"Mình cố làm gì cho trái đất tốt lên chút xíu"

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 11/07/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Độc giả Việt Nam từng biết tới Võ Trung Dung - nhà báo tự do của Pháp - qua những phóng sự về chiến tranh và các vấn đề xã hội nóng bỏng của anh. Phục hồi sau khi nhiễm virus corona hồi tháng 4-2020, anh tiếp tục đi làm phóng sự truyền hình về chiến tranh. Tháng 7 này, từ Paris, vẫn chưa khỏe hẳn sau mũi vaccine thứ hai, anh trò chuyện qua mạng với một “người Sài Gòn” giữa những ngày đợt dịch thứ tư đang quét qua thành phố này.


  
 Nhà báo Võ Trung Dung (Ảnh: NVCC)

 “TÔI VƯỢT QUA BẰNG LIỀU THUỐC SỨC MẠNH TINH THẦN”


Anh nói rằng chuyện anh là bệnh nhân COVID-19 đã lâu, nay thế giới cũng đã có nhiều hiểu biết mới về đại dịch COVID-19, và anh cũng nói với tôi rằng “chuyện của tôi không biết có còn đặc sắc lợi ích cho độc giả nữa không”. Nhưng nay người Sài Gòn đang cần câu chuyện của anh - một người đã vượt qua. 

- Tôi không biết mình bị lây từ đâu. Thời gian bắt đầu dịch ở châu Âu, cả chính phủ lẫn ngành y tế còn chưa tin vào khẩu trang. Dịch âm thầm lan cả hai tháng, không ai đeo khẩu trang cả. Vẫn bình thường, chỉ hơi giãn cách đôi chút trong ý thức. Thí dụ một tiệm ăn xưa đón 100 khách nay còn 75. Quyền cá nhân cao, không ai điều tra F0, F1, F2, hay cái gì nên tránh. Tôi có thể bị lây từ bất cứ đâu, không biết được. Đó là cuối tháng 4-2020.

Rồi anh thấy mình bị ốm như thế nào?

- Như cúm, nhưng nặng hơn rất nhiều. Không tới bác sĩ, không đi bệnh viện, không có thuốc, ở phòng riêng nhà mình, hạn chế tối đa các tiếp xúc. Tôi gọi điện thoại cho y tế để báo tên, nơi ở... của mình, rồi họ tới lấy mẫu xét nghiệm. Khi đó những ca tử vong không nhiều, nhờ vào chủ trương chăm sóc những thành phần yếu thế dễ bệnh.

Điểm này khiến tôi liên hệ tới cách Việt Nam đang làm hiện nay, thấy Việt Nam tập trung cách ly vào các trung tâm - điều mà thật ra về khoa học dịch tễ là chưa cần thiết. Nhưng cũng có thể do điều kiện sống của Việt Nam, một gian nhà mấy chục mét vuông mà chung sống nhiều thế hệ thì tập trung đi cách ly là tốt. Nhưng nếu ở gia đình mà gìn giữ, có khẩu trang y tế chuẩn, nhà cửa thoáng, khả năng có thể tránh lây bệnh.

Tôi từng ra vào bệnh viện mấy tháng làm phim về điều trị cho các bệnh nhân COVID, thấy các bác sĩ y tá vào cấp cứu cho bệnh nhân mới trang bị kỹ bảo hộ, còn bình thường họ không mặc đồ kín mít. Chỉ đeo găng tay và khẩu trang cao cấp.

Anh có kể là lúc đó, anh chỉ có một mình?

- Đúng, các con tôi ở với mẹ tại nơi khác. Tình trạng chỉ một mình đó có cái lợi là không lây cho ai cả, tình cờ cách ly được. Sau một tuần tình trạng bệnh nặng lên, tôi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Chuyện sống chết ở đó. 

Thế giới chưa có thuốc đặc trị COVID, vậy anh được chạy chữa thế nào?

- Chủ yếu là bằng máy thở. Oxy áp suất cao giúp mình thở lúc đó dù ít nhưng vẫn đủ. Song quan trọng là cơ thể suy nhược, các vi khuẩn khác làm suy sụp các bộ phận của cơ thể nhanh chóng nên các bác sĩ tập trung dùng thuốc để gia tăng kháng thể. Thuốc là để hỗ trợ tránh các bệnh khác, kháng sinh tránh viêm phổi, suy thận. Vì khoa học nghiên cứu thấy những người bị nặng nhất vì bị các bệnh về não, phổi và thận. Tôi không bị hậu quả nặng nề và phục hồi gần như 100%.

Anh có nói vượt qua nhờ sức mạnh tinh thần. Đúng là hơi... biểu tượng, vì tinh thần lúc nào lại chả cần. Nếu nhìn nó như một vị thuốc, thì cụ thể phải như thế nào?

- Tôi luôn sẵn sàng. Lúc bình thường, tôi đi vào những vùng chiến tranh làm phóng sự cũng luôn có một tinh thần: Mình rất có thể không trở về. Nó thành nếp nghĩ bình thường. Có thể đi viết bài chiến sự, có thể chỉ là do tai nạn giao thông chẳng hạn. Luôn có sẵn dặn dò để lại nhà, việc gì phải làm, di chúc có công chứng, tiền bạc ra sao, rất thực tế. Tự thấy đời mình đã làm những điều mình cần, thú vị, thành công, vui. Tôi hứa với gia đình sẽ trở về. Cuộc sống còn nhiều chuyện cần khám phá, học hỏi, còn nhiều nơi chưa tới.

Nhưng anh từng viết “có cảm giác như nằm trên... tàu Titanic”. Đó là lúc nào?

- Đó là hai ngày trong bệnh viện, lúc tôi trở nặng nhất, chuyện sống - chết quá rõ. Những người cùng phòng chết lần lượt. Chết theo cùng một cách, tại một nơi không ai được thấy, không còn cơ hội nắm tay người thân lần cuối.

Anh làm báo 30 năm, phần lớn theo đuổi những chủ đề nguy hiểm đến tính mạng. Anh đã đi những nơi, gặp những chuyện đáng sợ nhất nào?

- Nhất thì không biết chỗ nào nhất. Sự nguy hiểm đôi khi không nằm ở quy mô chiến trường, có khi đụng độ nhỏ lại nguy hiểm tính mạng như bị thương, bị bắt cóc. Ở Iraq, Kuwait, Afghanistan... giai đoạn chiến tranh chính quy khủng khiếp lại ít nguy hiểm hơn nội chiến, khủng bố. Ở Afghanistan tôi xém mất mạng khi bị phiến quân bắt cóc. Những vụ như vậy, thường là ít khi sống sót, cái chết lúc đó là gần nhất. Tôi xin đi cùng nhóm của họ - những năm 1990, họ là lực lượng hùng hậu vì buôn cocain mua được vũ khí. Đến một căn cứ, họ bị dồn đánh bao vây, không cho tôi quay về nữa vì sợ lộ. Tôi đã từng nằm trong hang đất, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.

Một lần khác, tôi đi làm phóng sự nội chiến Bosnia - bị Serbia bao vây một năm, tôi kẹt ở thủ đô. Một bữa, khi làm phóng sự về đám tang của 30 quân bị bắn tỉa chết thì bị pháo bắn vào, tôi văng xuống một ngôi mộ đào sẵn, có quan tài rỗng. Tôi bị thương nhưng sống sót, đợt pháo đó giết chết số người còn lại. Giờ tôi còn ngồi đây kể chuyện với chị là một sự may mắn.

 
 Nhà báo Võ Trung Dung trong dịp về Việt Nam làm bộ phim tài liệu "La route des Kinh (Ảnh: NVCC)

 

Có phải vì là một nhà báo tự do nên phải kiếm đề tài nguy hiểm?

- Câu này tôi bị hỏi thường xuyên, con cái tôi cũng hỏi “Làm báo có bao lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, sao cứ nhất thiết chọn nguy hiểm?”. Lý do của tôi vừa là lý tưởng lại vừa rất cá nhân. Thật ra sự nguy hiểm nằm ở tất cả các lĩnh vực, không chỉ trong chiến tranh. Làm về dịch Ebola châu Phi thì COVID-19... chưa nhằm nhò. Họ tróc rụng da, chết trong khủng khiếp đau đớn. Rồi về nạn đói, về khu ổ chuột ở Manila (Philippines), những nơi bạo động, biểu tình đụng độ cảnh sát dễ bị bắn chết...

Tôi lớn lên trong chiến tranh ở Việt Nam và đã nhìn thấy bao chuyện về con người khắp nơi trên thế giới đau thương. Tôi luôn muốn kể những câu chuyện về con người. Điều đó thúc đẩy tôi đến những nơi có xung đột như tranh chấp nguồn nước, tài nguyên. Viết về điều đó để thế giới biết và tìm ra giải pháp cho con người sống tốt hơn. Nghe rất mơ mộng nhưng tôi nghĩ mình có thể đóng góp làm cho Trái đất tốt lên chút xíu.

Tôi làm không phải vì tiền, vì ngay cả làm báo ở Paris thì thu nhập cũng thế. Tôi làm vì một sự đam mê lý tưởng, và chọn nghề báo để được làm chứng, kể những câu chuyện con người.

Trong đại dịch, là nhà báo tự do “không ai nuôi”, anh sống bằng gì?

- Tôi chuyên viết mảng châu Á - Thái Bình Dương nên đại dịch không đi đâu được, cũng không có công việc làm luôn. Nếu lúc này tôi kẹt ở Việt Nam thì sẽ làm được rất nhiều việc. Tôi đang kẹt không đúng chỗ. Và trong đại dịch, những lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nhất, cả luật sư, bác sĩ tư, thợ, lao động... Những ngày gay go, tôi sống nhờ sổ tiết kiệm. Điều đó không hay ho gì, và vì không phải đại gia nên sổ tiết kiệm cũng... tan đi nhanh. Sống đơn giản nhất, tối giản cốt lõi. Kẹt thì bạn bè, gia đình giúp chút.


ĐANG LÀM VIỆC CHO BÌNH THƯỜNG MỚI

Tôi vẫn thắc mắc: vì anh lăn lộn với nghề nghiệp đặc biệt thế mới có “phương thuốc sức mạnh tinh thần” vượt qua thử thách. Người thường làm sao có được?

- Con người thích những cảm giác, kẻ hút chích, người thì leo núi hay phóng xe. Tôi cũng thích những cảm giác mạnh, thích gặp những chuyện đời con người có khóc, có cười, có tình huống hiểm nghèo. Càng đam mê, càng thấy tình yêu, tình bạn, tình người nhân lên ngàn lần. Con người với những cảm xúc cũng trở nên mạnh mẽ ngàn lần. Đấy là sức mạnh tinh thần ai cũng có thể có được.

Bây giờ anh khỏi bệnh, đã được chích đủ vaccine và lại bắt tay vào công việc. Nhưng tôi không thấy anh viết nhiều về đại dịch mà làm phim về chiến tranh?

- Tôi vừa đi làm phim về châu Phi. Nước Pháp giúp chống phiến quân đa chủng tộc, cả đồng minh Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Phi, Mỹ giúp nhưng không thành công, càng ngày xung đột càng tinh vi, chồng chéo, có thể nói nhiều xung đột toàn cầu diễn ra ở đó. Tác nghiệp phải đến đó. Dù làm một phim ngắn 5 phút cũng phải làm 15 ngày. Có khi viết cả ngàn chữ để tìm một câu trả lời.

Báo chí tác nghiệp trong hoàn cảnh đại dịch, điều kiện đi rất khắc nghiệt. Các kỹ thuật dựa vào công nghệ không giúp bớt việc đi nhiều vậy sao?

- Công việc của tôi - nghề đưa tin tức, làm phóng sự, câu trả lời về thực địa nơi diễn ra các sự kiện không chỉ là ảnh chụp, không đơn thuần là mình đi tới đó, mà phải thấy dân, thấy phiến quân, thấy quân đội làm việc thế nào. Cần phải đi, tác nghiệp để có câu trả lời chính xác nhất, thông minh nhất, gần sự thật nhất. Cần có tài liệu, nghiên cứu điều tra, dữ liệu, phỏng vấn hàng chục người và các tổ chức cứu hộ... Địa chính trị rất phức tạp, và cả vấn nạn tin giả. Để tìm hiểu tất cả các bên từ lực lượng Hồi giáo, quân Pháp... mình phải biết kỹ năng điều tra, xử lý các siêu dữ liệu, những thông tin sâu. Chính vì tính chất riêng của từng cá nhân nhà báo khác nhau mà các hãng người ta chọn thuê ai làm.

Vậy đại dịch ảnh hưởng thế nào đến chất lượng thông tin báo chí?

- Trong đại dịch mọi thứ khó khăn và đắt đỏ lên, chi phí rất cao. Vé máy bay tăng ba lần. Nếu đến Việt Nam chẳng hạn thì phải cách ly 21 ngày. Thời gian là tiền, doanh nghiệp tin tức họ không trả được, báo chí từ phát thanh, truyền hình, báo điện tử đều đi xuống hết. Trong dịch bệnh không ai thuê quảng cáo đồng hồ hạng sang. Kinh tế báo chí đều đi xuống.

Thiệt thòi nhất sẽ là người đọc. Không có những thông tin quan trọng được kiểm chứng tại hiện trường và phần giá trị gia tăng của tin tức do người phóng viên mang lại. Với nhà báo tự do sống bằng nhuận bút thì không làm sẽ không có thu nhập. Ngoài vấn đề tài chính còn là chuyện chất lượng cuộc sống xã hội. Con người ít giao tiếp, hoạt động, bạn bè, nguồn tin, hội thảo, thiếu các mối quan hệ... Tất cả những điều đó làm cho nghề nghiệp bị giảm hẳn chất lượng.

Anh có kế hoạch để trở lại Việt Nam?

- Hiện nay dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh, Việt Nam chưa mở. Tôi hy vọng cuối tháng 9 sẽ có thể trở lại.

Anh thích viết gì ở Việt Nam và khó khăn gì khi hành nghề ở đây?

- Khi chọn chủ đề viết, với tôi có hai việc: chủ đề do báo chí đặt hàng và mình thích gì sẽ đề nghị. Từ năm 2017 tôi đã thành lập tạp chí điện tử của mình (*) với các chuyên đề về ngoại giao và chính trị. Các báo nước ngoài quan tâm ở Việt Nam rất đa dạng, từ chính trị, xã hội, du lịch, văn hóa đến môi trường, phát triển kinh tế bền vững, sự công bằng trong phát triển... Chủ đề nào tôi cũng làm, trừ thể thao và lĩnh vực giải trí.

Còn khó khăn ư? Là tìm được người trả lời phỏng vấn thẳng thắn. Đặc biệt liên quan đến chính giới và trong khu vực nhà nước. Tôi rất cần cái nhìn của những người làm chính sách, nhưng nhiều khi họ không chịu trả lời ngay cả các vấn đề đơn giản. Là nhà báo chuyên nghiệp nên tôi luôn hiểu được phía sau sự từ chối đó là gì, song tôi luôn giữ nguyên tắc nhẫn nại và thật chân thành, hướng thiện.

Được biết vào thời điểm xảy ra vụ “39 người Việt nhập cư chết trong container”, anh đã vào sâu một khu rừng ở ngoại ô Paris, tìm gặp và phỏng vấn được những người Việt nhập cư trái phép trốn ở đó. Bây giờ trong đại dịch, tình cảnh của họ thế nào, anh có còn theo dõi?

- Vâng, tôi vẫn theo dõi. Dù dịch bệnh, vẫn có những người Việt mới tới. Họ đi từ các nước khác đến. Đời sống của họ tất nhiên ngày càng khó khăn, ngày càng trốn kỹ vào rừng sâu vì cảnh sát ngày càng kiểm soát tinh vi, dùng cả máy bay không người lái. Ngay các tổ chức từ thiện muốn cứu giúp cũng khó mà tìm được họ. Cuộc sống chắc chắn khó khăn hơn nhiều.

Xin cảm ơn anh.

(*) Nhà báo Võ Trung Dung là chủ biên tạp chí Asie-Pacifique News (Tin tức châu Á - Thái Bình Dương)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận