Môi xinh và tai ngoan trong công viên

TRẦN ANH (HÀ NỘI) 08/06/2009 07:06 GMT+7

TTCT - Chiều thứ bảy, ở một góc của công viên: rất nhiều người đang vận động và hưởng thụ sự thư giãn theo cách riêng của mình. Trong khoảng không gian công cộng ấy, dẫu sao những tương tác giao tiếp đã xảy ra.

Phóng to
Ảnh: Tarzen
TTCT - Chiều thứ bảy, ở một góc của công viên: rất nhiều người đang vận động và hưởng thụ sự thư giãn theo cách riêng của mình. Trong khoảng không gian công cộng ấy, dẫu sao những tương tác giao tiếp đã xảy ra.

“Đi” - người đàn ông vừa nói vừa ra hiệu lệnh cho chú chó yêu quý của mình thôi đừng quẩn quanh ở gốc cây. Con vật nghe lời chủ, ngoắt lẹ cái đuôi, quay mình chạy thẳng. Nó thèm cảm giác được nô giỡn hơn là đứng yên thì phải, nên bốn chân cứ hết nhón rồi lại chạm đất.

Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi để ý có một bé trai chừng 3 tuổi. “Đi, về nhà! Con đói!” - giọng bi bô, tay kéo áo mẹ, đứa bé đang bắt chước lại hành động của người đàn ông lúc nãy. Nhưng mẹ của bé không nhận ra điều đó mà chỉ biết thương “con đói”.

“Say rượu! Ôi, say rượu!”, lần này là một bà mẹ khác nựng đứa con gái của mình vừa bị ngã. Không khóc lóc, bé nhoẻn miệng cười rồi hồn nhiên đứng lên chạy tiếp. Những bậc tam cấp quanh vườn hoa như không thể thách thức đôi chân chập chững biết đi của bé. Ngã thì lại được mẹ gọi yêu bằng “say rượu”!

Tội nghiệp con thơ, môi chưa hết mùi sữa ngọt lành đã phải tập nghe “mùi cay” từ sự liên tưởng tương đồng của người lớn.

“Về đi cưng, không chạy rông nữa! Đừng có mà lao xuống hồ nước” - tiếng một người phụ nữ nói to, rõ ràng, làm những người đang tập thể dục gần đó phải ngoái mắt nhìn theo. Vẫn giọng điệu cũ: “Uống đi! Mày, có một hộp sữa mà lười!”. Phải mất mấy phút mọi người mới bắt gặp chủ nhân của lời thoại vừa rồi: chị vừa bế và cho con uống sữa hộp, vừa bảo ban một giống cái bécgiê của gia đình đang toan húc cái mõm vào thanh sắt cài ngang gần mép bờ hồ. Đứa con trai kháu khỉnh có vẻ ngán sữa, nằng nặc đòi mẹ thả xuống đất để được tập đi, chẳng cần biết người ta đang ngạc nhiên cười vì sự đổi ngôi “cưng” và “mày” quá vô tư từ người mẹ.

Có những ngôn từ bị đánh cắp để đặt nhầm chỗ giữa chốn đông người mà “tên trộm” không ai khác là những giao tiếp thông thường giữa mẹ và con. Bắt chước, liên tưởng hay sự đổi ngôi ngẫu hứng... chỉ là một trong số cách để làm xuất hiện những hoạt ngôn như trên.

Cuối tuần, ở chốn công viên: có những môi xinh và tai ngoan đang nói và lắng nghe. Bước chậm lại một bước, sống chậm lại một chút để biết những đứa trẻ kia cần được chở che ngôn ngữ như thế nào để không “nhiễm bụi”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận