Nào, quẳng gánh lo đi và xem truyền hình thực tế!

ĐẶNG HOÀNG GIANG 19/09/2015 17:09 GMT+7

TTCT- Gần đây, báo chí đã ta thán khá nhiều về sự nhạt nhẽo và tình trạng bão hòa của các show truyền hình thực tế ở Việt Nam, và kêu gọi xã hội cần “tỉnh táo”. Điều mà nhà phê bình Neil Postman từng cảnh báo: “Khi dân chúng bị sao nhãng bởi những điều tầm phào, khi đời sống văn hóa được tái định nghĩa thành một cuộc giải trí vĩnh cửu, khi những hội thoại nghiêm túc trở thành cái bập bẹ của trẻ nhỏ”, đang thành một hiện thực đáng buồn.

Reality
 

Sau nhiều năm làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ, vị trí thống trị của phim tập Hàn Quốc đang bị lung lay. Thách thức tới từ truyền hình thực tế.

Vỏ vô hại, ruột tầm phào

Tuy đa dạng nhưng các chương trình này có một điểm chung cơ bản: thay vì cần tới diễn viên chuyên nghiệp và một kịch bản cầu kỳ, người ta để công chúng thi thố với nhau trong một chuyện gì đó. Chỉ trong vòng hai, ba năm qua, số lượng chương trình thuộc thể loại này đã bùng nổ.

Bắt đầu với các show có bản quyền nước ngoài như Thần tượng âm nhạc, Giọng hát Việt (ca hát), hay Bước nhảy hoàn vũ, Thử thách cùng bước nhảy (nhảy múa), qua Vietnam’s Next Top Model, Project Runway (thời trang), rồi Ơn giời, cậu đây rồi! (hài), và Vietnam’s Got Talent (tổng hợp), các chương trình thuần Việt như Điều ước thứ 7, Hoa khôi áo dài, Vợ chồng mình hát, Solo cùng bolero... mọc lên như nấm sau mưa.

Năm qua, một loạt phiên bản cho thí sinh trẻ em ra đời, mở ra một hướng khai phá mới. Tới nay đã có tổng cộng gần 40 chương trình nội ngoại khác nhau, cạnh tranh khốc liệt các khung giờ vàng trong cả tuần. 

Chúng hút khách tới mức giá quảng cáo lên tới 350 triệu đồng cho 30 giây, doanh thu mỗi chương trình lên tới hàng trăm tỉ đồng, với chi phí sản xuất thấp hơn chi phí các chương trình truyền thống rất nhiều.

Vì sao những ngôi sao Hàn xinh đẹp lại có thể bị cạnh tranh bởi mấy cô cậu nghiệp dư nào đó ở một tỉnh lỵ xa xôi? Một trong những điểm tạo nên sức hút của truyền hình thực tế là nó đánh vào lòng hiếu kỳ của người xem.

Bằng các tiết mục dự thi kỳ dị như nuốt cá kèo sống hay xỏ rắn lục vào mũi rút ra từ miệng giống một gánh bán thuốc rong; bằng các xung đột, thị phi thật hay giả giữa các thí sinh và giữa thí sinh với giám khảo; bằng các màn trình diễn của các thí sinh bất tài bị đem ra cười nhạo công khai trước cả nước. Cộng lại, chúng thu hút người xem như một đám ẩu đả ngoài đường.

Helmut Thoma, giám đốc hãng truyền hình tư nhân RTL có tiếng là thương mại câu khách của Đức, nói thẳng toẹt: “Truyền hình thực tế là cái may mắn được chứng kiến một tai nạn”.

Không chỉ thỏa mãn lòng hiếu kỳ bằng cách thức trên, truyền hình thực tế còn xây dựng quyền lực của mình bằng các thủ thuật tinh vi khác. Dưới cái vỏ “giải trí” có vẻ vô hại, nó truyền tải những triết lý sống và thế giới quan gây ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội.

Một trong những kỹ thuật kinh điển của truyền hình thực tế là lấy cái nghèo và người nghèo ra để kích dục thương hại và để tầng lớp khán giả trung lưu khẳng định đặc quyền của mình. Trong “Sống khác”, với khẩu hiệu “Vượt qua thử thách”, một số thanh niên thành phố được giao cho những việc mưu sinh của người nghèo.

Một cậu ấm trắng trẻo phải đi kéo xe bò. Một hot girl được giao nhiệm vụ đi bán chó con (và phần lớn thời gian bận rộn chụp selfie với người hâm mộ qua lại). Hai nữ sinh phải ngủ qua đêm cùng một gia đình nghèo. Camera dùng kỹ xảo biến căn lều tồi tàn thành một căn nhà ma rùng rợn, cận cảnh các cô đang thút thít vì sợ. Hôm sau, các cô đóng vai hiệp sĩ, vượt qua “thử thách” là nấu cơm bằng bếp củi, đãi gia đình chủ nhà một bữa thịnh soạn.

Đáng nói là chương trình không chọn cách đi theo người nghèo để xem họ vật lộn với cuộc sống ngày qua ngày, không có hồi kết như thế nào. Bởi như thế thì nó lại là thực tế mất rồi, không phải truyền hình thực tế nữa. 

Cái mà người xem muốn không phải là cái thực tại trần trụi ngoài kia, mà chỉ là một trò chơi “bắt chước” người nghèo, rồi tỏ vài cử chỉ giúp đỡ, để rồi cả nhà sản xuất, người tham gia cùng hài lòng là mình nhân văn.

Trẻ em là cái cần câu cơm khác của truyền hình thực tế. Một bé gái 6 tuổi hát các bài tình ca sướt mướt. Một cậu nhóc 11 tuổi hóa trang như ca sĩ da đen Mỹ thập niên 1970, đánh hông sau lưng một bé gái 7 tuổi. Một bé gái đang thay răng cửa mặc váy cứng đơ bó chặt nhảy disco trên sân khấu mù mịt khói.

Lũ trẻ biến thành những người lớn thu nhỏ, những sản phẩm giải trí, trong những khuôn mẫu nhân tạo. Một ni cô mồ côi 14 tuổi thì đã “thấu hiểu sự đời”, một cô bé 12 tuổi thì luôn ảo não “mưa rơi trong lòng làm mình cô đơn”. Chúng cư xử như những người máy tí hon.

Con biết con đường phía trước còn nhiều khó khăn” - một cậu bé 6 tuổi cương nghị nói, rồi chỉ ngón trỏ vào camera. Một bé gái 6 tuổi khác nói liền một mạch: “Nếu con thắng con sẽ đưa bố mẹ và anh hai con đi du lịch, bố mẹ và anh hai con chưa bao giờ được đi du lịch, và cả con cũng vậy”, đoạn đặt tay phải lên tim rồi nháy mắt với người xem.

Cô bé răng sún chưa bao giờ đi du lịch kia là một ví dụ điển hình cho một công thức khác hay được áp dụng: nhiều thí sinh được trình bày như những cứu tinh cho gia đình mình. Xuất thân lao động của chúng được nhấn mạnh qua những biệt hiệu như “cậu bé chăn dê” hay “cô bé bán kẹo kéo”.

Những hoàn cảnh éo le, làm mủi lòng vừa đem tới cho người xem một cảm giác mùi mẫn, vừa cho họ một ảo giác quyền lực rằng họ có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của người khác khi bỏ phiếu để một thí sinh đi tiếp.

Ảo giác này làm họ quên đi cảm giác bất lực trước những thể chế của xã hội, bất lực trước cuộc sống của bản thân mình. Theo giáo sư Beverley Skeggs, tầng lớp lao động Anh nhìn thành công của Susan Boyle, một phụ nữ trung niên nghèo và xấu trong Britain's Got Talent, như một minh chứng rằng vẫn có một cơ hội cho những người mà dường như đã bị tất cả cánh cửa đóng sập trước mặt.

Những câu chuyện như thế nuôi dưỡng những tưởng tượng về một thế giới công bằng và có hậu. Theo một khảo sát ở Anh, sau khi xem show The X Factor (phiên bản tiếng Việt là Nhân tố bí ẩn), 39% cảm thấy trên đời này “mọi thứ đều có thể”.

Tower
 

Sự nghèo đi của văn hóa

Trong vũ trụ của truyền hình thực tế, các giám khảo, tư vấn, huấn luyện viên hiện ra thông thái và nghiêm khắc, thuộc về một đẳng cấp khác. Họ như những người canh cửa vào một thế giới hạnh phúc, mãn nguyện và đầy đủ.

Trong một buổi chung kết của Giọng hát Việt nhí, một giám khảo phấn khích tuyên bố: “Từ hôm nay các con đã trở thành nghệ sĩ, cuộc sống của các con sẽ tuyệt vơ..ơ ơ..ời!”. 

Câu này đúc kết một cách nhìn thế giới mới. Cuộc sống của các con sẽ tốt đẹp không phải vì các con được yêu thương, các con được học hành. Không, cuộc sống của các con sẽ tuyệt vời khi các con được showbiz chấp nhận.

Truyền hình thực tế tạo ra sự đói khát nổi tiếng. Điều quan trọng trong cuộc sống, nó dạy ta, đó là hào quang trên sân khấu và sự chú ý của đám đông. Theo một khảo sát ở Anh, cứ 10 thiếu niên thì có một người sẵn sàng bỏ học để xuất hiện trên tivi. 16% tin rằng rồi chúng sẽ nổi tiếng.

Quả thật, chứng kiến một cô gái cao lêu đêu lóng ngóng quê mùa, chỉ sau mấy tập của Vietnam Next Top Model đã treo mình bên ngoài vách kính của một cao ốc hiện đại làm người mẫu cho một bộ ảnh thời trang, người xem truyền hình khó tránh được cảm giác mình đang chứng kiến một cuộc hóa thân ngoạn mục, như câu chuyện cô gái bình dân may mắn gặp hoàng tử.

Truyền hình thực tế đã trở thành thuốc phiện mới của nhiều người. 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị nhấn chìm bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ư? Mỗi năm hàng nghìn hecta rừng ở Tây nguyên bị tàn phá và lấn chiếm ư?

Hãy để những chuyện đó sang một bên, đừng làm tớ mất tập trung, cuộc đua giữa “hoàng tử tóc xoăn” và “cô bé khiếm thị” đang gay cấn. “Quẳng gánh lo đi và xem truyền hình thực tế” là khẩu hiệu sống mới.

 “Khi dân chúng bị sao nhãng bởi những điều tầm phào, khi đời sống văn hóa được tái định nghĩa thành một cuộc giải trí vĩnh cửu, khi những hội thoại nghiêm túc trở thành cái bập bẹ của trẻ nhỏ" - nhà phê bình Neil Postman viết trong cuốn Tiêu khiển cho tới chết: "Diễn ngôn công trong thời đại showbiz của ông - “Tóm lại, khi người dân trở thành khán giả, những quan tâm của họ thành trò tạp kỹ, thì một dân tộc đang gặp hiểm nguy, cái chết về văn hóa là một khả năng rõ ràng”.

Gần đây, báo chí đã ta thán khá nhiều về sự nhạt nhẽo và tình trạng bão hòa của các show truyền hình thực tế ở Việt Nam, và kêu gọi xã hội cần “tỉnh táo”. Liệu chúng ta có thể hi vọng làn sóng truyền hình thực tế sẽ có điểm dừng?

Các tác giả Đức Georg Seeßlen và Markus Metz cho rằng không. Sự kệch cỡm, thô thiển của các chương trình này, các cố gắng gây sốc, gây sốt của chúng sẽ vẫn tiếp tục.

Hai tác giả gọi các ngành công nghiệp truyền thông, quảng cáo, showbiz, thời trang hiện đại là những cỗ máy làm người ta trở nên đần độn. Trong cuốn Những cỗ máy làm đần: Quá trình sản xuất ra sự ngớ ngẩn, họ cảnh báo quá trình đần độn hóa này sẽ luôn tiếp diễn.

“Một đặc điểm cơ bản của cỗ máy làm đần này là nó muốn tạo ra giải trí bằng mọi giá. Mục tiêu của nó là tăng trưởng vô độ, và do đó sự sản xuất ra những tiêu khiển liên miên một mặt tạo ra cảm giác thừa mứa, mặt khác tạo ra mong muốn có thêm những tiêu khiển nữa, mới hơn, đần độn hơn”.

Nói nôm na, giống như với bất cứ thói nghiện nào, càng ngày người ta càng cần những liều nặng đô hơn. Họ thèm khát cái khoái cảm chốc lát mà không biết là mình đang đi vào bần cùng, ở đây là bần cùng về tinh thần.

Với triết gia người Đức Norbert Boltz, sự khác nhau giữa trước kia và ngày nay là trước kia cái thô thiển và rẻ tiền phải bị giấu giếm đi, còn ngày nay chúng chiếm những vị trí quan trọng nhất, dương dương tự đắc, vì chúng đem lại nhiều tiền nhất.

Theo nhà nghiên cứu truyền thông Mỹ George Gerbner, người kể những câu chuyện văn hóa cũng là người chi phối các hành vi của con người. “Trước kia, người kể chuyện là cha mẹ, trường học, tôn giáo, cộng đồng - ông chỉ ra thêm một thay đổi nữa trong xã hội - Ngày nay đó là một nhóm nhỏ các công ty, họ không có gì để kể nhưng lại có rất nhiều thứ để bán”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận