Nga cũng "đau đầu" với du khách Trung Quốc

TƯỜNG ANH 20/11/2019 18:11 GMT+7

TTCT - Du khách Trung Quốc được tiếp đón ở Nga thế nào, và vì sao họ trở thành vấn nạn?

Du khách TQ ở St. Petersburg. Ảnh: vfl.ru
Du khách TQ ở St. Petersburg. Ảnh: vfl.ru

Tờ Kommersant (Doanh Nhân) của Nga đầu tháng 11 này đã dành hẳn một phóng sự điều tra về du khách Trung Quốc (TQ), cố trả lời câu hỏi trên. Bài báo trên cho biết trong năm ngoái, có 1,25 triệu du khách TQ đến Nga. Tỉ lệ này tuy chỉ là 1% trên tổng số người TQ du lịch nước ngoài, nhưng trên thị trường Nga họ là những đối tác đáng chú ý. 

Tuy nhiên, vấn đề du khách TQ “đánh động” Matxcơva mạnh hơn từ hồi tháng 9-2019, sau sự cố quá tải du khách TQ ở Hoàng Thôn (Saint Petersburg), khiến ban giám đốc bảo tàng phải báo động “mã đỏ” lên Matxcơva vì du khách Nga không thể lọt vào đây.

“Thành phố cấm” bên sông Matxcơva

Trên con đường ven sông Matxcơva Frunzenskaya, mỗi buổi sáng luôn đông nghịt các xe buýt chở du khách TQ, dù đây không phải là một địa điểm tham quan: du khách TQ được đưa đến các cửa hiệu nữ trang trên con phố này, tất thảy có sáu cửa hàng.

Nhưng nếu bạn không phải là du khách TQ, bạn chỉ có thể vào một trong sáu cửa hàng này. Nếu bạn tìm cách vào các cửa hàng còn lại, bảo vệ sẽ chặn bạn lại và bảo đây là gian trưng bày riêng, chỉ mở cửa theo yêu cầu.

Hoặc họ sẽ âm thầm treo biển hiệu “kiểm kê”, các cửa sổ đóng kín, phủ màn. Cư dân địa phương cho biết các cửa hàng này, cũng như các đám đông du khách TQ, xuất hiện từ năm 2017.

Các cửa hàng “chỉ dành cho người TQ” cũng đã xuất hiện ở Saint Petersburg. Chẳng hạn, một cửa hàng như vậy đã hoạt động hai tháng qua sau những bức tường của pháo đài Petropavlovsaya. Sau khi tham quan Bảo tàng Hổ phách, du khách TQ sẽ được đưa lên tầng hai để mua sắm. Giá cả ở đó cao hơn mức giá bình quân, đồ trang sức hổ phách có giá lên tới vài triệu rúp. Theo báo chí địa phương, chủ cửa hàng là một người TQ Yasha Lee.

Tháng 8-2019, Ngân hàng Trung ương Nga lần đầu tiên đã gọi du khách TQ là những người đứng đầu trong tổng chi tiêu ở Nga. Thế nhưng họ cũng lưu ý rằng con số 264 triệu USD chính thức mà người TQ để lại Nga trong 3 tháng đầu năm 2019 chỉ chiếm 40% số tiền họ thực chi. Số tiền còn lại vẫn nằm trong bóng tối.

Nhà hàng Tàu ở St. Petersburg được cho là lớn nhất châu Âu. Ảnh: KP
Nhà hàng Tàu ở St. Petersburg được cho là lớn nhất châu Âu. Ảnh: KP

“Châu về hợp phố”?

Bài điều tra trên Kommersant chỉ ra hai vi phạm phổ biến nhất trong các “cửa hàng cho người mình” này: dòng tiền không được tính, bao gồm nhân dân tệ và các giao dịch qua các hệ thống thanh toán của TQ WeChat Pay và Alipay.

Du khách TQ không xài đồng rúp, cũng chẳng quẹt thẻ tín dụng. Đi du lịch, họ chỉ cần một điện thoại di động với hai ứng dụng trên. Khi chi xài, họ chỉ cần quét mã QR, không cần thuế khóa, hóa đơn, tiền vẫn nằm ở TQ và các giao dịch này không được dịch vụ thuế Nga ghi nhận.

Bình quân mỗi cửa hàng nữ trang hổ phách trên Frunzenskaya tiếp 400 khách mỗi ngày. Một số cửa hàng bán các loại đá giả dưới danh nghĩa đá tự nhiên, vàng và hổ phách tuổi thấp lại được bán với giá hàng chất lượng cao, mà du khách TQ chỉ phát hiện khi về nước và đem hàng đi đo lại.

Vấn đề là các cửa hàng này được thuê theo mùa, đứng tên người Nga, nhưng thực tế điều khiển hoạt động là thương nhân TQ. Theo Kommersant, có tất cả 7 doanh nghiệp mua bán trang sức loại này đăng ký hoạt động, một số không có tên giao dịch (trade name), có nghĩa chúng hoạt động bất hợp pháp.

Và đây không phải lần đầu tiên các phương tiện truyền thông Nga lên tiếng về vấn nạn này. Tại Saint Petersburg, cố đô Nga với những danh thắng và di tích lịch sử, văn hóa lừng danh, những lời ta thán về du khách TQ đã xuất hiện vài năm nay.

Theo trang web tin tức Saint Petersburg Fontana.ru, các cửa hàng “kín” chỉ phục vụ hổ phách hoặc hàng lưu niệm cho du khách TQ đã xuất hiện từ 5 năm trước. Một bài báo trên trang này năm 2017 đã lưu ý: doanh thu thị trường hằng năm của dòng khách TQ ở Saint Petersburg là 20 tỉ rúp.

Và đó chỉ là của một mùa du lịch, tức trong sáu tháng (từ tháng 6 đến tháng 11). Thế nhưng ngân sách của thành phố cũng như các quầy vé của thành phố lại không thấy những đồng tiền này.

Vấn đề ở chỗ, theo Fontana.ru, chuỗi du lịch từ TQ là một hệ thống quốc gia khép kín. Nó được chính các công dân TQ kiểm soát - những chủ sở hữu các công ty du lịch nhỏ trốn trong các tầng hầm của các tòa chung cư, các nhà hàng và cửa hiệu bán hổ phách.

Cũng không có gì bí mật khi du khách TQ chỉ tham quan các danh thắng từ bên ngoài và không mua vé vào trong, ngoại trừ Bảo tàng Hermitage, Cung điện Catherine với phòng hổ phách, và đài phun nước Petrodvorets.

Làm việc với các nhóm du khách TQ là các hướng dẫn viên (HDV) bất hợp pháp, các công dân trẻ TQ, trong khi các HDV Nga, được cấp phép hành nghề lại thất nghiệp. Họ am hiểu ngôn ngữ, nhưng lại không có việc làm do không nằm trong “guồng” các HDV mà để nhận việc hướng dẫn du khách, phải trả tiền “bảo kê” cho các chủ sở hữu các công ty du lịch (cũng là người TQ).

Giá cho mỗi mùa du lịch có khi vượt hơn 10.000 USD (theo thời giá năm 2017). Đền bù lại chi phí này là khoản thu ở các cửa hàng lưu niệm, trang sức hổ phách. Các HDV có nhiệm vụ thuyết phục du khách rằng “hổ phách là loại đá quý sở hữu các đặc tính chữa bệnh và thần bí.

Thế chiến thứ hai đã xảy ra vì Hitler muốn chiếm hữu phòng hổ phách”. Thậm chí để thu hút sự quan tâm của du khách, các HDV thường đeo trên cổ các chuỗi hổ phách lớn.

Các cửa hàng này, vẫn theo Fontana.ru, không cho người ngoài vào vì nó hoạt động theo luật du lịch nghiêm ngặt của TQ: theo đó, không được đưa du khách TQ đến các cửa hàng mà giá cao hơn giá bình quân 20%. Nếu du khách có thể chứng minh đó là hàng giả, công ty du lịch buộc phải bồi thường - có thể lên tới 10 lần giá tiền mua hàng.

Đây là cách Bắc Kinh đấu tranh với mô hình kinh doanh du lịch châu Á, theo đó du khách được bán vé tour cực rẻ, mà lợi nhuận thực sự lại thu được tại lãnh thổ quốc gia khác, khi du khách “được” đưa vào các cửa hàng chuyên biệt với giá trên trời. Cửa hàng và công ty du lịch ở TQ thường là một phần của hệ thống, đôi khi thậm chí là của một công ty mẹ.

Kế hoạch này đã được các công ty du lịch TQ thực hiện ở Thái Lan, nơi mỗi năm có tới 5 triệu du khách TQ tới tham quan. Nhưng sau khi Bắc Kinh siết chặt các quy định, các doanh nghiệp du lịch TQ phải tìm kiếm thị trường mới, nơi họ không bị chống đối. Và thị trường mới đó là Nga. Các cửa hàng hổ phách “cho người mình” là một hạt nhân then chốt trong chuỗi du lịch của TQ.

Du khách TQ cạnh một cửa hàng trên đường ven sông Matxcơva Frunzenskakya. -Ảnh: kommersant.ru
Du khách TQ cạnh một cửa hàng trên đường ven sông Matxcơva Frunzenskakya. -Ảnh: kommersant.ru

“Những du khách miễn phí”

Một số blogger Saint Petersburg đã mỉa mai gọi các du khách TQ như thế. Các cư dân mạng lâu đời sống ở cố đô Nga đã kể lại các chiêu thức làm ăn của du lịch TQ: Đầu tiên, họ cho những đội tiền trạm “đổ bộ”, mua lại các bất động sản, khách sạn, tổ chức những “trung tâm văn hóa”, nhà ăn, cửa hàng, nhà nghỉ, thậm chí chuyển đổi các căn hộ thành những nhà nghỉ mini, quán cà phê...

Sau đó, họ tổ chức các dòng khách TQ đi các tour “trọn gói”: du khách được bán những tour giá rẻ, với điều kiện họ phải ký vào các hợp đồng, theo đó họ chỉ được chi tiền mua sắm lưu niệm ở một số điểm nhất định (là những cửa hàng lưu niệm của “người mình”).

Ở Saint Petersburg có nhà hàng Tàu lớn nhất châu Âu: bốn tầng với 2.000 chỗ ngồi, nằm trong trung tâm thương mại TQ Lenexpo, chỉ phục vụ khách TQ. Hiện ở thành phố này có khoảng 10.000 người TQ sinh sống, 50% trong số đó là sinh viên đại học. Họ mua lại các nhà máy và phân xưởng nhỏ, nhưng phần lớn sống nhờ vào du lịch của đồng hương sang đây.

Đó là lý do dòng tiền du lịch không chảy bao nhiêu vào ngân sách nước sở tại. Vì thế, dù 5 năm qua, số du khách TQ đổ vào Saint Petersburg tăng 100%, nhưng chính quyền sở tại không lấy làm vui mừng, vì cùng với đó là một “nền kinh tế ngầm” gây thiệt hại.

Một điều quan trọng khác, làm không ít cư dân Nga phàn nàn có lẽ là sự khác biệt văn hóa. Ghi nhận của tác giả Y. Kolesnikov trên tờ Tin Tức Mới ngày 29-7-2019: “Thời gian gần đây, khách TQ hầu như có mặt ở tất cả các khách sạn lịch sự của cố đô. Theo lời quản lý khách sạn Helvetia Yunis Teymurkhanly, người TQ giao tiếp ồn ào, nóng nảy, gây phiền hà cho những vị khách khác.

Ở đây cần hiểu tính cách người TQ. Họ đã quen nói chuyện lớn tiếng, với sự nhiệt tình, đông người, nói lâu và nói dài. Chưa kể nạn xả rác. Vì thế, nếu bạn đến các vùng ngoại ô như Pushkin hay Petergof, và được thông báo là “mùa này chúng tôi đón khách TQ”, có nghĩa họ đang ngầm mách: “Chạy đi, lữ khách ơi, hãy chạy đi!”.

Hướng dẫn viên trời ơi đất hỡi !

Các nhà báo Saint Petersburg đã tiến hành một thử nghiệm liên quan đến các HDV du lịch người TQ: ghi âm thuyết minh của các HDV TQ trước các đồng bào của họ rồi chuyển cho các nhà TQ học người Nga dịch lại. Dưới đây là tóm tắt một số giới thiệu danh thắng Saint Petersburg cũng như về xã hội Nga của các HDV này:

“Chỉ vào tượng Kỵ sĩ đồng: Con rắn không tình cờ xuất hiện trong quần thể điêu khắc. Vấn đề ở chỗ, tại Nga, rắn là con vật linh thiêng, gần giống như con bò ở Ấn Độ” (trong khi con rắn bị chà đạp dưới móng ngựa của Kỵ sĩ đồng biểu hiện cho sự xảo quyệt và ác độc của những kẻ thù nước Nga và Pyotr Đại đế).

“Trên lãnh thổ pháo đài Petropavlovskaya, chỉ vào tòa nhà của lính canh được xây cuối thế kỷ XVIII: Đây là tòa nhà đầu tiên mà Pyotr Đại đế dựng lên ở St. Petersburg - nơi ông sống cùng gia đình”.

“Bên tượng đài Pyotr của điêu khắc gia Shemyakin: Tượng đài này là món quà của Thụy Điển tặng St. Petersburg. Vâng, phần lãnh thổ này Nga lấy của người Thụy Điển, nhưng những người này hóa ra rất có giáo dục”.■

Một hướng dẫn viên du lịch người TQ ở Hoàng Thôn, St. Petersburg. Ảnh: kommersant.ru
Một hướng dẫn viên du lịch người TQ ở Hoàng Thôn, St. Petersburg. Ảnh: kommersant.ru

Hai cách làm

Theo dự báo của Credit Lyonnais Securities Asia, đến năm 2020, số lượng du khách TQ đi nước ngoài sẽ tăng 200 triệu mỗi năm. Nga chỉ là một trong 10 điểm đến phổ biến nhất của du khách TQ. Trong số này còn có Campuchia và Úc.

Ở Campuchia cũng có bức tranh tương tự Nga về nạn kinh doanh du lịch trong bóng tối. Sau những cuộc biểu tình năm 2013 - 2014 ở Campuchia, phương Tây đã rút lại nhiều chương trình viện trợ đất nước này. Các nhà đầu tư TQ đã trở thành một lựa chọn không chỉ về kinh tế, mà còn là địa chính trị. Năm 2015, Thủ tướng Hun Sen đã mời TQ phát triển thành phố nghỉ mát Sihanoukville.

Kommersant viết: “Trong những năm 2015 - 2018, số các chuyên gia, doanh nhân và nhà xây dựng đến đây đông đến độ hiện họ đã chiếm 20% dân số: tới 40.000 người. Lưu lượng khách TQ tới đây giai đoạn này trung bình mỗi năm tăng gấp đôi, đến năm 2018 lên tới 2 triệu người.

Đa số họ đến thành từng nhóm có tổ chức, đi theo một tuyến đường đã định trước, ở trong các khách sạn TQ và mua hàng trong các cửa hàng thuộc sở hữu của người TQ. Và mặc dù dòng người TQ này đã tạo công ăn việc làm cho địa phương, nhưng đồng thời nó cũng đóng cửa Shihanoukville cho du lịch nội địa!”.

Trong khi đó, Úc làm khác hẳn. Dòng khách TQ đổ vào đây từ 300.000 người năm 2009 lên 1,5 triệu người năm 2018, nhưng khách bị buộc phải sử dụng hạ tầng có sẵn thay vì cho phép họ tự xây dựng.

Theo Tổ chức du lịch quốc gia Tourism Australia, trước hết, điểm nhấn được đặt vào việc thu hút du lịch cá nhân từ tầng lớp trung, thay vì các chương trình nhóm. Thứ hai, đào tạo các HDV địa phương biết tiếng Hoa, giảm mức cầu đối với các nhà hàng và cửa hiệu “của người mình”.

Thứ ba, cách thanh toán phổ biến của người TQ sử dụng mã QR trong Alipay và WeChat cùng các hệ thống khác đã được tích hợp vào hạ tầng thương mại và du lịch Úc. Nó làm giảm cơ hội cho các doanh nghiệp làm ăn trong bóng tối.

Theo Tin Tức Mới, mới đây các nhà điều hành tour và các HDV du lịch người Nga ở St. Petersburg đã phàn nàn về nạn “mafia TQ” lên thanh tra viên kinh doanh của tổng thống Nga, ông Bori Titov.

Thư ngỏ nói “lĩnh vực du lịch nội địa đang nằm dưới sự kiểm soát của các công ty TQ - đối tượng của việc làm ăn đen tối”, và yêu cầu bảo vệ các HDV Nga trước cuộc cạnh tranh bất hợp pháp từ các đồng nghiệp TQ bằng một dự luật liên bang về giấy chứng nhận bắt buộc của các HDV. Ông Titov cho biết đã chuyển thư ngỏ lên tổng thống Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận