TTCT - Quốc lộ số 6 từ Hà Nội lên Sơn La với tôi chẳng xa lạ gì bởi nó gắn với nhiều kỷ niệm bi tráng của gia đình Quốc lộ số 6 từ Hà Nội lên Sơn La với tôi chẳng xa lạ gì bởi nó gắn với nhiều kỷ niệm bi tráng của gia đình. Uốn lượn theo hướng tây bắc - đông nam của địa hình, con đường như một sợi lanh mềm mại, xâu những châu hạt trù phú vùng thượng du Sơn La thành chuỗi ngọc dài long lanh sáng. Những Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu… tiếp xuống đến Mai Châu thuộc tỉnh Hòa Bình.Ảnh: Trung SỹChiếc xe Ford Transit 16 chỗ lăn êm trên con đường xưa đế quốc thực dân Pháp phát vãng ông ngoại tôi lên Sơn La, lúc đó còn có tên là tỉnh Văn Bú. Ông tôi là em ruột ông Chánh, chủ hãng thuốc lào Giang Ký nổi tiếng toàn cõi Đông Dương. Lòng yêu nước chẳng kể giàu nghèo, ông xuất dương sang Quảng Châu, dự các khóa huấn luyện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Năm 1929, ông bị mật thám bắt, tòa đại hình thực dân khép án khổ sai chung thân. Chiếc xe nhà chở người anh trai lẽo đẽo chạy theo đoàn công - voa chở tù, tiễn người cách mạng sa cơ đã đi qua trên con đường này.Ngày ấy từ Hà Nội lên Sơn La phải nghỉ lại Hòa Bình, Mộc Châu mất mấy ngày đường. Ngày ấy rừng thiêng nước độc, hổ vẫn ngồi rình người đi lẻ ở dốc Cun vào những buổi chiều tà.Năm nay hẳn có duyên với Mộc Châu nên đây là lần thứ hai tôi lên với miền thảo nguyên Tây Bắc. Lần đầu lên giữa mùa dâu chín tươi đỏ tháng ba. Lên lần này trái mận hậu tím lịm vườn Nà Ka đã rụng vào cuối vụ. Bạn gọi thì cứ lên với Mộc Châu thôi, lòng không băn khoăn hay vướng bận rằng sẽ đi điểm xã nào, sẽ kể chuyện gì. Ở nơi xứ sở của sương mù, phố núi quanh co mà chẳng buồn, ở một nơi có những ngày thu lạnh đến sớm, len lỏi chen giữa ngày hè thì chuyện gì chẳng hay, chẳng đáng để ghi lại.Những văn hóa dân tộc đặc trưng, những địa mạo cùng cảnh sắc nổi bật của Mộc Châu luôn gợi tràn cảm hứng. Xứ khỉ ho cò gáy xưa nay trở thành vùng đất lành, đủ gần để du khách không ngại đến, đủ xa để giữ người dùng dằng ở lại đừng về. Các nhà văn trong đoàn đã chọn xong đề tài. Người tìm về nguồn Mộc Châu sử thi Tây tiến, người chọn Mộc Châu thắm mùa hoa cải, ngọt trái mận đào… Anh lính trận là tôi nhớ những ca gác đêm mỏi mòn thời chinh chiến thì lại muốn đi tìm hiểu về một loài cây mất ngủ có những mắt lá xanh thức suốt canh trường. Loài cây chát trước ngọt sau lắm duyên nợ với những người lính gác đêm ấy chính là cây chè.Kim chỉ có đầu, cần câu có ngọn, lược sử một nông trường có diện tích trồng chè lớn bậc nhất đất nước có thể tạm ghi như sau. Đầu năm 1958, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường Lào, 1.683 cán bộ chiến sĩ trung đoàn 280 sư đoàn 335 quân tình nguyện Việt Nam về tập kết tại cao nguyên Mộc Châu. Tháng tư năm đó, trung đoàn đổi nhiệm vụ sang xây dựng Nông trường Quân đội, vừa sản xuất vừa trấn giữ vùng cao phên dậu. Tháng 1-1961, trung đoàn làm lễ hạ sao, đổi tên thành Nông trường quốc doanh Mộc Châu.Trải bao tìm tòi thử nghiệm với rất nhiều thành bại, thực tiễn dần khẳng định cây chè và bò sữa là những cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu cùng thổ nhưỡng của vùng thảo nguyên này. Từ đó đến nay sau nhiều lần đổi tên cùng các hình thái quản lý, nông trường chè quốc doanh ban đầu trở thành Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu như bây giờ, với hai nhà máy chế biến chè đủ phục vụ hơn 551ha, bao gồm diện tích chuyên canh cộng với 2.000 hộ nhận khoán. Tổng sản lượng chè công ty đạt trên 11.000 tấn/năm.Tôi đến thăm những cây chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở xã Tô Múa, huyện Vân Hồ… vốn là giống chè bản địa thuần chủng Mộc Châu được nhân rộng ra khắp vùng. Vườn chè ở đây ngự trên độ cao cả nghìn mét so với mực nước biển. Gốc chè gân guốc khỏe khoắn với những thân gốc chu vi vòng đo cả mét. Cành chè sương kính quắc thước, địa y bám loang lổ như những vảy bạc trên thân rồng.Các loài thực vật cũng có ngôn ngữ của mình, Peter Wohlleben đã khẳng định như thế trong cuốn sách Đời sống bí ẩn của cây. Những cây chè cổ thụ Tô Múa thầm thì với tôi bằng hương tươi thảo mộc chỉ có ở rừng già nguyên sinh. Từ gốc đến cành chè nơi cao sơn điểm từng mảng rêu và những loài tầm gửi không tên xanh mướt.Tôi ngồi nghỉ uống nước tại một quán nước vùng "đồi chè 69". Chiều buông trên đồi chè tuyệt đẹp. Nắng quái vàng sánh như mật trải dài bóng lá hàng xoan, hàng keo dậu trên thảm chè xanh mênh mông. Thấy một cây hoa hòe cô đơn trên sườn đồi có dáng khá đẹp, tôi nhìn quanh muốn nhờ người chụp hộ. Cô chủ ki ốt mau mắn chạy tới giúp, đi tới đi lui chọn góc điều chỉnh camera như một nhiếp ảnh gia thực thụ.Ấm chè Oolong được pha mời khách phương xa. Hỏi chuyện, thì biết cây hòe này cũng có câu chuyện riêng mình. Cô tự giới thiệu em tên Nhưng, người Thái Bình, theo chị gái lên đây từ năm 1986. Cây hòe này được đích thân ông Lê Xuân, giám đốc nông trường hồi những năm 1990, mang từ quê Thái Bình lên trồng cho đỡ nhớ làng. Ở Thái Bình nhiều nơi trồng hòe. Quê tôi gần thị trấn Diêm Điền cũng có một hàng hòe cổ thụ. Cây hòe quê hương theo người lên đất mới, cùng chia sẻ những năm gian khổ đói kém thời bao cấp.Ngày ấy khó khăn chồng chất khó khăn, cô kể. Hệ thống các nước XHCN Đông Âu, sau đó là Liên Xô sụp đổ. Công ty khốn đốn bởi mất nguồn khách hàng tiêu thụ chè đen truyền thống. Bột mì cũng bị cắt vì không còn viện trợ. Bếp ăn tập thể trường kỳ nấu hạt bo bo và ngô thay gạo phục vụ bữa ăn cho các nông trang viên. Không chỉ nông trường, đồng bào dân tộc xã Tô Múa chặt cả đồi chè shan tuyết gia truyền hàng trăm tuổi để trồng ngô trồng sắn cấp thời cứu đói.Câu thành ngữ "Chè Tô Múa, lúa Tú Nang" suýt nữa thất truyền. Cô cười tươi tắn: Ấy khổ thế nhưng thời ấy vui và vô tư lắm, không lắm âu lo như bây giờ. Thời giám đốc Tài Anh còn quy định mỗi lần các đội lên nông trường bộ báo cáo sản lượng, người đi đầu phải cầm cờ, đoàn đi sau phải khua chiêng đánh trống cà rùng, không thì ông mời về không tiếp.Thế mới biết những thanh âm từ trống chiêng lý tưởng nó át cả tiếng sôi réo của dạ dày. Hơn sáu mươi năm cuộc đời đã trôi qua. Tuổi tôi giờ cũng bằng tuổi nông trường. Mây trắng trên đồi bay ngang buổi chiều luống tuổi. Cây hòe cô đơn vẫn chờ đỉnh dốc già. Ngắm nương chè tối dần trong nắng lịm, bỗng nhớ bài hát Hoàng hôn trên nông trường của Liên Xô mà chúng tôi vẫn nghe đài FM thành phố Hồ Chí Minh phát vào mỗi sáng chủ nhật thời chiến chinh trên đất bạn.Nắng vàng vừa xuống. Hàng dương in bóng trên đường. Hoàng hôn nắng vàng tỏa xuống nông trường, tít chân trời mùa lúa chín đưa hương… Chao ôi. Người cầm súng lúc ấy thấy nhớ làng mình tha thiết. Ước mơ hòa bình cấy hái cũng từng cháy bỏng trong ca khúc Đồng đội của Hoàng Hiệp. Bạn cho tôi cho hay, sau này xong chiến đấu sẽ lên nông trường, sớm hôm trên đồng lái máy cày…Không thể phủ nhận sự quyến rũ của một cánh đồng chung mênh mông tận hiến. Nông trường cùng các bài ca lao động luôn có một hấp lực lãng mạn với những đòi hỏi quên mình. Thế nhưng cuộc sống nó lại có những quy luật ngặt nghèo khác. Muốn chắp cánh bay bổng cho những ước mơ thì đầu tiên phải no cái bụng đã rồi mới có sức mà bay, không thể đốt cháy giai đoạn được.Tôi đến thăm anh Thân, một người bạn ở Đội 70 theo phiên hiệu của nông trường cũ. Đội 70 với những dãy lán tranh tre nứa lá lụp xụp ngày xưa nay đã trở thành Tiểu khu 70 thị trấn Mộc Châu, nhà phố bề thế khang trang. Trịnh trọng gỡ một khung ảnh đen trắng treo trên tường xuống, chỉ vào một chú bé khôi ngô ngồi giữa đám thiếu nhi cùng các nông trang viên đang vây quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh giới thiệu: "Tôi đây này. Năm 1959 ấy tôi mới 6 tuổi".Tôi nhìn anh, nhìn chú bé trong tấm ảnh, cố hình dung những gì đã đến, đã trôi qua trong dòng chảy cuộc đời một người sinh ra và lớn lên cùng nông trường chè. Chị Gái vợ anh, cựu nông trang viên thuộc đội "Cây ngắn ngày" cũng là người Thái Bình, "thoát ly" lên đây xây dựng vùng kinh tế mới rồi gặp anh.Ảnh: Trung SỹCũng như các cặp đôi khác, nông trường bộ đứng ra tổ chức lễ cưới cho anh chị. Đám cưới nông trường viên nào cũng diễn ra vào ngày chủ nhật vì ngày thường còn phải tham gia sản xuất. Trong lễ cưới của mình, anh Thân nhờ được người cùng quê là đại tá Nguyễn Văn Cường, khi đó là phó chủ nhiệm hậu cần Quân khu 2, nhượng cho tiêu chuẩn được mua 5 gói thuốc lá, trong đó 3 gói Cửu Long, 2 gói Phù Đổng. Đội "Cây ngắn ngày" nhà gái góp mấy rá lạc tươi tự sản tự tiêu. Tất nhiên chè cưới nông trường bao cấp vô tư khỏi cần toan tính vì của nhà trồng được.Câu chuyện đám cưới nghèo chỉ có chè thời bao cấp khiến tôi vẩn vơ bùi ngùi. Chè chỗ thừa chỗ thiếu. Ngay đến chè Ba Đình, chè Hồng Đào, những loại chè đặc biệt trong túi hàng Tết tiêu chuẩn ở Hà Nội thời ấy chỉ có cán bộ bìa C trở lên mới có thể mua trong những ngày bình thường. Ở Hà Nội bây giờ một cân chè ướp sen hảo hạng có giá hơn chục triệu đồng, nghĩa là bằng khoảng năm trăm cân gạo ngon. Nhưng khi đói quắt bụng thì người ta ước cơm ước gạo chứ chẳng ai cần chè. Chè chát uống xót ruột lắm. Lại nhớ câu ca dao thuốc chè than vãn bà tôi hay đọc ngày xưa:Bà ơi cho cháu một xuCháu mua bánh bù cháu gửi về NamBố cháu đi làm chè tàu thuốc láMẹ cháu ở nhà khổ lắm bà ơi.Sự thành công từ "Khoán 10" của bí thư Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc năm 1988 đã tạo đà cho làn sóng đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp toàn quốc. Năm 1992 trở đi, Công ty chè Mộc Châu đã chuyển giao đất trồng chè cho nông trường viên làm chủ, tự đầu tư, chăm sóc. Từ đó tình hình làm ăn của công ty bắt đầu khởi sắc dần.Ngẫm ra cũng phải thôi. Khi người lao động được làm chủ đất đai thì họ đương nhiên phải có trách nhiệm trên mảnh đất của mình, làm việc cật lực cho nó sinh sôi nảy nở hoa lợi chứ không có kiểu cha chung không ai khóc. Tôi tìm gặp chị Đỗ Thu Hương, chủ tịch công đoàn Công ty Vinatea Mộc Châu. Thu Hương hóa ra lại cũng chính là em dâu của giám đốc Lê Xuân xốc vác năm nào. Chị còn kể thêm nhiều chuyện thú vị khác về ông anh chồng.Năm 1996, Chè Mộc Châu mở được nhiều thị trường mới trên thế giới. Cơ hội đến nhưng để vận động người dân trồng thêm cây chè không phải là điều dễ. Để vận động dân, giám đốc Lê Xuân trở lại xã Tô Múa, nơi bà con chặt những cây chè xưa trồng ngô chống đói. Ông ngồi cùng đoàn xe tải chở bầu cây giống vào đến tận bản. Trên xe còn chở kèm theo 40 lít rượu cùng các thức nhắm ngon lành chuẩn bị sẵn.Trông thấy chè giống trên thùng xe, dân bản ngoảnh mặt đi. Đồng bào không trồng thì thôi, tôi không nài ép - Lê Xuân vung tay tuyên bố - Nhưng ngày xuân đã vào đến đây thì hãy vui với anh em nông trường vài chung rượu. Giám đốc mời dân bản ở lại, trải lá chuối tươi, bày rượu thịt chiêu đãi. A, uống rượu thì được. Mọi người cùng lúy túy vui vẻ. Bốn chục lít rượu bay sạch trong nửa buổi. Đến lúc đó ông mới xin phép già bản chở chè giống ra về.Già bản giữ lại, bảo mày đã thật lòng nghĩ tốt cho người Mông thì để giống lại, tao cho chúng nó trồng. Người Mông không có nói chơi. Từ đó cây chè lại hồi sinh trên mảnh đất xưa, mang lại cuộc sống ổn định lại bảo tồn được giống chè đặc sản. Chuyện này nhiều cựu nông trường viên đến nay vẫn còn nhắc.Ngồi ngắm những đồi chè, nhớ đến cuốn sách của Peter Wohlleben, tôi hiểu trước mắt mình là một quần thể xã hội thực vật với hệ tương tác sinh thái thành thục. Các cây chè không những nhận thấy nhau bởi mùi hương mà còn liên hệ với nhau bằng các mạng sợi nấm dưới tầng đất mặt. Chúng tự điều chỉnh hành vi để hẹn nhau cùng bật mầm đâm lá. Thực vật cũng có hệ thần kinh dù có vẻ thụ động, thậm chí có cả ký ức di truyền. Như có lần tôi đã chứng kiến cây bưởi thích "hút thuốc lá" từ ông lão thợ rèn bỏ phố về làng chăm cây, hay những giò lan của một ông bác sĩ ở Sa Pa biết giận dỗi khi ông ốm, lâu lâu không ra thăm chúng.Ngày cuối cùng lưu trú, tôi lang thang quanh thị trấn. Mộc Châu sẽ trở thành thị xã vào năm 2025 khi xây dựng xong nhà máy xử lý rác thải. Đến khi ấy, Mộc Châu sẽ là thành phố của sương mù, của chè, của sữa tươi cùng hoa thơm trái ngọt. Riêng tôi vẫn muốn gọi đây là thành phố "Xã Hội Chủ Nghĩa" bởi nó lưu giữ quá nhiều những ký ức đầy lãng mạn của một thời. Những cái tên tiểu khu ghi trên bản đồ hành chính: Bệnh Viện, Chè Đen, Cờ Đỏ, Cơ Quan, Khí Tượng… luôn nhắc sự hiện diện của nông trường. Cả tiếng còi tầm giao ca từ nhà máy chè Mộc Châu theo gió loang đến đây cũng như tiếng vọng từ ký ức, khiến tôi lại nhớ về một câu thơ cũ:Nông trường ta rộng mênh môngTrăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài.(Tế Hanh)■ Tags: Mộc Châu chè xanhNông trường chè Mộc ChâuKhoán 10Hợp tác xãNông trường
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Ukraine THANH HIỀN 21/11/2024 Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam không đi sang Ukraine, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.