời mà người ta vẫn tin điện ảnh ưu ái người da trắng vì phim sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn, Cinderella đã "chinh phục những điều bất khả", như lời bà tiên đỡ đầu dạy cô bé Lọ Lem.Trở lại năm 2023, khi Brandy Norwood tuyên bố sẽ cùng Paolo Montalban tái xuất trong series phim Descendants: Rise of Red trên Disney+ hồi tháng 3, nhiều fanpage ở Việt Nam đăng tin đã xuất hiện nhiều bình luận mang tính miệt thị về màu da, tuổi tác và chủng tộc của diễn viên, có lẽ vì không biết đến bản phim 1997.Những tranh cãi này diễn ra cùng lúc với làn sóng chỉ trích nhắm vào cô gái da màu Halle Bailey - nàng Ariel mới của phim live-action The Little Mermaid (đạo diễn là Rob Marshall, cũng là biên đạo của Cinderella 1997).Hoàng tử và Lọ Lem năm 1997 sắp trở lại với vai trò vua và nữ hoàng.Đến Tiên cá da nâu 2023Những người ném đá "tiên cá da đen" khởi động phong trào #NotMyAriel (Không phải Ariel của tôi) trên mạng xã hội, và đưa ra những lý do như câu chuyện cổ tích gốc vốn do tác giả Đan Mạch Hans Christian Andersen viết, nên việc có nàng tiên cá da đen là vô lý, hoặc nàng sống lâu dưới biển sâu và thiếu ánh sáng mặt trời nên không có sắc tố đen trên da.Thật ra trong câu chuyện gốc của Andersen, chỉ có dòng miêu tả ngắn gọn về nàng tiên cá, không nhắc gì đến màu da, như sau: "Da nàng láng mịn và mềm mại như lá hoa hồng, mắt nàng xanh như đại dương sâu thẳm; nhưng như những nàng tiên cá khác, nàng không có chân mà chỉ có chiếc đuôi cá cuối phần thân".Đó là chưa kể bản hoạt hình năm 1998 của Disney cũng có những phá cách riêng: biến tấu một câu chuyện gốc có kết buồn thảm thành có hậu và cho nhân vật có mái tóc đỏ - là thứ bị định kiến bởi xã hội ở thời điểm ấy. Thậm chí, giọng chú cua hoạt ngôn Sebastian cũng là chất giọng Jamaica, ngược với bối cảnh châu Âu.Vậy lý do sâu thẳm mà công chúng dành sự căm ghét với Halle Bailey và bộ phim Nàng tiên cá phiên bản live-action (khởi chiếu tháng 5 này) là gì?Tạo hình nàng tiêng cá Ariel "theo nguyên tác" trong bản hoạt hình và người đóng.Thứ nhất, công chúng cho rằng Disney chỉ đang cố gắng quảng bá thông điệp về đa dạng văn hóa bằng cách blackwash mọi nhân vật từ câu chuyện cũ. Trái với whitewash dùng để chỉ trường hợp thay nhân vật da đen trong câu chuyện gốc thành da trắng (như trường hợp Tilda Swinton đóng The Ancient One trong Doctor Strange của Marvel), blackwash chỉ việc sử dụng diễn viên da màu đóng vai nhân vật da trắng trong câu chuyện gốc với mục đích tạo thêm đất diễn cho cộng đồng người da màu.Thứ hai, khán giả sẵn ấn tượng xấu khi những năm gần đây Disney liên tục cho ra các phim live-action làm lại từ hoạt hình - như Cinderella (2015), Beauty and the Beast (2017), Aladdin (2019), hay Mulan (2020) - mà hầu hết đều không nhận được phản hồi tốt từ người xem và giới phê bình.Thứ ba là phát ngôn có ý xem thường hoạt hình của Halle Bailey tại lễ trao giải Oscar 2022. Khi lên sân khấu công bố phim thắng hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất cùng Lily James (vai Lọ Lem bản live-action) và Naomi Scott (vai Jasmine phim Aladdin), cả ba đã cùng tung hứng, đại ý trẻ em cứ coi mãi một kiểu phim hoạt hình và hẳn cha mẹ cũng phát ngán. Các phát ngôn đánh giá thấp vai trò của phim hoạt hình nhận nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng lẫn báo giới quốc tế.Và một giấc mơ chờ viết tiếpCứ tưởng cộng đồng người da màu cuối cùng cũng có nàng công chúa Disney cho riêng mình khi Princess and The Frog - bộ phim hoạt hình 2D cuối cùng trong lịch sử Disney - thể hiện một Tiana trái ngược với hình mẫu của các nàng công chúa trước đó - da đen, chủ động chinh phục ước mơ, chứ không chỉ ngước lên những vì sao, song vẫn có ý kiến không thích bộ phim này và cho rằng giấc mơ "công chúa da đen thực sự" mới được hiện thực một nửa.Một số kênh YouTube của người da màu, như Princess Weekes, cho rằng xuyên suốt hành trình Tiana không có được cơ hội để trở thành công chúa đúng nghĩa như trong các phim công chúa Disney trước đó - cô phải làm ếch hơn một nửa thời lượng phim. Công chúa thật sự trong phim lại là cô bạn thân người da trắng Charlotte - người được hưởng nhiều lợi thế về xuất thân, màu da. Tiana cũng mắc phải vòng lặp khuôn mẫu về nữ giới dành cho người da đen: phải mạnh mẽ, luôn phải gắng sức để tồn tại và hoàn hảo. Cô không được nhỏ nước mắt khi ước mơ bị chà đạp như nàng Lọ Lem, cũng không được phép khờ dại như Bạch Tuyết và mơ mộng về tình yêu như Công chúa ngủ trong rừng.Do vậy, cộng đồng da màu vẫn tiếp tục kỳ vọng về một câu chuyện cổ tích có sự xuất hiện của một công chúa thực thụ, có quyền dịu dàng, mộng mơ, có thể hơi hậu đậu và cũng dễ tổn thương như những công chúa da trắng khác. Họ đánh giá cao Cinderella (1997) khi Brandy Norwood có được sự ngây thơ và mộng mơ đúng nghĩa, cô có quyền làm đẹp, quyền được yếu đuối và tiếp tục mạnh mẽ. Điều này tương tự trường hợp của nàng Belle da màu do ca sĩ da màu gốc Phillippines từng đoạt giải Grammy H.E.R hóa thân trong phiên bản kỷ niệm lần thứ 30 của vở nhạc kịch Người đẹp và quái vật (2022).Việc có một câu chuyện cổ tích được làm mới một cách tích cực như vậy không chỉ khích lệ các bé gái từ cộng đồng da màu cảm thấy tự hào và thích thú trước hình ảnh của mình trên sân khấu. Là người lớn hay trẻ con, chúng ta vẫn có quyền yêu công chúa theo cách của riêng mình.Và trước khi trông chờ vào một câu chuyện riêng mới mẻ sắp tới về nàng công chúa da đen - như series Tiana do chính một ê kíp da màu dàn dựng, chúng ta có thể học cách cởi mở đón nhận một câu chuyện đã quen được làm mới từ một nàng tiên cá da màu ước mơ tới chân trời mới, thưởng thức chất giọng trời phú và nét cá tính thú vị của cô.■ Cái lý của đạo diễnMarshall tuyển vai qua hình thức color-blind casting - đạo diễn chỉ nhìn thấy màu da thực sự của diễn viên sau khi nghe giọng hát, để tránh thiên kiến về màu da. Theo Entertainment Weekly, Marshall nhìn nhận nhân vật Ariel là "một con người có tư tưởng hiện đại khi thấy cuộc sống của bản thân khác với mọi người, và quyết tâm theo đuổi ước mơ", và đã nhìn thấy ngọn lửa nhiệt huyết, yếu tố mà ông đề cao cho vai này, khi xem Halle Bailey diễn xuất.Với Halle Bailey, cô gái sinh năm 2000 đã học cách mạnh mẽ với dư luận, trưởng thành cùng Ariel qua 4 năm. Trong một video đăng trên kênh của mình, Halle nói với người xem: "Ban đầu khi quay, tôi cảm thấy nhút nhát, nhưng nhân vật đã dạy tôi tin vào giá trị chính mình. Những bình phẩm, ý kiến tiếp diễn chỉ nhắc nhở tôi trở nên kiên định và biết ơn khi có được cơ hội trở thành Ariel để các bé gái có thể nhìn thấy một Ariel da đen". Tags: Màu da công chúa công chúa lọ lemNàng tiên cáPhim truyền hìnhNàng Lọ LemHoạt hình DisneyNàng công chúaNhân vật nữTruyền cảm hứng
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê thêm 335 trang, có người ủng hộ 1 đồng THÀNH CHUNG 14/09/2024 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp tục đăng tải 335 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ ngày 1 đến 12-9, trong đó có tên nhiều nghệ sĩ.
Quân đội đã đưa hơn 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3 NAM TRẦN 14/09/2024 Đến nay các lực lượng của quân đội đã đưa 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3.
Ngày cuối tuần ở báo Tuổi Trẻ, dòng chảy nghĩa tình đồng bào vẫn cuồn cuộn YẾN TRINH 14/09/2024 Ngày 14-9, đã có gần 5.200 lượt bạn đọc là cá nhân và tổ chức ủng hộ hơn 7 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.