Nên thu phí vỉa hè ra sao?

PHÚC HUY 20/06/2017 20:06 GMT+7

TTCT - Cần xây dựng một cơ chế đột phá, như có thể thành lập công ty quản lý và khai thác quỹ vỉa hè đô thị.

Vỉa hè đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) được kẻ vạch, tổ chức theo hướng tạo thuận lợi cho người kinh doanh và người đi bộ (ảnh chụp chiều 12-6)-Quang Định
Vỉa hè đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) được kẻ vạch, tổ chức theo hướng tạo thuận lợi cho người kinh doanh và người đi bộ (ảnh chụp chiều 12-6)-Quang Định

 Góp ý liên quan đến đề xuất thu phí vỉa hè của Sở GTVT TP.HCM đang được đưa ra lấy ý kiến, TS Dư Phước Tân - trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP - nói:

- Đề xuất thu phí kinh doanh trên vỉa hè là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu không thu phí và không cho kinh doanh trên vỉa hè, người dân cũng sẽ lấn chiếm, nhưng càng mất trật tự hơn. Do vậy, thu phí kinh doanh trên vỉa hè là một trong những giải pháp nhằm quản lý tốt hơn.

Quá trình nghiên cứu đề tài “Kinh tế trên vỉa hè” trước đây, chúng tôi có khảo sát và tìm hiểu với lãnh đạo một số địa phương trong việc giải quyết tình trạng mua bán trên vỉa hè.

Hầu hết lãnh đạo địa phương đều thừa nhận sự tồn tại của hoạt động mua bán trên vỉa hè như một thực tế khách quan, không thể xóa bỏ, ít nhất là trong điều kiện như hiện nay, khi mà hoạt động kinh tế này vẫn còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận dân cư TP.

Vấn đề đặt ra là giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị và một bên là cuộc sống của hàng vạn người dân, hiện còn sử dụng vỉa hè làm nơi kiếm sống.

Thực tế vừa qua, sau các đợt ra quân chấn chỉnh của cơ quan chức năng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè có giảm, nhưng gần đây một số khu vực bị tái chiếm trở lại.

Theo tôi, có một số nguyên nhân: Thứ nhất, nhu cầu mua bán của hoạt động kinh tế trên vỉa hè là có thực, đối với một bộ phận dân cư.

Vì vậy, không nên xóa bỏ toàn bộ hoạt động này mà cần sắp xếp lại cho trật tự. Nhưng do phải đảm bảo những điều kiện nhất định trong quản lý nên người buôn bán ở một số địa điểm phải chấp nhận kinh doanh trong một khung giờ nhất định ở một số tuyến đường.

Có thể xem đây là bước tập dượt để hình thành thói quen buôn bán ngăn nắp và theo khung giờ cho phép để dần dần đưa việc quản lý kinh tế trên vỉa hè vào khuôn khổ.

Thứ hai, vừa qua một số quận huyện có đề xuất hình thành các khu buôn bán tập trung nhưng việc triển khai mô hình này còn chậm (trừ khu kinh doanh ở công viên Bạch Đằng của Q.1).

Thứ ba, dù có hình thành các khu buôn bán tập trung như đề xuất nhưng khó có thể đáp ứng hết nhu cầu của những người buôn bán trên vỉa hè.

Chức năng của vỉa hè là dùng cho mục đích công cộng, vì sao trong nghiên cứu của mình, ông lại gọi là “kinh tế vỉa hè”?

- Tương tự như một số thành phố đặc thù của châu Á, nhiều hoạt động “kinh tế trên vỉa hè” ở TP.HCM đã tồn tại lâu dài.

Từ các hoạt động buôn bán rất đa dạng như sách báo, hàng ăn, hàng uống, quần áo cũ (mà lề đường là nơi thuận tiện nhất để người ta buôn bán những mặt hàng này), cho đến các dịch vụ như sửa xe, hớt tóc, bãi giữ xe... hình thành nên hoạt động “kinh tế trên vỉa hè”, ngoài mong muốn của chính quyền TP.

Những hoạt động này dù được gọi là khu vực kinh tế không chính quy (informal sector) nhưng thu hút một lượng khá lớn những người lao động không có việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ cho xã hội với giá cả vừa phải, phù hợp với túi tiền của một bộ phận dân cư.

Ngoài ra, do đặc điểm cấu trúc đô thị của TP.HCM, nhà phố được tận dụng mặt tiền để buôn bán, nên thói quen mua sắm dọc trên vỉa hè vẫn còn phổ biến.

Mặc dù siêu thị ngày càng nhiều nhưng cách thức kinh doanh truyền thống theo hình thức “phố chuyên doanh” (các hộ kinh doanh chuyên một loại hàng hóa, trải dài theo tuyến đường) vẫn tạo ra nhu cầu sử dụng xe máy di chuyển đến từng cửa hàng để mua sắm.

Chính xe máy lại gắn với kinh doanh trên vỉa hè. Cũng nên nhắc lại nghị định số 39/2007/NĐ của Chính phủ ban hành ngày 16-3-2007 quy định đối với “cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh” (trong đó có buôn bán hàng rong) như sau: tại khoản 6, điều 8 về trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn trong quản lý nhà nước đối với cá nhân hoạt động thương mại tự do, quy định: “triển khai thực hiện các giải pháp tổ chức hoạt động thương mại và hình thức quản lý phù hợp, bảo đảm hoạt động bình thường của các khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm hoặc cho phép cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại; bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động hợp pháp của cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn quản lý”.

Đây cũng là cơ sở để chúng ta sắp xếp lại các hoạt động của hàng rong nói chung hiện nay.

Nếu chấp nhận dành một phần vỉa hè cho các hoạt động kinh doanh thì nên sắp xếp các hoạt động trên thế nào để vừa đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị vừa là nơi cho người dân buôn bán?

- Có hai đối tượng lấn chiếm vỉa hè: những người buôn bán từ nơi khác đến và các hộ kinh doanh tại chỗ sử dụng diện tích vỉa hè trước mặt tiền nhà. Có hai hoạt động lấn chiếm là sử dụng diện tích vỉa hè để kinh doanh hàng hóa, thực phẩm và sử dụng vỉa hè để xe tự quản trước nhà.

Với đối tượng lấn chiếm, người bán rong từ nơi khác đến có thể hướng đến bố trí tập trung một nơi (như đề án thí điểm của Q.1).

Với hộ mặt tiền có nhu cầu, sử dụng diện tích vỉa hè trước nhà hoặc người kinh doanh nơi khác đến, cần khoanh lại diện tích cho phép sử dụng trên vỉa hè và thu phí như đề xuất của Sở GTVT.

Ngoài việc khai thác vỉa hè cho việc buôn bán hàng ăn uống, rất cần sử dụng một phần không gian vỉa hè cho người đi bộ, chỗ đặt các cửa hàng sách báo, quầy lưu niệm, quầy bán hoa, mỹ phẩm, ghế ngồi nghỉ ngơi, đặt máy tập thể dục...

Qua những nghiên cứu trước đây, tôi thấy rằng để giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa yêu cầu tất yếu của quy hoạch đô thị và nhu cầu mưu sinh của một bộ phận dân cư phụ thuộc vào kinh tế vỉa hè không đơn giản.

Để quản lý việc kinh doanh trên vỉa hè hiệu quả, vừa có chỗ cho khách bộ hành, chỉ nên áp dụng cho các tuyến đường có vỉa hè rộng hơn 3m. Có thể phân thành 3 loại vỉa hè: loại cấm kinh doanh hoàn toàn, cho sử dụng tạm một phần có thu phí cả ngày và cho sử dụng tạm một phần có thu phí theo khung giờ quy định.

Các hoạt động này phải căn cứ vào thực tế vỉa hè có đủ rộng hay không để sử dụng vào từng mục đích cụ thể. Quan điểm chung là phải điều tiết thu phí ở mức giá vừa phải, nhưng có tác dụng giúp chủ hộ hoặc người thuê tạm phải khai thác sử dụng hiệu quả vỉa hè, không nên ở mức giá quá thấp sẽ không còn tác dụng.

Kiểm soát lấn chiếm vỉa hè thông qua thu phí vỉa hè, cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè của các hộ mặt tiền, sẽ vừa đảm bảo công bằng, đồng thời giúp chủ hộ biết được ranh giới sử dụng của mình đã đóng phí, không lấn chiếm ra ngoài, nếu không sẽ bị xử phạt. Đối tượng thu phí cần có những quy định cụ thể, rõ ràng, kể cả những hộ sử dụng mặt tiền trên vỉa hè.

Theo ông, nên tổ chức thu phí các hộ kinh doanh trên vỉa hè ra sao cho hiệu quả?

- Tôi nghĩ cần xây dựng một cơ chế đột phá, như có thể thành lập công ty quản lý và khai thác quỹ vỉa hè đô thị. Mô hình này cần được nghiên cứu khả thi và sau đó cần tổ chức thí điểm, từng bước thực hiện.

Công ty này trước mắt có thể dựa trên các công ty dịch vụ công ích hiện nay của quận huyện. Ngoài việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng và phối hợp với các công ty hạ tầng khác để chỉnh trang đô thị, công ty này còn quản lý, khai thác quỹ vỉa hè của đô thị.■

Không nên coi đây là nguồn thu cho ngân sách

Việc thu phí kinh doanh trên vỉa hè trước mắt nên thí điểm ở một số tuyến đường trung tâm TP (như đường Bùi Viện), sau đó mở rộng ra các khu vực khác.

Nếu một nơi có nhiều người cùng đăng ký kinh doanh thì phải tổ chức đấu giá, tránh tình trạng “những người thân quen” được chọn kinh doanh ở những vị trí tốt.

TP không nên coi nguồn thu phí từ việc cho thuê vỉa hè là nguồn thu ngân sách mà nên dùng để đầu tư, nâng cấp đường, vỉa hè, cây xanh, không gian sinh hoạt công cộng cho người dân… ở các tuyến đường có thu phí vỉa hè, sau khi trừ chi phí quản lý. Vì mục đích cuối cùng là làm sao để quản lý đô thị tốt hơn, làm cho TP văn minh, sạch đẹp hơn.

Để hiệu quả, cần xã hội hóa việc quản lý kinh doanh trên vỉa hè và nguồn thu, sử dụng ra sao cũng phải được công khai, minh bạch. Khi các khoản phí đóng góp của người dân (thuê vỉa hè) sử dụng hiệu quả, họ sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, thời điểm này chúng ta tổ chức thu phí là hơi vội vã, vì nhiều tuyến đường vỉa hè vẫn chưa thật sự thông thoáng. Khi nào vỉa hè các tuyến đường đã được chấn chỉnh, thật sự thông thoáng, lúc đó nên tổ chức thu phí, cho kinh doanh.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn

Bảng giá đề xuất sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh dịch vụ

QUẬN MỨC THU PHÍ

(đồng/m2/tháng)

Q.1 100.000

Q.3 80.000

Q.5 50.000

Q.10 45.000

Q.Phú Nhuận 40.000

Q.11 35.000

Q.4 và Q.Bình Thạnh 30.000

Q.6 và Q.Tân Bình 25.000

Các quận, huyện: 2, 7, 8, 9, 12,

Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè,

Củ Chi, Cần Giờ 20.000

(Nguồn: Đề xuất của Sở GTVT TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận