Mở một cánh cửa cho người nghèo

DANH ĐỨC 24/12/2013 03:12 GMT+7

TTCT - Việc tuần báo TIME bình chọn Giáo hoàng Francis (Phanxicô theo cách gọi của giáo dân Việt Nam) là “nhân vật của năm” không gây bất ngờ lắm với người Công giáo.

Ông đã là “nhân vật trong năm” từ chín tháng qua, nhất là sau tông huấn “Niềm vui của tin mừng” (*) công bố hôm 26-11.

Phóng to
Giáo hoàng Francis chào đón trẻ em tại một buổi yết kiến ở Vatican ngày 14-12-2013 - Ảnh: Reuters

Từ chín tháng nay, các giáo dân đã nhìn thấy nơi vị tân giáo hoàng này một hình ảnh mới. Vị hồng y Bergoglio đến từ Argentina vừa khoác lên cái áo chùng trắng phẩm phục giáo hoàng đã phát biểu ngay: “Tôi muốn một giáo hội nghèo khó, vì người nghèo”.

Trong mật nghị bầu giáo hoàng, khi 2/3 số phiếu đã được kiểm, một hồng y người Brazil đã nắm cánh tay Bergoglio mà nói: “Đừng quên người nghèo nhé” (AFP, 16-3-2013). Và tân giáo hoàng không quên ông là như thế nào và vì ai.

Thanh bạch từ thói quen

Thay vì dọn vào ngụ trong căn hộ giáo hoàng, ông vẫn lưu lại trong cư xá Thánh Martha vốn dành cho các tu sĩ thường trú tại Vatican, và vẫn cứ xuống ăn ở nhà ăn tập thể trong cư xá đó (La Presse, 26-3-2013). Đây là thói quen sống khiêm tốn từ khi còn ở quê nhà.

Khi kế vị hồng y Antonio Quarracino qua đời, giám mục Bergoglio đã không chịu dọn vào tư dinh trong tòa tổng giám mục, mà lấy một căn hộ thường gần Nhà thờ lớn ở thủ đô Buenos Aires (La Croix, 8-3-2013).

“Với lòng kính trọng sự kiên trì dấn thân của ông Nelson Mandela trong việc thăng tiến nhân phẩm của tất cả công dân đất nước và trong việc tạo dựng một nước Nam Phi mới, xây trên nền tảng vững chắc của bất bạo động, hòa giải và chân lý, tôi cầu xin cho tấm gương của vị tổng thống quá cố sẽ giúp các thế hệ người dân Nam Phi biết đặt công lý và công ích lên trên các tham vọng chính trị”.

(Trích điện văn của Giáo hoàng Francis nhân tang lễ cựu tổng thống Nam Phi)

Tân giáo hoàng gây sốc nặng khi vào giờ chót cáo bận việc khẩn cấp để không đến dự buổi hòa nhạc mừng 100 ngày nhậm chức của ông. Giáo hoàng không đến, 6.000 khách mời đã an tọa, dàn nhạc Đài truyền hình RAI (Ý) cứ trình tấu khúc giao hưởng số 9 của Beethoven!

Nhật báo La Vie (25-6-2013) của Công giáo Pháp bình luận rằng tân giáo hoàng nhấn mạnh ông chống lại thói sống kiểu “thế gian” ở Vatican, và rằng giáo hoàng không chỉ nói mà làm, kể cả với một hình thức “bạo lực” có tính toán như thế nhằm gây áp lực lên một dúm người ở Vatican đang có lợi ích trong cái hệ thống kia.

Rõ ràng có một cái gì đó trục trặc ở Vatican mà tân giáo hoàng muốn “đứng xa” để sau này có thể chỉnh đốn. Chỉ ba ngày sau vụ hòa nhạc bị cáo bận, đức ông Scarano, nguyên lãnh đạo Cơ quan quản lý tài sản của tòa thánh Vatican (APSA), bị cảnh sát Ý bắt vì mang lậu 20 triệu euro tiền mặt trên một chiếc máy bay tư nhân từ Thụy Sĩ vào Ý!

Giáo hoàng nói: “Thánh Phêrô ngày xưa làm gì có tài khoản ngân hàng!” (Phêrô là môn đệ của Jesus và là giáo hoàng đầu tiên). Báo tài chính Bloomberg (2-7-2013) cho biết sau vụ này, Vatican cách chức cả giám đốc và phó giám đốc Ngân hàng Vatican, và rằng Vatican đang nhờ một nhóm chuyên gia giám sát nhà tài chính Mỹ “lọc” các mối quan hệ đặc biệt của ngân hàng này.

Những nguy cơ nếu không thay đổi

Những trục trặc “thế gian” ấy khó có thể một sớm một chiều cải tổ được. Trong nội bộ Giáo hội đã có biểu hiện mất kiên nhẫn khi kêu gọi “Đức Thánh cha đang được mong đợi chu toàn vai trò lãnh đạo”, thậm chí gào thét “Đã đến lúc dọn dẹp Vatican” (Ucanews, 6-8-2013).

Hãng thông tấn Công giáo này mượn chuyện điểm lại thời sự Công giáo thế giới để cảnh cáo: “Ở một vài nơi trong Giáo hội, đặc biệt nơi những người ít cảm thông với việc giáo hoàng tập trung vào người nghèo, tình thương hơn là giáo lý và tính chính thống, họ đang trở nên thiếu kiên nhẫn. Đức hồng y Timothy Dolan của giáo phận New York phát biểu: Chúng tôi muốn một người có kỹ năng quản lý và lãnh đạo tốt, và cho đến nay vẫn chưa thấy rõ ràng. Có một chút ngạc nhiên là ngài vẫn chưa đụng đến vấn đề đó”.

Quốc gia Vatican, tuy diện tích chỉ 44ha và dân số khoảng 800 người, có bộ máy công quyền rất lâu đời nên khó “nhúc nhích”. Trung tuần tháng 11, Vatican lại tổ chức một buổi hòa nhạc nữa, nhưng giáo hoàng trả lời không đến dự, thế là phải hủy (L’Express, 15-11-2003).

Một bên “không nhúc nhích”, bên kia thì thúc hối. Trong tông huấn, ngay câu 2 giáo hoàng đã nhắc nhở cả hai phía: “Nguy cơ lớn nhất... là khi đời sống nội tâm bị đóng kín với những tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa, những người nghèo không thể vào được nữa, người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa..., tim họ không còn đập những nhịp nhiệt thành để làm việc thiện nữa. Ngay cả các tín hữu cũng gặp nguy cơ này... Nhiều người không chống đỡ nổi và biến thành những người bất mãn, bất bình...”.

Giáo hoàng quá hiểu “thế gian” đã làm mất một số chức sắc lớn nhỏ trong Giáo hội như thế nào nên đã “lên lớp” trong tông huấn: “Tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều mà tôi đã nhiều lần nói với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm giập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ra ngoài dọc đường gió bụi, hơn là một Giáo hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào những yên ổn riêng của mình... Tôi không muốn một Giáo hội chỉ bận tâm với việc mình là trung tâm để rồi cuối cùng bị vướng vào sự chằng chịt của những cố chấp và thủ tục” (sđd. 49).

Tái cấu trúc cả Giáo hội của tương lai, giáo hoàng đề bạt nhân sự cho chức vụ giám mục như sau: “Hãy chú ý xem các ứng viên có gần gũi với tha nhân không, có bình dị, khiêm tốn, kiên nhẫn và bác ái, nhạy cảm với sự khó nghèo bên trong và bên ngoài hay không. Họ đừng có đầu óc trưởng giả, đừng bị thôi thúc bởi tham vọng đơn giản là được trở thành giám mục” (La Vie, 25-6-2013).

Giữa thế gian khó nghèo

Đến từ đất nước có GDP/đầu người năm 2012 tính theo sức mua là 18.400 USD (song năm 2011 có đến 30% dân số dưới ngưỡng khó nghèo) và hiện đang sống trong lòng một đất nước khổ sở vì nợ ở châu Âu là Ý, giáo hoàng cảnh báo: “Nợ nần và tiền lãi phải trả khiến các nước ngày càng xa rời những khả năng khôi phục kinh tế, khiến các công dân ngày càng cách xa sức mua thật. Thêm vào đó là nạn tham nhũng chằng chịt và nạn trốn thuế ích kỷ mà nay đã đạt chiều kích thế giới” (sđd.56).

Sau cuộc hội kiến với giáo hoàng hôm 28-10-2013, chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim phát biểu: “Ngài nhấn mạnh với tôi rằng tăng trưởng phải là vì người nghèo chứ không phải để kiếm tiền. Chúng tôi đã dự liệu những trục cộng tác xung quanh nhu cầu ưu tiên cho người nghèo. Chúng ta phải tấn công vào gốc rễ của nạn nghèo đói bằng cách mở rộng cánh cửa nhà trường, bệnh viện cho người nghèo, cùng các công ăn việc làm tốt hơn cho phụ nữ, người trẻ và tất cả những ai vốn thường không có cơ hội chen chân” (nguồn: Radio Notre Dame).

Thông điệp “vì người nghèo” của giáo hoàng được báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp hôm 29-11-2013 cùng chia sẻ: “Trong một chương dài dành cho cuộc khủng hoảng kinh tế, giáo hoàng tái khẳng định: Cũng giống như điều răn “chớ giết người” đã đặt ra một lằn ranh rõ rệt, ngày nay chúng ta phải “nói không” với một nền kinh tế hất người ta ra khỏi xã hội và tạo ra sự chênh lệch xã hội. Một nền kinh tế như vậy là giết người...

Nay không chỉ đơn giản là hiện tượng bóc lột và áp bức, mà là một cái gì đó mới mẻ: những người bị loại ra khỏi xã hội không chỉ bị bóc lột, mà là những vật thải, những gì còn sót lại. Liệu có thể bày tỏ chính kiến rõ ràng hơn thế không? Làm sao không nhất trí với ông được chứ? Nhất là khi sự lên án đó được kèm theo bởi một nhận xét mang tính triết học cao cấp.

Đối với giáo hoàng, cuộc khủng hoảng tài chính và đạo đức đang trải qua không thể khiến chúng ta quên rằng nguồn gốc của nó là ở trong một định hướng phát triển chỉ nhằm thu gọn con người thành một thứ nhu cầu độc nhất của mình là sự tiêu thụ”.

Việc báo TIME chọn giáo hoàng là “nhân vật của năm 2013” sẽ không là điều lạ nếu chúng ta biết rằng báo chí Mỹ quan sát giáo hoàng và nhìn lại nội tình đất nước. Như Ron Fournier, chủ bút tờ National Journal, hôm 14-11 nói: “Đảng Cộng hòa có thể học hỏi gì từ Giáo hoàng Francis để đừng bị người Mỹ xem là ốc đảo, không rộng lượng và thiếu đồng cảm với người nghèo, chỉ giao du với người giàu?”.

(*): Tập bài giảng của đức giáo tông dành cho các giám mục, linh mục, phó tế... tựa đề “Evangelii Gaudium”, http://www.vatican.va/evangelii-gaudium/fr/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận