Nếu con sợ ngày tựu trường...

HỒNG VÂN 29/08/2022 05:09 GMT+7

TTCT - Chuyện trẻ không muốn trở lại trường vào mỗi cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều vì tiếc nuối chuỗi ngày hè rực rỡ trước đó vốn chẳng có gì xa lạ. Người làm cha mẹ cũng muôn phần căng thẳng mỗi khi sắp vào năm học mới. Từ khi có COVID-19, lại thêm nhiều thứ phải lo.

Nếu con sợ ngày tựu trường... - Ảnh 1.

Ảnh: Dreamstime

Mùa tựu trường 2021 đến trên cả nước với bao căng thẳng và những điều chưa từng có trong lịch sử khi học sinh và thầy cô giáo phải khai giảng, dạy và học trực tuyến suốt mấy tháng đầu năm học do đại dịch COVID-19. Việc trở lại học trực tiếp tại các địa phương sau đó cũng rất rón rén với rất nhiều quy định về vệ sinh phòng dịch gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh. Trên thế giới, ngày tựu trường mùa thu năm ngoái tại các nước cũng rất ngổn ngang với bao quy định về khẩu trang, khoảng cách an toàn, sự thông thoáng trong phòng học và những bộn bề của công tác dạy trực tuyến.

Năm nay, nỗi lo về dịch bệnh COVID-19 vẫn hiện hữu dù không căng thẳng như năm trước, song ở Mỹ và có lẽ ở nhiều nước khác cũng thế, các gia đình có thêm một yếu tố gây căng thẳng khác: tình trạng tăng giá của hầu hết mọi mặt hàng do lạm phát xảy ra hầu như khắp nơi.

Những nỗi lo cố hữu

Bác sĩ Allison Chase - giám đốc phụ trách y tế của Trung tâm tâm lý Pathlight Mood and Anxiety Center, Mỹ - cho biết nếu trẻ lo lắng trước ngày đi học trở lại, điều đó cũng là bình thường. Môi trường mới ở trường mới, lớp mới, giáo viên mới, phải làm quen với thời khóa biểu mới, phải bỏ những thói quen trong mùa hè… đều là những vấn đề có thể gây áp lực với trẻ.

Với đa số học sinh, dù có lo lắng, tâm trạng này sẽ qua rất nhanh. Nếu con bạn có biểu hiện lo lắng hoặc tâm sự với bạn về những vấn đề của con về năm học mới, điều bố mẹ cần làm là hỗ trợ mà không làm trầm trọng thêm những lo lắng của con.

Theo Shykita E. Hill - chuyên gia về công tác xã hội ở Trung tâm tâm lý Iredell Psychiatry, bang North Carolina ở Mỹ, tựu trường là ngày trọng đại, kể cả với bố mẹ. Nhiều phụ huynh cũng áp lực về ngày này nhưng mấu chốt là bố mẹ cần bình tĩnh. Trẻ em quan sát và học rất nhiều từ cách phản ứng của người lớn xung quanh. Nếu bố mẹ căng thẳng và lo lắng, trẻ cũng sẽ cảm nhận được điều này và bị ảnh hưởng.

Kế đến là đồng hành. Khi con nói với bạn rằng con lo lắng về các vấn đề liên quan đến năm học mới: giáo viên mới, bài về nhà quá nhiều, trục trặc với bạn bè… hãy lắng nghe một cách chân thành vì bạn muốn con an tâm là mình chia sẻ với những cảm xúc của con và những gì con đang trải qua. Trẻ rất cần sự cảm thông, do đó nói chuyện cởi mở, không phán xét là chìa khóa giúp bố mẹ hiểu con và có thể có cách giúp đỡ con phù hợp.

Tiến sĩ Doreen Marshall, chuyên gia tâm lý, khuyên chúng ta tránh những sai lầm nhiều phụ huynh mắc phải như hạ thấp những nỗi lo của con. Đừng gạt vấn đề sang một bên bằng những câu như: "Chuyện nhỏ ấy mà. Không sao đâu, con sẽ ổn". Thay vào đó, hãy cho con thấy bạn lắng nghe và thấy rằng việc con lo lắng là có cơ sở. Sau đó, nếu con muốn, bạn có thể cùng con lên kế hoạch vượt qua từng vấn đề cụ thể. Cũng có thể con chỉ muốn được tâm sự cho nhẹ lòng mà không cần bạn giúp bất cứ điều gì. Khi đó, việc của bố mẹ là tôn trọng cảm xúc của con (Mẹ biết đó là vấn đề khó khăn) và cho con thấy bạn tin tưởng con có thể tự mình vượt qua.

Bố mẹ cũng nên tránh hỏi những câu ngụ ý rằng con đang có vấn đề phải lo như: "Con có lo về việc học toán với thầy A, cô B năm nay?". Cũng đừng biến cuộc nói chuyện trở thành điều gì đó nghiêm trọng. Bạn có thể hỏi con cả khi cùng đi mua sắm. Càng ít áp lực, con càng dễ chia sẻ.

Trường mới, lớp mới, bạn mới...

Nhờ tham khảo các mẹo từ chuyên gia, tôi đã có thể giải quyết một "nỗi buồn" đầu năm của cậu con trai 10 tuổi của mình cách đây vài ngày.

Năm nay, không giống với 4 năm trước, trường con tôi trộn học sinh hai lớp 5A7 và 5A8 rồi chia đều học sinh hai lớp với nhau. Mỗi lớp đều có 50% học sinh cũ và 50% học sinh mới từ lớp kia, dù từ lớp 1 đến lớp 4 không năm nào lớp của con tôi bị trộn học sinh như thế. Rất nhiều phụ huynh cũng thắc mắc về vấn đề này với cô giáo chủ nhiệm cũ. Nhà trường giải thích rằng năm qua học trực tuyến là chính nên giữa các lớp có sự chênh lệch lớn, vì thế cần trộn học sinh và chia đều các bạn học tốt và chưa tốt cho từng lớp.

Khi tôi thông báo việc trộn lớp với con, khỏi phải nói, bé rất buồn. Con tôi nói con bị mất bạn. Tôi nói với con rằng trước đây khi đăng ký các lớp bóng đá, bóng bàn hay cầu lông đang chơi, con hầu như không biết các bạn tập ở đó nhưng một thời gian sau, các con trở thành bạn bè, thậm chí rất thân nhau. Theo cách đó, việc trộn lớp là cơ hội có thêm nhiều bạn bè mới mà không mất đi các bạn từ lớp cũ vì hai lớp sẽ vẫn sát vách và cùng một dãy lầu. Giờ ra chơi, con muốn chơi với bạn cũ thì vẫn có thể chơi với nhau. Cuộc nói chuyện đã giúp con tôi giải tỏa nỗi buồn về việc bị "mất bạn".

Nếu con lo về trường mới, lớp mới, lời khuyên là nếu có thể, hãy đưa con đi tham quan trường trước ngày tựu trường thực sự. Trong trường hợp con vẫn chưa an lòng, bố mẹ có thể nhờ sự giúp đỡ của thầy cô ở trường. Phụ huynh thường biết trước về thầy cô chủ nhiệm của con. Hãy chia sẻ với thầy cô về vấn đề của con bạn một cách tích cực. Rằng con rất háo hức về ngày tựu trường nhưng có thể một chuyến tham quan trường trước ngày khai giảng sẽ giúp con tự tin hơn. Yêu cầu này không có gì quá đáng và thường các thầy cô đều hỗ trợ vì muốn điều tốt nhất cho trẻ.

Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ lần đầu vào mẫu giáo hoặc trẻ lớp 1, việc ở lại trường với giáo viên, bảo mẫu mà không có bố mẹ là điều khó khăn. Tuy nhiên, trẻ thích nghi tốt hơn chúng ta tưởng và đa số đều ổn rất nhanh sau khi bố mẹ rời đi. Nếu cô giáo xác nhận con bạn "ổn", cách tốt nhất để giúp con tự tin hơn nữa, theo các chuyên gia, là đừng mủi lòng khi nghe con kể về ngày đầu tiên ở trường. Đôi khi, để giúp con cứng cỏi hơn, bố mẹ cũng cần "cứng rắn".

Khen con bằng câu nói này là thích hợp: "Hôm nay con rất giỏi ở trường mẫu giáo. Ngày mai khi đón con, mẹ (bố) hy vọng sẽ nghe chuyện vui ở trường của con". Theo bác sĩ tâm lý Rachel Busman - chuyên gia về các vấn đề về âu lo, cách người lớn phản ứng và tương tác với trẻ rất quan trọng, chúng ta cần thể hiện một chút phớt lờ "cố ý", một chút quan tâm tích cực và rất nhiều sự động viên cho trẻ trong tình huống này.

Trong trường hợp việc phải xa bố mẹ khiến trẻ gặp rắc rối lớn, kéo dài hoặc trẻ ở bất cứ độ tuổi nào vật vã từ chối đến trường, bố mẹ cần tìm sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.■

Năm nay, nhiều phụ huynh trong lớp cuối cấp tiểu học của con tôi đã chia rẽ về việc có một số học sinh không tiêm vắc xin COVID-19 sẽ học cùng với con họ - trẻ đã tiêm vắc xin khi trường lấy thông tin về trình trạng tiêm vắc xin của trẻ trước ngày khai giảng. Không tiêm vắc xin là quyết định riêng của một số phụ huynh, có thể do cơ địa của trẻ, nhưng áp lực của các mẹ trong nhóm Zalo quả là không dễ đối đáp. Ngày tựu trường chưa đến, nhóm phụ huynh đã có "sóng ngầm".

Nghỉ hè nên ngắn hay dài?

Trẻ em ở hai thành phố cùng tên Viborg, một ở Hà Lan và một ở bang South Dakota (Mỹ), có kỳ nghỉ khác xa nhau: 6 tuần và 13 tuần. Đan Mạch, cùng với Đức, Hà Lan và một phần Thụy Sĩ, có kỳ nghỉ hè ngắn nhất trong số các nước giàu, trong khi Pháp, Bồ Đào Nha và Thụy Điển cho học sinh nghỉ dài như Mỹ. Sự khác biệt này có ảnh hưởng thế nào? Theo tờ The Economist, dù học sinh có thể không vui nhưng có nhiều thời gian trên lớp hơn thì tốt hơn cho chính các em lẫn phụ huynh và cả xã hội.

Trong số các lý do để ủng hộ kỳ nghỉ ngắn, tác động của chúng lên chuyện học là dễ thấy nhất. Tạm xa trường lớp quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng summer slide - kiến thức "trượt dốc" trong hè. Nghỉ hè dài cũng ảnh hưởng bên ngoài lớp học. Thời gian trẻ ở trường càng nhiều thì càng dễ dàng hơn cho các bậc cha mẹ bận rộn. Các tiết học ở trường cũng là một hình thức chăm trẻ, dù giáo viên có thích điều đó hay không. Việc kéo dài thời gian đi học được cho là sẽ tăng cơ hội làm việc cho tất cả người làm cha mẹ.

Ngoài ra, kỳ nghỉ dài cũng thúc đẩy bất bình đẳng. Trẻ em nghèo sẽ chịu ảnh hưởng từ việc mai một kiến thức khi nghỉ hè, điều sẽ ảnh hưởng kết quả học tập trong năm học tiếp theo, nhiều hơn so với con em gia đình khá giả. Lý do: nhà có điều kiện sẽ cho con đi trại hè, học ngoại khóa, làm những việc sẽ giúp làm đẹp hồ sơ đại học sau này, trong khi trẻ nghèo chỉ ở nhà và không làm gì cả (hay tệ hơn).

Các nước châu Âu cho học sinh nghỉ hè ngắn tin rằng điều đó sẽ tạo cơ hội đồng đều cho tất cả, trên lớp lẫn ngoài trường học. Những nước có kỳ nghỉ dài cũng cố giảm "tác dụng phụ", chẳng hạn ở Pháp, các gia đình không có điều kiện cho trẻ đi đây đó trong mùa hè có thể gửi con đến các trung tâm giải trí mở ngay tại trường. Các em có lẽ không học được nhiều, nhưng ít nhất là không phiền cha mẹ. Đa số các quốc gia chọn cách làm của Đan Mạch: nghỉ hè 6 tuần và một kỳ nghỉ tương tự đâu đó trong năm.

TỊNH ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận