Nga cho phép… “đàn ông đánh vợ”?

DUY VĂN 25/02/2017 04:02 GMT+7

TTCT- Dưới tựa đề “Cuộc chiến của Duma chống lại phụ nữ: Tại sao nước Nga sắp bỏ trừng phạt tội đánh vợ”, tờ báo Anh The Economist viết “trong khi ở các nước, việc chồng đánh vợ bị coi là tội, thì ở nước Nga là không!”.

Bức tranh minh họa cho bài báo của The Economist cũng tạo ấn tượng ở Nga đàn ông sắp sửa có quyền đánh vợ thoải mái -The Economist
Bức tranh minh họa cho bài báo của The Economist cũng tạo ấn tượng ở Nga đàn ông sắp sửa có quyền đánh vợ thoải mái -The Economist


Tờ báo dẫn lời “các nghị sĩ Nga” nói sự thay đổi này “phù hợp với các giá trị truyền thống”. Bài báo trên The Economist viết: “Nga là một trong ba quốc gia ở châu Âu và Trung Á không có luật về bạo hành gia đình...

Và khi hợp pháp hóa tội bạo hành hồi tháng 6 năm ngoái, Duma quyết định... tội bạo hành gia đình vẫn phải lãnh án tối đa 2 năm, ngang với tội phân biệt chủng tộc có động cơ... Điều này làm nức lòng các nhóm xã hội công dân vốn thúc đẩy luật lệ nghiêm khắc hơn”.

Tiếp đó, bài báo thông tin cuộc làm việc của Duma Nga về việc “hợp pháp hóa bạo lực gia đình”, dẫn lời một nhà bình luận Nga ở một trung tâm ngăn ngừa bạo lực: “Thông điệp chung tới công dân Nga là bạo lực gia đình không phải là tội ác”.

Bài báo gây sốc khiến người ta muốn tìm hiểu thực hư câu chuyện “đánh vợ không bị tội” ấy như thế nào.

Đầu đuôi là thế này: Mùa hè 2016, Nga ban hành luật chống bạo hành, trong đó điều 116 kết tội bạo hành với “người thân” ngang tội bạo hành vì các động cơ tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc, tư tưởng... Điều khoản này làm bùng lên tranh cãi trong xã hội Nga.

Các đại biểu Hạ viện (Duma) và Thượng viện (Hội đồng liên bang), bao gồm bà Elena Mizulina - chủ tịch Ủy ban gia đình và trẻ em trong Hội đồng liên bang - đã trình dự luật đề nghị xóa đối tượng “người thân” ra khỏi luật hình sự này.

Việc đánh đập (tác giả dự luật dùng từ poboj - có nghĩa là đánh roi, đánh đòn) “người thân” sẽ bị xử bằng các biện pháp hành chính. Dự luật này đã được Duma thông qua ngày 27-1-2017 với 380 phiếu thuận, 3 phiếu chống.

Ngày 7-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành đạo luật, thay đổi một số khoản trong điều 116 luật hình sự Nga.

Từ nay, những trận đòn hay bạo hành gia đình nhưng nếu không dẫn tới thương tích và là lần đầu tiên sẽ bị xử bằng các biện pháp hành chính (phạt tiền, câu lưu trong 15 ngày hay lao động cưỡng bức tới 120 giờ)... Nếu tái phạm, những kẻ bạo hành gia đình vẫn sẽ bị xử theo điều 116 của luật hình sự.

Cùng một nội dung, nhưng cách đưa tin của The Economist khiến người đọc dễ liên tưởng những ông chồng Ivan hung bạo từ nay tha hồ được “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với vợ mà không sợ bị trừng trị, và rằng bạo lực gia đình ở Nga có nguồn gốc “văn hóa”, có tính “truyền thống”.

Trong bài, The Economist còn dẫn một ngạn ngữ Nga, na ná kiểu “thương cho roi cho vọt”, để giải thích cho quyết định của Duma. Đặc biệt, tờ báo không đả động gì tới động cơ theo giải thích của các nghị sĩ Nga khi đề nghị sửa luật: bảo vệ gia đình và giáo dục con cái...

Trong khi đó, trên báo chí Nga, những người ủng hộ dự luật cho rằng xung đột gia đình là tội nhẹ, và cần phải giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào gia đình.

Chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin giải thích: “Đạo luật hè 2016 khiến trong một số trường hợp xung đột gia đình dẫn tới tội hình sự, trong khi nếu nó xảy ra với hàng xóm, ví dụ trẻ con đánh nhau với bạn, thì bị xử bằng biện pháp hành chính, và như thế các bậc cha mẹ bị đối xử không công bằng, gia đình bị áp lực”.

Thành viên của Hội đồng xã hội bảo vệ gia đình, bà Anna Kislichenko dẫn chuyện xảy ra ở Đức, khi một bà mẹ tát con trai vì ăn cắp điện thoại của giáo viên, một người đi đường thấy vậy tố cáo khiến bà mẹ bị bắt và đứa con phải vào trại mồ côi.

Bà này đặt câu hỏi: “Ta có muốn đứa trẻ vào trại mồ côi không? Không, chúng ta muốn đứa trẻ không lớn lên thành kẻ cắp”.

Riêng ông Putin có ủng hộ chuyện đánh đòn không - như The Economist viết thì dự luật này là “một phần của việc quay về với chủ nghĩa truyền thống được nhà nước bảo trợ trong nhiệm kỳ thứ ba của Putin” - thì đây, phát biểu của ngài tổng thống:

“Tốt nhất là không nên đánh trẻ em. Và đừng viện dẫn truyền thống vào đây. Trẻ em hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn. Có nhiều cách giáo dục. Nhưng nổi giận là không nên, nó có hại, phá hủy gia đình. Tôi chống lại các tiêu chuẩn thiên lệch của công lý vị thành niên.

Công bằng mà nói, tôi nghĩ quyết định của tôi sẽ được thực hiện trong khía cạnh này. Can thiệp quá mức vào gia đình là không thể”.

Như vậy, ông Putin cũng đâu ủng hộ đánh trẻ em (nói chi là đàn ông đánh vợ theo diễn giải của The Economist). Nhưng ông cũng không ủng hộ “các tiêu chuẩn thiên lệch của công lý vị thành niên” vốn phổ biến ở phương Tây.

Bởi nước Nga, với nền tảng Chính thống giáo, đang đặt vai trò giáo dục và trách nhiệm của phụ huynh cao hơn tự do của trẻ vị thành niên. Đó là góc nhìn của xã hội Nga.

Bỏ qua yếu tố “giật gân” mà tờ The Economist có lẽ sử dụng để hút độc giả, bài báo một lần nữa nhắc ta phải cẩn trọng hơn khi tiếp cận thông tin những ngày này.

Tờ báo còn dẫn lời đồng tác giả dự luật, bà Elena Mizulina cho rằng: “Phụ nữ không bị xúc phạm khi thấy đàn ông đánh vợ”. Thử tìm trên báo chí Nga, bạn sẽ thấy bà Mizulina nói “điều đáng lo ngại hơn trong gia đình Nga hiện nay không phải là bạo hành gia đình”.

Trong trả lời phỏng vấn ngày 28-9-2016, bà nói: “Sự thô lỗ, văn hóa giao tiếp thấp, thiếu tôn trọng người chồng, việc người vợ làm tổn thương người chồng còn tồi tệ hơn việc người chồng đánh vợ”.

Ôi, báo chí!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận