TTCT - Một cuộc gặp gỡ đã diễn ra ngày 4-9 vừa rồi tại Bệnh viện Quân y 175 giữa những người làm công tác thể thao và những người làm y tế. Họ có cùng khát vọng… Bác sĩ đội tuyển Đức Müller-Wohlfahrt. Ảnh: CorrectvCó sự tương đồng rõ rệt trong cuộc đời người chiến sĩ quân đội và VĐV thể thao, từ những giọt mồ hôi đổ xuống trên thao trường hay sân tập, đến sự ngoan cường, bền bỉ, lòng quyết tâm đến mức xả thân trên chiến trường hay khi thi đấu. Đấy là con người của những tình huống sống còn.Cả người lính và VĐV đều luôn làm việc trong trạng thái gắng sức tối đa, đòi hỏi những nỗ lực cao độ, và do đó cần phải có sự chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Cái bồn chồn của người lính khi nằm viện ở hậu phương mong trở lại thao trường hay chiến trường cũng giống khao khát đợi chờ của cầu thủ bị chấn thương tính ngày trở về với sân cỏ. Đấy chính là điều khiến các bác sĩ quân y trở nên thân thuộc khi làm việc trong lĩnh vực thể thao.Hiểu rõ điều quan trọng này, những người trong giới y khoa và thể thao đã gặp nhau tuần qua tại Bệnh viện Quân y 175, bàn về tâm huyết chung: y học thể thao. Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc bệnh viện, nói rằng ông có cả̉ tình cảm, lòng đam mê và thấy trách nhiệm của mình với sức khỏe của VĐV thể thao.Những vị khách của ông như nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Phạm Văn Tuấn, PGS.TS Đặng Hà Việt - hiệu trưởng Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, ông Võ Quốc Thắng - giám đốc Trung tâm huấn luyện quốc gia 2, chủ tịch CLB Bóng đá TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng, HLV Lư Đình Tuấn... cũng chia sẻ điều đó.Cả Lư Đình Tuấn và Hữu Thắng cùng nhớ về những chấn thương gặp phải khi thi đấu, những ngày cùng nhau sang Đức điều trị ở Cologne, những điều tưởng đã xa mà thành gần nhờ chủ đề y học thể thao.Mặt tiền Viện chấn thương chỉnh hình và tiết mục piano phục vụ người bệnh. Ảnh: Hoàng LongBài học từ bóng đá ĐứcChăm sóc sức khỏe VĐV là một nội dung lớn, có ý nghĩa quyết định trong hoạt động thể thao, đặc biệt với thể thao đỉnh cao. Đó là công việc lâu dài, xuyên suốt từ giai đoạn năng khiếu đến khi đã rời khỏi đấu trường, trở về cuộc sống bình thường.Đó còn là công việc thường xuyên và toàn diện, từ bữa ăn, giấc ngủ, từ nếp sống, nếp nghĩ đến tác phong sinh hoạt nghiêm túc kỷ luật, từ giai đoạn tích lũy khi luyện tập, duy trì khi thi đấu đến hồi phục lúc nghỉ ngơi... Đó là một lĩnh vực cần phải đầu tư xứng đáng.Tuy nhiên thường thì chúng ta có thể bỏ ra rất nhiều tiền để mua cầu thủ, nhưng khó chi một con số tương xứng để tạo điều kiện chăm sóc đầy đủ và đúng mức cho cái khối tài sản rất đắt đỏ vừa mới mua về ấy.Vì muốn chăm sóc sức khỏe cầu thủ được tốt, phải có bác sĩ giỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau, có trang thiết bị phù hợp, và phải tạo nên cả niềm đam mê, tình cảm sâu nặng và trách nhiệm lớn đối với lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam này.Thắng lợi của bóng đá Đức giai đoạn 2006 - 2014 có đóng góp rất lớn của y học thể thao. Sau này người ta đều thống nhất rằng đó là kết quả của một cuộc cách mạng về quản lý tổ chức và huấn luyện.Đặc biệt, các bác sĩ y học thể thao đã có đóng góp quan trọng trong cuộc cách tân phương pháp huấn luyện hồi đó. Hai bác sĩ đội tuyển là Hans Wilhelm Müller-Wohlfahrt và Oliver Schmidtlein đã cùng nhau viết cuốn sách Hãy luyện tập tốt hơn, trong đó giải thích rõ sự thay đổi quan điểm trong huấn luyện (tập luyện toàn thân lấy trọng tâm là các chuỗi vận động, chứ không chỉ tăng cường sức mạnh ở những nhóm cơ riêng rẽ), nhấn mạnh ý nghĩa toàn diện của huấn luyện (luyện tập không chỉ tạo ra sức mạnh, sự linh động và độ ổn định, mà còn giúp cho cơ thể tăng khả năng dự phòng trước hiện tượng quá tải và chấn thương). Đánh giá chung, bên cạnh ban huấn luyện chuyên môn, hai bác sĩ cũng được xếp vào bộ tham mưu chiến lược tạo ra thành công rực rỡ của bóng đá Đức thời gian qua.Phải dài dòng một chút như vậy để nói hết tầm quan trọng của y học thể thao. Đó là việc chăm sóc VĐV trong đời thường, đi cùng VĐV trong luyện tập và thi đấu, giúp đỡ VĐV trong giai đoạn chấn thương, và cả hỗ trợ VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp đỉnh cao.Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, ông Vũ Công Lập và cựu tuyển thủ Nguyễn Hữu Thắng tham quan công trình xây dựng bệnh viện 1.000 phòng trong Quân y viện 175Vai trò thể thao trong y họcMặt khác, thể thao cũng phục vụ đắc lực cho y học. Trong phục hồi chức năng hiện nay, luyện tập trị liệu y học (MTT - Medical Training Therapy) là phương pháp không thể thay thế và ngày càng phát huy vai trò tích cực. Phương pháp này là mắt xích cuối cùng trong chuỗi các phương pháp giúp bệnh nhân tái hòa nhập vào đời sống xã hội ở mức độ cao.Y học thể thao không phải là ngành chỉ phục vụ cho VĐV, mà còn phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là trong xu hướng hiện nay, càng ngày chúng ta càng ý thức được tầm quan trọng và sự quý giá của sức khỏe, càng tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của chính mình và từ đó tập luyện thể dục thể thao tích cực hơn. Phòng tránh và điều trị chấn thương thể thao đã trở thành nhu cầu lớn của xã hội.Ai cũng biết lười vận động gây ra đủ loại bệnh tật. Vì vậy, luyện tập thể thao là một biện pháp dự phòng, nhưng tập không đúng lại có thể sinh ra chấn thương. Vậy là chúng ta cần có những bác sĩ chuyên ngành để hướng dẫn bài tập cho phù hợp. Hơn lúc nào hết, thể thao gắn bó với y tế để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân.Cuộc gặp gỡ tại Bệnh viện 175 là một biểu hiện của sự gắn kết đó. Tại Viện chấn thương chỉnh hình của bệnh viện, khoa y học thể thao đã được thành lập năm 2020 này. Hệ thống chẩn đoán, những phòng mổ hiện đại và ngành phục hồi chức năng mới được xây dựng lại, phòng thí nghiệm chức năng thần kinh trang bị đồng bộ, cộng với nền tảng sâu rộng của một bệnh viện đa khoa lớn là tiền đề để có thể hi vọng đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người chơi và thi đấu thể thao.“Hàng chục năm nay chúng tôi vẫn theo dõi và tự hào về thể thao Việt Nam, muốn làm một điều gì đó cho đúng với trách nhiệm và tình cảm của mình. Bây giờ thời cơ đã tới. Phát triển y học thể thao cũng rất quan trọng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe chiến sĩ, nhất là với một số quân binh chủng đặc thù. Buổi gặp hôm nay chỉ là một sự khai phá, là “miếng trầu” để mở đầu cho cả một câu chuyện dài mà chúng ta sẽ cùng viết tiếp trong tương lai” - thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nói. ■Trung tâm y học Việt ĐứcLeipzig từng là một trung tâm lớn của thể thao CHDC Đức. Cho đến giờ, Leipzig vẫn nổi tiếng là nơi phát triển nhiều công nghệ thể thao mới, trong đó nhiều kết quả nghiên cứu thể thao đã được chuyển sang ứng dụng trong y học.Đội bóng RB Leipzig đang là một hiện tượng của bóng đá thế giới với phòng thí nghiệm y học thể thao giúp họ trở thành CLB có tỉ lệ chấn thương thấp nhất ở Giải vô địch quốc gia Đức Bundesliga. Thành phố Leipzig và Bệnh viện 175 đã cùng tổ chức Trung tâm y học Việt Đức để xây dựng ngành y học thể thao ở Việt Nam theo phương thức chuyển giao công nghệ, cụ thể qua việc hiện đại hóa ngành phục hồi chức năng. Tags: Chăm sóc sức khỏeVận động viênMua nhà trả gópY học thể thao
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.