Năng lực quyết định của Quốc hội

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 17/05/2008 18:05 GMT+7

TTCT - Quốc hội (QH) là nơi quyết định những chuyện đại sự quốc gia. Nhưng lần đầu tiên trên hội trường, nhiều đại biểu đã lên tiếng đòi hỏi năng lực quyết định của QH không thể mãi dừng lại ở chỗ dễ dãi “bấm nút” và lặng lẽ “bấm nút”.

Phóng to
TTCT - Quốc hội (QH) là nơi quyết định những chuyện đại sự quốc gia. Nhưng lần đầu tiên trên hội trường, nhiều đại biểu đã lên tiếng đòi hỏi năng lực quyết định của QH không thể mãi dừng lại ở chỗ dễ dãi “bấm nút” và lặng lẽ “bấm nút”.

ĐB NGUYỄN MINH THUYẾT (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng QH):

Quốc hội chưa quyết liệt

Năng lực quyết định của QH ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Nhìn lại, nếu QH kiên quyết hơn trong việc ra chỉ số lạm phát, không chiều mục tiêu chạy theo tăng trưởng thì có lẽ lạm phát đã không gay gắt như hiện nay.

Ở đây có trách nhiệm của các bộ, có trách nhiệm của cơ quan trình và có trách nhiệm của QH. Nếu QH quyết liệt hơn với các chỉ tiêu của Chính phủ thì các chỉ số kinh tế vĩ mô có thể không mất cân bằng nhiều như hiện nay.

Đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai):

Việc bấm nút cũng phải minh bạch

Khi một quyết nghị của Quốc hội chỉ trong sáu tháng đã phải xem lại, bài học lớn nhất chúng tôi cảm thấy đây chỉ là khúc dạo đầu của một thời kỳ mới nhiều thách thức hơn. Thách thức này đòi hỏi phải phát huy hết năng lực của các cơ quan trong thể chế vì không phải quyết nghị nào cũng có thể thấy phải điều chỉnh lại trong sáu tháng.

Chúng ta không có thiết chế chính trị tam quyền phân lập, chính vì thế ta phải tìm cách phát huy tối đa sự phân công. Lâu nay, giữa Chính phủ với QH luôn tìm sự đồng thuận. Điều này đúng nhưng tính phản biện phải là sự nền tảng của mối quan hệ giữa hai cơ quan.

Để phản biện tốt, theo tôi, phương thức bấm nút của chúng ta có vấn đề cần thay đổi. Bấm nút điện tử tuy nhanh nhưng không minh bạch được thái độ của các đại biểu QH. Nước Anh có công nghệ hiện đại vậy mà họ vẫn giữ cách nghị sĩ nào đồng ý vấn đề nào đó thì đi vào một cửa, không đồng ý thì đi vào một cửa. Ra ngoài cửa anh phải ký vào cuốn sổ.

Cuốn sổ đó họ sẽ lưu cho muôn đời sau để ai cũng có thể biết nghị quyết này ông A, ông C ủng hộ hay phản đối. Tại Mỹ, khi quyết định, hệ thống truyền thanh cũng xướng tên ông A thuận hay không thuận. Sự minh bạch sẽ buộc các vị đại biểu phải có trách nhiệm trước sự bấm nút của mình.

Sắp tới chúng ta sẽ quyết nhiều vấn đề lớn. Chính cái khắc nghiệt của tình hình hiện nay đòi hỏi QH phải phát huy cao nhất vai trò của mình. Đó chính là sự ủng hộ tốt nhất đối với Chính phủ. Việc quá tin tưởng vào văn bản của cơ quan trình, nghĩ rằng nó đã được xem xét rất kỹ rồi, là quán tính của sự bị bao cấp về tư duy. Nếu cứ nghĩ trên đã lo hết là không đúng. Trong lịch sử, các quyết định đúng đắn là chủ trương biết tập hợp sáng kiến của tập thể, của dân. Nếu cứ ỷ lại, trên bảo gì làm nấy thì có thể có thành công nhưng sẽ không tránh khỏi thất bại và thất bại có thể sẽ nhiều hơn.

Đại biểu ĐÀO XUÂN NAY (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận):

Quốc hội cần “khó tính” với Chính phủ

Muốn hay không cũng phải công nhận nhiều luật QH thông qua chưa bao lâu đã phải sửa. Điều này liên quan trực tiếp đến vai trò, trí tuệ của QH. Luật không phù hợp với cuộc sống chứng tỏ QH chưa làm kỹ dự thảo hoặc chưa bám sát cuộc sống người dân. Hiện đại biểu QH không có văn phòng, không có chuyên gia giúp đỡ trực tiếp thì ít nhất phải yêu cầu và dành cho đại biểu thời gian để nghiên cứu các văn kiện. Chúng ta đã nói nhiều về vấn đề này, nay nên qui định QH chỉ biểu quyết khi dự án luật đã được trình trước 45 ngày.

QH cần “khó tính” hơn với Chính phủ. Nhiều dự án luật chỉ gửi cho đại biểu trước năm ngày, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội đại biểu đi họp mới phát thì làm sao họ kịp đi tham khảo, lấy ý kiến nhân dân. Nếu có các văn kiện trước khi tiếp xúc cử tri, đại biểu sẽ yên tâm hơn khi bấm nút, tránh được “bấm cho xong”.

Hiện QH quyết các vấn đề đều dựa trên nguồn thông tin một chiều từ Chính phủ. Giám sát mà chỉ theo nguồn của bên bị giám sát thì không thể khách quan. QH đang thiếu cơ quan thông tin và dự báo. Trước thực tế này, theo tôi, các đại biểu phải tích cực tham gia các hội đồng, ủy ban, nếu cứ sáu tháng mới ra họp một lần thì không thể nắm được vấn đề, biểu quyết khó “trúng”.

Đại biểu NGUYỄN ĐÌNH XUÂN (Tây Ninh):

Đại biểu không nên đóng nhiều vai

- Năng lực quyết định của QH, theo tôi, là năng lực lắng nghe, thấu hiểu và bản lĩnh thực hiện đúng ý chí của nhân dân. Không thể nói đi tiếp xúc cử tri mấy ngày, gặp mấy trăm người là đã lắng nghe, nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân. Phải năng nổ tìm tòi nhiều kênh khác nữa. Thế nhưng trong quá trình tuyển chọn đại biểu, chúng ta thường chỉ dựa theo các tiêu chuẩn rất cụ thể như trình độ, thời gian công tác, ngành nghề, vị trí công tác...

Nhiều việc gần như đã xong mới đưa ra QH quyết. Như việc thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP hay thu chi ngân sách. Nó như xây cái nhà, phải xem xét từ khi thiết kế, làm móng, chứ xây xong cơ bản rồi, bảo góp ý thay đổi gì rất khó. Các bộ ngành, địa phương khi dự thảo kế hoạch thu chi ngân sách hoàn toàn có thể đồng gửi cả Chính phủ cùng QH chứ không nên giờ chót mới gửi QH.

QH hiện nay 2/3 là không chuyên trách nên đôi khi ý kiến của thiểu số lại đúng. Vì vậy với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, nên dành thời gian nhiều hơn để nghe những ý kiến phản biện. Cần có cơ chế để thiểu số có thể thuyết phục đa số. Như hiện nay chỉ có 7-10 phút để một người chỉ bằng lời nói thuyết phục QH là quá khó.

Về lâu dài, QH nên là cơ quan hoạt động thường xuyên, chuyên trách như nghị quyết đại hội Đảng đã đề ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận