Một mình ngành y tế thì khó lắm 

LAN ANH THỰC HIỆN 20/09/2017 02:09 GMT+7

TTCT - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết ngành y tế đã nỗ lực tìm giải pháp cho chuyện nằm ghép, nhưng "một mình ngành y tế thì khó lắm.."

 

 

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê nói như vậy với TTCT.

Ông Khuê cho biết ngành y tế đã triển khai hàng loạt giải pháp, một trong số đó là chương trình “bệnh viện (BV) vệ tinh”.

Đến nay, tỉ lệ chuyển tuyến lên T.Ư của bệnh nhân ung bướu ở tỉnh Phú Thọ chỉ còn 1-2%, ở Lâm Đồng nhờ đưa kỹ thuật can thiệp tim mạch về BV tỉnh, bệnh nhân cũng không phải về TP.HCM nữa.

Nhưng hiện vẫn còn một số khoa thuộc năm chuyên ngành quá tải nhất là tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi, mới đây là một số nhóm bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, hô hấp còn nằm ghép nhiều.

“Chúng tôi đã yêu cầu và BV đã cam kết nếu có nằm ghép thì tối đa là 48 giờ kể từ khi bệnh nhân nhập viện, sau đó phải bố trí được giường bệnh cho bệnh nhân”.

Dù đã có nhiều chương trình giảm quá tải như ông nói, nhưng chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới còn thấp, người dân buộc phải vượt tuyến vì họ mong được chẩn đoán và điều trị tốt hơn. Theo ông, làm sao giải quyết tình trạng này?

- Công bằng mà nói thì BV tuyến dưới đã có những nỗ lực nhất định. Hiện nay thông tin nhanh chóng nên người ta có cảm giác nhiều tai biến y khoa, đặc biệt là ở các BV tuyến dưới, điều đó làm người bệnh e ngại. Nhưng tai biến y khoa rất hi hữu và không ai mong muốn.

Còn về năng lực cung cấp dịch vụ thì như tôi nói ở trên, các BV tuyến cơ sở đã rất nỗ lực để thay đổi. Nhưng cái khó là có những BV huyện vài năm mới tuyển được một bác sĩ (BS), BS hệ chính quy thì càng ít về huyện, vậy thì huyện phải có những ưu đãi cho họ về tiền lương, về chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân lực.

Gần đây chúng tôi về một BV huyện ở Thanh Hóa, ông giám đốc BV kêu chỗ này chỗ kia xuống cấp quá mà không có tiền để sửa chữa, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm và một doanh nghiệp đã hỗ trợ BV 1 tỉ đồng để sửa. Vấn đề là BV phải năng động.

Tỉnh, huyện phải có chính sách thu hút BS giỏi, cộng với các chương trình đào tạo của Bộ Y tế, các thầy ở BV Việt Đức, Bạch Mai xuống “cầm tay chỉ việc”, phải có thiết bị, có nhân lực thì mới nâng chất lượng dịch vụ y tế một cách toàn diện được.

Chúng ta phải hiểu là BV tỉnh, huyện là nơi gần gũi với người dân nhất, người dân ốm đau thì ở đó chữa bệnh nhiều chứ không phải có nhiều người có điều kiện để lên tới tuyến T.Ư.

Gần đây khi đi khảo sát ở các BV, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân vượt tuyến vì chẩn đoán ở BV huyện khác hẳn với tuyến T.Ư, họ phải lặn lội đi xa để khám, chữa bệnh.

Ông nói chất lượng dịch vụ tuyến cơ sở có cải tiến, nhưng dường như cải tiến chưa nhiều. Đó có phải là nguyên nhân khiến người bệnh buộc phải lên BV T.Ư không, thưa ông?

- Chất lượng dịch vụ có cải tiến, nhưng đáp ứng sự hài lòng và mong đợi của người dân thì nói thật là chưa được.

Muốn đáp ứng mong đợi ấy, phải làm thêm nhiều về đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế, về phân bố BS có năng lực. Như tôi đã nói ở trên, địa phương cũng phải có chính sách thu hút BS giỏi về làm việc.

Các BS có điểm thi đầu vào rất cao, học tập vất vả, khi tốt nghiệp họ cũng có nhu cầu ở lại các BV lớn làm việc, như vậy sẽ thuận lợi về nhiều thứ, nguyện vọng ấy là chính đáng. Nhưng để có BS phục vụ người dân ở địa phương mình, địa phương phải vào cuộc cùng ngành y tế, có đãi ngộ thu hút BS, có hỗ trợ để BS được đi học thêm...

Với tình hình “cải tiến nhưng chưa được nhiều” như thế này, bao giờ các ông sẽ thực hiện được mục tiêu không còn người bệnh phải nằm ghép, chờ đợi khám chữa bệnh quá lâu và dẫn đến những hệ lụy kiểu như phải “phong bì” để được ưu tiên khi khám chữa bệnh ở BV công?

- Nếu tính theo số giường thực kê thì hiện bình quân đã đạt 32,7 giường bệnh/vạn dân. Những BV trước đây vốn quá tải triền miên như Nội tiết T.Ư, Nhi T.Ư... đã không còn bệnh nhân phải nằm ghép.

Hiện chỉ còn một số khoa của BV Bạch Mai, BV Ung bướu TP.HCM và một số BV tuyến cuối ở TP.HCM người bệnh đang phải nằm ghép.

Yêu cầu của Thủ tướng là tới năm 2020 phải chấm dứt nằm ghép. Muốn được như vậy thì phải nỗ lực rất nhiều.

Sắp tới, ngoài cơ sở 2 của BV Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy mỗi BV 1.000 giường, còn có cơ sở 2 của BV Bệnh nhiệt đới T.Ư 500 giường, BV Nhi Đồng TP.HCM, một BV chuyên khoa chấn thương chỉnh hình ở Cần Thơ, một BV Nội tiết ở TP.HCM.

Bên cạnh đó có những giải pháp ngắn hạn trước mắt và có cả biện pháp dài hạn là khám sức khỏe thường kỳ cho người dân để dự phòng, phát hiện bệnh sớm.

Vậy ông có cam kết đến năm 2020 là chấm dứt nằm ghép?

- Chúng tôi đang nỗ lực để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, có mục tiêu rồi thì phải nỗ lực để thực hiện thôi, nhưng muốn thực hiện được thì cần sự vào cuộc của cả địa phương và các ngành, một mình ngành y tế thì khó lắm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận