Nét hấp dẫn riêng và luồng sinh khí mới

HUY ĐĂNG 23/05/2022 05:00 GMT+7

TTCT - 16 VĐV Việt kiều ở các đội tuyển bóng rổ, bơi lội, quần vợt đã mang lại một nét đẹp thú vị cho đoàn thể thao chủ nhà tại SEA Games 31.

Trong một kỳ SEA Games sân nhà với số HCV ồ ạt, những tấm huy chương mà các VĐV Việt kiều giành được đã mang đến nét hấp dẫn rất riêng cho người hâm mộ Việt Nam.

Luồng sinh khí mới

Từ kỳ SEA Games 2017, Paul Lê Nguyễn đã là một cái tên quen thuộc với bơi lội VN. Có cha mẹ là người Việt, sinh trưởng tại Mỹ, kình ngư 30 tuổi này trở về khoác áo đội VN theo sự giới thiệu của HLV Đặng Anh Tuấn. 

 
 Anh Đào, cô gái Việt kiều Mỹ tại đấu trường SEA Games 31. Ảnh: VBF

Ở những kỳ SEA Games trước, Paul đã rất được yêu mến nhờ vẻ ngoài luôn thân thiện, vui vẻ. Nở nụ cười thường trực, đôi lúc tỏ ra vui nhộn trước ống kính, cách mà kình ngư Việt kiều này đặt chân đến SEA Games khác hẳn các đồng đội của anh - những người luôn chịu sức ép lớn bởi chỉ tiêu huy chương.

Tuyển bơi lội VN có 2 VĐV Việt kiều là Paul và Jeremie Lương, một số đội tuyển khác như quần vợt và bóng rổ, số lượng các VĐV sinh trưởng tại nước ngoài còn đông hơn. Đặc biệt, bóng rổ đang tạo ra cơn hứng khởi ở kỳ SEA Games này. 

Ở nội dung 3x3 nam và nữ, các chàng trai, cô gái bóng rổ VN mang về 2 tấm HCB lịch sử (toàn bộ các kỳ SEA Games trước đây chỉ giành vỏn vẹn 2 HCĐ). Còn ở quần vợt, đôi VĐV Savanna Lý Nguyễn cùng Chanelle Vân Nguyễn mang về tấm HCB đồng đội nữ và được kỳ vọng sẽ làm nên bất ngờ ở nội dung cá nhân (đang thi đấu).

Cũng như Paul, phần lớn các VĐV Việt kiều xuất thân từ hệ thống thể thao sinh viên Mỹ. Đầu tiên phải nhắc đến tay ném Nguyễn Thị Anh Đào. 

Thời sinh viên, Anh Đào từng vô địch Northeast-10 Conference Championships (chỉ kém giải đấu hàng đầu của hệ thống thể thao đại học Mỹ NCAA một bậc) 2015 lần đầu tiên trong lịch sử cùng đội Đại học Adelphi Panthers. Ngoài ra, cô gái Việt còn có thời gian thi đấu bóng rổ tại trời Âu cho CLB Rhein-Main Baskets ở giải hạng 2 của Đức.

Góp phần “bùng cháy” nhà thi đấu Thanh Trì (Hà Nội) cùng Anh Đào và đồng đội những ngày qua là cặp chị em song sinh người Mỹ gốc Việt Trương Thảo My (Kayleigh Trương) - Trương Thảo Vy (Kaylynne Trương).

Thảo My và Thảo Vy lớn lên tại Texas (Mỹ), có bố là người Việt còn mẹ mang hai dòng máu Việt - Mỹ. Như bao trẻ em Mỹ, từ nhỏ hai chị em đã được làm quen với quả bóng cam. My - Vy từng gây chú ý khi được mời lên tập luyện cùng U17 Mỹ chuẩn bị cho giải vô địch thế giới U17 năm 2018. Cả hai đang theo học Đại học Gonzaga và chơi cho đội bóng rổ của trường tại NCAA Women Division 1.

Với chiều cao tốt và kỹ thuật cơ bản vững chắc, Thảo My (1,75m) và Thảo Vy (1,72m) đã trở thành mảnh ghép hoàn hảo giúp tuyển bóng rổ Việt Nam mạnh lên, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu khu vực. Chiếc HCB bóng rổ 3x3 mà bộ tứ Anh Đào, Thảo My, Thảo Vy và thủ quân Huỳnh Thị Ngoan giành được là lịch sử của bóng rổ Việt Nam.

Những VĐV trí thức

Những Anh Đào, Thảo My, Thảo Vy hay Paul Nguyễn... dù sao cũng chỉ là các VĐV vào hạng trung bình của NCAA. Điểm đáng nể của họ là khả năng cân bằng giữa học và chơi.

Điển hình như Anh Đào, một VĐV trí thức với hơn 3 năm đứng lớp làm giáo viên dạy toán trung học và có bằng thạc sĩ y tế công. Nhưng đam mê với thể thao đã khiến cô chọn làm giám đốc thể thao tại Đại học Brown và đào tạo ra hơn 20 HLV bóng rổ tại Mỹ.

Chủ lực đội tuyển quần vợt nữ Việt Nam là Savanna Lý Nguyễn (Việt kiều Canada), Chanelle Vân Nguyễn (Việt kiều Mỹ). Với Lý Nguyễn, đây đã là lần thứ hai cô tham dự SEA Games trong màu áo tuyển VN. Ở kỳ đại hội 2019 tại Philippines, cô từng giành HCB đơn nữ.

HLV Trương Quốc Bảo của Lý Nguyễn cho biết: “Savanna Lý Nguyễn lần đầu về VN thi đấu vào năm 2017 và hai lần liên tiếp vô địch quốc gia. Nhưng từ 2019, do dịch COVID-19, cô chỉ tập trung học tập, không về Việt Nam, thay vào đó cô thường xuyên thi đấu cho Đại học Washington - một trong những đội mạnh về quần vợt tại NCAA”.

Ngay trước khi về Việt Nam, cô gái 22 tuổi vừa tốt nghiệp ngành thần kinh học ở ngôi trường nằm trong top 100 đại học Mỹ này với điểm số xuất sắc và sẽ tiếp tục học lên bác sĩ. Với một ngành học chuyên sâu như vậy, Lý Nguyễn không có quá nhiều thời gian để tập luyện quần vợt. Cô cho biết mình chỉ tập luyện khoảng 3 buổi/tuần.

Paul Nguyễn là trường hợp vào dạng độc nhất vô nhị, khi anh vất vả cân đối giữa việc học và thể thao, để rồi quyết định lùi lại kế hoạch tương lai vì đam mê thể thao chuyên nghiệp.

Khi dự SEA Games 2017, Paul vừa tốt nghiệp ngành kinh tế Đại học Missouri, và chuẩn bị học tiếp bằng thạc sĩ. Năng lực bơi lội của chàng trai này hoàn toàn được nuôi dưỡng từ NCAA. Ngay cả ở giải đấu của sinh viên, Paul cũng chỉ là một VĐV bình thường. Về đến SEA Games, anh giành một loạt huy chương (dù vẫn chưa có vàng: 1 HCB và 7 HCĐ ở 2 kỳ SEA Games 2017 và 2019).

Việc được khoác áo đội tuyển quê hương đã mang lại nguồn hứng khởi mới cho Paul, giúp anh thêm quyết tâm theo bơi lội. Trong 3 năm tiếp theo, Paul vừa tập bơi ở Đại học Missouri, vừa hoàn thành tấm bằng thạc sĩ. Sau khi yên ổn việc học hành, kình ngư Việt kiều quyết định dấn thân hẳn vào bơi lội.

“Anh ấy muốn có trải nghiệm thật nhiều ở môn thể thao yêu thích nhất. Paul có niềm đam mê bơi lội mãnh liệt, dù ở Mỹ, anh ấy chỉ là một VĐV tầm trung. Paul chia sẻ với tôi rằng anh cảm thấy biết ơn về cơ hội được khoác áo tuyển VN, thi đấu ở những giải đấu quốc tế. 

Về công việc lâu dài, Paul có thể bắt đầu bất cứ lúc nào, nhưng bơi lội thì phải là ngay lúc này. Paul không muốn sau này phải hối hận vì đã không thử sức với bơi lội chuyên nghiệp” - Josie Pearson, bạn gái Paul, chia sẻ. Chính Paul từng nói anh đã bỏ chuyên ngành dầu khí yêu thích để học ngành kinh tế ở Missouri, nơi trao cho anh học bổng thể thao.■

Xu hướng tốt của thể thao

Nhiều năm trước, việc nhập tịch các VĐV từ phương Tây (đặc biệt là Philippines) thường bị mang ra châm biếm. Nhưng trong các kỳ SEA Games gần đây, quan điểm của các nền thể thao đang dần thay đổi. 

Chuyện các VĐV sinh trưởng ở nước ngoài rồi trở về thi đấu cho quê hương ngày càng trở nên bình thường. “Bạn có thể thấy xu hướng đó ở mọi nơi. Như ở bóng đá, nhiều cầu thủ sinh ra ở Anh, Pháp... đã chọn thi đấu cho các đội tuyển châu Phi quê hương mình. Naomi Osaka trong môn quần vợt cũng chọn màu áo đội Nhật và được ca ngợi vì điều đó, tại sao các VĐV SEA Games lại không thể?” - Indra Basly, phóng viên kênh truyền hình TVRI của Indonesia, nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận