TTCT - Gần 3 năm từ lúc chính quyền ông Trump dọa cấm cửa TikTok trên đất Mỹ, Washington dưới thời Joe Biden lại rục rịch muốn làm điều tương tự. Các quan chức liên bang Mỹ đang yêu cầu chủ sở hữu TikTok là ByteDance - một công ty Trung Quốc - thoái cổ phần khỏi mạng xã hội này nếu không muốn ứng dụng đối diện nguy cơ bị cấm trong lãnh thổ nước Mỹ - đại diện TikTok xác nhận với CNN cuối tháng 3-2023.Yêu cầu này đến từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) và là kết quả nhiều năm đàm phán không đi đến kết quả giữa đôi bên. Tương lai của TikTok ở Mỹ lại một lần nữa bất định, và cũng như dưới thời Trump, một lệnh cấm toàn diện xem ra nói dễ hơn làm khi phạm vi ảnh hưởng của mạng xã hội này đến người dân và văn hóa Mỹ đã quá sâu rộng.Một vấn đề, hai triều tổng thống.Chuyện này nghe quen quenMỉa mai thay, không ít người Mỹ lại được nghe thông tin về những ồn ào xoay quanh TikTok trên chính… TikTok. Tài khoản chính chủ của tờ Washington Post châm biếm việc Chính phủ Mỹ lại một lần nữa đòi cấm mạng xã hội này trong đoạn clip đăng tải ngày 23-3, mượn ca từ bài hát Exile của nữ ca sĩ Taylor Swift: "Hình như bộ phim này tôi đã xem qua rồi". Chưa đầy 1 tuần, video đã nhận được gần 90.000 lượt thích và gần 2.500 lượt chia sẻ."Ba năm sau khi chính quyền Trump thất bại trong việc buộc TikTok bán mình cho một công ty Mỹ, chính quyền Biden lại đang thử sức đâm đầu vào cùng một bãi mìn pháp lý và hiến pháp mà không có bằng chứng nào khá hơn cho thấy ứng dụng tạo video ngắn này đang gây ra mối đe dọa thật sự" - phần chú thích của video viết.Năm 2020, Oracle và Walmart được Mỹ gợi ý là hai công ty tiềm năng để mua lại TikTok, nhưng mạng xã hội này quyết không nhượng bộ, chấp nhận một cuộc chiến pháp lý dai dẳng bao gồm kiện chính quyền ông Trump ra tòa án liên bang. "Chúng tôi đơn giản là không còn lựa chọn nào khác" - TikTok viết trong bài blog thông báo việc đâm đơn kiện.Sau khi Biden tiếp quản Nhà Trắng, ông hủy bỏ sắc lệnh hành pháp nhắm vào TikTok của người tiền nhiệm, nhưng thay thế nó bằng một chỉ thị rộng hơn tập trung vào việc điều tra những công nghệ có liên quan đến các thế lực thù địch nước ngoài bao gồm Trung Quốc.Nguồn cơn của việc gần đây nền tảng chia sẻ video lại bị các nhà lập pháp Đồi Capitol "soi" xuất phát từ một bài viết tháng 6-2022 trên trang BuzzFeed News. Trang này tin rằng dữ liệu người dùng tại Mỹ đã bị truy cập nhiều lần bởi các nhân viên ở Trung Quốc dựa trên nội dung ghi âm bị rò rỉ mà họ có được từ hơn 80 cuộc họp nội bộ TikTok. Mạng xã hội này phủ nhận mọi cáo buộc.Diễn biến mới nhất và thu hút sự chú ý của truyền thông là phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ lần đầu tiên của CEO TikTok Shou Zi Chew hôm 23-3, nơi mà trong hơn 5 tiếng đồng hồ các nhà lập pháp nước này liên tục đặt nghi vấn về những nỗ lực của công ty ông trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ cũng như mối liên hệ giữa TikTok với Trung Quốc. Dường như không có nghị sĩ nào tỏ ra hài lòng với câu trả lời mà họ nhận được.Thế khó của BidenĐòn tối hậu thư của chính quyền ông Biden rơi vào thế khó khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ thương vụ thâu tóm TikTok nào, chỉ vài giờ trước khi ông Chew bước vào phiên điều trần. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc trong một cuộc họp báo hôm 23-3 cho biết nước này sẽ "kiên quyết phản đối" việc bán ứng dụng này, và việc (Mỹ) ép buộc một giao dịch như vậy diễn ra sẽ "làm suy yếu nghiêm trọng niềm tin của các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Trung Quốc", The New York Times đưa tin. Tuyên bố cứng rắn này khiến Nhà Trắng còn rất ít lựa chọn rõ ràng (nếu có) để đi tiếp."Thực đơn" lựa chọn hạn hẹp của Tổng thống Biden hiện bao gồm việc cấm hoàn toàn TikTok trên đất Mỹ - nghĩa là thực hiện đúng lời dọa dẫm trong tối hậu thư hoặc phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc và bằng mọi cách thúc đẩy thương vụ mua lại TikTok bởi một công ty Mỹ, nghĩa là công khai thách thức Bắc Kinh.Về lựa chọn thứ nhất, bắt buộc Mỹ phải thông qua một đạo luật mới, đòi hỏi đồng thuận của Quốc hội. Bài học quá khứ: nhiều thẩm phán liên bang trước đó đã tuyên Tổng thống Donald Trump không có quyền tự ra lệnh cấm TikTok hoạt động ở Mỹ hay gỡ TikTok trên các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google. Còn với phương án hai, ông Biden phải cân nhắc "có muốn đối đầu với Trung Quốc vì TikTok không" - James A. Lewis, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói với New York Times.Hiện Nhà Trắng đang ủng hộ một dự luật mà nếu được thông qua sẽ trao cho Bộ Thương mại Mỹ quyền lực rõ ràng hơn để cấm bất kỳ ứng dụng nào có thể gây nguy hiểm cho an ninh của người dân Mỹ - một cơ sở pháp lý mạnh mẽ để tiến tới cấm TikTok.Nhưng bất kỳ quyết định nào liên quan đến chuyện cấm TikTok đều có thể gây ra nhiều rủi ro về mặt chính trị đối với ông Biden hơn là đối với ông Trump: mạng xã hội này đã tăng thêm 50 triệu người dùng ở Mỹ so với thời điểm năm 2020. "[Cấm TikTok] là tự đánh mất lá phiếu của mọi cử tri dưới 35 tuổi, vĩnh viễn" - Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo trả lời phỏng vấn Bloomberg.Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng?"Cho đến tận bây giờ, mối nguy từ TikTok phần lớn vẫn chỉ là trên lý thuyết" - The New York Times viết ngày 21-3. Đúng là đã có trường hợp ứng dụng TikTok bị lạm dụng để theo dõi người dùng, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy đây là hành vi mang tính hệ thống hoặc có sự chống lưng của chính phủ nước ngoài.Tháng 12-2022, TikTok thừa nhận một nhóm 4 nhân viên ByteDance đã sử dụng ứng dụng này để kiểm tra vị trí địa lý của một số phóng viên Mỹ trong nỗ lực truy tìm nhân viên nào bên trong công ty đã rò rỉ tài liệu nội bộ cho báo chí. Cả 4 nhân viên đã bị sa thải sau bê bối này, cố vấn trưởng ByteDance Erich Andersen xác nhận trong một email.Dù cho Mỹ có cảm thấy khó tin là vụ việc trên chỉ là hành động đơn lẻ của một nhóm nhân viên ByteDance, chính quyền Biden cũng chưa hề trưng ra được bằng chứng toàn diện và được giải mật nào cho thấy có một nỗ lực có hệ thống của Bắc Kinh nhằm sử dụng TikTok để thu thập thông tin người dùng Mỹ.Về những lo ngại rằng ByteDance có thể giao nộp thông tin người dùng khi Trung Quốc yêu cầu, cây viết David Meyer của tạp chí Fortune chỉ ra rằng Mỹ đang đạo đức giả vì họ cũng làm chuyện tương tự với các công ty Big Tech ở quê nhà. "Các công ty như Meta và Alphabet phải bí mật tuân thủ các yêu cầu của tình báo Mỹ đối với dữ liệu cá nhân của người nước ngoài" - Meyer viết.Đó là lý do tại sao Facebook và Instagram có thể phải sớm rút khỏi châu Âu - thị trường đóng góp gần 1/4 doanh thu cho Meta trong quý 4-2022, nếu Ủy ban châu Âu không nhanh chóng đề ra một thỏa thuận chia sẻ dữ liệu xuyên Đại Tây Dương mới thay thế hai thỏa thuận đã bị Tòa án công lý châu Âu vô hiệu hóa. "Nếu các nhà lập pháp Mỹ lo ngại về sự nguy hiểm của TikTok, họ có thể giải quyết vấn đề bằng cách ban hành một luật liên bang cứng rắn về quyền riêng tư để điều chỉnh tất cả mọi nền tảng chứ không chỉ riêng TikTok" - Meyer lập luận.Những người phản đối việc cấm TikTok cũng lưu ý rằng nhiều công ty Mỹ đang thu thập dữ liệu người dùng theo cách tương tự - tất nhiên, sự khác biệt là ai sẽ sử dụng dữ liệu được thu thập và cho mục đích gì. "Mối đe dọa lớn nhất thật sự nằm ở hậu trường và đến từ những công ty môi giới dữ liệu. Đây không chỉ là vấn đề của TikTok, mà của hầu hết mọi ứng dụng. Bạn cài đặt app và cấp quyền cho nó, để rồi dữ liệu bị thu thập và bán. Chúng tôi biết rằng các cơ quan tình báo từ các chính phủ trên khắp thế giới - không chỉ Trung Quốc - đang mua lượng dữ liệu này" - Forbes dẫn lời TS Aram Sinnreich, giáo sư và chủ nhiệm bộ môn truyền thông tại Đại học Hoa Kỳ. Lệch phaTikTok hiện có 150 triệu người dùng ở Mỹ; khoảng 36% dân số trên 12 tuổi có dùng TikTok trong năm ngoái, theo khảo sát tháng 1-2022 của Edison Research. Thăm dò của CBS News và YouGov cho biết chỉ 39% những người dưới 30 tuổi đã từng nghe về TikTok ủng hộ lệnh cấm mạng xã hội này.CEO TikTok trở thành "thần tượng" mới của người dùng TikTok sau Tạp chí Forbes đặt vấn đề đây chỉ là câu chuyện muôn thuở của người già không hiểu nổi sở thích của giới trẻ. Phiên điều trần trước Quốc hội của CEO Shou Chew cũng tạo nên một làn sóng đồng lòng hiếm thấy của cộng đồng người dùng TikTok. Nếu như có một điều mà họ đều đồng ý với nhau thì đó chính là các nhà làm luật ở Điện Capitol giống như những ông bà già khó tính không hiểu gì về mạng xã hội này và cố gắng cấm cản nó chỉ vì thấy lũ trẻ dúi mũi vào điện thoại xem TikTok mỗi ngày."Quốc hội cần có giới hạn độ tuổi" - người dùng @rachelhannahh nhận xét trong một clip ghi lại cảnh dân biểu Buddy Carter chất vấn liệu TikTok có theo dõi độ nở của đồng tử như một kiểu nhận dạng khuôn mặt phục vụ cho thuật toán không. Đáp lại, ông Chew giải thích rằng TikTok chỉ sử dụng dữ liệu khuôn mặt để các bộ lọc (filter) có thể biết mắt người dùng nằm ở đâu để gắn cặp kính mát ảo lên. "Nếu tôi có ứng dụng TikTok trên điện thoại và điện thoại của tôi kết nối với mạng WiFi tại nhà thì TikTok có quyền truy cập vào mạng đó không?" là một câu hỏi khác bị cộng đồng TikTok đem ra chế giễu đến từ dân biểu Richard Hudson."Đối với tôi và nhiều người khác, điều rõ ràng là Quốc hội nói chung không hiểu cách thức hoạt động của Internet và cũng không hiểu TikTok là gì - trang USA Today dẫn lời Gabrielle Cerberville, một nhà sáng tạo nội dung TikTok người Mỹ - Tôi không nghĩ họ hiểu rằng TikTok không còn chỉ là nơi thanh thiếu niên nhảy múa. Nó đã không còn như vậy kể từ năm 2018 rồi".Các "cụ già" trong Quốc hội hiểu giới trẻ đang nhìn họ thế nào. "Tôi muốn nói điều này với tất cả các bạn tuổi teen và người có ảnh hưởng trên TikTok, những người nghĩ chúng tôi già và lạc hậu, đã không biết mình đang nói gì lại còn đòi cướp mất app yêu thích của các bạn: Các bạn có thể không quan tâm dữ liệu của mình đang bị xử lý thế nào ngay lúc này, nhưng một ngày nào đó bạn sẽ làm vậy" - Dan Crenshaw, dân biểu Cộng hòa 39 tuổi, tranh thủ nhắn nhủ trong phiên chất vấn Chew. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Tranh cãi Tiktok Tiếp theo Tags: Mạng xã hộiChính phủ MỹCuộc chiến pháp lýTiktokCông nghệCấm TikTok
Sóc Trăng dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm ở châu Á BỬU ĐẤU 09/10/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm các nước châu Á.
Việt Nam nêu giải pháp cho căng thẳng Biển Đông và khủng hoảng Myanmar QUỲNH TRUNG 09/10/2024 Ngày 9-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước ASEAN và Timor-Leste tham dự phiên họp hẹp, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hà Nội rực rỡ trong nắng thu vàng mừng Ngày Giải phóng thủ đô NGUYỄN HIỀN 09/10/2024 Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội sôi động lại thêm lung linh với cờ hoa rợp phố trong nắng thu vàng mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô 10-10.
Công an triệu tập ngoại binh cũ của CLB Hoàng Anh Gia Lai QUANG THỊNH 09/10/2024 Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai gửi đơn tố cáo ngoại binh Martin Dzilah lên Công an tỉnh Gia Lai, sau khi cầu thủ người Ghana kiện đội bóng lên FIFA.