Một thời với Tuổi Trẻ

NGUYỆT CẦM THỰC HIỆN 04/09/2011 00:09 GMT+7

TTCT - Nhà thơ Nguyễn Duy có lẽ là một trong những cộng tác viên “thâm niên” nhất của Tuổi Trẻ, gắn bó với tờ báo Ðoàn từ năm đầu tiên cho đến hôm nay.

LTS: Kỷ niệm ngày Tuổi Trẻ 36 tuổi (2-9-1975 - 2-9-2011), trang Bạn đọc của TTCT số này xin trích đăng những nhận xét chân tình và cả gửi gắm của những độc giả gắn bó với tờ báo như một sự tri ân.

Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông, đã quen thuộc với bạn đọc cả nước, được in lần đầu tiên trên Tuổi Trẻ. Ông viết cho hầu hết các mặt báo của Tuổi Trẻ: báo ngày, báo tuần và cả báo cười với nhiều bài báo để đời, như bài “Hành trình thơ Ðánh thức tiềm lực” trên Tuổi Trẻ Xuân 2006. Nhà thơ Nguyễn Duy còn đọc khá kỹ Tuổi Trẻ, thỉnh thoảng ông có những nhận xét, góp ý với những người làm báo vốn là thân hữu gần gũi với ông.

Phóng to
Tuổi Trẻ vẫn luôn đồng hành với xã hội, thở hơi thở nóng hổi của thời đại - Ảnh: Minh Đức

Gặp Nguyễn Duy vào những ngày Tuổi Trẻ sắp bước sang tuổi 36, chúng tôi hỏi chuyện ông về tờ báo.

* Là người cộng tác lâu năm với hầu hết các ấn phẩm của Tuổi Trẻ, ông có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông với tờ báo, chuyện viết lách cũng như chuyện phía sau trang viết?

- Ðến với báo Tuổi Trẻ từ cuối năm 1975, lúc tòa soạn còn ở 55 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) rồi “chơi” với Tuổi Trẻ liền tù tì cho tới bây giờ, tôi luôn gần gũi và có nhiều kỷ niệm nhớ đời với tờ báo. Bài thơ đầu tiên tôi viết ở Nam bộ, bài Ông già Hậu Giang, giọng ngang ngang tàng tàng hơi bị khó in lúc đó, đã được in lần đầu trên Tuổi Trẻ năm 1977.

Bài thơ dài Ðánh thức tiềm lực (1980-1982) thuộc loại “có vấn đề” hồi bấy giờ, báo nào cũng từ chối, Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần) “chịu chơi” đăng toàn văn (1986), từ đó mới được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước. Thật tức cười, tôi còn giữ chuyên mục “Thơ Tức Khí” (bút danh Thi Sĩ Ủa) cho Tuổi Trẻ Cười một dạo khi ấn phẩm này mới ra lò...

Bài của tôi và bài viết về tôi cứ thấp thoáng trên Tuổi Trẻ suốt hơn 30 năm qua, không chỉ đơn thuần là do quan hệ cộng tác mà sâu và bền hơn là do quan hệ sống, do mối tâm giao tri kỷ với những người bạn cụ thể làm nên tờ báo này.

Nhớ một thời hậu chiến gian khổ, bạn bè bên Tuổi Trẻ thường ghé tôi nhâm nhi vốt-ka-thuốc-rầy, cô-nhắc-mía, uýt-ki-cồn-công-nghiệp/nhấm nháp vị đời muối ớt với ổi xanh/uống rượu suông là tự nhắm thịt mình... (*). Nhớ một thời cùng anh em lăn lộn với phong trào thanh niên xung phong, với mặt trận biên giới... Rồi hừng hực khí thế đổi mới...

Tuổi Trẻ đồng hành với đời sống xã hội, thở hơi thở nóng hổi của thời đại, dần dần chiếm lĩnh được lòng tin của công chúng bạn đọc, tự vượt thoát cái ranh giới “địa phương của địa phương” để trở thành một tờ báo chung của cả nước, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân.

Tôi còn nhớ những ngày ấy Tuổi Trẻ gần như là tờ báo không thể thiếu vào mỗi buổi sáng đầu ngày của mình. Không riêng gì tôi, nhiều bạn hữu - trong và ngoài giới cầm bút - đều yêu thích Tuổi Trẻ.

* Nhiều năm đọc Tuổi Trẻ, những gì còn đọng lại trong ông về tờ báo? Nếu phải góp ý một cách thẳng thắn nhất, ông sẽ nói gì với những người làm báo?

- Theo tôi, thời “hùng mạnh” của Tuổi Trẻ là thập niên 1980 và 1990 - phải chăng đó là thời tuổi trẻ của Tuổi Trẻ. Ðầu thế kỷ mới này, nhất là từ khi bước sang tuổi 30, hình như Tuổi Trẻ “yếu” dần, bạn đọc tuy còn đông nhưng lòng không mặn nồng được như trước.

Do đuối tay chèo lái hay do “biến đổi khí hậu”? Dù do đâu thì tôi vẫn kỳ vọng Tuổi Trẻ vượt thoát được hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục “hùng mạnh”, bởi sức khỏe của Tuổi Trẻ rất liên quan với sức khỏe cộng đồng.

Ðó cũng là lời chúc chân thành của tôi nhân sinh nhật thứ 36 của báo Tuổi Trẻ.

* Xin cảm ơn ông.

__________

(*) Thơ Nguyễn Duy - Mười năm bấm đốt ngón tay

Tôi viết nó khi vừa từ bỏ công việc đầu tiên ngày mới tốt nghiệp, và lòng đang trăm nỗi hoang mang trước một tương lai nhiều dấu hỏi. Nhà văn N.Đ.T. - một người mà tôi rất hâm mộ - đã giới thiệu truyện ngắn này trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần (TTCT), hình như là số tháng 4-2011.

Tôi còn nhớ sau khi đăng truyện ngắn này, anh N.Đ.T. có chuyển lời của ban biên tập sẵn sàng nhận tôi về tập sự tại Tuổi Trẻ. Tôi hiểu trao cho tôi lời đề nghị này như các anh đã từng tạo cơ hội cho những số phận kém may mắn khác, như đã trao sân chơi hay bệ phóng cho rất nhiều tài năng khác.

Rất tiếc lúc đó tôi đã sẵn sàng cho một thử thách mới... Nhưng tôi luôn hàm ơn lời đề nghị ấy, vì ở tuổi hai mươi với rất nhiều khó khăn và âu lo, ít nhất nó tiếp cho tôi thêm niềm tin vào chính bản thân cũng như về những người sống quanh mình, để luôn cố gắng, cố gắng không bao giờ chùn bước...

Rồi tôi rẽ sang một con đường khác, không trở thành nhà báo như tôi từng mơ ước và lựa chọn. Tôi cũng không đeo đuổi nghề viết để có thể sống trọn vẹn với niềm đam mê hay để thấy tên mình hiện hữu thường xuyên trên mặt báo.

Tôi viết rất ít, thi thoảng có những trải nghiệm muốn sẻ chia, tôi lại viết lăn tăn cho TTCT. Hiếm hoi, tôi cũng có truyện ngắn đăng trên Tuổi Trẻ chủ nhật và TTCT. Những lúc như thế, niềm vui của tôi là nhận tin nhắn, điện thoại của bạn bè, đặc biệt là nhiều bạn bè đã lâu không liên lạc, tình cờ đọc thấy bài viết của tôi và liên lạc trở lại để hỏi thăm.

Bây giờ có Facebook, blog để giúp tôi dễ dàng thông báo “tình trạng” (status) đến bạn bè mình, nhưng không phải tất cả bạn bè ngày xưa và bây giờ của tôi đều có thể gặp nhau ở đấy. Có điều tôi biết chắc chắn rằng bạn bè mình đều đọc Tuổi Trẻ mỗi ngày, và Tuổi Trẻ cũng cho những người như tôi những “mảnh vườn xinh xinh” trên trang báo của mình để trải lòng, để sẻ chia và kết nối.

Tôi tin rằng nhiều người cũng giống như tôi, mong Tuổi Trẻ luôn giữ cho chúng tôi chiếc cầu nối này, dù bao nhiêu tuổi...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận