TTCT - Chuông reo. Tôi chạy qua những dãy lầu để đến bãi giữ xe. Trời nắng gắt! Cái nắng như thiêu rụi cả mặt đất. Xui xẻo hôm nay tôi lại để quên áo khoác.

Phóng to
Ảnh: Salem

Vội vã chạy lại chiếc xe đạp điện, tôi tìm chìa khóa để khởi động xe. Đâu rồi nhỉ? Tôi cuống lên lục lọi khắp cặp, hoảng hốt khi chẳng tìm thấy chiếc chìa khóa. Tôi chạy lên lớp tìm trong hộc bàn. Trống rỗng! Tôi lại chạy xuống phòng giám thị hỏi xem có ai nhặt được rồi trả lại không. Không! Không có chìa khóa đồng nghĩa với việc đạp xe về. Chả ai đi xe đạp điện mà lại thích đạp xe cả. Bạn thử tưởng tượng cả đống sắt buộc vào chân của mình rồi chạy thử xem, khi ấy bạn sẽ hiểu được cảm giác đạp xe không có điện là như thế nào.

Trời nắng như đổ lửa, không áo khoác, không có điện, không còn sức. Lớp học buổi chiều bắt đầu lúc 1g30, bây giờ đã gần 12g. Đạp xe về nhà cũng mất mười lăm phút. Cái bụng đã bắt đầu đánh trống. Thôi đành vậy, hôm nay là ngày xui xẻo! Tôi uể oải dắt con chiến mã của mình ra. Nắng gì mà gắt thế! Vừa đẩy xe vừa bực bội, tôi đụng mũi xe vào chân người bảo vệ.

Tôi khó chịu ngước lên, bắt gặp một nét mặt rất ư là thản nhiên. Rồi bất ngờ, bàn tay bác rút ra khỏi túi kèm theo chìa khóa. Nó đây này. Té ra là có người giấu chìa khóa của mình. Sao ông lại làm vậy? Tưởng tượng đến gương mặt của ông hả hê lúc thấy mình chạy như con rối để tìm chìa khóa, bao nhiêu máu nóng dồn hết lên mặt tôi. Tôi giận. Tôi giật mạnh chiếc chìa khóa trên tay ông. Ông vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt thản nhiên và nói:

- Về nhanh đi cháu, kẻo nắng!

Tôi chẳng nói lời nào, phóng vèo về nhà.

Chiều, vừa vào trường, tôi vừa suy gẫm lại chuyện hồi trưa. Trưa nay, tôi nóng tính và cư xử như một đứa con nít cấp I. Thế tại sao bác bảo vệ không bực bội hay khó chịu trước hành động giật lại chiếc chìa khóa của mình? Nó rất xấc xược cơ mà? Nếu như bác ấy định giấu thì tại sao lại đem trả mình? Hàng loạt câu hỏi quay mòng trong đầu tôi. Cuối cùng, tôi cũng đoán được câu trả lời. Có lẽ ông ấy muốn tôi tự phạt mình vì tội vô ý. Ông muốn tôi phải cẩn thận hơn. Tôi bắt đầu hối hận. Tôi nợ bác bảo vệ những hai câu nói - một lời xin lỗi và một lời cảm ơn.

“Reng...”, chuông tan lớp vang. Bãi giữ xe đông nghẹt. Dắt xe gần ra đến cổng, tôi gặp bác bảo vệ đang lom khom dời những chiếc xe khác. Bất chợt, một chiếc xe nghiêng, ông với người giữ lại nhưng mất đà và ngã. Tôi bỏ chiếc xe trên đất, chạy đến đỡ ông. Những vết nhăn trên khuôn mặt ông biến mất, để lại một nụ cười nhân hậu. Tôi cũng cười với ông. Ông nói:

- Con không sợ mất chiếc chìa khóa thêm lần nữa à?

Ánh mắt ấm áp khiến tôi phút chốc hiểu được ông là một người khoan dung. Ông đã “để gió cuốn đi” những hành động đáng xấu hổ của tôi hồi trưa.

Gạo quê

Lên thành phố đi học đã được ba năm rồi mà lần nào về quê cũng vậy, mỗi lần đi là tôi nằng nặc bắt mẹ bỏ cho mình một bao gạo nhỏ vào giỏ đồ đạc đã rất nặng rồi. Con nhỏ út càu nhàu: “Ở thành phố thiếu gì gạo mà lúc nào về chị cũng xách cho nặng”. Tôi cười bảo: “Gạo họ bán khó ăn lắm, nó dẻo dẻo sao đó, chị ăn không quen miệng”.

Nhà tôi cách trường học khoảng trăm cây số, so với các bạn trong lớp thì cũng còn gần. Mỗi tháng tôi về một lần, mẹ hiểu tâm lý nên lúc nào cũng để sẵn một bao con con để tôi mang đi.

Cuộc sống sinh viên, vừa học vừa làm thêm nên tôi cũng ít nấu cơm, chủ yếu là ăn cơm bụi. Chỉ những khi trời mưa không tiện ra ngoài ăn mới thổi gạo lên ăn với trứng gà. Ngồi nhai từng hạt cơm trong miệng, ngon sao cái thứ gạo quê mà ít còn ai ăn nữa.

Năm nay trời bão, ở quê mất mùa. Về quê đi trên cánh đồng với những bông lúa nằm oằn mình trong gió. Khóe mắt cay cay.

TTCT cảm ơn các bạn: Nguyễn Hoàng Yến Trinh, Hoàng Xuân Vinh, Thành Giang, Luca, Thanh Thanh... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận