Ngân hàng nhỏ phục vụ to

HẠ LAM 20/05/2023 06:42 GMT+7

TTCT - Bức tranh ngân hàng Mỹ không chỉ có những nhà băng siêu to khổng lồ, phải lo chuyện quá lớn để sụp đổ, mà còn có những định chế tài chính nhỏ hơn nhưng vai trò với cộng đồng thì to lớn không kém.

Theo Hiệp hội Ngân hàng độc lập Mỹ (ICBA - tổ chức dành cho các nhà băng nhỏ nước này), Mỹ có hơn 4.000 ngân hàng cộng đồng, hay ngân hàng địa phương/ngân hàng nhỏ, cung cấp khoảng một nửa số tiền vay của cả nước cho các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp này có thể chỉ là một tiệm giặt khô hay một phòng khám mắt.

Nói với Quartz, Paul Merski, phó chủ tịch điều hành ICBA ở Washington, cho biết các ngân hàng cộng đồng đã hoạt động qua nhiều thế hệ và hỗ trợ khách hàng vượt qua các cuộc suy thoái, khủng hoảng, cũng như các trận đại dịch, thiên tai trước đây. 

Giữa bối cảnh không hiếm các ngân hàng nhỏ ở Mỹ bị thâu tóm, một bộ phận trong số đó đã từ chối về với những "ông lớn" và tiếp tục giúp đỡ không ít cho cộng đồng.

Nhỏ mà có võ

Natalie Miller và Nathan Hartswick là đôi vợ chồng bầu sô hài kịch dày dặn kinh nghiệm với 8 năm tự tổ chức biểu diễn khắp các tụ điểm quanh bang Vermont, nhưng khi họ muốn vay vốn mở một câu lạc bộ hài kịch ở thành phố Burlington, chẳng ngân hàng nào gật đầu. 

Các nhà băng lớn không mấy tin tưởng kế hoạch cải tạo một tòa nhà thành câu lạc bộ mà họ đề xuất, đơn giản chỉ vì chưa từng có một câu lạc bộ hài kịch nào ở Vermont trước đây.

Cuối cùng, chỉ có Opportunities - một hợp tác xã cho vay quy mô nhỏ có trụ sở ở thành phố Winooski cùng bang - trao cho họ cơ hội như đúng cái tên của tổ chức tín dụng này (opportunity nghĩa là cơ hội). 

Nhân viên của Opportunities trao đổi chi tiết và đi đến quyết định cho hai vợ chồng vay vốn. Thế là Miller và Hartswick thành lập nên Câu lạc bộ hài kịch Vermont tại một cơ sở từng là kho vũ khí trên Phố Main vào năm 2015. Hiện câu lạc bộ biểu diễn năm đêm một tuần, theo tuần báo của bang Seven Days.

Trụ sở hợp tác xã cho vay Opportunities ở Vermount. Ảnh chụp từ Google Maps

Trụ sở hợp tác xã cho vay Opportunities ở Vermount. Ảnh chụp từ Google Maps

Một tổ chức tín dụng như Opportunities cung cấp các sản phẩm, dịch vụ rất giống ngân hàng, nhưng cả hai khác nhau về mô hình kinh doanh. Ngân hàng là doanh nghiệp hoạt động phục vụ khách hàng vì lợi nhuận, còn hiệp hội tín dụng là tổ chức phi lợi nhuận do các thành viên sở hữu.

Lợi thế của các hiệp hội tín dụng cộng đồng nằm ở chỗ ngay cả một tổ chức nhỏ bé chỉ có tài sản trị giá 53 triệu đô la như Opportunities cũng có quyền sử dụng các bảo lãnh của liên bang cho một số khoản vay. 

Nhờ vậy, tổ chức tín dụng nhỏ có thể linh hoạt tính đến các tài sản vô hình, chẳng hạn như sự nhạy bén trong kinh doanh của người đi vay hay lợi ích tiềm năng cho cộng đồng từ dịch vụ của họ, và chấp nhận chịu rủi ro để cho doanh nghiệp vay, trong khi những ngân hàng lớn không được phép làm vậy.

Hơn nữa, nói về linh hoạt định giá tài sản vô hình của doanh nghiệp, các ngân hàng lớn không có trụ sở tại địa phương rõ ràng khó có thể sánh với các nhà băng "thổ địa" vốn nắm rõ tiểu sử của cả doanh nghiệp cần vay lẫn tệp khách hàng của công ty trong lòng bàn tay. Ở chiều ngược lại, người đi vay cũng biết rõ về chủ sở hữu của ngân hàng địa phương mà họ vay.

Các ưu điểm trên lý giải vì sao từng có một thời những ngân hàng nhỏ tại địa phương và các tổ chức tín dụng độc lập là trụ cột kinh tế của Vermont. Theo Seven Days, vào năm 1925, có tới 59 tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép hoạt động tại bang này. 

Các hiệp hội tín dụng phát triển nhanh chóng trong những thập niên sau đó, khiến con số tăng lên 72 hiệp hội có trụ sở đặt tại Vermont vào năm 1968, theo số liệu của Sở Quản lý tài chính Vermont.

Tuy nhiên, làn sóng hợp nhất từ các nhà băng lớn trong nhiều năm qua khiến số lượng hiệp hội tín dụng tại Vermont sụt giảm còn 20 và ngân hàng địa phương chỉ còn 6 tính tới năm 2020. 

Mới đây nhất, Hiệp hội Tín dụng nhân viên bang Vermont, gọi tắt là VSECU, sáp nhập với Hiệp hội Tín dụng liên bang New England, hay NEFCU, vào ngày 1-1, tạo nên một tổ chức tài chính phi lợi nhuận lớn nhất tại Vermont, do hơn 160.000 thành viên sở hữu, với tài sản hơn 3 tỉ USD và 460 nhân viên.

Song song đó, vẫn có ngân hàng quy mô nhỏ mới được thành lập, điển hình là Ngân hàng Burlington chính thức ra mắt ngày 2-8-2022. Đây là ngân hàng cho vay B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) đầu tiên ở Vermont.

Sự tồn tại của những ngân hàng và tổ chức tín dụng nhỏ như Burlington hay Opportunities đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự cần thiết và hiệu quả của mô hình này cũng được minh chứng bằng thành quả là những đêm cháy vé của Câu lạc bộ hài kịch Vermont.

Nhờ khoản vay năm xưa, vợ chồng chủ câu lạc bộ đã giúp rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn địa phương có cơ hội đổi đời, một số còn được mời diễn tại những sân khấu lớn hơn. Các lớp hài kịch ngẫu hứng và độc thoại do câu lạc bộ mở cũng nhanh chóng kín học viên. 

Miller và Hartswick còn mở thêm một quán cà phê trong không gian câu lạc bộ kịch. Họ đã trả hết khoản vay vào tháng 2-2022.

Nhà băng nhỏ nhất nước Mỹ

Theo Bloomberg, Kentland Federal Savings and Loan là ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ.

Với chỉ 3 triệu USD tài sản, Kentland Federal Savings and Loan không có dịch vụ ATM, trang web, không thu phí và có trụ sở cũng là văn phòng duy nhất ở thị trấn Kentland, bang Indiana. Về cơ bản, khách hàng chỉ có thể thực hiện hai giao dịch ở ngân hàng này: vay mua nhà và mở tài khoản tiết kiệm hoặc chứng chỉ tiền gửi.

Quy trình thủ tục giấy tờ diễn ra theo đúng nghĩa đen. James A. Sammons là thế hệ thứ tư trong gia đình điều hành ngân hàng hơn 100 tuổi này và cũng là nhân viên toàn thời gian duy nhất ở đây. Ông thừa nhận mình không rành công nghệ và cũng không đủ kiên nhẫn sử dụng máy tính thay cho hình thức thủ công, dẫu biết rằng nó rất hữu dụng.

James A. Sammons, ông chủ thế hệ thứ tư của ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ Kentland Federal Savings and Loan.  Ảnh: Newton County Enterprise/ Gregory Myers

James A. Sammons, ông chủ thế hệ thứ tư của ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ Kentland Federal Savings and Loan. Ảnh: Newton County Enterprise/ Gregory Myers

Trợ giúp cho Sammons là Michelle Alexander, giao dịch viên bán thời gian duy nhất của ngân hàng. Alexander thường đến chỗ làm lúc 9h sáng và bắt đầu mọi việc hoàn toàn bằng tay. Thứ máy móc độc nhất mà cô sử dụng là máy viết mã truyền thống để viết séc, nhưng máy này cũng vận hành bằng tay nốt.

Cụ cố nhà Sammons thành lập ngân hàng này vào năm 1920. Kể từ đó, các thế hệ kế nghiệp chưa từng thay đổi bất cứ điều gì trong hơn 100 năm quản lý ngân hàng. "Chúng tôi là nhà băng duy nhất không đóng cửa trong đợt sụp đổ chứng khoán vào cuối những năm 1920. Mọi người đến đây đều cảm thấy an toàn vì biết tiền của họ sẽ không biến đi đâu mất" - Sammons chia sẻ.

Ngân hàng nhà Sammons có thể tiếp tục hoạt động độc lập nhờ ra đời trong thời kỳ có quy định khác hoàn toàn hiện tại. Tuy nhiên, giới chức địa phương đang lo ngại rằng nhà băng này quá nhỏ để tồn tại trong bối cảnh nguồn tài sản của nó đang co lại.

Hiện tại, Kentland chỉ cho vay mua nhà với khoảng 40 khách hàng. Khi khách hàng của họ qua đời, nhà băng cũng không có thêm khách mới thuộc thế hệ trẻ bởi họ không thích sử dụng dịch vụ ngân hàng mà phải làm việc hoàn toàn trực tiếp.

Chính ông Sammons cũng cho rằng có lẽ việc kinh doanh của gia đình sẽ chấm dứt ngay ở đời ông vì cả bốn con trai ông đều không muốn kế nghiệp. "Một khi tôi dừng lại, bất kể vì giới chức thúc giục hay tôi chủ động, ngân hàng chắc chắn sẽ bị mua lại", ông nói.

Một lý do khác buộc ngân hàng phải đóng cửa là biên lợi nhuận ít ỏi. Theo Sammons, dù ngân hàng của ông hút khách địa phương nhờ lãi suất tiết kiệm và vay mua nhà hấp dẫn, nhà băng cha truyền con nối này không có thêm bất kỳ một khoản thu nào khác. 

Thực tế, Kentland chưa từng thu phí của khách hàng: không phí ATM, không phí chuyển khoản và không phí giao dịch dưới bất kỳ hình thức nào, chỉ đơn giản vì "Chúng tôi không muốn như vậy. Nó đi ngược với những gì chúng tôi tin tưởng".

Cái khó của ngân hàng nhỏ

Theo Quartz, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cộng đồng tùy chỉnh gần như mọi khoản cho doanh nghiệp nhỏ vay để phù hợp với thị trường địa phương.

Thế nhưng, phần lớn các khoản vay đó có điều khoản cho phép người vay yêu cầu hoãn trả nợ, nghĩa là món nợ sẽ đè lên vai bản thân các ngân hàng địa phương - vốn thường có tài sản không quá 10 tỉ USD, và thế là những nhà băng nhỏ này cũng cần hỗ trợ.

Mặt khác, trong khi hệ thống ngân hàng ở Mỹ đã được điện tử hóa từ nhiều năm qua giống như hầu hết mọi dịch vụ khác, một số ngân hàng địa phương vẫn hoạt động theo kiểu truyền thống bằng cách phỏng vấn trực tiếp khách hàng có nhu cầu vay.

Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội diện rộng do COVID-19, những việc đơn giản trước đây như xin công chứng chữ ký hoặc đánh giá thực tế tài sản trở thành cả một vấn đề đối với các ngân hàng nhỏ không ứng dụng công nghệ.

Họ chỉ có thể thích ứng bằng cách tạm thời nới lỏng các quy tắc về thẩm định và sử dụng các hồ sơ thuế gần đây để thay thế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận