TTCT - Sau một năm tả tơi với 2 cuộc khủng hoảng khí hậu và năng lượng, 2022 đã khép lại với một bước tiến lạc quan của tham vọng về năng lượng, cùng cam kết tài trợ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Cột điện ngả nghiêng sau một trận bão. Ảnh minh họa: AP"Lẫn lộn" là từ hãng thông tấn AP chọn để miêu tả 2022 cho những người lo lắng về biến đổi khí hậu và rộng hơn là tương lai hành tinh của chúng ta. Cụ thể, hãng này viết: "Bão và lũ lụt hoành hành ở nhiều nơi, và cuộc họp COP27 ở Ai Cập đã không kết thúc với nhiều tiến triển như nhiều nhà hoạt động mong đợi. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về bồi thường khí hậu đã bắt đầu (...) và tiếng nói của nhóm Global South [thuật ngữ thay thế các nước đang phát triển hay thế giới thứ ba] đã có trọng lượng hơn ở nhiều khía cạnh của tranh luận".Thiên tai và quỹ hỗ trợTất nhiên không thể liệt kê cho hết bão nơi này lũ nơi kia, hạn hán chỗ nọ trên khắp hành tinh, nhưng bức tranh lớn, mà Euronews đã chỉ ra cho riêng châu Âu, chính là: thời tiết cực đoan trở thành chuyện thường ngày ở lục địa già (chỉ trong tháng 8 đã có hơn 20 hiện tượng được ghi nhận). Và chính vì nó diễn ra quá thường xuyên, có lẽ không cần phải gắn thêm từ "cực đoan" vào nữa, chỉ gọi "thời tiết" thôi thì cũng đủ biết là có gì đó xảy ra rồi.Điểm chung của thiên tai 2022 là đều liên quan đến nước: hạn hán nghiêm trọng vào mùa hè (tháng 7 là tháng nóng nhất ở Tây Ban Nha từ năm 1961), rồi sang thu thì lũ lụt tàn phá (Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha) vì mặt đất khô cằn vì hạn trước đó không đủ sức để hấp thụ lượng mưa khổng lồ. Còn cả thảm họa "ăn theo" hạn hán: cháy rừng diễn ra khắp nơi trong mùa hè ở các nước Nam Âu (Hy Lạp, Bồ Đào Nha), sau đó nhiệt độ nóng "thổi" đám cháy sang miền bắc (Đức, Serbia, Slovenia và Czech).Đó cũng có thể là tình hình chung ở những châu lục khác: các đợt nắng nóng thiêu đốt ở Trung Quốc, nạn đói ở Somalia và Ethiopia, lũ lụt ở Pakistan, cháy rừng ở Mỹ, cuồng phong càn quét Cuba... Các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay đã gây ra thiệt hại được bảo hiểm (insured losses) ước khoảng 115 tỉ USD, cao hơn mức trung bình 10 năm qua (81 tỉ USD), theo báo cáo ngày 1-12 của Swiss Re Institute.Lụt ở Pakistan tháng 8-2022. Ảnh: REUTERSHội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2022 (COP27) đã diễn ra trong bối cảnh thiên tai gieo rắc thiệt hại về người và của khắp nơi như thế, và kết thúc với việc thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" nhằm mang lại "công bằng khí hậu" cho các nước ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu "dù không có lỗi", như Pakistan chẳng hạn. Trận lụt thảm khốc hồi tháng 8 đã nhấn chìm 1/3 lãnh thổ Pakistan, khiến gần 1.500 người chết và quốc gia này cần số viện trợ nhân đạo lên đến 20 triệu USD.Chỉ một tháng sau COP27, một "COP" khác - COP15 (Hội nghị LHQ về đa dạng sinh học) - cũng nhóm họp tại Canada, với các quốc gia thu nhập cao (trong đó có Anh, Mỹ, Úc) cam kết chi hơn 10 tỉ USD/năm cho các chương trình bảo vệ đa dạng sinh học của hành tinh. Tuy vậy, những cam kết sau COP27 và COP15 chỉ mới là bề mặt, còn rất nhiều thứ "để nhiệm kỳ sau": chi tiết về số tiền, người gửi và người nhận, cách thức chi trả...Giá dầu và năng lượng xanhCuộc khủng hoảng dầu thập niên 1970, với những biến động từ Trung Đông, đã khiến các nước phương Tây thiếu dầu và phải chịu giá cao. Song đó cũng là động lực to lớn để các chính phủ cải thiện bền vững tính hiệu quả năng lượng của xe cộ, thiết bị gia dụng và các tòa nhà. "Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay, chúng ta đang nhận thấy những dấu hiệu cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng một lần nữa được ưu tiên" - Fatih Birol, giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tuyên bố.Lịch sử đang thực sự lặp lại chính nó, khi cuộc khủng hoảng năng lượng dưới tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine đã "tạo ra động lực chưa từng có tiền lệ" cho năng lượng tái tạo. Thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách theo đuổi các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, IEA đánh giá trong báo cáo thường niên về hiệu quả năng lượng công bố ngày 13-12.IEA cho biết công suất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ tăng thêm 2.400 gigawatt từ năm 2022 đến năm 2027; dự báo này cao hơn 30% so với con số trong báo cáo năm ngoái. Cơ quan này cho biết đây là mức chỉnh sửa dự báo lớn nhất từ trước đến nay, vì 2 yếu tố bất ngờ: chiến cuộc và những điều chỉnh của các chính phủ về chính sách năng lượng ngay sau đó. Những diễn biến này "là ví dụ rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại có thể là một bước ngoặt lịch sử hướng tới một hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn" - Birol nhận xét.Theo các nhà phân tích của IEA, cả giá năng lượng hóa thạch cao hơn lẫn những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng đều đang thúc đẩy sự tăng tốc của năng lượng gió, mặt trời và các năng lượng tái tạo khác. Tua-bin tại một trang trại điện gió ở Morchies, (Pháp). Ảnh Reuters chụp 8-11-2020.Sự gia tăng năng lượng tái tạo ở châu Âu và nhiều nơi khác thậm chí vẫn sẽ tiếp tục, bất kể giá nhiên liệu có tiếp tục biến động hay không, theo Pierpaolo Cazzola, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia."Ngay cả khi giá năng lượng hóa thạch giảm, châu Âu vẫn sẽ phải đối mặt với nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu, kết hợp với biến động giá cả. Do đó, châu Âu sẽ tiếp tục có lợi ích đối với điện khí hóa và tăng cường sự phụ thuộc vào năng lượng tái tạo được sản xuất trong nước" - Cazzola nói với tạp chí Scientific American.Điều này khớp với một dự báo khác của IEA: đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn điện lớn nhất thế giới. Theo đó, năng lượng mặt trời và phong điện sẽ chiếm phần lớn trong quá trình mở rộng năng lượng tái tạo từ năm 2022 đến năm 2027. Cơ quan này nhấn mạnh năng lượng mặt trời vẫn là lựa chọn kinh tế nhất để cho các nguồn phát điện mới ở hầu hết các nơi trên thế giới.Cũng theo báo cáo của IEA, các khoản đầu tư toàn cầu vào hiệu quả năng lượng trong nửa sau của thập kỷ này được dự đoán sẽ chỉ đạt khoảng một nửa mức cần thiết để phù hợp với kịch bản phát thải khí nhà kính ròng bằng 0. Tuy vậy, Birol cho rằng "còn quá sớm để viết cáo phó cho mục tiêu hạn chế sự nóng lên trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C".Đó cũng là một điểm đáng chú ý trong bản tổng kết 2022: vẫn chưa mất hết hy vọng.■Ngày 13-12, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore (California, Mỹ) thông báo họ đã tiến một bước nhỏ nhưng quan trọng đến mục tiêu có một nguồn năng lượng sạch hầu như vô tận - năng lượng tổng hợp hạt nhân.Trong Mặt trời và các ngôi sao, quá trình tổng hợp hạt nhân (fusion, còn gọi là phản ứng hợp hạch hay nhiệt hạch) diễn ra liên tục: các nguyên tử hydro kết hợp thành helium, và quá trình này giải phóng năng lượng - chính là ánh sáng và sức nóng của Mặt trời.Trong nhiều thập niên, các nhà khoa học đã cố tái lập quá trình này trong phòng thí nghiệm để có nguồn năng lượng sạch (không sinh ra phóng xạ như phản ứng phân hạch hạt nhân), nhưng chưa vượt được cái mà họ gọi là ignition (tạm dịch: ngưỡng điểm hỏa), khi năng lượng sinh ra từ quá trình hợp hạch bằng năng lượng của các tia laser dùng để kích hoạt phản ứng. Điều này đã thay đổi vào 1h30 sáng 5-12, lần đầu tiên thí nghiệm tạo ra được năng lượng đầu ra lớn hơn đầu vào.Cụ thể, tại National Ignition Facility (NIF), cơ sở đặt thiết bị nghiên cứu vũ khí nhiệt hạch của Mỹ, 192 tia laser với tổng năng lượng 2,05 megajoule được phóng vào một hình trụ cỡ hạt đậu chứa các đồng vị hydro deuterium và tritium đông lạnh. Quy trình này sẽ giúp các đồng vị hydro hợp nhất thành helium, giải phóng khoảng 3,15 megajoule năng lượng (cao hơn đầu vào 54% và nhiều hơn gấp đôi so với kỷ lục trước đó là 1,3 megajoule).Phản ứng nhiệt hạch với 2 đồng vị hydro.Ngay từ khi bắt đầu xây dựng vào năm 1997, NIF tự tin sẽ sớm đạt được "chén thánh" trong nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch. Nhưng khi chính thức hoạt động năm 2009, tiêu tốn 3,5 tỉ USD đầu tư từ chính phủ liên bang, chưa có phản ứng nào được thử nghiệm thành công tại đây. Điều đó cuối cùng đã đến, dù muộn đến hàng chục năm.Đây là bước tiến quan trọng, nhưng tương lai vẫn còn dài. Năng lượng sinh ra trong thí nghiệm chỉ tương đương năng lượng giải phóng khi đốt vài mẩu củi, vì thế phải thực hiện hàng triệu cú "bắn laser" như vậy mỗi ngày mới có được lượng năng lượng gọi là dùng được. Cơ sở vật chất của NIF hiện không đáp ứng được điều đó, chưa kể thời gian và tiền của đổ vào cho mỗi lần thực hiện. Ngoài ra, dù được công nhận đã vượt ignition, bài toán kể trên chưa tính tới việc để tạo ra nguồn năng lượng ánh sáng laser 2,1 megajoule, cần một nguồn năng lượng khoảng 400 megajoule.Dù vậy, những ý nghĩa lớn từ bước đột phá này cho thấy các nhà khoa học đang đi đúng hướng, và như lời Troy Carter, nhà vật lý plasma tại Đại học California, Los Angeles, nói với Vox: "Nó cung cấp thêm lý do để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và triển khai năng lượng nhiệt hạch nhanh nhất có thể, với hy vọng có tác động đến biến đổi khí hậu!". Tags: Nguồn năng lượngBiến đổi khí hậuNăng lượng sạchNăng lượng mặt trờiNăng lượng xanhĐa dạng sinh họcNước đang phát triểnMỹĐợt nắng nóngNăng lượng tái tạo
Tháng 2-2025 Quốc hội sẽ sửa một số luật để tinh gọn bộ máy THÀNH CHUNG 10/12/2024 Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, giữa tháng 2-2025 Trung ương họp và cuối tháng 2 sẽ họp Quốc hội bất thường để sửa một số luật liên quan tinh gọn bộ máy.
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí cán bộ khi tinh gọn tổ chức bộ máy THÀNH CHUNG 10/12/2024 Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.
Độc đáo cà phê nước mắm nhĩ Nam Ô, khách thích mê vì vừa lạ, vừa ngon THANH THÙY 10/12/2024 Sự kết hợp độc đáo giữa nước mắm nhĩ Nam Ô cô đặc cùng cà phê rang xay đã mang đến hương vị mới lạ cho thức uống vốn quen thuộc của người Việt Nam.
Tin tức thế giới 10-12: Israel chiếm đất Syria, Ai Cập lên án; Mỹ lên tiếng 'có lợi ích' ở Syria BÌNH AN 10/12/2024 Kế hoạch xây đại sứ quán mới của Trung Quốc tại Anh bị bác; Thái Lan bước đầu chặn được làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.