Metaverse hết duyên, Zuckerberg còn nợ

HOA KIM 23/05/2023 05:09 GMT+7

TTCT - Vậy là giấc mơ đưa 1 tỉ người dùng Internet lên vũ trụ ảo Metaverse của Mark Zuckerberg đã khép lại không kèn không trống. Tệ hơn, điều mà CEO này đánh mất trong gần 3 năm theo đuổi nó không chỉ là rất nhiều tiền.

Metaverse hết duyên, Zuckerberg còn nợ - Ảnh 1.

Metaverse - sản phẩm vũ trụ ảo của Công ty Meta, chủ sở hữu các nền tảng Facebook, Instagram và WhatsApp - coi như đã bị rút ống thở sau thời gian sống lay lắt. Trong một tuyên bố tháng 3-2023, CEO Mark Zuckerberg khẳng định "khoản đầu tư lớn nhất (của Meta) là cải tiến trí tuệ nhân tạo và tích hợp nó vào mọi sản phẩm của chúng tôi", qua đó ngầm thừa nhận Metaverse không còn là trọng tâm đầu tư của công ty này trong thời gian tới.

Từ một dự án được xem là canh bạc tất tay của Mark Zuckerberg - bằng chứng là việc đổi tên công ty từ Facebook thành Meta vào tháng 10-2021 - vũ trụ ảo này giờ chỉ còn là cái xác không hồn và ngày càng tiến gần đến nơi an nghỉ cuối cùng là nghĩa địa của những ý tưởng công nghệ thất bại.

Cái chết được báo trước

Chuyện "bẻ lái" của Meta càng được củng cố khi trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4, giám đốc công nghệ Andrew Bosworth nói với Đài CNBC rằng ông cùng Zuckerberg và giám đốc sản phẩm Chris Cox đang dành phần lớn thời gian cho trí tuệ nhân tạo (AI). 

Công ty thậm chí đã ngừng chào mời Metaverse cho các đối tác quảng cáo dù trước đó đã chi hơn 100 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển với sứ mệnh trở thành một công ty "Metaverse trước hết", theo trang Business Insider. Dù Zuckerberg khẳng định việc phát triển trò chơi cho kính thực tế ảo Quest vẫn tiếp tục, thông điệp mà họ gửi đến công chúng là rõ ràng: Meta đã hết kiên nhẫn với Metaverse.

Nếu tỉnh táo hơn, có lẽ giới quan sát công nghệ đã phải thấy trước thất bại nhãn tiền của Metaverse khi nó trải qua một cuộc khủng hoảng danh tính nghiêm trọng từ trong trứng nước. Không một ai, kể cả người trong cuộc có thể định nghĩa chính xác, đầy đủ và nhất quán rốt cuộc Metaverse là gì và nó sinh ra để làm gì. 

Zuckerberg dùng những mô tả đầy chất thơ để ca ngợi Metaverse như "một tầm nhìn bao trùm nhiều công ty" và "sự kế thừa của Internet di động", nhưng ông thất bại trong việc nói rõ những vấn đề căn bản mà nó sẽ giải quyết - yếu tố then chốt của một ý tưởng kinh doanh tốt.

Ảnh: Facebook/CNET

Ảnh: Facebook/CNET

Metaverse là một thế giới ảo? Không. Một trò chơi thực tế hỗn hợp? Cũng không. Một chân trời mới? Một lối thoát khỏi thế giới thực tại? Hay một lớp áo nhung phủ lên trên thế giới ấy? Không, không, và không. 

"Zuckerberg đã đánh lừa mọi người, đốt hàng chục tỉ USD, thuyết phục cả một ngành công nghệ đang theo dõi ông ta tin vào nỗi ám ảnh viển vông của mình, và sau đó giết chết nó ngay khi một ý tưởng khác bắt đầu được Phố Wall quan tâm hơn" - Ed Zitron, CEO công ty quan hệ công chúng EZPR, viết cho Business Insider.

Tính đến tháng 10-2022, nền tảng VR Horizon Worlds - quân bài chiến lược trong hệ sinh thái vũ trụ ảo của Meta - chỉ có chưa đến 200.000 người dùng đang hoạt động mỗi tháng, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 500.000 người dùng mà Meta đã đặt ra cho thời hạn cuối năm 2022, theo trang Mashable. 

Trong khi người dùng than phiền trải nghiệm Metaverse trong thực tế còn thua những tựa game ra đời hơn chục năm trước đó và khác xa những gì được quảng cáo, ngay cả nhân viên Meta cũng không muốn đụng đến nó vì có quá nhiều lỗi, theo các trao đổi nội bộ được trang The Verge tiếp cận. 

Đi cùng với sự thất bại của canh bạc Metaverse là giá trị cổ phiếu Meta lao dốc về mốc thấp nhất kể từ năm 2016 vào thời điểm cuối tháng 10-2022, sau khi công ty công bố số liệu cho thấy tình hình kinh doanh của các bộ phận cốt lõi có dấu hiệu chậm lại giữa lúc hàng chục tỉ USD bị đốt vào vũ trụ ảo.

Metaverse hết duyên, Zuckerberg còn nợ - Ảnh 3.

Không phải tại AI

Nhiều người cho rằng cơn sốt AI là cây đinh cuối cùng đóng vào nắp chiếc quan tài của Metaverse, nhưng có vẻ như AI chỉ là cái cớ hoàn hảo để Meta đoạn tình với đứa con tinh thần "bỏ thì thương, vương thì tội".

Ý tưởng xây dựng Metaverse của Zuckerberg, niềm hy vọng rằng Meta sẽ là công ty đầu tiên cắm dùi trên mảnh đất ảo màu mỡ chưa ai khai phá, nơi mà chỉ chục năm nữa thôi sẽ trở thành "tấc đất tấc vàng", và sự tin tưởng của cả cộng đồng công nghệ và giới đầu tư có lẽ xuất phát từ một lý do đơn giản: đại dịch COVID-19.

Giữa lúc cánh quản lý lo sốt vó khi nhìn cảnh các văn phòng đi thuê tốn bộn tiền trống hoác vì nhân viên đua nhau làm việc tại nhà sau khi trót nếm mật ngọt của không gian làm việc cách giường ngủ vài bước chân, Metaverse đến và hứa hẹn một giải pháp hoàn hảo: làm việc từ xa mà vẫn "ở cạnh nhau" trong cùng một không gian ảo qua những avatar thế thân.

Với các ông chủ và những người quản lý, nó trả lại cho họ cảm giác mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát bằng cách thấy được nhân viên đang làm gì mọi lúc trong ngày, kể cả khi họ không có mặt ở công ty. 

"Metaverse - ít nhất là phiên bản của Zuckerberg - đưa ra một tầm nhìn về tương lai trong đó mọi thứ đều khác đi nhưng cũng gần y như cũ: một công nghệ đột phá nhưng vẫn duy trì trật tự cơ bản của mọi thứ" - John Herrman viết cho Intelligencer.

Đối với những người không phải cấp quản lý, Metaverse dường như không đem lại cho họ lý do thỏa đáng nào để sử dụng hay thậm chí là quan tâm đến nó, và khi cuộc bàn tán về vũ trụ ảo lắng xuống thì không ai ngoại trừ những người có dính líu trực tiếp đến Metaverse còn nghĩ về nền tảng này.

Đúng là Thung lũng Silicon đã chuyển sự chú ý sang AI, nhưng thứ thật sự khiến Metaverse chết lâm sàng là việc các công ty yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng khi dịch lắng xuống. "Tôi nghĩ chắc chắn một trong những sai lầm tồi tệ nhất của ngành công nghệ trong một thời gian dài là cho rằng mọi người có thể làm việc hoàn toàn từ xa mãi mãi" - tạp chí Forbes dẫn lời Sam Altman - CEO của OpenAI - trong một cuộc phỏng vấn đầu tháng 5.

"Meta nói rằng họ đang đặt cược đường dài rằng cuối cùng mọi người sẽ muốn đeo kính VR hoặc AR để đi làm, dành thời gian với bạn bè và mua sắm tại các cửa hàng được số hóa, và đây sẽ là nền tảng điện toán tuyệt vời tiếp theo sau chiếc điện thoại thông minh. Nhưng tiêu chuẩn công nghệ mà công ty đang hướng đến còn cách chúng ta rất xa" - cây bút công nghệ Naomi Nix trả lời phỏng vấn trang Slate.

Zuckerberg đã đánh lừa mọi người, đốt hàng chục tỉ USD, thuyết phục cả một ngành công nghệ đang theo dõi ông ta tin vào nỗi ám ảnh viển vông của mình, và sau đó giết chết nó ngay khi một ý tưởng khác bắt đầu được Phố Wall quan tâm hơn.
Ed Zitron (Công ty EZPR)

Mark hết thời hay chỉ sa cơ?

Tháng 3-2023, Mark Zuckerberg tổ chức một buổi gặp mặt nội bộ nơi nhân viên Meta có thể đặt câu hỏi về tương lai của công ty. Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí ngột ngạt: trước đó không lâu Zuckerberg đã thông báo về một đợt sa thải mới, và các nhân viên muốn biết làm thế nào họ có thể tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông, theo báo Washington Post. 

Không còn là phiên bản tự tin với thần thái "đi nhanh và phá vỡ mọi thứ" từng là thương hiệu của mình, vị CEO 39 tuổi tỏ ra thận trọng và dè dặt trong những câu trả lời mà trọng tâm là trấn an nhân viên rằng mọi thứ có thể khó khăn trong một thời gian nhưng công ty rồi sẽ vượt qua được. Khoảnh khắc này đánh dấu một "bước chuyển mình đáng kể" trong phong cách lãnh đạo của Zuckerberg, Nix nhận xét trong bài viết.

Sức chịu đựng của nhân viên Meta đối với canh bạc Metaverse đã tới hạn, thể hiện qua những câu hỏi được đặt ra trong cuộc gặp: tại sao công ty không cắt giảm nhân sự nhiều hơn ở bộ phận phụ trách Metaverse, trong khi đó là bộ phận không kiếm ra tiền? 

"Có vẻ như Meta chỉ đang chạy theo trào lưu mới, và nhân viên không phải lúc nào cũng thấy được một sứ mệnh hoặc định hướng rõ ràng từ các cấp lãnh đạo cao nhất" - Nix lý giải.

Nhìn vào báo cáo kinh doanh hằng quý của Meta, ta thấy có rất nhiều chủ đề khác nhau được nhấn mạnh qua mỗi quý. Tháng 10-2021, họ đổi tên công ty và khẳng định đang tập trung vào Metaverse. Ngay trước đó, họ đề cao tầm quan trọng của đối tượng người dùng thanh niên và gọi nhóm này là sao Bắc Đẩu (North Star). 

Trước đó nữa, họ nói rất nhiều về thương mại điện tử. Gần đây nhất, Meta lại lấy AI làm từ khóa chủ đạo. "Tinh thần làm việc của mọi người đã giảm sút mạnh. Meta thực hiện khảo sát nhân viên 2 lần/năm và tôi có trong tay dữ liệu từ cuộc khảo sát gần nhất. Nó cho thấy niềm tin rằng các nhà lãnh đạo đang đưa công ty đi đúng hướng đã giảm hơn 10 điểm phần trăm" - Nix nói với Slate.

Ảnh: Louis Rosenberg/Midjourney

Ảnh: Louis Rosenberg/Midjourney

Cấu trúc cổ phiếu 2 tầng của Meta - nơi Zuckerberg nắm đến 90% cổ phiếu loại đặc biệt với quyền biểu quyết gấp 10 lần cổ phiếu thường - đảm bảo cho ông chiếc ghế CEO không thể bị lung lay trừ khi chính bản thân muốn rời khỏi vị trí này. Nhưng giữ ghế dễ hơn giữ lòng người, và Zuckerberg cũng như Meta sẽ phải đối diện với một vấn đề lớn hơn cả tiền bạc nếu bị chính nhân viên quay lưng.

Thật khó để tạo ra những sản phẩm mà họ tin tưởng nếu nhân viên Meta thậm chí còn không thể tin lãnh đạo của mình. Zuckerberg là người sáng lập hiếm hoi còn sót lại vẫn giữ vai trò lãnh đạo công ty trong nhóm big tech của Thung lũng Silicon, và thương hiệu cá nhân của ông phần nào vẫn còn giá trị bảo chứng với các nhà đầu tư. 

Quan trọng hơn hết, ta vẫn thấy ở Zuckerberg tâm huyết của một nhà công nghệ muốn trở thành người đi đầu đổi mới, dù đường hướng của ông có thể đã sai lầm. "Chúng ta có cảm giác rằng đây là một nhà lãnh đạo chưa muốn từ bỏ ngai vàng. Mark vẫn muốn viết chương tiếp theo của đời mình" - Nix nhận xét. Nhưng đó sẽ là gì?

Năm 2022, Reality Labs - bộ phận nghiên cứu phát triển Metaverse của Meta - tạo ra gần 2,2 tỉ USD doanh thu, lớn nhất trong số các công ty có chân trong cuộc đua xây dựng vũ trụ ảo.

Nhưng doanh thu khổng lồ đó không đủ để cứu đơn vị này thoát khỏi khoản lỗ hoạt động 13,7 tỉ USD trong cùng năm, đồng nghĩa họ đang chi quá nhiều tiền so với những gì thu về được.

Số tiền này cộng với khoản lỗ hoạt động 10,2 tỉ USD của Reality Labs năm 2021 tương đương 23,9 tỉ USD đã không cánh mà bay chỉ trong 2 năm để phục vụ cho giấc mơ phù phiếm của Zuckerberg. Trong khoảng thời gian này, Metaverse chỉ mang lại cho Meta doanh thu vỏn vẹn 4,4 tỉ USD, theo CNBC.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận