​Một mình bên suối

HOÀNG VIỆT HẰNG 05/03/2015 03:03 GMT+7

Tôi không bao giờ đợi lễ hội để đi chùa Hương, suối Yến. Tôi sợ đám đông vì một lý do thuở nhỏ từng bị giẫm bẹp trong đám đông chờ xem pháo hoa.

Tranh VIIP

Tôi chọn mua chiếc tay nải ở ngôi đền bến Đục Khê, gọi một con đò se sắt trong sương với suối Yến nước rất trong khi trời giá lạnh. Đang giao mùa, có ngày thời tiết xuống còn dưới năm độ. Không nhìn hàn thử biểu sẽ không ngại lên chùa Tuyết Sơn một mình.

Ra đến bến Đục thì thấy một quý bà xin đi cùng đò vào Tuyết Sơn. Bến đò nước trong, hoa súng vẫn nở rải rác ở ven suối, người đi cùng đường trạc ngoài 50, nom trẻ trung và ăn mặc hiện đại.

Chị nói với cô lái đò rằng chuyến đi mấy năm trước đã vào chùa kêu cầu cho cậu con trai không hiểu sao lại hiếm muộn thế. Lấy vợ sớm mà ba năm chưa có con. Lạy Phật chữa chạy, có được cháu nội, ngỡ hạnh phúc đầy tay thì hai vợ chồng hục hặc đòi bỏ nhau vì những chuyện nhỏ mọn như con tép. Tòa án đang gần tết không giải quyết ly hôn. Người mẹ lại lên cửa Phật kêu cầu cho hai con đoàn tụ.

Hòa giải đoàn tụ là quý lắm. Còn đứa con gái đã lấy chồng. Mắn lắm, đẻ năm một, hai năm hai đứa, nếp tẻ đủ cả. Nhưng nó ăn mặc quá xuê xoa, qua quýt. Hôm ra chăm cháu ngoại, mẹ khuyên con gái chú ý đến nhan sắc hơn nhưng nó cứ vênh mặt bảo: “Không có ôsin, con gái mẹ thời gian đâu mà tỉa vẽ mặt hoa da phấn?”.

Con trai chưa đầy ba tháng thì chồng nó có bồ nhí. Khổ thân con bé buồn lắm, khéo trầm cảm mất. Con gái có hai mụn con đẹp như hoa, khối kẻ khát con mà nó cứ nằng nặc đòi bỏ chồng về ở với mẹ.

Cô lái đò tên Hoa Huệ lại ngồi xuống chèo bằng chân, buông tay tiếp chuyện. Mới hôm qua đò vắng, cũng có một bác khoảng 70 tuổi mà nom hom hem, cẳm củi lắm. Ông nói tết nhất đến mà chả biết đi đâu, nằm nhà mãi cũng chán bèn đi thăm một bà dì ở bến Đục Khê rồi rẽ lên chùa vãn cảnh. Người không gia đình như ông thuê nhà ở chung cư cũng không yên tĩnh cho lắm.

Ông kể với cháu nhá. Ông vốn là con độc đinh, từng có vợ. Khi lấy vợ, vợ ông còn có một đứa con riêng. Mẹ ông vẫn đồng ý cho cưới xin, bà nói cá vào ao ta, càng đông con cháu càng vui vẻ.

Nhưng ông hiếm con. Những năm đó y học chưa tiên tiến, chưa phát triển ưu việt như bây giờ, mẹ ông từng đổ bao nhiêu tiền đi xem bói, bái lạy tám phương, chữa chạy cho con dâu cũng không ăn thua. Có thời ông đưa vợ vào cả Bệnh viện Từ Dũ mất cả chục cây vàng chạy chữa, rồi mới vỡ lẽ vợ ông không thể có con (!).

Ấy là ông ấy bảo thế, cô lái đò chêm vào. Mấy năm sau ông đi học nhảy, cặp bồ với một nàng. Năm tháng sau, ở nhà nghỉ, nàng chìa ra cho ông tờ giấy khám thai chứng thực con gái. Ông vỡ òa trong giây phút cuối đời mình có một mụn con để mà thương mà nhớ.

Không ngờ sinh nở xong, con bé lớn lên hàng xóm đến thăm nom lại quở rằng nhìn đứa bé không giống bố một tí nào. Vừa lúc ông đã đệ đơn bỏ vợ cũ, đã chia nhà, dốc hết hầu bao cho cô vợ hờ mới sinh con gái để được những giây phút chói lọi xưng bố.

Bán tín bán nghi với lời nói của hàng xóm, ông lén vợ trẻ đi thử ADN cho con. Kết quả đứa bé không phải con gái của ông. Ông vừa phá vỡ một gia đình yên ấm, vừa đòi bán nhà, vừa chia tài sản để được làm cha. Phút giây thăng hoa làm bố đã thành tuyệt vọng trong dối lừa. Rồi mẹ ông mất. Thoắt đó đã hai mươi năm.

Ông vốn là một công chức trong một công ty thoát nước. Những thiết kế của ông được biểu dương ở công ty vì đã giải cứu những con đường ngập nước, tháo gỡ rác rến cho nhiều công trình trong thành phố. Nhưng ông đã không thiết kế nổi một lối thoát đặc rác khó phân hủy trong đời sống tinh thần.

Giờ ông đi chùa để nghe giảng kinh và thiền tịnh cho thanh thản cuối đời.

Ông ấy vẫn thuê chung cư ở trọ, vẫn thắp hương cho mẹ đêm đêm trong một cái ống bơ đựng gạo tẻ để mẹ về có hạt gạo mà ăn. Cô Hoa Huệ chèo thuyền ngưng kể, giục hai lữ khách mặc áo mưa cho đỡ rét.

Rét, nước suối càng trong, mà chuyện trên thuyền lại thấy nước mắt người chảy xuống. Đục.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận