Myanmar: Những người trẻ trăm tuổi

CHIÊU VĂN 14/03/2021 17:00 GMT+7

TTCT- Phong trào tranh đấu chính trị của thanh niên Myanmar ra đời còn trước chính nhà nước Myanmar hiện đại.

Kyal Sin không phải kiểu phụ nữ chân yếu tay mềm. Trên Facebook, như mọi thiếu nữ 19 tuổi, cô cũng có những tấm hình chu môi làm điệu, ôm ấp chó con và ăn mừng sinh nhật với bạn bè. Và Kyal Sin, tên tiếng Anh là Angel, còn là một vũ công điêu luyện và một cao thủ taekwondo.

Ngày 3-3 vừa rồi ở Mandalay, như nhiều người trẻ Myanmar khác, cô xuống đường tham gia những cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự diễn ra ở nước này hôm 1-2.


Ảnh: Los Angeles Times


Cô mặc chiếc áo phông với dòng chữ “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!”, đá vỡ ống nước trên đường phố để lấy nước rửa mắt cho những bạn biểu tình bị xịt hơi cay, và ném bom hơi cay trả lại cho cảnh sát - tất cả mọi việc mà một cao thủ taekwondo 19 tuổi cần phải làm trong một cuộc biểu tình chính trị.

Nhưng cũng chính Kyal Sin hiểu mọi chuyện có thể sẽ không ổn chút nào. Cô đã cẩn thận mang theo người hồ sơ nhóm máu, một số điện thoại liên lạc khẩn cấp, và cả giấy tình nguyện hiến xác khi chết.

Điều tồi tệ nhất xảy đến ngày 3-3, khi Kyal Sin trở thành một trong hơn 50 người đã thiệt mạng trên đường phố Myanmar vì đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tính tới giờ. 

Chi tiết về cái chết của cô vẫn còn gây tranh cãi. Reuters công bố một tấm hình được cho là bằng chứng khẳng định Kyal bị cảnh sát nổ súng bắn vào đầu từ sau lưng. Chính quyền quân sự - sau khi khai quật tử thi - khẳng định cái chết của cô không phải do cảnh sát. Dù có thế nào, một người hùng mới đã lại xuất hiện trong cuộc đấu tranh chính trị trường kỳ ở Myanmar.


Đám tang Kyal Sin. Ảnh: Deccan Herald

Từ Aung San tới 8888

Khi Aung San, cha của nhà lãnh đạo dân cử Myanmar vừa bị lật đổ Aung San Suu Kyi, sáng lập và trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Myanmar năm 1939, ông mới 24 tuổi. 

Cả đời mình, Aung San là một nhà cách mạng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và thực dân tới cùng, với quyết tâm sắt đá chấm dứt nền cai trị của đế quốc Anh ở Myanmar (lúc đó có tên là Burma). 

Năm đầu đại học, ông đã là thành viên ủy ban điều hành Hội sinh viên Đại học Rangoon, và biên tập viên tờ báo của trường, hội viên Hội yêu nước Thakin, rồi người sáng lập cả hai đảng Cộng sản và Xã hội Burma.

Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Myanmar năm 1947, Aung San đưa đảng của mình đến với chiến thắng, nhưng bị ám sát chết ngay trước khi đất nước giành được độc lập. Năm đó, Aung San 32 tuổi.

Trong trường hợp Myanmar, lịch sử thật sự chỉ là một vòng lặp. Những gì diễn ra vào đầu năm 2021 này giống một cách kỳ lạ những gì diễn ra gần 60 năm trước. Tháng 3-1961, sau vài kỳ bầu cử đa đảng, tướng Ne Win tiến hành đảo chính quân sự và đưa quân đội lên nắm quyền.

Biểu tình nổ ra gần như ngay lập tức và lên đến đỉnh điểm vào ngày 7-7-1962, khi chính quyền đàn áp những cuộc tuần hành của khoảng 5.000 sinh viên ở Đại học Rangoon - trường xưa của ông Aung San - khiến cả trăm sinh viên thiệt mạng (số liệu chính thức của chính quyền là 15 người).

Những gì diễn ra sau đó cho thấy sự e dè của giới tướng lãnh với phong trào sinh viên: tòa nhà lịch sử của Hội sinh viên Đại học Rangoon bị giật sập, tất cả đại học trên toàn quốc bị đóng cửa 4 tháng, rồi đạo luật giáo dục đại học 1964 đưa các trường vào trong sự quản lý chặt chẽ của nhà nước...

Nhưng đó là một ngọn lửa không bao giờ có thể dập tắt hoàn toàn.

12 năm sau biến cố Đại học Rangoon nổ ra cuộc khủng hoảng đám tang U Thant. 

Hàng loạt cuộc biểu tình và bạo động nổ ra ở thủ đô Myanmar (lúc bấy giờ là Yangon) sau cái chết của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (1961 - 1971) người Myanmar U Thant, vào ngày 25-11-1974. Chính quyền quân sự từ chối không tổ chức quốc tang cho ông, vốn là một người của chế độ dân chủ cũ.

Cũng lại là sinh viên Đại học Rangoon đã “cướp” quan tài U Thant trong lễ tang chính thức để tổ chức một cuộc diễu hành vào học xá của trường, nơi họ tổ chức “quốc tang” của riêng họ cho ông. 


 

 Phong trào 8888. Ảnh: BBC

Các sinh viên, gia đình U Thant và nhà nước sau đó đi tới một thỏa thuận chôn cất thi hài ông ở một khu lăng mộ mới xây cạnh ngôi chùa biểu tượng của đất nước Shwedagon. 

Nhưng một lần nữa, các sinh viên lại cướp áo quan và đưa tới một khu mộ họ tự xây trên nền cũ của tòa nhà Hội sinh viên Đại học Rangoon bị giật sập 12 năm trước. Ngày 11-12-1974, chính quyền dùng vũ lực tràn vào trường đại học, thu hồi thi thể U Thant và chôn cất theo ý họ. Bạo loạn nổ ra trên toàn thành phố. 

Chính quyền đã phải tuyên bố thiết quân luật. Theo những nguồn chính thức, ít nhất 18 người đã thiệt mạng - nhưng như mọi lần khác, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Những cuộc biểu tình của sinh viên tiếp tục trong các năm 1975, 1976, và 1977, nhưng đều nhanh chóng bị chính quyền đàn áp, cho tới cuộc nổi dậy 8888.

Biến cố chính của cuộc nổi dậy xảy ra ngày 8-8-1988 - sau khi bà Aung San Suu Kyi về nước và tướng Newin thôi chức sau 26 năm cầm quyền - cũng bắt đầu từ khuôn viên Đại học Rangoon. 

Hàng trăm nghìn tăng lữ Phật giáo, sinh viên, học sinh và dân thường nhiều giới đã xuống đường, kết thúc bằng cuộc đàn áp đẫm máu ngày 18-9 khiến hàng nghìn người thiệt mạng (số liệu chính thức là 350). 

Cũng chính từ cuộc nổi dậy này, bà Aung San Suu Kyi trở thành một biểu tượng tranh đấu quốc gia. Năm đó, bà 43 tuổi.

Nữ, trẻ, không sợ hãi

Chỉ có thể hiểu đầy đủ cuộc tranh đấu hiện giờ ở Myanmar nếu đặt trong bối cảnh lịch sử đó. Nhưng đấy không phải là một sự nối dài thuần túy. Một đặc điểm nổi bật lần này là vai trò của những phụ nữ trẻ, như Kyal Sin. 

Phụ nữ Myanmar xuống đường với váy đầm và điện thoại di động. Ảnh: The New York Times


 “Bản năng làm mẹ đơn giản không thể khiến chúng tôi để mặc cho thế hệ tiếp theo bị hủy hoại”

The New York Times dẫn lời bác sĩ 28 tuổi Yin Yin Hnoung, người đã tham gia các cuộc biểu tình ở Mandalay.

Những người trẻ Myanmar, nhất là phụ nữ - đầy học thức với một truyền thống giáo dục Anh chưa bao giờ bị cắt đứt hẳn từ thời thuộc địa - cũng sẽ là tầng lớp chịu nhiều thiệt hại nhất dưới một chính quyền quân sự. 

Quân đội Myanmar, hay Tatmadaw, cực kỳ bảo thủ trong một truyền thống Nam Á coi thường nữ giới và không có lấy dù chỉ một phụ nữ trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao.

Bức tranh chung thêm phức tạp khi Myanmar là một trong những quốc gia đa dạng sắc tộc nhất khu vực. Ước tính ít nhất 1/3 dân số nước này thuộc nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác nhau, không ít trong số đó đã xung đột vũ trang kéo dài với chính quyền quân đội.

Esther Ze Naw, một phụ nữ người Kachin từng phải sống trong những trại tập trung do Tatmadaw lập nên khi 17 tuổi, có mọi lý do để xuống đường ở Mandalay.

“Những người thiểu số như tôi biết rõ cảm giác này, chúng tôi hiểu rõ sự phân biệt đối xử sẽ dẫn tới những gì. Là phụ nữ, chúng tôi vẫn bị coi là giới tính hạng hai”, Esther nói.

Đón nhận luồng thông tin và tư tưởng mới của thế hệ Z, những người biểu tình trẻ trên các đường phố khắp Myanmar thời gian qua - trong khi tiếp nối truyền thống đấu tranh từ cả trăm năm trước - giờ trở nên đa dạng hơn nhiều. 

Trong số họ có các sinh viên đại học Hồi giáo, nữ tu Công giáo, tăng lữ Phật giáo, người chuyển giới, và rất rất nhiều phụ nữ trẻ. “Thế hệ Z là thế hệ không biết sợ hãi”, Honey Aung, có chị gái thiệt mạng trong một cuộc biểu tình ở thành phố miền trung Monywa, nói.

Sự xung đột ở đây không chỉ là về chính trị hay tư tưởng, mà trước hết là về lối sống. Trong một bài phát biểu tuần trước, tướng Min Aung Hlaing, thủ lĩnh cuộc đảo chính lần này, lên án những điều ông cho là “thói tật xã hội” nơi những người biểu tình, bao gồm “những thứ quần áo lăng loàn đi ngược với văn hóa Myanmar”. 

Không lâu trước khi trúng đạn vào đầu, Kyal Sin đang chạy qua lại giữa các nhóm biểu tình trong một đôi dép lê, quần jean rách kiểu bụi đời, và chiếc áo phông màu đen nay đã nổi tiếng.

Nhưng với không ít người Myanmar từng trải qua các biến cố quá khứ, một người chết cũng đã là quá nhiều. Kenneth Wong, một blogger và tác giả người Mỹ gốc Myanmar, từng phải rời đất nước vì bị truy bức sau khi tham gia cuộc vận động 8888, nói với Nikkei Asia rằng ông lo sợ sẽ lại phải chứng kiến “một tấn bi kịch” nữa. 

“Lần trước, câu chuyện kết thúc bằng một cuộc đổ máu và những vụ bắt giữ hàng loạt, với hàng trăm người tranh đấu biến mất hoặc bỏ chạy ra nước ngoài. Tôi chỉ hi vọng lần này mọi chuyện sẽ khác”, Wong nói.■

“Soup not coup”

Đó là tên một tài khoản Twitter vừa lập thuộc liên minh những người chống đảo chính, có thể tạm hiểu: “Hãy nấu xúp, đừng làm đảo chính”.

 “Những người này [lãnh đạo quân sự] nghĩ rằng họ là món ngon nhất, nhưng đấy không phải món chúng tôi gọi”, nhóm này nói với Nikkei Asia với điều kiện không nêu danh tính, dù khẳng định họ là “công thức Myanmar nguyên bản”, với tuổi trung bình của các thành viên là 28. “Myanmar là một món xúp đang nấu. 

Phần nước dùng đã ổn, nhưng các nguyên liệu chính còn thiếu. Những sinh viên trẻ ngày nay sẽ làm ra một món ăn tuyệt vời. Chỉ là họ cần thêm chút gia vị”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận