Mười năm của điện ảnh: Không hề nghĩ tới, mà vẫn khó quên

NHAM HOA 03/01/2020 03:01 GMT+7

TTCT - Mười năm không phải là quãng thời gian quá dài với một đời người, càng không phải là dài với một ngành công nghiệp như điện ảnh. Nhưng điện ảnh mười năm qua quả thật đã rất nhiều vật đổi sao dời, cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam.

Thập kỷ 2010 bắt đầu với Ironman 2
Thập kỷ 2010 bắt đầu với Ironman 2

Siêu anh hùng giành ngôi bá chủ

Thành công của X-men (2000) hay Spider-Man (2002) sớm báo hiệu một tương lai huy hoàng cho dòng phim siêu anh hùng. Nhưng phải tới khi Disney mua lại Marvel Studios cuối 2009 thì điện ảnh-comic mới thật sự lên ngôi.

Sau một thập kỷ, Disney đã gây dựng nên một vũ trụ điện ảnh Marvel rộng lớn với 23 phim chiếu rạp và tổng doanh thu 22,6 tỉ USD, chưa kể các TV series. Có thể nói, quãng đời niên thiếu của một đứa trẻ sinh năm 2000 bắt đầu cùng Ironman (2008) và kết thúc ở Avengers: Endgame (2019).

Dù muộn màng hơn và kém thành công hơn, DC cũng đã kịp tạo ra một vũ trụ của riêng mình với bảy bộ phim. Bên cạnh 30 gã khổng lồ này, những bộ phim khác, kể cả Hollywood chứ chưa nói tới các nền điện ảnh khác, như những cậu bé tí hon nếu xét về kinh phí, doanh thu lẫn độ phủ sóng truyền thông.

Có thể nói, 10 năm qua điện ảnh thế giới đã sống dưới cái bóng của comic, dù muốn hay không. Chính sự thống trị tuyệt đối ấy đã làm một gương mặt lão làng như Martin Scorsese phải chán ghét thốt lên rằng đấy không phải là điện ảnh, mà là một thứ theme-park. Và dĩ nhiên, sẽ có rất rất nhiều người không đồng ý với ông.

 

Streaming lên ngôi

Với sự bùng nổ của Internet băng thông rộng, DVD, thậm chí cả Bluray, đã thành quá khứ, xem phim online đã thành xu thế. Năm 2007, Netflix bắt đầu thử nghiệm dịch vụ streaming và sau mười năm có 120 triệu người dùng tại hơn 180 quốc gia (trừ Trung Quốc).

Những ông lớn trong làng công nghệ cũng đều có dịch vụ streaming của riêng mình: từ Apple iTunes của Apple đến Google Play Movies & TV và Amazon Prime Video. Không chỉ hấp dẫn những đại gia, thị trường streaming còn thu hút những công ty nhỏ hơn với thế mạnh là nội dung nội địa, như Fim+, iflix hay FPT Play tại Việt Nam.

Những con cá mập của làng streaming như Netflix không dừng lại ở chỗ chiếu phim của người khác, họ còn tự sản xuất nội dung và đã trở thành những thế lực thực sự, cạnh tranh quyết liệt với các studio truyền thống. Dù chỉ mới sản xuất original series đầu tiên (House of Cards) năm 2013, đến 2018 ước tính trên Netflix đã có 700 series tự sản xuất thuộc đủ thể loại, trong đó khoảng 80 series bản địa (không nói tiếng Anh). Chỉ riêng 2019, Netflix ra mắt 73 phim truyện - gấp bốn lần con số cùng kỳ của Warner Bros.

Truyền hình và điện ảnh giao thoa

Một lần nữa, công nghệ lại đóng vai trò then chốt trong xu thế này. Trước đây, khi tivi chỉ có kích thước 14 inch và phân giải SD, trải nghiệm khi xem phim tại nhà và ngoài rạp khác nhau một trời một vực. Ngày nay, khi màn hình tivi ngày càng lớn và phân giải 4K đã thành chuẩn mực, khi máy chiếu và rạp hát tại gia không còn đắt đỏ, khoảng cách giữa truyền hình và điện ảnh đang được rút ngắn đáng kể.

Nhà sản xuất sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn cho phim truyền hình. Mười năm bá chủ của series Game of Thrones là minh chứng rõ nét nhất, khi mỗi tập phim được đầu tư 10 triệu USD - con số mà các bộ phim độc lập phải mơ ước.

Không dừng ở kinh phí hay trải nghiệm thị giác, chất điện ảnh trong phim truyền hình ngày càng đậm nét, đến mức nếu ngẫu nhiên mở tivi, ta khó mà đoán được mình đang xem là phim chiếu rạp nay được phát trên truyền hình hay là phim truyền hình thực sự. Đã có những bộ phim giành Oscar mà chỉ được phát hành hạn chế ngoài rạp, còn đa số khán giả đều xem qua tivi như Roma của Netflix hồi năm ngoái, và có thể là The Irishman của năm nay.

The Irishman với các diễn viên gạo cội xuất hiện trên Netflix thay vì ngoài rạp.
The Irishman với các diễn viên gạo cội xuất hiện trên Netflix thay vì ngoài rạp.

Tương lai nào cho phim độc lập?

Khi nhìn lại một thập kỷ vừa qua, đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Năm 2009, Canon ra mắt 5D mark II, chiếc máy ảnh full-frame có tính năng quay phim đầu tiên. Chưa bao giờ giấc mơ điện ảnh lại trở nên gần gũi với các đạo diễn indie cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh phí như thế (năm 2012, Dành cho tháng sáu, phim indie đầu tiên quay bằng 5D mark II của Việt Nam, ra mắt khán giả).

Cùng với phần cứng giá phải chăng là những phần mềm như Adobe Premiere Pro hay Final Cut Pro, cho phép các nhà làm phim xử lý hậu kỳ với chi phí tối thiểu. Giải Oscar của Moonlight (2017) cũng là niềm hi vọng cho giới làm phim độc lập, bởi nó chứng tỏ thành công không phải là bất khả với ngân sách khiêm tốn 1,5 triệu USD (chưa bằng 30 giây quảng cáo trong lễ trao giải của Viện hàn lâm).

Dẫu công nghệ cho phép điện ảnh độc lập bảo lưu tiếng nói của mình, tiếng nói của phim thương mại, nhất là những bom tấn, lại rền vang hơn bao giờ hết, lấn át không thương tiếc những giọng nói nhỏ bé hơn. Trong khi số phòng chiếu ở Việt Nam tăng từ gần 100 năm 2009 lên hơn 900 sau 10 năm, tiền đề để lần lượt Captain Marvel rồi Avengers: Endgame lập kỷ lục phòng vé, thì rạp phim nghệ thuật duy nhất ở Hà Nội, Cinematheque, đã nói lời vĩnh biệt với người yêu điện ảnh năm 2016, sau 12 năm hoạt động.

Cinematheque nay chỉ còn là hoài niệm (Ảnh: Nam Trần)

Trong một diễn biến khác, công nghệ (vâng, lại là công nghệ) streaming đã mang lại cho phim độc lập một cơ hội chưa từng có. Trước giờ, đến được với khán giả luôn là cuộc chiến tuyệt vọng của phim độc lập, nhưng streaming đã khiến điều đó trở thành đơn giản. Nhờ Netflix, một bộ phim hoạt hình kiểu I Lost My Body trước đây chỉ có thể công chiếu ở các liên hoan phim như Annecy, nay có thể đến với hàng triệu người xem sau chỉ một ngày.

Và một lục địa đã nổi lên từ đáy biển. Hình ảnh này có lẽ là ẩn dụ thích hợp nhất để miêu tả sự trỗi dậy của thị trường Trung Quốc đại lục mười năm qua. Từ chỗ đứng thứ tám thế giới năm 2007 về quy mô thị trường, Trung Quốc chỉ mất 5 năm để vượt mặt Nhật, chiếm vị trí thứ hai. Với doanh thu 10 tỉ USD năm 2019, nước này được dự báo sẽ soán ngôi đầu của Bắc Mỹ chỉ trong vài năm tới. Thực tế ấy ảnh hưởng sâu sắc tới mọi khía cạnh của ngành công nghiệp celluloid - khi Trung Quốc vừa là khán giả vừa là nhà đầu tư, Hollywood không thể không chiều chuộng họ (Xem lại bài chi tiết Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 20-10).

Điện ảnh của mọi nhà

Xét từ góc độ kinh tế, mười năm qua thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ không kém gì Trung Quốc, chỉ là ở quy mô nhỏ hơn. Tốc độ tăng trưởng vũ bão và những kỷ lục doanh thu phòng vé lần lượt bị phá đã nói lên điều đó. 15 năm trước, Cineplex là đặc quyền chỉ của Hà Nội và Sài Gòn, giờ đây người dân các tỉnh cũng có thể thưởng thức điện ảnh với chất lượng không thua gì.

Một điểm độc đáo nữa là sự bùng nổ của mô hình chung cư kết hợp trung tâm thương mại khiến rạp chiếu phim thực sự trở thành một tiện ích tại gia của nhiều gia đình, khi chỉ cần đi xuống tầng dưới là gia chủ đã có thể xem bộ phim mình mong đợi.

Thế nhưng, dẫu điện ảnh đã trở thành một sản phẩm tiêu dùng thường nhật, truyền thông Việt vẫn chưa hình thành được một cơ chế đánh giá chất lượng phim một cách quy củ. Đến giờ, khán giả vẫn chưa biết phải tìm đến đâu để nhận được sự tư vấn đáng tin cậy về chất lượng của một bộ phim. Phê bình điện ảnh phục vụ đại chúng vẫn vắng bóng ở xứ sở này.

Nếu có gì đáng buồn mà cũng thấy hợp lý suốt mười năm qua thì chắc hẳn đó là cái chết của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Nó đặt dấu chấm hết, tuy tàn nhẫn và nhiều khuất tất, cho một nền điện ảnh bao cấp, làm phim theo đơn đặt hàng và hoàn toàn không có rủi ro vì không phải lo lỗ vốn. VFS không chết năm 2016 khi bị một con buôn đích thực mua lại, nó đã chết ngay từ năm 2010 khi bị bứt khỏi bầu sữa mẹ có tên là ngân sách nhà nước.

Và còn đó, những vướng víu không đáng có làm phiền người làm nghề điện ảnh. Sau nhiều phấn khởi đầy mơ mộng về một thời kỳ mới vừa mở ra cho điện ảnh, phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu năm 2013 nhắc cho tất cả nhớ rằng lưỡi dao kiểm duyệt vẫn hoạt động một cách kỳ quái. Trong khi Ròm bị cấm dự Liên hoan phim Busa thì scandal của Everest - Người tuyết bé nhỏ đã phơi bày sự vô năng của một cơ chế lẽ ra nên được xếp xó từ lâu.

Cùng với nó là sự xuất hiện của một thế hệ đạo diễn/quay phim trẻ, giàu năng lực và được đào tạo bài bản, trong nước có mà Việt kiều cũng có. Phim Việt bởi thế đã hết lâu rồi những quê mùa ngây ngô về kỹ thuật. Nhưng điều cốt lõi nhất của điện ảnh - nghệ thuật kể chuyện - thì vẫn là một khoảng trống chưa thể lấp đầy. Đa số các phim thành công hoặc là remake từ phim Hàn (Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Anh trai yêu quái) hoặc là chuyển thể từ một tác phẩm văn học được yêu thích (mà thường là Nguyễn Nhật Ánh).

Rốt cuộc, sau mười năm, người yêu điện ảnh vẫn đang chờ đợi một câu chuyện xuất sắc và nguyên bản, đủ sức lay động người xem đến tận đáy lòng mà không cần đến mọi màu mè hoa dạng của kỹ xảo, của marketing và của cả những thủ thuật tạo scandal. Tiếc rằng ngày đó vẫn chưa đến, với điện ảnh Việt Nam.■

Ảnh:
Ảnh: Thập niên 2020 khép lại cũng với siêu anh hùng.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận