"Mê sợ" là một bản năng

PHAN BẢO 30/10/2023 05:59 GMT+7

TTCT - Đi nhà ma để được hú hét tán loạn, xem phim kinh dị để ngủ không dám tắt đèn. Những thú vui tréo ngoe, mê điều đáng sợ này là kết quả của cả một logic khoa học về tiến hóa.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Từ lâu, các học giả đã phải vò đầu bứt tai trước nghịch lý: con người dù rất sợ nhưng vẫn hào hứng trải nghiệm cảm giác lo âu, hồi hộp trong những phút giây kinh dị: nghe podcast chuyện tội phạm (true crime) về kẻ giết người bệnh hoạn, xem phim quái vật rùng rợn, chơi game toàn xác chết với thây ma, đọc những cuốn sách mô tả viễn cảnh tận thế mà con người luôn khiếp hãi.

Khi bắt tay vào nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra dường như mong muốn trải nghiệm nỗi sợ hãi bắt nguồn sâu xa từ quá khứ tiến hóa của con người - giống loài mà từ thuở hồng hoang đã luôn phải đề phòng thú ăn thịt. Thú vị là điều này vẫn mang lại lợi ích cho chúng ta ngày nay. Nói cách khác, "chúng ta vẫn còn cần được sợ", theo tạp chí Scientific American.

Bản năng tự nhiên

Bản thân nhà khoa học lừng danh Charles Darwin cũng lấy làm ngạc nhiên trước hiện tượng "mê sợ". Trong cuốn The Descent of Man (Hậu duệ loài người), ông cho biết đã nghe nói về những con khỉ bị nuôi nhốt, mặc dù sợ rắn nhưng vẫn liên tục mở nắp hộp chứa loài bò sát này để nhìn vào bên trong.

Hứng thú với chuyện này, Darwin tiến hành một thí nghiệm: Ông đặt một túi chứa rắn vào một chiếc lồng khỉ tại Vườn bách thú London. Một con khỉ thận trọng bước tới chiếc túi, từ từ mở nó ra, ngó vào bên trong rồi la hét và bỏ chạy. Thấy vậy, một con khỉ khác cũng dè chừng bước tới chỗ chiếc túi để nhìn trộm rồi hét lên và chạy đi mất. Sau đó, nhiều con khác cũng làm tương tự. Darwin cho rằng chúng làm vậy để "thỏa mãn nỗi kinh hoàng". Niềm đam mê đối với nguy hiểm phổ biến khắp thế giới động vật, từ cá bảy màu đến linh dương.

Theo lẽ thường, đến gần hiểm nguy có vẻ là điều không nên làm. Nhưng chọn lọc tự nhiên truyền cho động vật bản tính tò mò về chính những thứ chúng nên tránh, dựa trên một logic tiến hóa được gọi là "morbid curiosity", tức lòng hiếu kỳ không lành mạnh, hứng thú với những thứ "dị", nguy hiểm và chết chóc.

Theo các nhà khoa học, đây là hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ thôi thúc động vật thu thập thông tin về những điều nguy hiểm nhất trong môi trường sống, vì điều này mang lại cho chúng cơ hội thực hành cách đối phó với những trải nghiệm đáng sợ.

Ảnh: Andrzej Wojcicki/Science Photo Library/Getty Images

Ảnh: Andrzej Wojcicki/Science Photo Library/Getty Images

Theo Scientific American, cứ xem cách nhiều động vật sống gần với loài săn chúng thì rõ. Chẳng hạn, linh dương và báo đụng mặt nhau chan chát trên thảo nguyên. Lẽ ra linh dương luôn phải chạy trốn khi nhìn thấy báo. 

Tuy nhiên, việc chạy trốn rất tốn năng lượng, ảnh hưởng đến lượng calo quý giá dành cho các hoạt động khác cũng không kém phần quan trọng đối với quá trình tồn tại và sinh sản của linh dương. Ngược lại, con báo cũng chỉ săn linh dương khi đang đói và có cơ hội thành công cao. 

Điều này có nghĩa, linh dương sẽ được lợi nếu có thể xác định được khi nào báo đang đói. Thế là chúng đến gần để tập quan sát. Trong quá trình đó, chúng học được cách để ý địa hình, cỏ thấp mới dễ quan sát, rằng đi theo nhóm thì an toàn hơn. 

Linh dương còn non hoặc mới lớn thường tập quan sát báo nhiều nhất, vì chúng chưa có kinh nghiệm tiếp xúc báo nhưng đủ nhanh để trốn thoát nếu có bất trắc.

Từ đó có thể rút ra kết luận: sự an toàn tương đối và thiếu kinh nghiệm là hai trong số những yếu tố điều tiết tác động mạnh mẽ nhất đến việc động vật thực hành trải nghiệm đáng sợ.

Thực hành gián tiếp

May cho con người là họ có thể tìm hiểu tình huống nguy hiểm một cách an toàn, nhờ chuyện kể và phim ảnh. Khắp thế giới không thiếu chuyện dân gian truyền miệng mà vai ác là báo, sói hay hổ. Phim ảnh thì đầy những những nhân vật hư cấu quái dị như người sói hung dữ, những con rồng hùng mạnh, ma cà rồng thông minh và yêu tinh khát máu.

Không giới hạn ở đó, con người còn đam mê tìm hiểu những nguy hiểm ở dạng tình huống đáng sợ trên quy mô lớn như núi lửa phun trào, đại dịch, những cơn bão nguy hiểm và hàng loạt sự kiện tận thế. Tất nhiên, vẫn qua màn ảnh.

Hình thức thu thập thông tin này cho phép ta tìm hiểu và luyện tập cách ứng phó với những loài săn mồi hay những tình huống đe dọa người khác gặp phải, mà không cần tự mình đối mặt. 

Những mối nguy hiểm chỉ qua nghe kể hoặc xem trên phim ảnh mang đến cho con người phản ứng mạnh mẽ về mặt cảm xúc và hành vi, giúp ta làm quen với những phản ứng này khi phải đối mặt thật sự với tình huống khẩn cấp thực tế.

Trò chơi kinh dị cũng có thể giúp con người điều tiết nỗi sợ hãi và lo lắng. Nhà khoa học hành vi Coltan Scrivner (Đại học Aarhus, Đan Mạch) đã tiến hành một thí nghiệm chứng minh nhận định trên thông qua những du khách đến thăm ngôi nhà ma ám Dystopia - một điểm tham quan rùng rợn nằm giữa rừng rậm tại đất nước Bắc Âu này.

Đến với Dystopia, du khách nghe thấy tiếng cưa xích gầm rú và những tiếng hét lạnh sống lưng hệt như thật vang vọng từ phía sau hàng cây rậm rạp dẫn vào ngôi nhà. Khi bước vào bên trong, du khách trở nên mất phương hướng trong một mê cung tối tăm chứa đầy những đồ vật kỳ lạ đã hỏng hóc. 

Mỗi ngã rẽ đưa họ đến một khung cảnh kỳ quái khác nhau, bao quanh là những chú hề độc ác và những quái vật đáng sợ lao tới tấn công. Sau đó, họ nghe thấy tiếng cưa xích và một người đàn ông đeo mặt nạ lao xuyên qua bức tường. Du khách hét lên và bắt đầu chạy.

Ảnh: Science News Explores

Ảnh: Science News Explores

Trong thí nghiệm của Scrivner, sau khoảng 45 phút bị truy đuổi bởi thây ma, quái vật và người cầm cưa máy, các du khách tháo chạy khỏi ngôi nhà ma. Họ sau đó được nhóm nghiên cứu hỏi về trải nghiệm từ chuyến dạo quanh địa điểm rùng rợn này. 

Kết quả, phần lớn cho biết họ đã học thêm được chút gì đó về bản thân và cảm thấy mình trưởng thành hơn trong thời gian bị "ám". Đặc biệt, họ thấy mình đã tìm ra giới hạn xử lý tình huống và cách kiểm soát nỗi sợ hãi của bản thân.

Nhìn xa hơn, trải nghiệm đi nhà ma này cũng giống như nghe kể chuyện kinh dị và xem phim rùng rợn, đơn giản là bước chuẩn bị giúp ta xốc lại tinh thần trước những thách thức của thời đại đang ngày càng biến đổi khôn lường.

Trở lại vấn đề đặt ra ở đầu bài, vì sao chúng ta vẫn còn cần được sợ? Và những đặc tính được hình thành và giữ lại từ tiến hóa này nên được vận dụng thế nào vào cuộc sống mỗi ngày? 

Đầu tiên, hãy mạnh dạn khám phá và thử thách, ngay cả khi chúng khiến ta sợ hãi. Thứ nữa, nếu bạn sẵn tính hiếu kỳ với những thứ "không bình thường", hãy đảm bảo sự tò mò đó thật sự có lợi cho bản thân.

Tóm lại là không ngại khám phá sợ hãi, và tìm cách mang nguồn năng lượng ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày.

Trẻ em cũng học tìm hiểu về nguy hiểm qua chuyện kể. Chẳng hạn truyện Cô bé quàng khăn đỏ dạy cho khán giả nhỏ tuổi một cách vừa an toàn vừa thú vị về hình dáng của loài sói và các bộ phận cơ thể của sói, cũng như cho trẻ biết rừng là nơi nguy hiểm, thường có sói. Câu chuyện thật đáng sợ nhưng được kể trong một không gian an toàn và vẫn đảm bảo mang lại bài học quý giá.

Hay đơn giản hơn, việc người lớn thường chơi trò đuổi bắt với trẻ con cũng là cơ hội để bọn trẻ cố gắng duy trì khả năng kiểm soát vận động trong khi đang căng thẳng để không bị ngã, khiến bản thân dễ lâm nguy trước kẻ đang "săn" mình.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu trò chơi tin rằng chơi trò mạo hiểm có thể giúp trẻ xây dựng khả năng chống chọi và giảm bớt nỗi sợ hãi. Họ cảnh báo việc nhiều sân chơi ngày càng chú ý đến tính an toàn mà loại trừ yếu tố mạo hiểm khiến trẻ mất đi cơ hội tìm hiểu cách xử lý các thử thách đáng sợ, cũng như rèn luyện tính độc lập, và còn làm gia tăng chứng lo âu ở trẻ.

Sợ gần sợ xa

Có thể dễ hình dung, nỗi sợ của con người cũng thay đổi dần theo đà phát triển của nhân loại. Từ sợ những hiện tượng thiên nhiên vì không giải thích được, đến sợ bệnh dịch, chiến tranh.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Đại học Chapman ở bang California đã đều đặn khảo sát hơn 1.500 người Mỹ trưởng thành hằng năm để xem họ sợ gì nhất. Kết quả, không phải ma quái hay những sự việc rùng rợn, kinh dị, mối bận tâm chính của người Mỹ xoay quanh những gì có thể ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của họ, những vấn đề sát sườn mà họ không thể kiểm soát.

Nhìn chung, kết quả mỗi năm tựu trung đều ở các vấn đề: quan chức chính phủ tham nhũng, sụp đổ kinh tế - tài chính, sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ tham gia chiến tranh thế giới mới, người thân đau ốm hoặc mất đi người thân, ô nhiễm nguồn nước, không đủ tiền dành dụm cho tương lai, khủng bố mạng, chiến tranh sinh học.

Thay đổi duy nhất trong kết quả khảo sát mỗi năm là thứ hạng của các vấn đề trên, và những năm đặc biệt như 2020-2021 xuất hiện thêm mối lo về dịch bệnh. Riêng những nỗi sợ kinh dị - chẳng hạn sợ ma, sợ chú hề, sợ máu - gần như đội sổ trong top 100.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận