TTCT - Còn một cuộc chiến tranh thương mại thứ hai đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc mà Bloomberg mô tả là “diễn biến kín đáo hơn, sử dụng các vũ khí tinh vi hơn song lại “hủy diệt” hơn” so với cuộc chiến bằng cách đánh thuế hàng hóa của nhau. Việc bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu), giám đốc tài chính của gã khổng lồ viễn thông Huawei (Trung Quốc), bị bắt tại Canada với cáo buộc bà vi phạm lệnh trừng phạt chống Iran của Mỹ hôm 1-12 là một trong những lần hiếm hoi cuộc chiến ngầm giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này “nổi” lên bề mặt. Bloomberg cho rằng các động thái của chính quyền Donald Trump nhằm vào công ty công nghệ Trung Quốc gần đây là “những phát súng đầu tiên cho một cuộc chiến dài hơi”. Đó là những phát súng nào? Hồi tháng 4, Mỹ cấm một gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc là ZTE Corp không được mua linh kiện viễn thông của Mỹ, nhất là chip của Hãng Qualcomm có trụ sở Hoa Kỳ. Từ thời cựu tổng thống Barack Obama, Mỹ đã có nhiều đòn tương tự. Chẳng hạn việc cấm Hãng Intel bán một số chip tối tân nhất cho Trung Quốc hồi năm 2015 hay việc chặn thương vụ thâu tóm hãng sản xuất chip Aixtron (Đức) của công ty Trung Quốc Fujian Grand Chip Investment Fund LP hồi 2016. Những gì ông Trump đã làm với ZTE, Huawei hay như việc ông ngăn chặn kế hoạch chi 117 tỉ USD của Hãng Broadcom (Singapore) để thâu tóm Qualcomm với lý do lo ngại an ninh quốc gia chỉ là nối dài các chính sách trước đó của người tiền nhiệm. Mỹ sợ điều gì từ Trung Quốc mà phải làm thế? Nhìn cách Hoa Kỳ tận dụng lợi thế “cửa trên” và cách “ra đòn” sẽ có câu trả lời. Đòn tấn công của Mỹ Nếu vũ khí của chiến tranh thương mại “thông thường” là các sắc thuế nhằm vào sản phẩm hữu hình, thì trong cuộc chiến trên lĩnh vực công nghệ, Mỹ có hai cách tấn công: cấm/hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ, linh kiện Mỹ và cấm/hạn chế đầu tư từ đại lục vào công ty công nghệ Mỹ. Cấm nhập khẩu hay đe dọa cấm nhập không đơn thuần là sự trừng phạt của Mỹ vì Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận Iran, mà là đòn đánh để gây khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc của các hãng công nghệ Mỹ. “Đòn của Mỹ nhằm vào Huawei và ZTE có thể nhằm buộc Trung Quốc phải yên phận là nhà cung cấp giá rẻ thay vì là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm” - Bloomberg nhận định. Mùa hè 2018, Mỹ thông qua Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu, tăng cường việc giám sát lên việc xuất khẩu các công nghệ mới và có tính nền tảng, được cho là có tầm quan trọng với an ninh quốc gia. Mới đầu tháng 11, Mỹ truy tố hãng sản xuất chip Fujian Jinhua Integrated Circuit và đối tác Đài Loan của công ty này là United Microelectronics Corporation với cáo buộc đánh cắp bí mật kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ Micron. Hoa Kỳ cũng thường xuyên cảnh báo nguy cơ linh kiện, thiết bị điện tử viễn thông từ Trung Quốc có chức năng thu thập và gửi thông tin quan trọng về đại lục. “Vũ khí” thứ hai của Mỹ là hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Chính quyền Trump đã tích cực ngăn chặn các khoản đầu tư từ đại lục vào các công ty công nghệ Hoa Kỳ, thông qua Ủy ban đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ. Ủy ban này đã hủy một loạt các khoản đầu tư từ Trung Quốc, trong đó nổi bật nhất là vụ Ant Financial (sở hữu ví di động Alipay) muốn đầu tư 1,2 tỉ USD để mua lại công ty chuyển tiền MoneyGram hồi tháng 1-2018. Mục đích của việc hạn chế đầu tư Trung Quốc vào Mỹ là ngăn các công ty Trung Quốc sao chép hoặc ăn cắp công nghệ và ý tưởng của Mỹ. Điều này là cần thiết vì công ty Trung Quốc chỉ cần mua trọn công ty Mỹ là có thể chuyển quyền sở hữu trí tuệ ra khỏi nước Mỹ. Bloomberg cảnh báo trong nhiều trường hợp, chỉ cần nắm cổ phần tối thiểu, một nhà đầu tư Trung Quốc cũng có thể tiếp cận các bí mật công nghiệp lẽ ra phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngăn Trung Quốc rót tiền vào các công ty Mỹ là cách chính quyền Trump hi vọng có thể giúp bảo vệ sự thống trị của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ, chí ít là thêm một thời gian nữa. Trung Quốc không đứng yên Trong khi Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc chiếm lĩnh các lĩnh vực quan trọng nhất trong ngành công nghiệp chip bán dẫn, Trung Quốc vẫn còn phải phụ thuộc nước ngoài rất nhiều về nguồn cung chip công nghệ cao. Theo The Economist, Trung Quốc nhập nhiều chip hơn là dầu mỏ. Trung Quốc có thể đã làm được chip, song phần thiết kế vẫn là cuộc chơi của người Mỹ, và xứ cờ hoa vẫn là nhà sản xuất của những con chip máy tính tốt nhất thế giới. Danh sách 15 nhà sản xuất chip hàng đầu không có tên đại diện nào từ đại lục. Dù Huawei đã có thể vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới xét về thị phần (chỉ sau Samsung), thế nhưng nếu không có phần đầu vào tối quan trọng là công nghệ Mỹ thì sản phẩm của Huawei hay các công ty Trung Quốc khác sẽ vẫn mãi nằm ở phân khúc thấp. Chính vì thế mà Huawei hay đại gia công nghệ nào của Trung Quốc cũng không thể coi thường các lệnh cấm mua thiết bị, linh kiện viễn thông từ Mỹ. Mỹ đã ra đòn, tận dụng ưu thế của mình. Song Trung Quốc cũng đâu chịu đứng yên. Năm 2014, Trung Quốc thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch quốc gia để bơm tiền cho nghiên cứu phát triển ngành của công nghiệp bán dẫn. Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng được đặc biệt nhấn mạnh trong chiến lược phát triển Made in China 2025 của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng doanh thu sản xuất chip nội địa từ 65 tỉ USD năm 2016 lên 305 tỉ USD năm 2030 và hướng đến việc sản phẩm sản xuất nội địa sẽ đáp ứng được đa số nhu cầu chip trong nước. Hiện tại sản phẩm trong nước chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Và “trong nguy có cơ”, các biện pháp hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ rốt cuộc cũng có thể là động lực để Bắc Kinh tăng cường đầu tư phát triển ngành công nghiệp nội địa của mình. Với sự hỗ trợ của chính phủ, các công ty công nghệ hàng đầu trung quốc Alibaba, Baidu và Huawei vẫn đang đổ tiền vào lĩnh vực sản xuất chip, trong khi nhân tài từ các nơi cũng kéo về Trung Quốc để hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Trung Quốc cũng cho thấy không chỉ Mỹ mới có quyền ra tay mà họ cũng có thể chặn đà tiến của các hãng công nghệ Hoa Kỳ. Chẳng hạn, cú “ngáng chân” thương vụ mua lại hãng bán dẫn Hà Lan NXP Semiconductors của nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm hồi tháng 7. Dù Qualcomm có trụ sở ở California và NXP đóng ở Eindhoven (Hà Lan) song hai công ty này cần có cái gật đầu của Trung Quốc để hoàn tất thương vụ vì cả hai đều hiện diện ở đại lục, theo Reuters. Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc đã không chấp thuận thương vụ 44 tỉ USD này. Trong quá khứ, có thể Trung Quốc chấp nhận biên độ lợi nhuận thấp và duy trì việc sao chép công nghệ của Mỹ thay vì phát triển của riêng mình. Song trong cuộc chiến tranh thương mại công nghệ cao, Trung Quốc sẽ chuyển hướng đầu tư củng cố sức mạnh nội địa để bớt phụ thuộc vào Mỹ. Ở giai đoạn hiện tại, Mỹ có thể đang chiếm ưu thế về thiết kế và sản xuất chip công nghệ cao, nhưng đà vươn lên của Trung Quốc là khó cản. Trung Quốc muốn bắt kịp, còn Mỹ quyết tâm giữ thế dẫn đầu. Cuộc chiến vì thế sẽ còn tiếp diễn và kết quả thì khó dự đoán.■ Tags: HuaweiMeng WanzhouMạnh Vãn ChâuChiến tranh Trung Mỹ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Hàng không, dịch vụ chạy đua vào sân bay Long Thành CÔNG TRUNG 23/11/2024 Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chạy đua với thời gian để hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và phi hàng không cũng gấp rút chuẩn bị cho cuộc đua mới tại sân bay Long Thành.
Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được bảo hiểm chi trả: Làm sao để hiệu quả cao nhất? THÀNH CHUNG 23/11/2024 Dự kiến cuối tháng 11 này, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT mà người dân đang rất quan tâm.
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (GIÁO VIÊN) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảm ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cảm ơn của một học trò vừa nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024.
Ông Trump chọn tỉ phú Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo chọn tỉ phú Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính trong nội các sắp tới của ông.