Một cuốn sách, một bước đến gần sự thật

HUNGTHUAT 03/03/2013 16:03 GMT+7

TTCT - Năm 2001, một sinh viên Đại học Columbia tên Nick Turse, cũng là một nhà báo, "vấp phải" một bộ hồ sơ hàng ngàn trang trong thư viện của Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ. Năm 2005, sinh viên này đã bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ được phát triển trên nền bộ hồ sơ đó.

Tuần vừa qua (17-2), cuốn sách Động là giết: Cuộc chiến tranh thật sự của Mỹ tại Việt Nam (Kill anything that moves: The real American war in Vietnam) - bản hoàn chỉnh nhất của hành trình tìm kiếm sự thật kéo dài hơn 10 năm về tội ác chiến tranh tại Việt Nam của sử gia Nick Turse - đã lọt vào danh sách những đầu sách bán chạy nhất tại Mỹ.

Phóng to

Ngay trong lời mở đầu cuốn sách, Nick Turse khẳng định: "... Quy mô kinh hoàng của những nỗi đau khổ của thường dân (Việt Nam) vượt quá bất kỳ điều gì có thể biện minh bằng lý lẽ "con sâu làm rầu nồi canh"... Sát hại, tra tấn, cưỡng hiếp, bạo hành, cưỡng bức di dời, đốt nhà, bắt bớ, cầm tù vô tội vạ - những sự việc như thế đã trở thành thực tế hằng ngày trong suốt những năm người Mỹ hiện diện tại Việt Nam... Đây không chỉ là những trường hợp cá biệt, mà là hậu quả tất yếu của những chính sách có chủ đích, được chỉ đạo từ những cấp bậc cao nhất trong quân đội (Mỹ)". (trang 6)

Một độc giả tên Bill Morris viết sau khi đọc sách: “Đây là lý do vì sao (sau gần 40 năm và khoảng 30.000 đầu sách đã phát hành) chúng ta vẫn còn đọc về Việt Nam: Vì sự thật, được kể ra một cách trong sáng bởi những cây bút tài năng như Nick Turse, là điều duy nhất có sức mạnh để gột rửa chúng ta”.

Luận điểm trung tâm này - được viết bằng ngôn ngữ hàn lâm đặc trưng - đã được tác giả chứng minh bằng các phương pháp thông dụng trong ngành sử học: khai thác tài liệu lưu trữ, phỏng vấn nhân chứng và người trong cuộc, kiểm tra đối chiếu các nguồn thông tin...

Là một nhà báo lão luyện từng nhận nhiều giải thưởng báo chí quốc gia, Nick Turse khai thác tối đa thế mạnh của người làm báo trong tác phẩm của mình, trực tiếp phỏng vấn từ những cựu quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ, những cựu binh trực tiếp can dự đến tội ác, đến những nhân chứng lịch sử - những thường dân hiện vẫn đang sống trên mảnh đất miền Nam Việt Nam.

2. Đi tìm bằng chứng để dựng lại một quá khứ cách đây khoảng 40 năm không phải là một hành trình đơn giản. Chồng hồ sơ lưu trữ của Nhóm xử lý tội ác chiến tranh Việt Nam (Vietnam war crimes working group), trực thuộc văn phòng của tướng William Westmoreland tại Lầu Năm Góc, nằm vùi lấp trong một góc Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ khi Nick Turse đặt chân đến đó năm 2001 trong lúc đi tìm tư liệu cho đề tài nghiên cứu về hội chứng trầm cảm sau chấn sốc.

Những tài liệu chưa từng được công bố này chính là nền tảng cho các cuộc truy tìm và khai thác nhân chứng, nhân vật, hồ sơ giải mật của Bộ Quốc phòng Mỹ trong suốt một thập niên sau đó. (Trả lời phỏng vấn NPR ngày 28-1, Nick Turse cho biết chỉ một thời gian ngắn sau khi sao chép được chồng hồ sơ nói trên, toàn bộ hồ sơ đã "biến mất" khỏi kệ của Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ). Không chỉ dừng ở việc khai thác hồ sơ trên giấy, Nick Turse đã đến Việt Nam, lần tìm qua từng làng xóm miền Nam để ghi lại câu chuyện của những chứng nhân còn sống sót.

Ngay từ khi chưa chính thức phát hành, cuốn sách đã gây chấn động trong hai nhóm độc giả đặc biệt quan tâm và có liên hệ sâu sắc với Việt Nam - nhóm nghiên cứu Việt Nam học toàn cầu (VSG) và nhóm ký giả từng lăn lộn tại Đông Dương thời chiến tranh Việt Nam (VOH). Philip Scheffler, một cựu phóng viên Hãng truyền hình CBS, không phủ nhận việc quân đội Mỹ gây tội ác trong chiến tranh tại Việt Nam, nhưng cho rằng kết luận "do chính sách" của cuốn sách là kết luận "đáng nghi vấn".

Don Hirst, cựu binh và cựu phóng viên chiến trường tại Việt Nam, viết: "Đúng, quả là quân đội Mỹ có những thành viên xấu... nhưng cũng có đủ việc đã được làm (trong quân đội) để chứng minh cho tôi thấy rằng quân đội phần lớn là đã nỗ lực hết mình để tuân thủ luật (thời chiến)".

Carl Robinson, cựu phóng viên AP, dùng ngôn từ nặng nề hơn, chỉ trích "cuốn sách này nghe chừng cực kỳ phiến diện" vì bỏ quên hẳn những tang thương mà thường dân miền Nam phải gánh chịu vì những cuộc tấn công của "quân đội Bắc Việt" (dẫn sự kiện nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, Quảng Trị năm 1972, và thuyền nhân sau năm 1975).

Không chỉ dừng ở việc khai thác hồ sơ trên giấy, Nick Turse đã đến Việt Nam, lần tìm qua từng làng xóm miền Nam để ghi lại câu chuyện của những chứng nhân còn sống sót.

Ngay từ khi chưa chính thức phát hành, cuốn sách đã gây chấn động trong hai nhóm độc giả đặc biệt quan tâm và có liên hệ sâu sắc với Việt Nam - nhóm nghiên cứu Việt Nam học toàn cầu (VSG) và nhóm ký giả từng lăn lộn tại Đông Dương thời chiến tranh Việt Nam (VOH).

Ngược lại, Drew Pearson, nhà sản xuất phim truyền hình của Hãng PBS, cho rằng cuốn sách "tuy không có gì mới" nhưng điều quan trọng mà cuốn sách làm được là hệ thống hóa lại những điều đã xảy ra.

Còn Robert Pisor, cựu phóng viên tờ Detroit News, thẳng thắn: "Tôi không tin rằng binh lính Mỹ tham chiến với mục đích giết hại thường dân. Tôi không tin rằng tướng Westmoreland có ý để cho chính sách của mình bị hiểu sai ra như thế. Tôi tin rằng chúng ta đã thật sự muốn giúp đỡ người Việt Nam trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta đã thất bại thảm hại trong quá trình đó".

Không khí và ngôn ngữ tranh luận ở nhóm VSG "tăng nhiệt" đến mức người điều hành nhóm này phải quyết định đình chỉ cuộc tranh luận hai tuần sau khi lá thư điện tử đầu tiên về cuốn sách được gửi lên diễn đàn.

Tuy nhiều thành viên trao đổi vềcuốn sách cho biết chưa từng cầm cuốn sách trong tay, chỉ riêng luận điểm được ghi rõ ngay từ phần giới thiệu của cuốn sách với một số người đã là "không chấp nhận được", còn với một số người khác lại là "hiển nhiên đúng". Những câu chuyện được chia sẻ tại VOH cho thấy không gì có thể thay đổi được quan điểm mà những người từng có mặt tại Việt Nam đã hình thành từ trải nghiệm cá nhân.

Trong khi đó, những tác giả từng viết sách về chiến tranh Việt Nam đã đọc sách lại đưa ra các nhận định khác mang tính tổng quan hơn. Andrew J. Bacevich, tác giả cuốn Luật lệ ở Washington: Con đường đến chiến tranh vĩnh viễn của nước Mỹ (Washington Rules: American’s path to permanent war), gọi cuốn sách là "tài liệu hoàn chỉnh nhất cho đến nay về sự tàn bạo và xấu xa của cuộc chiến tranh tại Việt Nam".

Chuyên gia phân tích quân sự Daniel Ellsberg (người từng tiết lộ bộ Hồ sơ Lầu Năm Góc trong thập niên 1970) thừa nhận "không có cuốn sách nào trong những thập niên gần đây làm cho tôi rúng động đến thế với tư cách là một công dân Mỹ".

Còn Marilyn Young, tác giả cuốn Những cuộc chiến tại Việt Nam, 1945-1990 (The Vietnam wars, 1945-1990), nhấn mạnh: "Cho đến khi phần lịch sử (mà cuốn sách đề cập) được thừa nhận, lịch sử sẽ còn lặp lại bằng cách này hay cách khác trong những cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tiếp tục can dự".

3. Đối diện với những phản ứng xung quanh cuốn sách, Nick Turse chỉ nói đơn giản khi trả lời phỏng vấn nhà báo Bill Moyers và trang tin DemocracyNow: "Có trên dưới 30.000 đầu sách viết về chiến tranh (Việt Nam), nhưng không cuốn nào mà tôi đọc được thật sự chạm đến khía cạnh mà tôi cho là đặc trưng của cuộc chiến này: nỗi đau khổ của thường dân Việt Nam".

Nick Turse cho biết sự thật mà anh tiếp cận được "là những sự thật nặng nề, nhưng quá quan trọng để có thể bỏ qua". Mục đích lớn nhất của cuốn sách, vì vậy, là công bố những điều chưa được nói đến và lên tiếng thay mặt cho những người đã bị lãng quên, trong phần lịch sử của nước Mỹ mang tên Chiến tranh Việt Nam. Hơn 3 triệu người đã thiệt mạng trong cuộc chiến, khoảng 2 triệu trong số đó là thường dân Việt Nam. Trên trang đầu tiên của cuốn sách dày 384 trang, tác giả viết hai dòng ngắn ngủi: "Dành cho những người đã chia sẻ câu chuyện của mình - Và cho những người mà câu chuyện vẫn chưa được kể" (For all those who shared their stories - and for those with stories yet to be told).

CAM LY

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận