TTCT - Ca khúc In the year 2525 (Vào năm 2525) ra mắt năm 1968 của bộ đôi người Mỹ Zager và Evans có đoạn: “Nếu quý ông còn sống, quý bà còn sống… sẽ là nhờ máy móc đó”. Có ai ngờ từ năm 2020 này, lời dự báo đấy đã thành sự thật! Ảnh: Getty Images Làm thế nào mà từ ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại Mỹ hôm 20-1 - một phụ nữ 35 tuổi về từ Vũ Hán trước đó năm ngày, chín ngày sau lực lượng đặc nhiệm chống dịch đã được nhanh chóng thành lập (29-1), hai ngày sau nữa ban bố tình trạng khẩn cấp (31-1), mà đúng hai tháng sau, Tổng thống Donald Trump phải đọc một đoạn văn tế cho sức mạnh kinh tế và khoa học vĩ đại của Hoa Kỳ? Thức tỉnh và thừa nhận muộn màng Cuộc họp báo thường nhật 5h30 chiều 31-3-2020 của ông Trump cùng êkip chống dịch mang một nội dung ý nghĩa: nhìn nhận “tuốt tuồn tuột” cuộc chiến chống dịch của Hoa Kỳ đang như thế nào. Ông Trump bảo nước Mỹ đang lâm chiến với một virus giết người, và để chiến thắng sẽ cần toàn bộ sức mạnh tuyệt đối cùng sự tận tụy xả thân của tập thể, từ mỗi công dân, mỗi doanh nghiệp chấp nhận hi sinh, mỗi cộng đồng, thay đổi cơ bản cách sống, làm việc và tương tác với nhau “mỗi ngày và hằng ngày”. Theo ông, một số điều giờ mọi người phải tập làm quen sẽ còn phải duy trì lâu dài trong tương lai: bắt tay hay không bắt tay, rửa tay mọi lúc, sống cách nhau một chút. Một văn hóa mới đang được gieo trồng thay cho văn hóa bắt tay, ôm hôn! Văn hóa mới phải chăng sẽ là đứng xa chắp tay “hân hạnh” hay gật đầu hỏi “ăn cơm chưa?” cho nó lành? Ông cũng thú nhận rằng những dự kiến cách đây nửa tháng là virus sẽ sớm ngừng lây lan giờ được dời lại tới ít ra là ngày 30-4, tức thêm một tháng nữa. 30 ngày đó sẽ là “sinh tử” với nước Mỹ. Ông lặp lại hai lần chữ “sinh tử”, rồi ông nói như trăng trối cho đất nước Hoa Kỳ bằng một loạt động từ chia ở thì quá khứ: “Chúng ta đã có nền kinh tế lớn nhất trong lịch sử đất nước chúng ta. Chúng ta đã có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chúng ta đã có con số người thất nghiệp và số công ăn việc làm tốt nhất mà chúng ta từng có… Và ngay bây giờ, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa nền kinh tế đó”. Đâu rồi những mệnh đề làm nức lòng người như “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”? Những lời của ông Trump kia nghe cũng ai oán không kém bài Where have all the cowboys gone? (Những chàng cao bồi của tôi đâu cả rồi?) của Paula Cole thuở nào (chính xác là 1996)! Điếu văn cho nước Mỹ xong, ông Trump điếu văn cho phần còn lại của thế giới: “Nếu nhìn vào các lục địa khác - nếu nhìn vào châu Âu, họ đã đi một con đường khác với chúng ta… Và họ gặp vấn đề rất lớn. Các quốc gia khác đang gặp vấn đề. Các châu lục khác đang có vấn đề”. Như một màn tự an ủi rằng We are not alone (Không chỉ mình ta) - Michael Jackson, 1995! Đẩy nhau vào tay ngoại nhân Những lời cay đắng còn có lý gấp bội, khi vụ tranh cãi về thiếu hụt máy thở ở Mỹ đã vô hình trung đẩy thống đốc bang New York Andrew Cuomo vô vòng tay Bắc Kinh. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là đề quyết Trung Quốc có ý đồ xấu, bên cạnh hình ảnh rõ ràng của một quốc gia đang ra tay giúp đỡ cả thế giới chống dịch sau khi bản thân đã thoát dịch. Câu chuyện về ông Cuomo ở New York là thí dụ điển hình của mọi sự nghiêng ngả trong thời buổi hỗn mang này. Thứ bảy tuần rồi 4-4, thống đốc Cuomo loan báo 1.000 máy thở của Trung Quốc sẽ đến sân bay JFK của New York trong hôm đó và ông sẽ còn mua nhiều nữa các cỗ máy cứu mạng người này, do lẽ bệnh nhân của bang ông ngày càng tăng. Số người bị nhiễm tính tới hôm đó trên thế giới là hơn 1,1 triệu người, số người chết trên 60.000 người, tại Mỹ khoảng 233.000 người bị nhiễm và 7.000 người tử vong, trong đó riêng New York đã hơn 3.500 người! Không có máy thở là án tử với nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 vì vào giai đoạn cuối họ không còn tự hô hấp được, cần một áp lực bên ngoài bơm khí vô ra cho hai lá phổi vốn đang “liệt giường, liệt chiếu” cùng khổ chủ! Trước đó, hôm thứ ba 31-3, ông Cuomo bực dọc cho biết chính quyền liên bang cấp cho cả bang New York có 400 máy thở! Vấn đề là cả bang của ông chỉ còn đủ máy để dùng cho sáu ngày đêm, khi mà mỗi đêm có thêm 350 bệnh nhân suy hô hấp nặng cần thở máy. Trong khi đó, cũng hôm 31-3, ông Trump loan báo: “Chúng tôi có gần 10.000 máy thở… Chúng tôi phải tạm giữ lại vì đợt tăng giá đang đến và đang đến khá mạnh”. Chuyện giá máy thở có đang tăng và tăng mạnh bất quá chỉ có ý nghĩa đối với đại lý phân phối, chớ đâu liên can gì tới lãnh đạo nhà nước hay hàng vạn bệnh nhân đang thập tử nhất sinh cần thở máy. Có lẽ đây là suy nghĩ làm ông Cuomo điên tiết! Trong hoàn cảnh đó, lô hàng 1.000 máy thở do Trung Quốc gửi tới thật là một cơn “cập thời vũ”, một chàng Tống Giang xuất hiện kịp thời, nhất là khi ông Cuomo “không nghĩ rằng chính phủ liên bang sẵn sàng cung cấp máy thở cho cả nước, nhất là trong những ngày và tuần lễ sắp tới”, theo chính lời ông, để rồi ông phải cay đắng thừa nhận: “Điều trớ trêu tàn khốc là đất nước này hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc” (AP 4-4). Hệ thống chính trị không thống nhất Fox News 31-3 cho biết kết quả thăm dò dư luận do Đại học Siena vừa thực hiện và công bố cho thấy hơn 70% người theo Đảng Cộng hòa tại New York đánh giá cao công việc chống dịch của thống đốc Cuomo, còn ông Trump vẫn giữ được 41% sự ủng hộ trong mùa dịch. Riêng việc thực hiện và công bố những kết quả thăm dò đó đủ cho thấy nước Mỹ chia rẽ ra sao. Đang trong cuộc chiến chống dịch thương vong kinh hoàng như thế, chính giới Mỹ vẫn không ngừng đấu đá, báo chí Mỹ vẫn mải miết bình luận về kỳ bầu cử tới nữa chớ không chỉ kỳ năm nay! Tỉ như tờ Politico 2-4 dự báo: “Chia rẽ hằng ngày giữa Tổng thống Donald Trump và các thống đốc bang vì đại dịch virus corona đang thúc đẩy vận may chính trị của một số ít các lãnh đạo phe Dân chủ, những người thể hiện rõ sự đối lập trong cách quản lý khủng hoảng của họ với cách của tổng thống”. Dẫu sao thì từ vị trí của mình, ông Trump và chính phủ của ông vẫn nhìn thấy mối lo từ làn sóng chi viện chống dịch của Trung Quốc. Nước Mỹ vẫn còn những lá bài tẩy, để nếu không áp đảo thì ít ra là cân bằng sức ảnh hưởng đó. Ông Trump khoe: “Chúng ta có các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và xử lý thảm họa tốt nhất thế giới… và chúng ta đang hợp tác với rất nhiều nơi trên thế giới để giúp họ vượt qua tình huống nguy nan này, ở khắp 151 quốc gia”. Thông điệp chung này được cụ thể hóa qua tin ngày 31-3 rằng Bộ Ngoại giao Mỹ chi 274 triệu đôla để hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các nước chống dịch COVID-19 (Việt Nam sẽ nhận gần 3 triệu đôla trong số này để chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát…). Một chiến dịch truyền thông như vậy là cần thiết vào lúc dầu sôi lửa bỏng, tránh để cho thiên hạ nghiêng ngả, một nỗ lực của Mỹ để giúp những ai muốn có thể vùng vẫy khỏi sự cương tỏa của Trung Quốc. Đó cũng là một tín hiệu phải phát đi khi đã có tin cả Pháp lẫn Đức đều tố Mỹ giựt khẩu trang mua từ Trung Quốc bằng cách trả giá cao. Hôm 2-4 ấy, châu Âu nhao nhao đón đợi, thậm chí giành giựt từ sân bay hàng tiếp tế hay cả hàng mua được từ Trung Quốc (và cả Nga) từ mấy tuần trước rồi! Không phải vô cớ mà tờ Fortune từ 19-3 đã chạy tít: “Con đường tơ lụa y tế: Trung Quốc tràn ngập hỗ trợ dịch virus corona cho châu Âu vào lúc cả hai bên đều đang bất hòa với Trump”. Hai bên cùng không ưa chính quyền Mỹ, vậy thì nay càng có lý do để xích lại gần nhau! Cuộc chiến chống dịch của tổng tư lệnh Trump, bởi vậy, sẽ còn rất nhiều cam go!■ Đừng trách sao ông Cuomo nhận máy thở của Bắc Kinh và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc! Đâu chỉ có mình ông Cuomo của New York và nước Mỹ cần Trung Quốc. Ở Ấn Độ, tờ The Economic Times cho biết cùng với Mỹ, Ấn Độ là một trong vài nước đang được Trung Quốc bán máy thở. Đây là một cân nhắc ngoại giao: bán cho Ấn Độ là do hồi đầu dịch Ấn Độ đã sớm giúp Trung Quốc 15 tấn thiết bị y tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh úp mở. Bà Hoa giải thích trong thế thượng phong: “Đang có nhu cầu lớn về máy thở khắp thế giới. Tuy nhiên, để sản xuất một máy thở phải cần đến 1.000 linh kiện chi tiết sản xuất từ nhiều nơi trên thế giới, kể cả châu Âu. Thành ra chúng tôi có muốn tăng sản lượng cũng không dễ dàng gì”. Lý do Trung Quốc bán máy thở cho Ấn Độ thì đã có câu trả lời, nhưng tại sao họ lại bán cho bang New York của ông Cuomo? Chẳng qua, nếu như ông Trump là tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa đang ở cuối nhiệm kỳ và khét tiếng chống Trung Quốc thì ông Cuomo lại là thống đốc của phe Dân chủ đã làm nhiệm kỳ thứ ba, và nhờ thành tích chống dịch vang dội vừa qua, đang lấp ló tranh cử tổng thống như một ứng viên bất ngờ. Tags: Nước MỹDonald TrumpCOVID-19Cuộc chiếnTổng tư lệnh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.