Một ngày đàng, được một sàng mèo chó

SÁNG ÁNH 15/12/2019 17:12 GMT+7

TTCT - Hẳn là nơi nào đối xử tốt với thú vật cũng sẽ không đối xử xấu với con người, và ắt là nơi dễ sống. Các con vật ấy không cần phải là thú cưng của phu nhân nào phú quý, mà là của chung của một xã hội biết thương yêu và chăm sóc.

Bên trong cửa tiệm mèo ở Thượng Hải. Ảnh: Sáng Ánh
Bên trong cửa tiệm mèo ở Thượng Hải. Ảnh: Sáng Ánh

Cửa tiệm nằm ngay trung tâm Thượng Hải, Hoàng Phố dập dìu, nhưng kín đáo trên lầu trong một khu mua sắm cũ đang vào thời thay đổi diện mạo, tầng trệt là những shop làm móng tay, trang điểm cô dâu, sửa chữa và bán vỏ điện thoại di động. Trên lầu giá thuê rẻ hơn. Cửa tiệm khoảng 80m2, trang trí mới, toàn mèo và cũng không phải để bán, mà để chơi với chúng.

Mua vui bên trong cửa tiệm

Dĩ nhiên là chơi phải trả tiền vào cửa, và cửa hàng kiếm lời trên bánh kẹo và thức ăn khách mua cho mèo.

Ngôi sao của cửa tiệm là một con mèo không lông (sphynx). Đây là một loại mèo “nhân tạo”, gây giống từ những trường hợp rất hiếm vì đột biến gen tình cờ và bắt đầu có bán trong thập niên 1960. Ở Mỹ, loại mèo này có giá trung bình 1.500-3.000 USD nhưng chăm sóc tốn kém hơn mèo thường, phải cho chúng mặc áo vì chúng dễ bị lạnh.

Nhưng vì không có lông nên da chúng rất ấm khi vuốt ve. Màu da loại mèo này cùng màu với màu lông mà nó không có, nên có mèo không lông màu tam thể, mèo không lông đốm, mèo không lông vằn vện… So với mèo long nhong, mèo thường, giá chỉ vài ba chục USD, hay cho không nửa tá mà chẳng ai chịu nhận, giá mèo này cao. Nhưng so với mèo giống Xiêm thì cũng không đắt (500-1.000 USD) hoặc với mèo Ba Tư (2.000-5.000 USD) lại càng bèo.

Mèo sphynx rất thân thiện với người lạ vì thích được vuốt ve do cần hơi ấm, tức là dễ tính hơn các loại mèo thông thường không thích bị quấy nhiễu.

Ảnh: Sáng Ánh
Ảnh: Sáng Ánh

Cửa tiệm này có đến 15 - 20 con mèo đủ loại, từ hiếm đến thông thường. 2 giờ trưa, cửa tiệm thường rất vắng, hẳn là cuối tuần mới đông khách.

Tại Philippines, tôi từng thấy một cửa tiệm tương tự ở Quezon City, trên phố ăn chơi Maginghawa của sinh viên gần Đại học UP Diliman. Đây là một khu tương tự như Hoàng Phố, có nhiều khách vãng lai và người qua lại, nhiều chỗ ăn uống nhưng ít cửa hàng mua sắm. Cửa tiệm này chuyên trị chó, có 5-7 con đều thuộc loại chó tây, chó giống đắt tiền và là những giống chó dễ thân: Labrador, Golden Retriever hiền lành, không phải loại chó biệt kích săn đuổi ISIS hay chó giữ nhà gầm gừ. Chúng được bày một chỗ cách ly, khi nào có khách chọn để chơi thì mới được ra khu vực ngoài, mỗi con có một nhân viên theo để canh chừng, tốn nhân công hơn là tiệm mèo nói trên, nơi cả tiệm chỉ cần có một kẻ thu tiền.

Cửa tiệm chó có thêm thu nhập từ tiền nước của khách, với khu vực bán cà phê để phụ huynh giải khát trong khi con em chơi với lũ chó. Mô hình kinh doanh này có lẽ khấm khá hơn, mỗi bận đi ngang tôi đều thấy có người, đông hơn các hàng nước bên cạnh, boba sinh tố hay là cà phê espresso với lại ristretto.

Hai quán chó mèo trên đều nằm tại hai thành phố vốn rất ít thấy vật nuôi trong nhà, nên phải trả tiền mới được vuốt ve lũ chó mèo ấy. Nó là mô hình kinh doanh có ích cho xã hội, bởi giúp khách bớt trầm cảm.

Những bức họa tươi vui về mèo để thu hút khách vào tiệm. Ảnh: Sáng Ánh
Những bức họa tươi vui về mèo để thu hút khách vào tiệm. Ảnh: Sáng Ánh

Không cần cửa tiệm

Ngược lại, như ở Thổ Nhĩ Kỹ, chó và mèo hoang đầy đường phố, nhởn nhơ sống tự do. Chẳng ai kiếm được tiền nhờ chúng cả, trái lại, cộng đồng địa phương kẻ ít người nhiều phải góp của góp công cho chúng ăn, một kiểu chó mà cả xã cả phường nuôi chung. Dĩ nhiên chúng không phải là những giống chó quý hiếm kiểu cọ, nhưng chẳng thuộc về ai và vì vậy rất thân thiện với mọi người. Chúng được chính quyền thành phố hay địa phương chích ngừa cẩn thận mặc dù tất cả chúng đều lông bông, chỉ được đánh dấu bởi một miếng nhựa đính vào tai.

Vì khí hậu Thổ Nhĩ Kỳ có mùa lạnh nên các cửa hàng có khi làm nhà cho mèo ngay trước cửa, có khi do thị xã xây dựng hay tư nhân tự làm, vì vậy có cái nhà xấu, lại có cái đẹp long lanh. Tôi chưa thấy cửa hàng Louis Vuitton hay Gucci làm một nhà trú mưa LV hay GG cho mèo, nhưng từng thấy một chuỗi cửa hàng mỹ phẩm dạng trung lưu, kiểu như Hãng Sephora, mỗi cửa tiệm bên ngoài đều có một nhà trú cho mèo cùng một mẫu.

Ở khu bình dân, người dân trong phố lấy thùng xốp ra để trước chung cư, nhà riêng để các chú tránh gió mưa. Đâu đâu cũng thấy nước uống sạch và thức ăn công nghiệp đặt ở vỉa hè cho mèo và chó. Tất cả đều là việc làm tự nguyện của mọi người. Công viên có nơi cũng làm nhà trú cho chó mèo và các con thú khác.

Những con chó tại Thổ Nhĩ Kỳ hay tụ họp ở lối vào các chung cư để tránh lạnh. Vào giờ mở cửa, chúng nằm xung quanh các cửa hàng ăn vì dư thừa thực phẩm, trước các cửa hàng mua sắm, thậm chí nằm điềm nhiên giữa lối đi ngay bên trong cho ấm. Người đi qua ai cũng bước tránh, không thấy ai đá cho một cái nên thân. Nhân viên cửa hàng không ai nghĩ đến việc đuổi chó ra. Đây có lẽ là một đặc điểm của một quốc gia theo Hồi giáo nhưng chế độ thế tục, vì chó cũng như heo, vốn bị Hồi giáo coi là vật “bẩn” và kiêng kị lại gần.

Tại một chung cư vùng biển mà tôi có ngụ, lối vào các cầu thang không có cửa, người ta để thức ăn và nước uống cho chó mèo hoang ăn ở tận bên trong hành lang để chúng tránh gió mưa, mặc dù như thế phải thường xuyên quét dọn, nhưng chẳng thấy ai than phiền. Trên phố, nếu muốn được vuốt ve, chó mèo hoang chỉ cần lảng vảng các bến xe công cộng vì ở đó khách đợi xe rỗi rãi thế nào cũng có người vỗ về cho mấy cái và hỏi thăm nó dăm ba câu chuyện, trong khi ở vỉa hè người qua lại ít khi nào nấn ná dừng chân.

Thư thái ngủ ngay trước cửa tiệm, khách vào phải bước tránh. (Ánh; Sáng Ánh)

Lòng tốt của bình dân

Thái Lan là một trường hợp tương tự. Ở xứ sở theo đạo Phật này, chó mèo hoang rất nhiều, trước cửa hàng tạp hóa nào cũng thấy dăm ba con nằm cả ngày. Giống như tại Thổ, người dân để nước sạch cho chúng uống và cả thức ăn công nghiệp. Các chú chó ít khi di chuyển, thường tụ họp thành bầy ở một giang sơn nhất định. Nhiều người, chắc là làm ở các tiệm ăn, về đêm vẫn chở cơm thừa đến cho chúng. Nghe tiếng xe máy là chúng hớn hở chạy ra đón, nhiều khi nhầm, cả tốp tẽn tò trở về chỗ cũ nằm tiếp!

Tôi chưa từng thấy ai đi xe hơi lịch sự mà mang thức ăn đi nuôi chó ngoài đường, chỉ thấy toàn là đàn ông hay phụ nữ lam lũ hôi mùi lao động. Giống loài mũi thính và hiểu đời hiểu người này, tôi nghĩ, hẳn biết phân biệt cô nào xức nước hoa mang mùi Chanel, Dior thì đừng có lại gần ve vẩy đuôi mà phí công. Lại gần đám này là chuyện của bọn đàn ông - bọn người, ta là loài chó, chỉ nên theo đuổi các chị mùi dầu mỡ.

Ở Thái, khách vào ra cửa hàng 7-Eleven, Family Mart nếu hứng thì mua món thức ăn cho chó, thậm chí mua thức ăn cho người mà đem ra đãi đằng chúng. Lũ chó đứng dậy đón chào những vị khách quen, khách mới như tôi bị chúng ngước mắt dò xét như nhắc một câu “chó này còn nằm đây nhe!”. Các xe hàng rong lưu động khi dừng lại thường có chó đến bám chung quanh. Người mua hàng, toàn dân lao động thu nhập thấp, bao giờ cũng mua phần họ ăn và mua phần riêng cho chó. Lũ chó tuy hoang, nhưng cũng là thân quen với họ vì sống quanh quẩn ở đó cả ngày.

Tôi có bận chứng kiến một cô hành nghề matxa, cả ngày ngồi đợi khách, lúc xe hàng rong ghé đến, cô mua cơm cho cô và hỏi ý chó mua món riêng nào cho nó. “Mày muốn ăn cái này hay cái này?” - cô chỉ trỏ. Cô đoán sai ý nó, mua riêng một gói đưa cho nó nhưng nó lại chê, ngửi ngửi và quay lưng. Nhưng cô chỉ mắng yêu: “Sao mày khó tính quá, đúng là đồ chó!”. Nhưng trước các cửa hàng cao cấp, như La Baguette ở Pattaya, bán bánh sừng bò 2-3 USD một cái rất ngon, lũ chó biết thân biết phận không hề lởn vởn.

Về việc chích ngừa, tôi thấy xe của chính quyền đến một buổi sáng, mang cây thòng lọng bắt chó, chích xong lại thả ra. Nhưng nhiều con không thích chích choác, lẻn đi trốn trong bụi đâu đó. Tôi cũng ngạc nhiên vì không thấy phân chó đầy đường, dẫu lũ chó hoang nhởn nhơ khắp chốn mỗi ngày, hẳn là có ai kiên nhẫn bao dung thu dọn không chừng.

Tại Malaysia, chó hoang rất ít, hẳn là vì đa số người dân ở đây theo Hồi giáo, thường chỉ thấy chó nuôi trong nhà ở các hộ gốc Hoa. Nhưng mèo hoang có nhiều, được mọi người để ý và chăm sóc. Có sống thì có chết, đôi bận, tôi thấy xác mèo hoang nằm trên vỉa hè. Người ta đặt 2-3 cây nến chung quanh xác mèo cùng đĩa đồ ăn cúng và mấy bông hoa! Một ngày sau thấy có thêm hoa mới! Tôi hỏi các bạn người Mã Lai về tập tục này thì họ bảo không biết, chắc là một tập tục của đạo nào đó, từ những người gốc Ấn Độ.

Dưới thời Quốc xã ở Đức, nhà văn Thomas Mann có câu nổi tiếng là nơi nào đốt sách rồi cũng sẽ đốt cả người. Tôi thì nghĩ nơi nào đối xử tốt với thú vật chẳng lẽ lại đối xử xấu với người sao, và ắt là nơi dễ sống. Chúng không cần phải là chó kiểng của phu nhân nào phú quý, mà là của chung của một xã hội biết thương yêu và chăm sóc. Kiếp sau, nếu đầu thai làm chó mèo, tôi sẽ là chó mèo ở Thổ Nhĩ Kỳ béo bở hay ở Thái, để được các cô gái vừa xoa đầu vừa đưa đồ ăn đến miệng. Đến khi chết tôi sẽ sang Mã Lai, được người Ấn Độ cúng, cầu cho tôi kiếp sau (nữa) không phải làm người.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận