Một giờ JSA và ngọn lửa âm ỉ

PHÚC TIẾN 09/06/2009 01:06 GMT+7

TTCT - Cái tên viết tắt tiếng Anh nghe lạ hoắc - JSA có nghĩa là Joint security area - Vùng an ninh chung. Đó là vùng đất giới tuyến phân chia Nam và Bắc Triều Tiên, còn có tên VN quen thuộc là Bàn Môn Điếm (tiếng Hàn là Panmunjom).

Phóng to
Tác giả trước bia lưu niệm Hiệp định đình chiến 1953 Tòa nhà phía CHDCND Triều Tiên - Ảnh: P.T.

Khi lên mạng đặt trước vé đi thăm nơi này, tôi được hãng du lịch gửi email báo trước tour có thể bị hủy nếu tình hình an ninh không cho phép. Ngoài việc phải gửi trước bản sao

passport, hãng còn căn dặn khách không được mặc quần áo quân đội, không được mang cờ và không được quay phim chụp ảnh ở những nơi cấm... Đầu tháng 5 rồi, cả thế giới báo động về vụ thử hạt nhân và bắn nhiều quả tên lửa của Bình Nhưỡng. Thật may cho tôi, ngày 15-5-2009 tour đi thăm JSA vẫn được tiến hành.

Sống với cảm giác chiến tranh

Mới ở thủ đô Seoul nhộn nhịp nhưng yên bình, chỉ một giờ sau đã có mặt ở vùng giới tuyến, du khách ngỡ như mình đang đi vào vùng chiến trận Iraq hay Afghanistan. Thật vậy, cả một vùng đồng không mông quạnh, xa xa là núi, thi thoảng thấy sông rạch, hoàn toàn không có bóng dân. Chỉ có lính Hàn Quốc trang bị súng ống tận răng đi tuần dọc đường. Lâu lâu trước mắt du khách lại hiện lên những dãy hàng rào “dây thép gai đâm nát bầu trời”.

Chỉ trong mười phút dừng xe để xuất trình giấy tờ trước khi đi vào con đường độc đạo dẫn đến JSA, tôi đếm được có đến bảy lần xe tăng, xe thiết giáp chạy lừ lừ ngang qua chiếc xe khách của mình. Có cả xe GMC chở lính trẻ măng, thấy du khách họ vẫy tay chào cười tươi. Vài cái máy ảnh đưa lên nhưng cô hướng dẫn viên nhắc ngay: “Bắt đầu từ đây không được chụp ảnh. Khi nào đến những chỗ được phép chụp, chúng tôi sẽ báo cho biết. Chốc nữa vào trại, các ông các bà nhớ đấy, muốn chụp gì phải hỏi!”. Cô ta vừa nói xong, một người lính Hàn Quốc đội nón sắt bước lên xe, cầm theo danh sách khách, nhìn từng người và đếm.

Sau đấy, xe chạy ngoằn ngoèo qua nhiều cánh rừng thưa, phải đến 15 phút sau mới đến cổng trại Bonifas, căn cứ của quân đội Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở JSA - một khu rộng với những dãy nhà thấp một tầng, lô cốt và hàng rào kẽm gai quen thuộc của các trại lính. Tuy nhiên, trong trại không có xe tăng, xe thiết giáp vì đây là vùng phi quân sự (DMZ), nghĩa là vùng không được mang vũ khí nặng vào.

Ở cổng trại đã có hai sĩ quan LHQ một Mỹ, một Hàn cao lớn như nhau, đều mặc quân phục nhảy dù, đứng chờ rồi bước lên xe kiểm tra. Họ cầm theo bản sao passport và đến nhận mặt từng người. Anh chàng Mỹ trắng đeo kính đen, dáng vẻ lầm lì, không cười, theo suốt đoàn cho đến lúc về. Xe chở chúng tôi vào trại, sau đấy được chuyển qua xe khác do lính LHQ lái.

Chúng tôi được phát một thẻ đeo có huy hiệu LHQ và mã số cho từng người. Đồng thời, họ còn phát một tờ nội quy tham quan JSA với hơn 10 điều, yêu cầu khách đọc và ký tên nghiêm túc. Đặc biệt, họ quy định du khách không được ra dấu hay chỉ trỏ về phía CHDCND Triều Tiên để phía bên kia có thể dùng đó làm “tư liệu tuyên truyền chống lại Bộ chỉ huy LHQ”. Cô phiên dịch lại nhắc: “Mỗi lần thấy có du khách, phía Bắc đều quay phim, chụp ảnh. Dù bạn tỏ ý hoan nghênh hay phản đối, tất cả đều bị ghi hình”. Ra thế, ở đâu cũng vậy, chiến tranh không chỉ có súng đạn mà còn có chiến tranh tâm lý, chiến tranh tuyên truyền.

Phóng to
Tòa nhà phía Hàn Quốc - Ảnh: Panoramio Xe tăng Hàn Quốc đi ngang qua xe chở du khách

Bên kia giới tuyến

Tất cả du khách được mời vào nghe phần báo cáo khoảng 30 phút về lịch sử cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 và vùng giới tuyến, tại hội trường của sĩ quan LHQ. Có khoảng 50 du khách, chia làm ba nhóm: tiếng Nhật (đông nhất), tiếng Anh và tiếng Hàn. Tôi chú ý thấy bài báo cáo chỉ dùng từ “chiến tranh”, không nói đến từ “xâm lược” hay “giải phóng”, cũng không dùng đến chữ quân Trung Quốc hay quân Mỹ can thiệp. Khi bài báo cáo chấm dứt, tôi nhìn về nhóm khách Hàn Quốc thấy nhiều ông bà cụ trầm ngâm, có người lau nước mắt...

Ra xe, bây giờ mới bắt đầu phần “đắt nhất” trong tour tham quan JSA: đi thăm khu vực phòng hội nghị - nơi diễn ra các cuộc gặp của quân đội hai bên. Sau mươi phút, xe dừng ở một khu đất lớn có một tòa nhà đồ sộ, lắp kính xanh sáng choang, trông như một cao ốc văn phòng. Tòa nhà này mang tên Nhà tự do - Freedom House. Đối diện với nó là một tòa nhà trắng ba tầng đồ sộ không kém nhưng kiểu dáng thô hơn, thuộc phía CHDCND Triều Tiên. Cả hai tòa nhà đều là đài quan sát, “nghênh chiến” lẫn nhau.

Cả hai giống như hai võ sĩ khổng lồ nhìn xuống ba căn nhà sơn màu xanh dương, trông giống ba toa xe lửa nằm ngay ngắn trên sân. Du khách xếp hàng hai người một, dẫn đầu và khóa đuôi là lính LHQ mặc áo kaki xám đội mũ sắt đen, đi vào một trong những căn nhà màu xanh. Đó chính là phòng hội nghị - nơi có chiếc bàn màu nâu lịch sử nằm đúng trên đường phân chia tạm thời Nam - Bắc Triều Tiên. Mỗi nửa chiếc bàn cũng như phân nửa căn nhà thuộc về lãnh thổ mỗi bên. Khi bước vào phòng hội nghị, du khách được di chuyển, chụp ảnh ở cả hai phía chỉ trong 10 phút!

Có lẽ để du khách mãn nguyện sau khi rời phòng hội nghị, LHQ đã bố trí một tháp hai tầng ngay bên cạnh Nhà tự do để mọi người có thể lên ngắm nhìn về phía Bắc, thoải mái chụp ảnh và quay phim. Nhìn sang bên kia giới tuyến cũng chỉ thấy đồng không mông quạnh. Sau đó, xe chở du khách đi ngang qua một cây cầu nhỏ, dài khoảng 50m, băng ngang giới tuyến, được gọi là cầu “Không trở lại”. Đây chính là khu vực dùng để trao đổi tù binh, gián điệp của hai bên (Trong một bộ phim về điệp viên 007, James Bond cũng được trao đổi ở cầu này!).

Phóng to

Cầu “Không trở lại” - Ảnh: Panoramio

Trong phòng hội nghị - Ảnh: Picasaweb

***

Trên đường rời JSA, xe còn dừng ở địa điểm cách đây 56 năm hiệp định đình chiến được ký kết và từ đó ra đời vùng giới tuyến chia cắt hai miền bán đảo Triều Tiên. Khách được xuống tham quan và chụp ảnh, quay phim hơn 15 phút. Từ đây có thể trông thấy xa xa khoảng 1km là cột cờ CHDCND Triều Tiên và một ngôi làng bên ấy. Thế là hơn 50 năm rồi, đất nước Triều Tiên vẫn chưa thống nhất và đang trong tình trạng ngọn lửa chiến tranh có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Tôi thầm nói trước tấm bia kỷ niệm cuộc chiến: Cầu chúc cho người dân hai miền Triều Tiên sớm có được cách thống nhất của họ mà không cần đến bom hạt nhân, đến xương máu thêm nữa!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận