TTCT - Giữa bối cảnh nóng bỏng, một báo cáo quan trọng đưa ra cảnh báo u ám: Mỹ hiện không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Ảnh: Newsweek Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III hôm 2-8 đã yêu cầu tăng cường thêm máy bay chiến đấu và tàu chiến trang bị tên lửa tới Trung Đông nhằm đối phó khả năng Iran, Hezbollah và các đồng minh trả đũa sau vụ ám sát Ismail Haniyeh, lãnh đạo chính trị của Hamas.Mỹ đã điều thêm một phi đội máy bay chiến đấu F-22 (10-18 chiếc), một số tàu tuần dương và khu trục có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đến khu vực. Trong trường hợp cần thiết, một số hệ thống đánh chặn đạn đạo trên đất liền cũng sẽ được triển khai. Tàu sân bay Abraham Lincoln từ Thái Bình Dương được đưa tới để thay tàu Theodore Roosevelt sắp rời đi. Một số tàu ở khu vực tây Địa Trung Hải cũng được điều về hướng đông áp sát bờ biển Israel. Ngoài 80 máy bay chiến đấu trên mặt đất ở khu vực, Lầu Năm Góc đang triển khai hơn 10 tàu chiến nữa tới đây. Tàu sân bay Theodore Roosevelt sẽ có khoảng 40 máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet và F-35.Hiện Mỹ đang chuẩn bị khả năng các nhóm thân Iran như Houthi ở Yemen, Kataib Hezbollah ở Iraq đồng thời tấn công quân đội Mỹ để trả đũa vụ ám sát ông Haniyeh tuần trước. Một loạt nước phương Tây đã kêu gọi công dân rời Lebanon và Israel khi khu vực đang chuẩn bị cho khả năng rất cao một cuộc xung đột lan rộng trên nhiều mặt trận nổ ra. Giữa bối cảnh nóng bỏng, một báo cáo quan trọng đưa ra cảnh báo u ám: Mỹ hiện không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn.Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet. Ảnh: Military.comChiến lược cũ lạc hậuTướng Charles "CQ" Brown, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tại Diễn đàn An ninh Aspen gần đây nói lực lượng vũ trang Mỹ là "đáng sợ và được tôn trọng nhất thế giới". Mặt lạnh như tiền, ông Brown nói giữa những tiếng reo hò: "Tôi không muốn đứng thứ hai". Nhưng thực tế thì vị thế của quân đội Mỹ đang suy giảm mạnh. Đây là thông điệp mà báo cáo mới nhất của ủy ban lưỡng đảng Quốc hội nước này công bố hôm 29-7 đánh giá về chiến lược quốc phòng quốc gia.Đứng đầu ủy ban này là Jane Harman, cựu nghị sĩ Dân chủ từng lãnh đạo ủy ban tình báo Hạ viện, và Eric Edelman, cựu thứ trưởng quốc phòng dưới thời George W. Bush.Năm 2018, ủy ban từng cảnh báo Mỹ sẽ "khó chiến thắng, hoặc thậm chí có thể thua, trong chiến tranh với Trung Quốc hay Nga". Lần này, cảnh báo của ủy ban thậm chí còn xấu hơn. Mối đe dọa với Mỹ, bao gồm "nguy cơ chiến tranh lớn", đang ở mức nghiêm trọng nhất kể từ 1945. Mỹ hiện chưa tính toán được quy mô cuộc chiến và hoàn toàn thiếu năng lực chuẩn bị.Theo bà Harman, "chiến lược của Bộ Quốc phòng được viết trước khi chiến tranh xảy ra ở Ukraine và Trung Đông, cũng như chưa tính tới khả năng hợp tác giữa Trung Quốc và Nga". Theo đánh giá của bà thì chiến lược hiện tại không đủ để đối đầu với các mối đe dọa, nên cần "cách tiếp cận mới, kết hợp giữa quân đội Mỹ với sáng tạo công nghệ; cùng ảnh hưởng qua đối ngoại và đầu tư".Theo Breaking Defense, báo cáo 114 trang đưa ra bức tranh đáng báo động về an ninh quốc gia kèm theo một loạt đề xuất, hầu hết là rất quyết liệt. Đáng chú ý nhất trong các đề xuất là xây dựng "lực lượng đa mặt trận" để khắc phục các điểm yếu của chiến lược hiện tại."Ủy ban tin rằng Mỹ cần tiếp cận xây dựng lực lượng theo hướng vừa toàn cầu vừa có tối ưu… Cách thức tiếp cận đơn lẻ tập trung vào một đối thủ hay một vùng, như một số đề xuất, là sai lầm căn bản trong đối phó với một loạt thách thức toàn cầu, bởi các đối thủ như Trung Quốc và Nga đều đã tăng cường hợp tác liên khu vực", báo cáo viết. Theo báo cáo thì việc lên kế hoạch của Mỹ "cần được ưu tiên một cách hiệu quả khi phân bổ ngân sách có hạn, nhằm đối phó với những mối đe dọa khác nhau về quy mô và phạm vi".Báo cáo nói mối đe dọa lớn nhất với Mỹ lúc này là Trung Quốc. "Chúng ta ít nhất là đang chiếu tướng Trung Quốc", Tổng thống Joe Biden tuyên bố hôm 6-7. Nhưng theo báo cáo, trên thực tế Trung Quốc hiện "vượt Mỹ" không chỉ về quy mô lực lượng mà còn cả về "năng lực" quân sự lẫn sản xuất quốc phòng. Báo cáo đánh giá Bắc Kinh hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đủ năng lực tấn công Đài Loan vào năm 2027. Trong lĩnh vực vũ trụ và không gian mạng, quân đội Trung Quốc hiện ở mức ngang trình độ với Mỹ.Nga được đánh giá là ít lo ngại hơn, nhưng bất chấp những khó khăn ở Ukraine, nước này vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với Mỹ. Hôm 19-7, Vipin Narang, quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc, xác nhận thông tin Nga đang tìm cách đưa vũ khí hạt nhân lên quỹ đạo, và đánh giá đây là "mối đe dọa với toàn nhân loại". Báo cáo nói Mỹ nên tăng cường hiện diện ở châu Âu với một quân đoàn (40.000-80.000 quân) thiết giáp đầy đủ, lớn hơn nhiều so với cam kết hiện tại, cùng lực lượng yểm trợ như phòng không và không quân.Yếu tố phức tạp hơn với Mỹ là sự hợp tác chính trị và quân sự ngày càng gắn kết hơn giữa Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran, bao gồm các hoạt động chuyển giao vũ khí, công nghệ và kinh nghiệm chiến đấu. Theo ủy ban, đây là "mối nguy thật sự, chứ không còn là tiềm tàng" nữa, và "xung đột bất cứ đâu đều có thể trở thành chiến tranh đa mặt trận hoặc chiến tranh toàn cầu".Bà Jane Harman và Tổng thống Obama. Ảnh: The Common GoodKhông thể đương đầu hai cuộc chiến cùng lúc?Năm 2018, Chiến lược quốc phòng quốc gia (NDS) của chính quyền Donald Trump đã bỏ yêu cầu Lầu Năm Góc phải chuẩn bị đủ lực lượng đối phó với hai cuộc chiến tranh lớn cùng lúc (một ở châu Âu, một ở châu Á). Chính quyền Biden tiếp tục định hướng giảm quy mô quân sự này. Kết quả là chỉ cần một cuộc chiến tại một chiến trường, lực lượng Mỹ có thể bị kéo rất mỏng, buộc nước này phải dựa vào vũ khí hạt nhân để bù đắp.Theo báo cáo, xung đột cũng khiến Mỹ khiếm khuyết ở nhiều lĩnh vực. "Một cuộc chiến lớn sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân ra sao là điều chúng ta vẫn chưa hiểu rõ", ủy ban cảnh báo. Các cách thức chiến tranh mới như tấn công mạng có thể làm sụp đổ các hạ tầng quan trọng như năng lượng, nước và giao thông. Báo cáo đánh giá việc tiếp cận dầu mỏ cần thiết cho công nghiệp dân sự và quốc phòng có thể bị "cắt đứt hoàn toàn".Tổn thất sinh mạng cũng sẽ lớn hơn bất cứ cuộc chiến nào của phương Tây gần đây. Mô hình giả lập của Mỹ cho thấy với các trận chiến tới cấp quân đoàn và sư đoàn, thương vong có thể lên tới 50.000-55.000 người. Ủy ban chưa đề xuất việc bắt đi lính bắt buộc (Mỹ bỏ từ 1973) nhưng cảnh báo toàn bộ lực lượng tình nguyện trù bị hiện giờ sẽ đối mặt "những thách thức nghiêm trọng".Để đối phó, ủy ban đề xuất một loạt giải pháp. Một là thúc đẩy các liên minh. Hôm 28-7, chính quyền Biden đề xuất bước lớn đầu tiên là thiết lập bộ chỉ huy chiến tranh mới ở Nhật Bản cho toàn bộ lực lượng Mỹ đồn trú tại đây (thay vì phải báo về Hawaii như trước). Một đề xuất nữa của ủy ban là thay đổi quy trình mua sắm, nghiên cứu và phát triển vô cùng rối rắm ở Lầu Năm Góc.Đề xuất thứ ba là tăng mạnh chi phí quốc phòng (kế hoạch hiện giờ vẫn là giữ nguyên trong 5 năm tới, bất chấp các đề xuất trước đó tăng 3-5% mỗi năm). Lực lượng đồn trú của Mỹ ở Nhật Bản vừa có cuộc cải tổ lớn. Ảnh: Stars and StripesỦy ban đề xuất Quốc hội bỏ giới hạn chi tiêu hiện tại và thông qua ngân sách bổ sung để đẩy nhanh xây dựng các cơ sở công nghiệp quốc phòng, tạo ra nguồn lực tương đương thời chiến tranh lạnh.Đề xuất gây tranh cãi khi báo cáo đề nghị tăng thuế và cắt giảm chi tiêu cho y tế và phúc lợi - điều sẽ bị cả hai đảng phản đối. Phe Dân chủ không thích tăng thêm ngân sách quốc phòng, còn phe Cộng hòa vốn dị ứng với chuyện tăng thuế. Cũng có nhiều ý kiến phản bác chuyện Mỹ đưa thêm quân tới châu Âu. Nhưng theo ủy ban, lúc này Mỹ không thể tiếp tục lãng phí thời gian. "Dư luận hầu hết không biết các nguy hiểm nước Mỹ đối mặt hay các chi phí… cần để chuẩn bị - báo cáo viết - Họ không nhận thức được sức mạnh của Trung Quốc và các đối tác, cũng như ảnh hưởng tới đời sống nếu xung đột có thể xảy ra… Họ vẫn chưa hiểu tổn thất khi nước Mỹ mất vị trí siêu cường là thế nào".■ Theo ủy ban, đề xuất của họ khác với chiến lược sẵn sàng cho hai cuộc chiến lớn từng được xây dựng sau chiến tranh lạnh nhằm đối phó với các đối thủ ít năng lực hơn, và phản ánh mối quan hệ giữa các đối thủ ngang ngửa với hệ thống liên minh của Mỹ. Báo cáo nêu ra một số thay đổi về xây dựng lực lượng cụ thể như có thêm tàu và hạ tầng đóng tàu cho hải quân, nhiều vệ tinh hơn cho lực lượng vũ trụ, hay thế hệ máy bay chiến tranh mới cho không quân. Với mặt trận Ấn Độ - Thái Bình Dương, ủy ban đề xuất có thêm nhiều nguồn lực dưới biển, "đặc biệt là tàu ngầm lớp Virginia và tàu ngầm không người lái lớn" cùng máy bay ném bom và hỏa lực tầm xa. Tags: Bộ Quốc PhòngMáy bay chiến đấuMỹTrung ĐôngHamas
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cây đa cổ thụ bên hồ Hoàn Kiếm ngã đổ PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Quảng Ninh: 3 người chết, 6 người mất tích do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Đến 16h chiều 7-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 3 người chết, 4 người bị thương, 6 người và 1 tàu mất tích.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.